“Thực phẩm” cho nhân tài
SATS là một công ty niêm yết tên tuổi trên thị trường chứng khoán Singapore, cung cấp dịch vụ mặt đất và suất ăn hàng không cho khách hàng của họ tại 55 thành phố, 47 phi trường xuyên 14 nước châu Á và Trung Đông. Công ty này cũng cung cấp cho hàng ngàn nhân viên của mình ở khắp nơi một loại thức ăn đặc biệt mang tên “Thức ăn cho não”.
Đây là một gói giấy bạc chứa 7 “món ăn” không thể ăn được nhưng lại mang một ý nghĩa rất đặc biệt với những khẩu hiệu đính kèm, tặng cho nhân viên. Nó gồm có: một chiếc tăm với ý nghĩa “hãy học cách lấy những giá trị tốt đẹp từ người khác”; một chiếc vòng thun với ý nghĩa “học cách linh động và thích nghi với những kiến thức mới”; một miếng băng dán cá nhân với ý nghĩa “học cách chữa lành những xúc cảm đau thương cho mình và những người khác”; một chiếc bút chì với ý nghĩa “học cách viết những điều hạnh phúc mỗi ngày”; một miếng nhãn dán với ý nghĩa “học cách rút kinh nghiệm và loại bỏ thói quen xấu cũng như học cách gắn vào cuộc đời những thói quen tốt”; một chiếc kim kẹp bằng gỗ có hình trái tim với ý nghĩa “học cách trân trọng và mở rộng sự quan tâm đến mọi người mỗi ngày”; một gói trà túi lọc với ý nghĩa “học cách thư giãn và viết tiếp những hạnh phúc của cuộc đời bạn”.
Cách mà SATS muốn nhắn nhủ với người lao động của họ dù mang một ý nghĩa độc đáo, có phần ẩn dụ, nhưng tựu trung vẫn là cách mà các nhà quản trị Singapore phát triển tư duy lãnh đạo con người, hướng đến nhân tài của họ, trong một quốc gia khan hiếm tài nguyên và dựa vào chất xám con người là chính. Gần đây nhất, thương hiệu du lịch của Singapore cũng đã thay đổi với khẩu hiệu “Passion Made Possible”. Theo đó, Chính phủ Singapore muốn dùng nhân tài như một hấp lực thu hút khách du lịch đến đất nước này. Rộng hơn nữa, những quốc gia “máu mặt” trong châu Á như Singapore đang chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế tri thức để gia tăng tính cạnh tranh quốc tế, hướng đến cơ giới hóa trong lao động cơ bản thì việc đòi hỏi cách dụng, giữ con người, đặc biệt là người tài lại càng quan trọng.
Đoàn chúng tôi gồm 60 thành viên là các doanh nhân, nhà quản trị doanh nghiệp trong các công ty Việt Nam và đa quốc gia tại Việt Nam đã nỗ lực tìm hiểu lời giải về bài toán nhân sự tại quốc đảo xinh đẹp này. Theo hướng dẫn của SHRI, một tổ chức tư vấn nguồn lực hàng đầu được Chính phủ Singapore bảo trợ và Talentnet, tổ chức tư vấn nhân sự có uy tín tại Việt Nam, chúng tôi đã khám phá câu chuyện trong lòng tổng hành dinh các công ty đang tạo được tăng trưởng rất ấn tưởng tại Singapore là Công ty SATS (hàng không), Sentosa (du lịch-bất động sản), SAP, Cisco, Dimension Data (công nghệ cao) và NatSteel (công nghiệp). Họ cũng là đại diện cho các ngành trọng điểm trong nền kinh tế của Singapore lúc này.
Doanh nhân và các nhà quản trị từ Việt Nam trong tour tìm hiểu các công ty nổi tiếng tại Singapore do Talentnet tổ chức. |
Không có gì bàn cãi về các con số kinh doanh được đưa ra để chứng minh thành công của các công ty này, nhưng điểm đáng chú ý là sự nhấn mạnh về cách tạo động lực cho con người ở họ để làm nên tăng trưởng, đặc biệt là ở nguồn trí thức trẻ trong các công ty công nghệ, một đại diện rất quan trọng trong nền kinh tế Singapore.
Điểm đến công nghệ đầu tiên là Dimension Data, một công ty công nghệ quyền lực với doanh thu 230 triệu USD, 19 quốc gia, cùng 550 nhân công, trong đó Dimension Data Singapore đóng góp lớn nhất. Có lẽ vì vậy, bạn dễ dàng nhận ra những người trẻ ở Dimension Data không khác với trí thức trẻ hiện đại ở Singapore, khi họ đã thay đổi quan điểm “Cân bằng công việc - cuộc sống” (Work-Life Balancing) sang “Làm trong chơi, chơi trong làm” (Work-Life Integration).
