Thế giới đang ngày một tệ hơn?
Các cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Manchester, Paris, Kabul và nhiều nơi khác cho thấy thế giới vẫn còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn.
Mặc dù có sự phân cực gia tăng về mặt chính trị và kinh tế, nhưng có một điều mà xem ra mọi người khắp thế giới ngày một đồng tình: mọi việc đang ngày càng tệ hơn.
Theo một cuộc khảo sát hơn 21.000 người từ 36 quốc gia ở tất cả các khu vực trên thế giới, khoảng 60% đồng ý rằng thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua, thay vì tốt hơn hoặc vẫn như cũ.
Cuộc khảo sát mang tên Best Countries (Các quốc gia tốt nhất) của tạp chí US News & World Report hướng tới việc đo lường nhận thức toàn cầu về tình hinh thế giới. Cuộc khảo sát năm nay đã diễn ra vào cuối năm 2016, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump được bầu, và một thời gian ngắn sau sự kiện Brexit tại Anh và việc phế truất Tổng thống Brazil.
Tiến sĩ Neal Rubin, giáo sư tâm lý học quốc tế của Khoa Tâm lý tại Đại học Argosy (Chicago), cho biết rằng những lý do đằng sau các câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh cá nhân và tính cách người trả lời. Trong khi sự bất bình đẳng về kinh tế ngày càng tăng, có nhiều tiến bộ đã đạt được đối với các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc, đặc biệt trong việc chống lại bệnh tật, đói nghèo và bất bình đẳng trong giáo dục.
Ông Rubin cho rằng đối với những ai có tâm lý rằng mọi việc đang tệ đi, thì nỗi sợ hãi và lo lắng về tương lai sẽ chi phối suy nghĩ của họ. Ông nói: "Khi đó, họ thấy sự an toàn và khả năng duy trì lối sống như hiện tại có thể bị đe doạ. Các mối đe dọa đối với tự do, dân chủ và các định chế xã hội sẽ khiến họ bị ảnh hưởng ngay lập tức, và làm thay đổi quan điểm của họ về tương lai cho gia đình và con cái."
Trong số 36 quốc gia được khảo sát, phản ứng tiêu cực là mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi gần đây đã phải đối mặt với một cuộc đảo chính quân sự. Hơn 80% số người được khảo sát ở Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng thế giới đã trở nên tồi tệ hơn trong năm qua.
Theo Rubin, các quá trình hiện đại hóa, toàn cầu hóa và đô thị hóa cũng có liên quan đến sự lo lắng về tương lai. Ông nói: "Khi xã hội được hiện đại hóa và cách sống thay đổi, con người phải thích nghi với những lối sống mới. Việc mất đi nguồn gốc văn hoá và truyền thống, cộng thêm những thay đổi trong suy nghĩ về bản thân, có thể dẫn đến cảm giác xa lánh, trầm cảm và vô vọng về cách để thích ứng với tương lai".
Có vẻ như tiền có thể mua được hạnh phúc, hoặc ít nhất là mua được sự lạc quan. Những người trả lời khảo sát ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước đã thu được nhiều lợi ích kinh tế lớn nhất từ toàn cầu hoá, đã nhìn nhận năm ngoái một cách tích cực. Hơn 50% số người được hỏi ở Ấn Độ và hơn 40 % tại Trung Quốc nói rằng thế giới đã được cải thiện trong năm qua.
"Sự mất ổn định xã hội sâu sắc" liên quan đến gia tăng mức độ phân cực trong xã hội, bất bình đẳng thu nhập và dân số già đi, là một trong những rủi ro lớn nhất được xác định trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Nhưng một thế giới "hướng nội hơn" cũng tạo ra cơ hội để giải quyết những rủi ro trước mắt, là nhận xét của ông Klaus Schwab, nhà sáng lập WEF.
Ông Schwab nói: "Điều này đòi hỏi giới lãnh đạo phải nhạy bén, có tinh thần trách nhiệm, và có cam kết sâu sắc hơn đối với phát triển hoà nhập và tăng trưởng công bằng, cả ở cấp quốc gia và trên toàn cầu. Nó cũng đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều hệ thống, giữa các quốc gia, giữa các lĩnh vực chuyên môn, và giữa các thành phần kinh tế-xã hội với mục đích tạo ra một tác động xã hội lớn hơn".
Bá Ước
Nguồn CNBC