GC Food đang sở hữu vùng nguyên liệu trồng nha đam có diện tích khoảng 250 ha, lớn nhất nước. Ảnh: TL.

 
Trần Chung Thứ Năm | 12/09/2024 08:00

Tay ngang thành “Vua nha đam”

14 năm trước, khi bước chân ra khỏi cánh cửa ngân hàng lớn, ông Nguyễn Văn Thứ không ngờ có ngày mình được gọi với biệt danh “Vua nha đam”.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C (GC Food) do ông Nguyễn Văn Thứ làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đang trở thành mắt xích quan trọng trong lĩnh vực sản xuất đồ uống với nhiều đối tác quốc tế. Chia sẻ với Tạp chí NCĐT về hành trình “tay ngang” từ ngân hàng sang làm nông nghiệp, ông Thứ cho biết đã học được những bài học lớn về niềm tin của nông dân, sự vệ sinh của người Nhật và hệ luỵ từ đầu cơ đất.

Tại sao lại là nha đam mà không phải các loại cây khác, thưa ông?

Dù làm trong lĩnh vực nào, anh phải hiểu về nó. Nông nghiệp cũng thế. Do vậy, tôi thường xách ba lô lên tàu, xe khách đi tới các tỉnh, thành. Khi tới Ninh Thuận, tôi biết ở đây có trồng nha đam. Thời điểm đó, số lượng nông hộ trồng nha đam còn ít và chất lượng cây thu hoạch cũng không tốt. Cây chết nhiều, nông dân nhổ bỏ và vứt ra góc vườn, gây mùi hôi thối. Đó là sự lãng phí lớn bởi điều kiện khí hậu khô nóng, ít mưa tại Ninh Thuận rất phù hợp để trồng loại cây này.

Tình cờ, người bạn sống bên Nhật cho biết, nha đam được dùng nhiều tại nước họ. Tôi nghĩ, tại sao mình không tận dụng điều kiện Ninh Thuận để trồng nha đam và chế biến thạch nha đam xuất khẩu sang Nhật. 

Sau đó, tôi khánh thành nhà máy nha đam đầu tiên ở Đồng Nai năm 2011, lấy nguyên liệu từ Ninh Thuận để phục vụ sản xuất. Năm 2013, chúng tôi bán lô nha đam đầu tiên sang Nhật. Công ty cũng mở thêm nhà máy thạch dừa. Để tối ưu hiệu quả sản xuất, nhà máy nha đam được chuyển từ Đồng Nai về Ninh Thuận, ngay cạnh vùng nguyên liệu. 

Thay vì tập trung bán cho thị trường nội địa, vì sao ông lại chọn hướng xuất khẩu ngay từ đầu?

Một phần do cá tính. Tôi thích trải nghiệm thử thách. Do vậy, ngay khi thành lập công ty, tôi không nghĩ mình bán sản phẩm ra chợ nhỏ. Tôi hướng đến xuất khẩu, bán cho doanh nghiệp lớn. Đến nay, Công ty sản xuất được 17.000 tấn thành phẩm nha đam và 12.000 tấn thạch dừa mỗi năm. Sản phẩm có mặt ở khoảng 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nếu có tình cờ cầm trên tay các đồ uống ngoại như Meiji, Lottle, Pureplus,... anh sẽ thấy thạch “made in Vietnam” của chúng tôi trong đó. 

Với lượng thành phẩm sản xuất lớn như vậy, nhiều người đặt biệt danh cho ông là “Vua nha đam” tại Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ khởi nghiệp, ông thấy chặng đường đi tới “ngai vàng” như thế nào?

Thực sự tôi chỉ muốn tạo ra một công ty nông nghiệp mang lại hạnh phúc cho người dân. Tên công ty tôi chọn là “G.C” viết tắt của “Golden Crops” - những vụ mùa vàng, bởi hình ảnh cánh đồng vàng tượng trưng cho vụ mùa no ấm, mang lại hạnh phúc cho nông dân. 

