Ảnh: NL
Tài sản của các tỉ phú giàu nhất Việt Nam thay đổi ra sao trong tháng 7?
COVID-19 có lẽ đã thay đổi một vài quy luật trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong tháng 5, tháng nổi tiếng với cụm từ "Sell in May and go away", thị trường chứng khoán Việt Nam lại có sự bứt phá mạnh mẽ.
Theo thống kê trong 10 năm, kể từ năm 2010, lần đầu tiên VN-Index chứng kiến đà tăng gần 12% trong tháng 5, tháng huyền thoại của “sell and go away”. Tổng kết tháng 5.2020, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 94 điểm, từ vùng 767 điểm lên mức 861 điểm (29.5).
Trái ngược với điều đó, tháng 6 và tháng 7 thị trường chứng khoán lại trên đà giảm điểm sau một khoảng thời gian dài tăng trưởng và đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Diễn biến của VN-Index trong 3 tháng (5,6,7). Ảnh: FireAnt, NL. |
So với tháng 6 thì tháng 7 thị trường chứng khoán chịu sự tác động của nhiều yếu tố hơn, bao gồm mùa kết quả kinh doanh quý II, việc review các quỹ ETFs và đại dịch COVID-19. Trong đó, đáng chú ý nhất là dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trở lại ở Việt Nam, đặc biệt là tại Đà Nẵng. Dịch bệnh diễn biến ngày càng nguy hiểm và đến nay đã có 3 người Việt tử vong do COVID-19 đi kèm với nhiều bệnh nền.
Tổng kết tháng 7, VN-Index giảm hơn 26,7 điểm, thấp hơn nhiều so với con số 80,5 điểm hồi tháng 6. Tuy nhiên, tháng 7 lại kết thúc trong sự lo lắng nhiều hơn của nhà đầu tư khi dịch bệnh đang đe dọa đến sức khỏe, đời sống và cả nền kinh tế Việt Nam. Việc giãn cách xã hội một lần nữa lại được áp dụng ở một số địa phương để phòng chống dịch bệnh.
Tính đến cuối tháng 7 (31.7), Việt Nam còn 4 đại diện trong danh sách những tỉ phú giàu nhất hành tinh được cập nhật liên tục bởi Forbes. Nguồn: Forbes. |
Trong bối cảnh này, nhà đầu tư cũng trở nên hoảng loạn hơn trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là những phiên giao dịch cuối tháng 7, thị trường chứng khoán diễn biến mạnh, nhà đầu tư tỏ ra dè chừng hơn đối với thị trường. Sự biến động của thị trường chung trong thời gian qua cũng tác động lớn đến tài sản của các tỉ phú giàu nhất Việt Nam.
Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là số lượng tỉ phú đại diện cho Việt Nam trong danh sách những tỉ phú giàu nhất hành tinh của Forbes đã giảm xuống. Cụ thể, hồi cuối tháng 6, Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới của Forbes. Trong khi đó, cuối tháng 7 con số này đã giảm xuống 4 nhân vật. COVID-19 đã khiến ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) rơi khỏi danh sách tỉ phú của Forbes. Trong khi hồi cuối tháng 6, ông Long đang sở hữu khối tài sản trên sàn trị giá 1 tỉ USD (theo Forbes).
Tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng giảm 200 triệu USD trong tháng 7. Nguồn: Forbes. |
Giá trị tài sản của 4 tỉ phú còn lại cũng có nhiều biến động trong tháng 7 vừa qua. Phải kể đến đầu tiên là người đàn ông giàu nhất Việt Nam, tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC). Theo số liệu thống kê của Forbes, tại thời điểm 31.7 tỉ phú Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 5,4 tỉ USD. Như vậy, so với hồi cuối tháng 6, giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Vượng đã giảm 200 triệu USD.
Tiếp theo là người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, "nữ tướng" của hãng Hàng không VietJet Air (HOSE: VJC). Trong tháng 7, giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo đã giảm 200 triệu USD, từ mức 2,2 tỉ USD hồi cuối tháng 6 xuống còn 2 tỉ USD thời điểm hiện tại (31.7).
Giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của bà Thảo giảm 200 triệu USD trong tháng 7. Nguồn: Forbes. |
Trong khi đó, tài sản của Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Techcombank, ông Hồ Hùng Anh và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco không thay đổi, ghi nhận giá trị lần lượt là 1 tỉ USD và 1,5 tỉ USD.
Như vậy, tại thời điểm cuối tháng 7, Việt Nam còn 4 đại diện góp mặt trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới, được bình chọn bởi Forbes.
* Có thể bạn quan tâm
►Tài sản của các tỉ phú giàu nhất Việt Nam thay đổi ra sao trong tháng 6?