Thế Giới Di Động vào sách kinh doanh
Sau Vinamilk, đến lượt Thế Giới Di Động được dựng thành điển cứu (case study) để giảng dạy tại một trường kinh doanh của nước ngoài.
Đầu năm 2012, Đại học Quản trị Singapore (SMU) đã đưa vào sử dụng một case study về chiến lược phát triển dòng sản phẩm nước ép trái cây của Vinamilk tại Việt Nam. Mới đây, Trường Kinh doanh Haas (trực thuộc UC Berkely - Mỹ) cho biết họ đang nghiên cứu trường hợp của Thế Giới Di Động để dựng thành case study về tác động của lĩnh vực đầu tư vốn cổ phần tư nhân chưa niêm yết (Private Equity - PE) vào doanh nghiệp tại các thị trường đang phát triển. NCĐT đã trao đổi với Giáo sư Peter Goodson, người chịu trách nhiệm chính của dự án, để tìm hiểu về câu chuyện này.
Xin ông cho biết case study về Thế Giới Di Động sẽ được sử dụng như thế nào?
Case study này sau khi hoàn thành sẽ được đưa vào chương trình đào tạo cao học tại UC Berkeley. Nó sẽ là tài liệu tham khảo cho sinh viên Trường Kinh doanh Harvard và Trường Kinh doanh Tuck (Mỹ). Tôi mong muốn thông qua case study này để nhấn mạnh rằng việc đầu tư PE một cách chân chính sẽ mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư chứ không phải là việc làm “hút máu” như nhiều người vẫn đánh giá.
Ông nhận định như thế nào về vai trò của đầu tư PE tại Việt Nam lúc này?
PE là hình thức đầu tư hiện đại và sáng tạo nhất trong lịch sử ngành tài chính thế giới. Trong vòng 30 năm trở lại đây, PE đã bơm hàng ngàn tỉ USD vào các doanh nghiệp lớn tại Mỹ, châu Âu và nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Hiện nay, khi mà nguồn vốn trên thị trường đại chúng ngày càng khó tiếp cận thì PE vẫn thừa khả năng đảm bảo tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng.
Dù hình thức đầu tư này xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, nhưng tôi thấy rằng đã có nhiều doanh nghiệp địa phương được hưởng lợi từ khoản đầu tư PE và Thế Giới Di Động là một điển hình.
Tại sao ông lại chọn doanh nghiệp này?
Như bạn biết, công việc của nhà đầu tư PE là tìm kiếm những doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực có tiềm năng; hoặc doanh nghiệp đang đi xuống nhưng vẫn còn khả năng vực dậy được. Thế Giới Di Động hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ đầy tiềm năng tại Việt Nam và họ đã đạt được những bước tiến ấn tượng nhờ vào sự hỗ trợ sau khoản đầu tư PE.
Công ty này hoạt động từ năm 2004 nhưng mãi cho đến khi bắt tay với quỹ Mekong Capital vào năm 2007 thì họ mới thực sự tăng tốc từ 5 cửa hàng lên hơn 200 như hiện nay. Quá trình phát triển từ một doanh nghiệp nhỏ trở thành người dẫn đầu nhờ những hỗ trợ tích cực và các giá trị gia tăng của nhà đầu tư PE là một bài học điển hình.
Vai trò của PE trong case study này như thế nào?
Sau khi nhận được khoản đầu tư PE và sự hợp tác từ nhà đầu tư, Thế Giới Di Động đã có nhiều thay đổi chiến lược: mời về được một vị giám đốc nhân sự giỏi; học hỏi từ các chuyên gia trong ngành bán lẻ như BestBuy (Mỹ), T-Gaia (Nhật). Những dịp này chính là cơ hội để họ trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm những đối tác tiềm năng.
Liên tục bám sát và hướng dẫn doanh nghiệp đi theo lộ trình, PE sẽ đóng vai trò như người chỉ đường và trợ giúp doanh nghiệp phát huy tối đa khả năng của mình. Khi đó, doanh nghiệp đạt được những thành công về mặt hoạt động cũng như nâng cao kinh nghiệm quản lý. Từ khi bắt tay với Mekong Capital, Thế Giới Di Động đạt mức tăng trưởng doanh thu bình quân 60%/năm. Còn đối với nhà đầu tư PE, khoản đầu tư ban đầu sẽ mang lại lợi nhuận mong đợi.
Mô hình cửa hàng DienMay.com kinh doanh điện tử gia dụng của Thế Giới Di Động dường như không phát triển được như mong đợi. Trách nhiệm của PE trong trường hợp này ra sao?
Khi mà quy mô thị trường điện máy lớn gấp ba lần thị trường thiết bị di động thì đây là một bước đi đúng đắn. Với kinh nghiệm bán lẻ dày dạn và sự hợp tác tích cực từ Mekong Capital về các chiến lược và tầm nhìn dài hạn, Thế Giới Di Động có thể tự tin vào mô hình này.
Tôi tin rằng trong một thị trường mới nổi, những khó khăn mà DienMay.com gặp phải thời gian qua cũng không nằm ngoài tình hình chung của các doanh nghiệp khác trong ngành và đây có thể coi là giai đoạn để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.