Dù vậy, chặng đường làm nông nghiệp không hề dễ dàng. Tôi gặp khó ngay từ khâu tìm nguyên liệu đầu vào, nông dân bản địa xua tay từ chối hợp tác trồng nha đam, bao tiêu đầu ra. Chưa dừng lại, năm 2012 khi nhà máy mới hoạt động được mấy tháng, một lô nha đam bị hỏng do kỹ thuật sản xuất. Cả trăm tấn hàng phải bỏ đi.  Tôi thực sự mông lung. Có nhiều bài toán mình không nắm được lời giải trong tay và không như dự tính. Có quá nhiều rủi ro, từ liên kết vùng trồng, giá nguyên liệu cho tới kỹ thuật sản xuất.  

Những vấn đề trên được ông giải quyết như thế nào?

Đối với vùng nguyên liệu, để có được niềm tin của người dân, chúng tôi buộc phải ứng trước tiền cho nông dân xây mương, làm hệ thống nước, cung ứng giống. Chỉ ứng tiền trước, nông dân mới chịu trồng nha đam, bởi nếu doanh nghiệp bỏ chạy, doanh nghiệp sẽ mất luôn số tiền đã đầu tư. Đến hôm nay, GC Food đang sở hữu vùng nguyên liệu trồng nha đam có diện tích khoảng 250 ha, lớn nhất nước. Con số này sẽ là 350 ha vào năm 2025. 

abc
Chế biến nha đam tại nhà máy của GC Food.

Đối với sự cố vi sinh ngày trước, bạn hàng Nhật đã dạy tôi bài học lớn về sản xuất thực phẩm. Họ nói: “Vệ sinh, vệ sinh và vệ sinh”. Khẩu hiệu về vệ sinh hiện vẫn đang treo ở các nhà máy sản xuất của Công ty từ sự kiện đó đến giờ. Và đây là một cuộc tổng vệ sinh lặp đi lặp lại, duy trì mỗi ngày trong suốt hơn 10 năm qua. 
Đến giờ, dù đã lấy hàng của chúng tôi từ lâu, khách hàng Nhật vẫn quay lại kiểm tra nhà máy định kỳ 1-2 lần/năm. Chính sự khó tính và cẩn trọng của bạn hàng Nhật giúp doanh nghiệp lớn lên trong kinh doanh. 

Với kết quả kinh doanh như ông nói, có vẻ như quyết định nhảy việc ngày nào của Phó Giám đốc Ngân hàng là đúng đắn?

Tôi mừng vì doanh nghiệp đang đi đúng hướng. Một ngân hàng của Anh đang tiếp cận với GC Food. Họ cho biết, nếu chúng tôi triển khai lộ trình phát triển bền vững ESG thành công và có giấy chứng nhận, ngân hàng sẵn sàng ký hợp tác song phương, tài trợ vốn hoạt động. Đây là động lực lớn cho Công ty tiếp tục theo đuổi con đường 
của mình.

Cùng với đó, giá trị gia tăng của ngành nha đam còn nhiều dư địa, trong khi chúng tôi mới chỉ dừng lại ở thực phẩm. Ví dụ, các nước Nam Mỹ, Nhật đã làm rượu nha đam; Hàn Quốc có kem đánh răng, xà bông tắm, dầu gội đầu chiết xuất từ nha đam, xuất khẩu toàn cầu. Do vậy, hướng đi với cây nha đam còn đang mở rộng.

Dẫu vậy, nạn đầu cơ đất đang là cản trở lớn  đối với chúng tôi cũng như sản xuất nông nghiệp nói chung. Đó là khi hết vị trí đẹp do nạn đầu cơ đất, công ty nông nghiệp muốn phát triển quỹ đất trồng phải đi vào vùng sâu hơn. Họ sẽ gặp bất lợi vì vị trí vận chuyển nguyên liệu xa hơn, gây khó cho hoạt động thu mua. Đất trồng ở xa nên việc chăm sóc ruộng cũng gặp khó khăn. Cùng với đó, chi phí để một doanh nghiệp cải tạo, đưa đất vào sản xuất nha đam ở Ninh Thuận là khoảng 300-500 triệu đồng/ha. 

Tôi nghĩ cơ quan quản lý có thể hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân làm nông nghiệp bằng cách đầu tư vào hệ thống giao thông, đường điện. Ngoài ra, chính sách tín dụng cần thông thoáng hơn với khu vực nông thôn. Nếu làm vậy, các tỉnh nghèo sẽ là nơi được kích cầu mạnh nhất, giúp địa phương phát triển.