Sừng tê giác: Quá đắt, quá nguy hiểm!
"Số phận của những con tê giác châu Phi đang phụ thuộc phần lớn vào Việt Nam”. Đó là thông điệp mới nhất từ siêu sao Hollywood Jared Leto và Chủ tịch Carter Roberts của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên Nhiên (WWF), được đăng tải trên tạp chí Time hồi tuần trước. Leto và Roberts nhắn nhủ thêm: “Việt Nam có thể dẹp bỏ hoạt động buôn bán sừng tê và viết lại một tương lai mới cho loài tê giác”.
Tại Việt Nam, con tê giác một sừng cuối cùng đã bị giết chết vào năm 2010, với một viên đạn trong chân và chiếc sừng bị cưa mất. Còn ở quốc gia có nhiều tê giác nhất thế giới là Nam Phi, có tới gần 6.000 con tê giác đã bị giết để lấy sừng kể từ năm 2007, tương đương 20% số lượng tê giác toàn châu Phi. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 1.200 con tê giác bị giết tại Nam Phi, nghĩa là cứ mỗi 8 giờ thì lại có một con tê giác trở thành nạn nhân của các tay săn trộm. Hồi năm 2008, một cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã bị triệu hồi về nước sau khi bị truyền hình địa phương ghi hình lại cảnh mua bán sừng ngay trước cửa cơ quan.
Một công bố trong tháng 9 từ Ủy ban Công lý động vật hoang dã (WJC) của Hà Lan cho thấy làng Nhị Khê ở huyện Thường Tín, Hà Nội, là điểm nóng hàng đầu về buôn bán sừng tê giác. Sau quá trình điều tra kéo dài 1 năm tại đây, WJC đã phát hiện thấy hàng trăm sừng tê và ngà voi, tương đương gần một nửa lượng thú bị săn trộm ở Nam Phi trong năm 2015. Tổng trị giá lượng sản phẩm này lên tới hơn 53 triệu USD, một phần đáng kể trong số đó được chế biến lại để phục vụ cho khách Trung Quốc.
WJC cho biết, họ đã gửi một báo cáo dài 5.000 trang cho chính quyền địa phương hồi tháng 1 năm nay, nhưng không thấy có phản ứng gì. Vì vậy, đến tháng 11 này, tên họ 51 người Việt tham gia buôn bán sừng tê Nam Phi sẽ được WJC công bố cho toàn cầu tại một phiên điều trần ở tòa án quốc tế La Haye (Hà Lan).
Bất chấp việc chưa hề có bằng chứng khoa học nào cho thấy sừng tê giác có chứa thứ gì khác ngoài calcium, sắc tố melanin và keratin (chất tạo thành móng tay chân và tóc), nhiều người vẫn nghĩ rằng sừng tê giác là vị thuốc thần Đông y có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư. Tuy nhiên, sự thực là giờ đây ngay cả các chuyên gia Đông y hàng đầu cũng chẳng còn khuyến khích sử dụng sừng tê giác.
Tại Đài Loan, một thời là nơi tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới, các nghiên cứu đã cho thấy tác dụng y học của sừng tê là rất ít. Tiêu thụ sừng tê có thể làm giảm sốt, nhưng cũng chỉ ngang thuốc paracetamol hoặc sừng trâu bình thường. Khảo sát các tác dụng y học khác cũng cho thấy sừng tê không hơn gì sừng trâu. Việc sử dụng sừng tê còn có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Từng có một người Đài Loan đang khỏi dần bệnh đột quỵ nhưng sau khi sử dụng sừng tê theo lời khuyên của bạn bè thì bệnh lại tái phát nặng hơn. Khi đó, một bác sĩ Đông y đã giải thích rằng sừng tê gây tắc mạch máu, rất nguy hiểm cho người bị đột quỵ. Một trường hợp khác ở Hà Nội thì bị nhiễm độc dị ứng da, phải nhập viện sau khi dùng sừng tê giác.
Thực ra, Đông y cũng đã tìm thấy rất nhiều loại thảo dược khác có thể dễ dàng thay thế sừng tê. Chuyên gia Đông y Lixin Huang, Chủ tịch Hiệp hội Đông y Mỹ, khuyên rằng cây Bản Lam Căn (Radix Isatidis) là một lựa chọn rất tốt để thay cho sừng tê trong các công thức truyền thống. Còn về việc trị được ung thư, cũng chẳng có công thức Đông y nào cho thấy sừng tê có thể trị loại bệnh này.