Họ làm việc như những chú ong cần mẫn phần lớn trong các văn phòng được thiết kế cá tính, hiện đại, tích hợp tiện nghi văn phòng - giải trí - góc thư giãn. Ở Singapore, bạn cũng bắt đầu dễ nhận ra cách trí thức trẻ làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi đan xen trong từng thời khắc, tại chính nơi làm việc của họ. Nó hình thành kiểu văn hóa làm việc sáng đèn gần nửa khuya ở các cao ốc tại những nền kinh tế mang khát vọng bứt phá như Hàn Quốc, Nhật trước kia và Singapore rất mạnh mẽ lúc này.
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Dimension Data xem việc “điều nghiên” hồ sơ từng cá nhân trong hệ thống của họ thường xuyên là rất quan trọng. Tư duy nguồn nhân lực của công ty này là “phải thấu hiểu mục tiêu và ước vọng của nhân viên” thì mới có thể giữ họ lại lâu dài. Nó thể hiện lời giải quan trọng của các nhà lãnh đạo mới tại Singapore nói chung, đó là “công việc và cuộc sống - chúng không có ranh giới”.
SAP, Cisco cũng gần quan điểm như Dimension Data. Cứ vào mỗi quý, lãnh đạo SAP sẽ tập hợp các nhân viên, để lắng nghe và để hiểu rõ 3 vấn đề: Điều gì khiến nhân viên làm tốt công việc của họ? Điều gì công ty phải điều chỉnh trong thời gian tới cho phù hợp? Mục tiêu sắp tới trong công việc mà nhân viên mong muốn là gì? SAP gọi đó là “hỏi nhiều, hiểu sâu” và thói quen quản trị này đã giúp SAP tăng mức độ gắn kết của nhân viên lên 24% những năm gần đây và giữ được số năm làm việc của nhân lực trung bình lên đến 5 năm”. Dĩ nhiên, họ cũng có một hệ thống gọi là “Tổng đài HR điện tử SAP” để giúp cho sự chia sẻ, thắc mắc từ nhân sự được chuyển tải, hồi đáp nhanh nhất.
Một điều dễ nhận thấy là khi trình độ quản trị công nghệ trong các công ty đã phát triển “thượng thừa” thì nhu cầu đòi hỏi “gắn kết và chia sẻ” lại càng cấp thiết. Ngỡ như các công ty công nghệ như Dimension, SAP, Cisco sẽ vận hành nhân sự theo các quy chuẩn KPI cứng nhắc thì trên thực tế ở đó, hàng chục module về nhân sự được chia sẻ từ các công ty này đã cho thấy, họ hướng đến những giá trị nhân bản quan trọng, đặc biệt nhất là việc đưa ra những hành động để quan tâm và chia sẻ y tế cho toàn bộ nhân viên và gia đình của họ.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến đi đã không ngừng nghĩ về một sự chuyển đổi trong mô hình “công việc - cuộc sống” của nhân lực trong công ty của mình cũng như làm sao để “lắng nghe - thấu hiểu”. Theo ông Lê Tấn Phước, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ lạnh Searefico, cho biết, chuyến đi này đã mang đến cơ hội học hỏi quý giá cho các doanh nghiệp từ Việt Nam và trên hết là truyền cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo mới về công tác quản trị nhân lực tại Searefico. “Nguồn lực luôn là một bài toán chiến lược thú vị và thử thách, nhưng tôi tin khi chúng ta cùng ngồi xuống và bắt đầu hỏi “tại sao”, nghĩa là chúng ta đã tiến gần hơn nhiều bước đến việc xây dựng một nguồn lực hiệu quả”, ông Phước cho biết.
Có lẽ đây là bài học không đơn giản! Đó không chỉ là một sự đầu tư bằng tiền. NatSteel, một công ty thép hàng đầu về thị phần ở Singapore và nhiều nước trên thế giới, đang dành khoảng 2% doanh thu để tái đầu tư vào các hoạt động xây dựng đội ngũ, phát triển con người, nhưng lãnh đạo tập đoàn này nói họ phải cộng thêm vào đó tâm huyết và tình cảm của nhà quản trị. Giúp nhân viên “mở được lòng mình” là giúp cho công ty này ổn định nguồn lực với tỉ lệ chuyển việc rất thấp (chỉ 3%) so với ngành, năng suất lao động tăng đến 66% và đạt trên 80% mức độ hài lòng từ nhân viên đối với doanh nghiệp trong suốt lịch sử phát triển của họ.
Cũng như Singapore, các nhà lãnh đạo phương Đông, trong đó có Việt Nam đang đối mặt với sự chuyển biến rất nhanh của kinh tế và công nghệ. Singapore đã mở ra một tư duy mới về con người và công việc để sẵn sàng thích nghi, bên cạnh giữ lại những truyền thống tốt đẹp nhất. Châu Á có thể đổi thay và dường như các doanh nghiệp Việt trong hành trình này cũng đã nghĩ về một sự chuyển đổi mới.
Trần Trọng Tú