Thứ Ba | 29/12/2015 08:30

Tận dụng mô hình tâm lý MBTI: Hiểu tính cách, tăng năng suất

Có khoảng 80% số công ty trong danh sách Fortune 500 sử dụng phương pháp MBTI để phân tích tính cách nhân viên và đặt họ vào đúng vị trí phù hợp.

Làm sao để tăng năng suất lao động Việt Nam hiện đang là vấn đề làm đau đầu nhiều chuyên gia kinh tế lẫn các nhà điều hành doanh nghiệp. Trong khi các nhà kinh tế cho rằng có thể thúc đẩy năng suất bằng cách cải tiến công nghệ, thêm máy móc, đào tạo con người, thì những nhà tâm lý học tin rằng việc đặt người lao động vào đúng chỗ là cách làm thiết thực nhất.

Theo số liệu thống kê tại Việt Nam, có đến 60% sinh viên ra trường đi làm trái nghề và doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại. Giải pháp phổ biến giải quyết tình trạng này là hướng nghiệp (cho biết nghề nghiệp đó bao gồm những công việc cụ thể gì) nhiều hơn cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Song, chuyện hiểu rõ tính cách và năng lực cá nhân thì chưa được nhắc đến nhiều.

Chắc hẳn mỗi người đều tự hỏi rằng liệu chúng ta có thực sự yêu thích công việc của mình đang làm hay không? Chuyện lao động làm trái nghề không chỉ phổ biến ở Việt Nam. Tờ The Economist (Anh) từng ví von, mỗi người lao động như một mảnh ghép vuông và công việc mà họ nhận thì như một ô tròn, tức khó mà xếp khít vào nhau.

Một ví dụ điển hình cho việc tuyển người theo tính cách là câu chuyện của Bill Gates, người sáng lập ra Microsoft. Một nhân viên “lười” thì rõ ràng ít ai muốn tuyển, nhưng Bill lại tin rằng những người “lười” sẽ có động cơ tìm cách đi đường tắt trong công việc, giúp cải thiện năng suất lao động.

Mỗi nghề cần những con người có cá tính riêng. Một anh chàng lập trình đầu tóc bù xù có thể ngồi im lặng cả ngày làm việc, trong khi những chuyên gia bán hàng thì lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề và không ngừng cười nói. Nhà quản trị nhân sự ở các doanh nghiệp đều thấu hiểu câu chuyện này. Trách nhiệm của họ là đưa những người hướng ngoại ra tiếp xúc với khách hàng, thay vì đặt vào vị trí văn phòng.

Vậy làm thế nào để hiểu đúng tính cách của con người? Các nhà quản trị học ngày nay dựa vào những bài trắc nghiệm. Có không ít lý thuyết và các bản trắc nghiệm được đưa ra, và thuộc hàng phổ biến nhất trong số này có thể kể đến phương pháp MBTI.

MBTI là tên viết tắt hệ thống các chỉ báo của Isabel Myers và mẹ của bà, Katharine Cook Briggs. Hai phụ nữ người Mỹ phát triển hệ thống này dựa trên lý luận rằng con người đều có nhiều loại tính cách khác nhau, chỉ khác là phần nào trội hơn. Mỗi người đều có một chút mạnh mẽ, một chút yếu đuối, không có người nào hướng ngoại hay hướng nội hoàn toàn.

Sau nhiều năm phát triển, bằng cách sử dụng thang đo theo trắc nghiệm tâm lý, kết quả MBTI cho ra tới 16 khả năng kết hợp nhau. Ví dụ, một người được đánh giá là ENTJ thường có phẩm chất là nhà lãnh đạo bẩm sinh, khả năng giao tiếp xuất sắc, không thích công việc chi tiết và có tính quyết đoán. Những người này phù hợp với vai trò là nhà lãnh đạo hoặc nhà tổ chức.

Ngày nay, MBTI là công cụ được sử dụng phổ biến trên thế giới với 18 ngôn ngữ khác nhau. Có khoảng 80% số công ty trong danh sách Fortune 500 sử dụng phương pháp này để phân tích tính cách của nhân viên, giúp đặt họ vào đúng vị trí phù hợp với tính cách.

