Wang Xing, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc – Meituan, là một trong những tỉ phú tự thân giàu nhất nước này. Ảnh: TL.
Thành tỉ phú nhờ xây dựng công ty 'nhái'
Thành tỉ phú USD nhờ nhái mô hình kinh doanh
Wang Xing, nhà sáng lập kiêm CEO của hãng giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc – Meituan, là một trong những tỉ phú tự thân giàu nhất nước này. Ông xếp thứ 16 trong danh sách người giàu Trung Quốc của Forbes năm 2020 và nổi tiếng với việc xây dựng đế chế kinh doanh bao gồm giao đồ ăn, mua hàng theo nhóm trên mạng, gọi xe, chia sẻ xe đạp, du lịch cùng nhiều dịch vụ giải trí khác.
Có một câu nói đùa trong giới trẻ Trung Quốc rằng Meituan thậm chí còn tiện lợi hơn bếp của mẹ bởi họ thường xuyên sử dụng dịch vụ giao đồ ăn của công ty.
Ông Wang Xing lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng và lọt top tỉ phú giàu nhất Trung Quốc nhờ các mô hình nhái nước ngoài. Ảnh: TL. |
Đầu tháng này, Wang Xing là CEO được chú ý khi đăng một bài thơ ngụ ý chỉ trích bộ máy quản lý của Trung Quốc trên mạng xã hội. Ngay sau đó, giá cổ phiếu Meituan, công ty do Wang sáng lập và điều hành đã lao dốc 7,1%, xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Bài đăng của Wang đã gây ra một đơn bán tháo cổ phiếu Meituan lớn, thổi bay hàng chục tỉ USD khỏi vốn hóa thị trường của công ty.
Về phần mình, doanh nhân 42 tuổi đã mất hơn 2,5 tỉ USD chỉ trong vài ngày. Ngoài ra, Meituan còn đang chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý trong cuộc điều tra liên quan đến việc vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc. Trước khi đăng bài thơ này, ông Wang Xing đã trở thành tỉ phú như thế nào?
Ông Wang sinh năm 1979 tại Longyan, tỉnh Phúc Kiến. Cha của ông là một chủ nhà máy xi măng. Ông tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa với bằng kỹ sư điện tử năm 2001 rồi đăng ký vào Đại học Delaware để lấy bằng Tiến sĩ về kỹ thuật máy tính. Tuy nhiên, ông đã không hoàn thành chương trình và bỏ học năm 2004.
Mô hình của Meituan. Ảnh: TL. |
Sau đó, ông Wang cùng một vài người bạn trung học và đại học tạo ra trang mạng xã hội Duoduoyou. Tuy nhiên, vì thiếu kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh rõ ràng, nền tảng của họ nhanh chóng thất bại. Không nản lòng, ông tiếp tục tạo ra trang mạng xã hội thứ hai mang tên Youzitu và một lần nữa không thành công.
Đứng lên từ thất bại
Hai thất bại trước vẫn không thể khiến Wang chùn bước. Ông bắt đầu nghiên cứu kỹ lượng các mạng xã hội của Mỹ và quyết định nhắm mục tiêu vào một phân khúc thị trường tiềm năng. Năm 2005, ông thành lập một phiên bản Facebook của Trung Quốc, mạng xã hội chủ yếu dành cho sinh viên đại học mang tên Xiaonei.
Thế nhưng do gặp khó khăn về tài chính, ông Wang phải bán công ty cho một doanh nhân khác, người đã đổi tên Xiaonei thành Renren và biến nó thành một trong những "ngôi sao" mạng xã hội đầu tiên của đất nước tỉ dân.
Lần mạo hiểm tiếp theo của ông Wang vào mạng xã hội là năm 2007, khi ông lấy cảm hứng từ Twitter. Fanfou nhanh chóng thu hút hàng triệu người dùng nhưng đã bị chính phủ Trung Quốc đóng cửa năm 2009. Một thời gian sau, nền tảng này được mở cửa trở lại và vẫn hoạt động cho đến nay nhưng đã ngừng nhận thành viên mới từ năm 2018.
Sau khi CEO đang bài thơ ngụ ý chỉ trích bộ máy quản lý của Trung Quốc trên mạng xã hội, giá cổ phiếu Meituan, công ty do ông Wang sáng lập và điều hành đã lao dốc 7,1%, xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Ảnh: TL. |
Nỗ lực của ông Wang tiếp tục với Meituan vào năm 2010, nền tảng được ông lấy cảm hứng từ trang web mua hàng Groupon của Mỹ. Ngay lập tức, Meituan đã trở thành người dẫn đầu trong phân khúc trang web mua hàng theo nhóm ở Trung Quốc với sự hậu thuẫn của Tencent và Alibaba.
Năm 2015, ông Wang hợp nhất Meituan với một trang mua bán theo nhóm khác là Dianping, tạo thành công ty mới Meituan-Dianping. Năm 2018, ông là người giàu thứ 37 ở Trung Quốc theo danh sách tỷ phú của Forbes năm đó.
Câu chuyện kinh doanh của ông Wang là một ví dụ điển hình về việc theo đuổi mục tiêu cho đến khi thành công. Tuy vậy, với những lùm xùm với Meituan ở thời điểm hiện tại, nhiều người bày tỏ sự lo ngại cho tương lai của vị tỉ phú này và công việc kinh doanh của mình.