Tập đoàn nhà nước lãi nhờ cơ chế: Không thể kiếm lãi từ tăng giá
Bình luận về lợi nhuận của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong năm 2013, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - cho rằng các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh các lĩnh vực độc quyền làm ăn có lãi là tốt. Cần phải có lãi chứ suốt ngày thua lỗ là không được khi sử dụng một lượng vốn và tài sản đất đai của Nhà nước.
Tuy nhiên, quan trọng là lợi nhuận của các doanh nghiệp ở những ngành độc quyền như xăng dầu, điện, than... từ đâu ra, có phải là từ nỗ lực của doanh nghiệp, từ cán bộ đến toàn bộ công nhân viên hay là do tăng giá? Vì lợi nhuận có được một cách dễ dàng và đơn giản nhất là tăng giá.
Thực tế, các doanh nghiệp lĩnh vực khác trên thị trường hạn chế và thậm chí tránh tăng giá vì phải cạnh tranh. “Doanh nghiệp nhà nước do độc quyền nên khi tăng giá người tiêu dùng vẫn phải dùng. Như điện chẳng hạn, khó có sự lựa chọn khác cho người tiêu dùng VN khi không mua điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN)” - TS Ánh nói.
Vì thế, ông Ánh cho rằng phải tiếp cận lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước chiếm vị trí độc quyền hay vị trí thống lĩnh thị trường như xăng dầu, điện, than... khác với các doanh nghiệp thông thường. Vì nhiều khi lợi nhuận mà họ có được là do Nhà nước cho họ mà các ngành khác không được.
Theo TS Vũ Đình Ánh, dường như Nhà nước đang quá ưu ái các anh độc quyền, như ngành cao su, ngành than... Cứ xuất khẩu khó khăn một chút, giá giảm thì hai anh này lại đòi giảm thuế xuất khẩu. Và ngay lập tức, hai ngành này được Bộ Tài chính đáp ứng. Đơn cử đối với mặt hàng cao su, thuế xuất khẩu đã giảm tới 2-4% đối với từng loại nhóm sản phẩm từ ngày 26-12-2013. Riêng với than, năm 2013 vừa được tăng giá và vừa được giảm thuế xuất khẩu. Chắc chắn điều này đóng góp không nhỏ cho lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV). Đây là sự nuông chiều các doanh nghiệp độc quyền chứ không thể nói là tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Hải - tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN - cho rằng lợi nhuận của Petrolimex hay EVN chưa hẳn đã cao nếu so với vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận cao là những doanh nghiệp ngành viễn thông như Viettel, MobiFone hay Vinaphone.
Tuy nhiên, dù cao hay thấp thì các “ông lớn” này đều là những doanh nghiệp thuộc các ngành độc quyền. Và lợi nhuận đó đến từ cơ chế độc quyền và việc quản lý ở một số ngành còn lỏng lẻo, thông tin thiếu minh bạch. Chi phí kinh doanh ở các doanh nghiệp nhà nước còn rất cao, lãng phí, thất thoát rất nhiều.
Vì thế, song song với việc để doanh nghiệp làm ăn có lãi, cần phải đặt ra các chỉ tiêu về chi phí kinh doanh, doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí để giảm áp lực tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Ở ngành viễn thông, ông Hải cho rằng cơ chế quản lý giá cước đang quá lỏng lẻo, trong khi thị trường chủ yếu nằm trong tay ba “ông lớn”, người tiêu dùng không có lựa chọn nên doanh nghiệp luôn có lời cực lớn. Việc cho doanh nghiệp tăng giá cước 3G để rồi cuối năm doanh nghiệp thu lợi nhuận khổng lồ cho thấy ngành viễn thông được ưu ái quá lớn.
Theo ông Hải, cần chuyển việc quản lý giá cước viễn thông về Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin - truyền thông chỉ nên quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ. Đồng thời để tăng sự cạnh tranh ở các ngành độc quyền, con đường duy nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp. Nhà nước không nên nắm cổ phần chi phối mà hãy để tư nhân làm. Việc cổ phần hóa sẽ giúp tách dần các doanh nghiệp ra khỏi cơ quan chủ quản là cơ quan quản lý ngành viễn thông.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, những ngành như điện, viễn thông, xăng dầu... đều liên quan đến đại đa số người dân nên cần phải công khai các yếu tố cấu thành giá cả hàng hóa, dịch vụ. Xét về độ công khai thông tin, ngành viễn thông đang còn thua xa xăng dầu. Vì thế, ông Hải cho rằng phải yêu cầu các doanh nghiệp ngành này công khai thông tin tương tự như những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
(Theo TT)