Trên thực tế, đo lường tính cách bằng trắc nghiệm được xem là một bộ môn khoa học về nghiên cứu hành vi của con người. Tuy nhiên, vẫn có nhiều rào cản trong việc ứng dụng phương pháp này bởi vẫn phụ thuộc vào con người.

MBTI là một bài trắc nghiệm, nhưng cần một chuyên gia biết đọc kết quả. Sau trắc nghiệm sẽ là vòng phỏng vấn trực tiếp với các chuyên gia tâm lý. Hiện nay, MBTI là sản phẩm độc quyền của Tập đoàn CPP Inc. (Mỹ). Những chuyên gia muốn phân tích kết quả của MBTI đều phải trải qua khóa huấn luyện và cấp giấy chứng nhận của tổ chức này.

Trắc nghiệm MBTI dù được biết đến nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa thực sự phổ biến. Số lượng chuyên gia và những công ty tư vấn MBTI có thể đếm trên đầu ngón tay và đa số làm việc tại các doanh nghiệp chuyên về tư vấn, đào tạo nhân sự. Chẳng hạn, có thể kể đến ông Trần Đăng Khoa (Công ty tư vấn TGM) hay ông Nguyễn Vũ Tâm (Công ty tư vấn và giáo dục Balance).

Một khó khăn khác là các bài trắc nghiệm quốc tế cần phải được địa phương hóa. Chuyện này là quan trọng bởi bản thân các câu hỏi cần phải đặt người trả lời vào bối cảnh văn hóa của nước sở tại.

Tuy MBTI được đánh giá là một công cụ hữu dụng giúp những người trẻ chọn nghề nghiệp ban đầu cho mình, thậm chí là những người già hơn hướng tới sự thay đổi. Song với doanh nghiệp, MBTI chưa đủ để giúp cải thiện tình hình. Mỗi cá nhân ngoài chuyện hiểu mình, cũng cần phải hiểu cả tiềm năng của mình và hiểu nghề. “MBTI mới chỉ là bước đầu tiên trong bộ công cụ chọn nghề, hành nghề”, bà Huỳnh Thị Thu Hằng, chuyên gia tư vấn của Balance cho biết.

Theo bà Hằng, cần phải thực hiện thêm cả 2 bước còn lại là về sở thích (người lao động có yêu thích và đam mê với loại hình công việc đó hay không) và năng lực (người lao động có khả năng làm việc trong ngành nghề đó hay không).

Mỗi khi tuyển dụng vào làm việc, các doanh nghiệp luôn có những bài trắc nghiệm đối với những ứng viên tiềm năng. Phổ biến nhất vẫn là kiểm tra khả năng làm việc, tức kiến thức, kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực đó. Ngoài chuyện trắc nghiệm tính cách, vẫn có nhiều loại trắc nghiệm khác. Chẳng hạn như trắc nghiệm khả năng tiềm ẩn (như khả năng học hỏi một kỹ năng mới), thái độ của người lao động... Những kiểu trắc nghiệm này không chỉ giúp cá nhân hiểu rõ mình hơn, mà còn giúp cả doanh nghiệp hiểu hơn về những ứng viên tiềm năng, hoặc những nhân viên hiện hữu của mình.

Bà Hằng, Balance, cho rằng những bài kiểm tra này có thể giúp doanh nghiệp tuyển dụng hiệu quả hơn, tiết kiệm đến 40% chi phí và ra quyết định bổ nhiệm đúng người, đúng việc. Hơn nữa, việc xét tuyển bằng cách đánh giá thông qua bản trắc nghiệm cũng hạn chế tình trạng bỏ sót ứng viên tiềm năng, vì người trực tiếp tuyển dụng đôi khi có thể không phù hợp với tính cách, sở thích và tầm nhìn của ứng viên.

Những bài trắc nghiệm kiểu này không có đáp án đúng hay sai. Kết quả mỗi người là khác nhau, nó giúp chúng ta nhận ra thói quen và khả năng tiềm ẩn của mỗi người. Còn thay đổi hay không thì yếu tố con người vẫn là chủ đạo.

Thanh Phong