Buôn lậu sừng tê giác cùng với ngà voi đang là nguồn thu nhập rất lớn cho các nhóm phiến loạn và khủng bố ở châu Phi. Ảnh: bloomberg.com |
Sừng tê giác tác dụng thì ít, nhưng tác hại thì nhiều. Việc săn bắn tê giác không chỉ làm đổ máu tê giác, mà còn làm đổ máu người. Theo thống kê mới nhất từ tổ chức Công ước Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật hoang dã (CITES), trong 10 năm qua đã có hơn 1.000 nhân viên kiểm lâm thiệt mạng trong lúc bảo vệ các loài thú quý hiếm, chủ yếu là ở châu Phi. Chỉ riêng công viên quốc gia Virunga ở Congo đã có tới 150 kiểm lâm thiệt mạng, trong đó có 2 người bị giết hồi tháng 3.2016. Còn tại công viên quốc gia Kruger ở Nam Phi, đã có gần 500 thợ săn trộm bị bắn chết trong vòng 5 năm qua.
Với giá sừng tê giác lên tới hơn 66.000 USD/kg tại thị trường chợ đen Trung Quốc, các nhóm săn trộm ngày càng trở nên cực kỳ liều lĩnh và nguy hiểm, được trang bị không chỉ súng đạn mà còn có lựu đạn, tên lửa và thậm chí là trực thăng.
Việc buôn bán và sử dụng sừng tê giác không chỉ phá hoại hệ sinh thái và gây thiệt hại sinh mạng con người, mà về lâu dài còn có thể mang đến nhiều hậu quả xã hội không ai ngờ tới. Hồi tháng 10 năm ngoái và tháng 1 năm nay, website của sân bay quốc tế Narita tại Tokyo (Nhật) đã có 2 lần bị tê liệt hoàn toàn do các cuộc tấn công của nhóm tin tặc nổi tiếng Anonymous. Nhóm này cho biết, họ thực hiện các vụ tấn công nhằm phản đối việc người Nhật săn bắn cá heo, cũng như ngăn chặn các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nhập cảnh vào Nhật. Nếu một ngày nào đó, một nhóm tin tặc như Anonymous “nổi hứng” muốn lặp lại chuyện tương tự ở Việt Nam với lý do bảo vệ tê giác thì hậu quả cũng thật khó lường. Còn nhớ hồi tháng 7 vừa qua, một nhóm tin tặc được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc đã tấn công và làm tê liệt hệ thống thông tin của sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất hàng giờ đồng hồ liền.
Nghiêm trọng hơn, việc buôn lậu sừng tê giác cùng với ngà voi đang là nguồn thu nhập rất lớn cho các nhóm phiến loạn và khủng bố ở châu Phi. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm nhất là nhóm khủng bố Al-Shabaab, hoạt động rất mạnh tại Kenya và Somalia. Rất nhiều các nhóm săn bắn trộm tại châu Phi hoạt động nhờ vào “vốn đầu tư” của Al-Shabaab. Theo ước tính của các chuyên gia, doanh thu của tổ chức này vào khoảng 100 triệu USD mỗi năm, trong đó gần phân nửa đến từ việc buôn lậu sừng tê và ngà voi. Đầu năm nay, nhiều thành viên của Al-Shabaab đã chuyển sang liên minh với tổ chức khủng bố khét tiếng ISIS và trở nên nguy hiểm gấp bội. Nói một cách khác, những đồng tiền bỏ ra mua sừng tê giác ở Việt Nam và Trung Quốc đang góp phần vào sự trỗi dậy của ISIS.
Tại Việt Nam, tình trạng buôn bán và sử dụng sừng tê kéo dài đã buộc CITES nhiều lần phải lên tiếng cảnh báo. Gần đây nhất vào giữa tháng 9 này, CITES đã đưa ra cảnh báo có thể tính đến việc đưa ra các lệnh trừng phạt nghiêm trọng đối với Việt Nam kể từ đầu năm sau. Đây không phải là lời đe dọa suông, vì theo thông tin từ WWF thì Mỹ và Anh là 2 nước đang gây áp lực mạnh nhất cho việc này.
Việc xử lý tệ nạn này không phải là khó, nếu các cơ quan chính phủ có thể phối hợp cùng nhau xử lý triệt để. Đài Loan từng có thời là điểm nóng buôn bán sừng tê của thế giới: vào năm 1992, có tới 77% số hiệu thuốc trên hòn đảo này có trữ sừng tê giác. Tuy nhiên, khi chính quyền mạnh tay xử lý các điểm buôn bán và giáo dục người dân, đến tháng 3.1994, con số này giảm xuống còn 6,5%; sang tháng 4 cùng năm, chỉ là 0,22%. Ở Hàn Quốc, tỉ lệ này cũng đã giảm từ 53% hồi năm 1993 xuống còn gần như bằng không vào năm 2003. Những kinh nghiệm đó cho thấy, việc xóa bỏ tình trạng buôn bán sừng tê hoàn toàn nằm trong tầm tay. Đã đến lúc phải đối diện sự thật rằng, sừng tê giác không chỉ quá đắt, mà còn quá nguy hiểm cho cả Việt Nam và thế giới.
Tuấn Minh