Thứ Hai | 24/08/2015 11:28

Thiếu tiền cho các tài năng thể thao trẻ !

Ở Việt Nam có được bao nhiêu người may mắn như Ánh Viên hay Hoàng Nam có cơ hội tiếp cận ngân sách hay sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn?

Sau thành công lớn tại Sea Games 28, ngôi sao bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên tiếp tục làm nức lòng người hâm mộ cả nước khi tiếp tục đã giành được huy chương Bạc và huy chương Ðồng tại Cúp Thế giới tổ chức tại Nga.

Về mặt danh tiếng, giải thi đấu lần này không bằng các giải thi đấu khác như Giải vô địch Thế giới. Nhưng đây chính là lần đầu tiên Việt Nam có được thành tích cao như thế ở một môn cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Thành công này sẽ là nguồn động viên lớn cho nữ kình ngư Ánh Viên trong Olympic được tổ vào năm sau, cũng như Đại hội Thể thao châu Á năm 2018.

Một tài năng thể thao trẻ nổi bật khác là vận động viên Lý Hoàng Nam ở môn quần vợt. Mới 18 tuổi, nhưng Nam đã lập nên kỳ tích lớn khi trở thành tay vợt đầu tiên của Việt Nam giành được ngôi vô địch ở Wimbledon 2015 cho nội dung đôi nam trẻ. Với thành tích này, Nam sẽ chính thức tham gia Wimbledon hạng chuyên nghiệp vào năm sau.

Nhìn từ trường hợp của Ánh Viên và Hoàng Nam, rõ ràng ngay cả ở những môn thể thao đòi hỏi nhiều sức mạnh và cơ bắp, Việt Nam cũng không hề thiếu những gương mặt trẻ có tiềm năng, sẵn sàng tỏa sáng nếu có cơ hội.

Thành công cho đến nay của Ánh Viên là kết hợp của nhiều yếu tố. Bên cạnh nghị lực và quyết tâm phi thường của cô gái này, thì yếu tố tài chính cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công kể trên. Nhưng từ đây đã dấy lên nỗi băn khoăn về khả năng thành công của thể thao Việt Nam trong tương lai, khi Ánh Viên là một trường hợp hiếm hoi nhận được ưu đãi lớn trong số hàng ngàn vận động viên trên cả nước.

Năm 2015, Tổng cục Thể dục Thể thao sẽ rót cho Ánh Viên 70.000 USD chi phí đầu tư, chiếm hơn 1/3 tổng chi cho toàn ngành bơi lội. Thêm vào đó, vì là sĩ quan quân đội nên Ánh Viên sẽ nhận được thêm 70.000 USD tài trợ từ Bộ Quốc phòng. Tính chung, tổng số tiền ngân sách bỏ cho 1 năm đào tạo của Ánh Viên đã lên đến 140.000 USD.

Sang năm sau, nữ kình ngư này theo kế hoạch sẽ vẫn tập huấn tại Mỹ và kinh phí dự trù cũng sẽ tăng lên. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội thể thao dưới nước Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo sâu hơn, đầu tư nhiều hơn. Kế hoạch tài chính chắc chắn sẽ còn đậm hơn bởi thể thao nhà nghề thì phải có kinh tế mạnh”.

Đúng là có thực thì mới vực được đạo. Sẽ không dễ cho ngành thể thao Việt Nam đạt được những thành công lớn nếu thiếu kinh phí. Thực tế thì chi phí đào tạo cho Ánh Viên vẫn còn khiêm tốn so với vận động viên ở các quốc gia khác. Ví dụ, ngôi sao bơi lội cùng lứa với Ánh Viên là Joseph Schooling của Singapore nhận được 1 triệu USD chi phí đầu tư. Úc thì chi đến 37 triệu USD cho vận động viên nước này để có được một tấm huy chương Vàng tại Olympic vừa qua. Xem ra, chi phí bỏ ra cho Ánh Viên thật đáng đồng tiền bát gạo.

Trường hợp của Lý Hoàng Nam cũng rất đáng suy ngẫm. Thể hiện niềm đam mê với quần vợt khi chỉ mới 7 tuổi, Nam được doanh nghiệp Becamex Bình Dương phát hiện và mời về đầu quân, cũng như hỗ trợ chi phí tập luyện và thi đấu quốc tế.

Tính đến nay, số tiền đầu tư cho Nam cũng đã lên hàng tỉ đồng. Trong năm 2015, Hoàng Nam sẽ tham gia tới 20 giải thi đấu quốc tế, gồm cả 4 giải Grand Slam danh giá (dành cho các tay vợt  trẻ). Ngoài ra còn phải tính đến chi phí thuê huấn luyện viên và trang thiết bị dụng cụ.

Nhưng trên toàn đất nước Việt Nam, những cô bé, cậu bé may mắn như Ánh Viên hay Hoàng Nam có cơ hội tiếp cận với ngân sách hay sự hỗ trợ của các doanh nghiệp giàu tiềm lực như Becamex là bao nhiêu?

Mỗi khi nhắc tới Hoàng Nam, có lẽ sẽ nhiều người chạnh lòng khi liên tưởng đến Nguyễn Tiến Minh. Dù tài năng đã được thẩm định, nhưng anh vẫn không có cơ hội tiếp cận với những khoản hỗ trợ tài chính. Thậm chí vận động viên này còn phải tự mình chi trả cho các giải thi đấu cầu lông ở nước ngoài.

Thực tế, chính sách bỏ tiền đầu tư cho các vận động viên là điều không dễ thực hiện. Phần vì tài chính có giới hạn. Một lý do khác là những rủi ro đi kèm khi thành tích mang lại không như kỳ vọng, như từng xảy ra với một số vận động viên môn điền kinh, bơi lội, võ thuật... Điều này là thách thức lớn cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chi phí hợp lý.

Về phía doanh nghiệp, khi quyết định đầu tư vào thể thao, họ cũng sẽ tính những bài toán về lợi ích mang lại và chi phí bỏ ra. Ông bầu Ðoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai đầu tư học viện liên kết Arsenal-JMG khi nhìn thấy những cơ hội kinh doanh và quảng bá lớn từ môn thể thao này. Bóng chuyền cũng được nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ vì sức hút của môn này là tương đối lớn đối với khán giả.

Nhưng với các môn thể thao khác kém phổ biến hơn, việc lôi kéo các doanh nghiệp tham gia là điều không dễ dàng. Vì vậy, chắc chắn sẽ có không ít tài năng trẻ trên khắp cả nước bị bỏ sót và mất cơ hội thể hiện mình giống như Ánh Viên, Hoàng Nam hay Công Phượng, Tuấn Anh.

Nhìn ra thế giới, cách làm của các doanh nghiệp và nhà tổ chức luôn rất bài bản, đặc biệt là về cách làm tiếp thị và liên kết với giới truyền thông. Ví dụ như ở giải Ngoại hạng Anh, các doanh nghiệp tham gia hưởng lợi nhờ được ăn chia theo tỉ lệ bản quyền truyền hình mà ban tổ chức ký với các đối tác truyền thông. Đây chính là nguồn thu lớn nhất của họ bên cạnh các hợp đồng quảng cáo, chứ không phải là tiền bán vé. Các vận động viên nhờ đó cũng được hưởng các khoản thu nhập đáng kể. Còn V-League của Việt Nam hiện vẫn chưa thu được đồng nào phí bản quyền truyền hình nào từ các đài.

Sơn Thanh