Các tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ảnh: TL.

 
Nhật Lệ Chủ Nhật | 29/11/2020 15:47

Tài sản của các tỉ phú bậc nhất Việt Nam thay đổi ra sao trong tháng 11?

VN-Index chinh phục thành công ngưỡng 1.000 điểm, tài sản của các tỉ phú thay đổi ra sao?

Trong tháng 11, chỉ số VN-Index đã đạt được dấu mốc quan trọng.  Lũy kế từ đầu tháng 11 tới nay (27.11), chỉ số VN-Index đã tăng hơn 85 điểm, từ vùng giá 925 điểm lên vùng 1.010 điểm như hiện tại với thanh khoản tăng mạnh. Bình quân mỗi phiên giao dịch của tháng 11, giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 7.500 tỉ đồng.

Đi kèm với diễn biến tích cực của thị trường chung, là sự tăng giá của các cổ phiếu. Cổ phiếu tăng giá đã có tác động tích cực đến giá trị tài sản ròng của các tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. 

Theo số liệu thống kê của Forbes, tại ngày 27.11 Việt Nam đang có 6 đại diện trong danh sách những tỉ phú giàu nhất hành tinh, sở hữu khối tài sản trên 1 tỉ USD.

Giá trị tài sản ròng của các tỉ phú tại thời điểm 27.11. Nguồn: Forbes.
Giá trị tài sản ròng của các tỉ phú tại thời điểm 27.11. Nguồn: Forbes.

Nói về sự gia tăng tài sản của các tỉ phú trong tháng 11, phải kể đến đầu tiên là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phầnTập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG). Số liệu thống kê của Forbes trong khoảng thời gian 6-27.11, giá trị tài sản ròng của tỉ phú Long đã tăng 200 triệu USD, lên mức 1,7 tỉ USD như hiện tại. Diễn biến tích cực của cổ phiếu HPG trong thời gian qua đã đưa Chủ tịch Long lọt vào top 3 những tỉ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Được biết, ông Long đang trực tiếp sở hữu 840 triệu cổ phiếu HPG. Mới đây, ông Long đã chi tiền mua trọn lô cổ phiếu mà ông Doãn Gia Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty đăng ký bán.

 

Cụ thể, theo thông tin được công bố, ông Doãn Gia Cường đã đăng ký bán 24 triệu cổ phiếu HPG để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 27.11-25.12. Thương vụ này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận, giữa ông Trình Đình Long và ông Doãn Gia Cường.

Sau giao dịch, dự kiến tỉ lệ sở hữu của ông Long tại Thép Hòa Phát tăng lên mức 26,08%, tương đương với 864 triệu cổ phiếu.

Cùng khoảng thời gian trên, giá trị tài sản ròng của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (HOSE: VJC) cũng tăng thêm 200 triệu USD, lên mức 2,4 tỉ USD (27.11). Lũy kế từ đầu tháng 11 tới nay, giá cổ phiếu VJC đã tăng 17,6%, nằm trong top 10 cổ phiếu VN30 tăng mạnh nhất trong tháng 11.

Năm 2020, ngành hàng không trong nước và thế giới đã chịu cú sốc lớn từ COVID-19 trên bình diện toàn cầu. "Đi qua mùa bão", những tín hiệu tích cực đang được phát đi khi dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam và sự khả quan của vaccine thế giới.

Chia sẻ tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” diễn ra sáng (26.11), Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), ông Phạm Văn Hảo đánh giá hàng không Việt Nam đang từng bước phục hồi theo mô hình chữ V. Ông Hảo dự báo, thị trường hàng không phải mất tới 3 năm mới phục hồi về mức như năm 2019.

Ngoài 2 vị tỉ phú trên có sự thay đổi lớn về giá trị tài sản thì trong khoảng thời gian 6-27.11, tài sản của các tỉ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC); tỉ phú Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Techcombank (HOSE: TCB); tỉ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) và tỉ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco đều không có sự thay đổi, theo dữ liệu của Forbes.

* Có thể bạn quan tâm 

►Cổ phiếu thăng hoa, Chủ tịch Trần Đình Long lọt top 3 tỉ phú giàu nhất Việt Nam

►Tài sản của các tỉ phú tăng mạnh trong tháng 8