Sinh viên Việt Nam đổ xô du học Nhật Bản
Nhật Bản đang tích cực săn đón các sinh viên Đông Nam Á, với hy vọng tăng cường quan hệ kinh tế với khu vực này trong tương lai. Đông Nam Á là một điểm đến đầu tư quan trọng cho Nhật, đồng thời cũng là nguồn cung cấp nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, người Việt Nam đặc biệt được chào đón. Theo số liệu của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (Jasso), số người Việt Nam học tập tại Nhật Bản, bao gồm cả những người học ngoại ngữ, đã tăng gấp 12 lần trong giai đoạn 6 năm 2011-2016, lên tới khoảng 54.000 người. Giờ đây, Việt Nam chiếm gần 1/4 số sinh viên quốc tế ở Nhật Bản, chỉ sau sinh viên Trung Quốc (41%). Tuy nhiên, số sinh viên Trung Quốc cũng đang trên đà giảm xuống trong những năm gần đây.
Nhật Bản và Trung Quốc đều đang tìm kiếm ảnh hưởng ở Đông Nam Á, nơi có tăng trưởng kinh tế mạnh, cộng thêm một tầng lớp trung lưu lớn và ngày càng đông đảo hơn. Nơi này cũng có nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng. Đầu tư của Nhật Bản tại Đông Nam Á đã tăng lên trong những năm gần đây vì căng thẳng chính trị và nền kinh tế chậm lại đã làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc. Phía Bắc Kinh cũng tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với khu vực này thông qua Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) và chương trình Một vành đai, Một con đường (OBOR).
Số lượng sinh viên Việt Nam và Trung Quốc học tập tại Nhật Bản qua các năm. Ảnh:Bloomberg |
Nhật Bản đã xem việc chiêu mộ sinh viên từ các nước ASEAN là ưu tiên hàng đầu. Nhờ có học bổng của Chính phủ Nhật Bản, hai người con của bà Trần Thị Quỳnh My, một quan chức tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV), đã có điều kiện theo học tại Nhật.
"Tôi đã chọn Nhật Bản vì nơi đây có chi phí thấp hơn các nước khác, trong khi lại có một hệ thống giáo dục tốt, dạy tính kỷ luật cho sinh viên ", bà My nói. "Sau khi học tập tại Nhật, con tôi sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn khi trở lại làm việc tại Việt Nam, vì ngày càng có nhiều công ty Nhật đầu tư vào đất nước chúng tôi".
Với tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức trên 6%, Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Mỹ. Kim ngạch thương mại song phương Việt-Nhật đã tăng lên khoảng 30 tỷ USD trong năm 2016, gần gấp đôi con số 16,8 tỷ USD trong năm 2010. 2 nước đang đặt mục tiêu đưa con số này lên mức 60 tỷ USD vào năm 2020. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam, với tổng vốn FDI đến từ Nhật đạt 42,5 tỷ USD vào tháng 3/2017.
Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg |
Theo Keisuke Kobayashi, đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), trước đây các nhà sản xuất Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động giá rẻ. Nhưng trong những năm gần đây, sự phát triển của thị trường Việt Nam đã thu hút được nhiều công ty phi sản xuất, chẳng hạn như các nhà bán lẻ.
Bất kể là lãnh vực gì đi chăng nữa, các công ty Nhật Bản vẫn muốn tìm kiếm những nhân viên có trình độ và tay nghề cao, những người có thể làm cầu nối ngôn ngữ và văn hoá, ông Kobayashi cho biết.
"Các cuộc khảo sát của chúng tôi cho thấy việc tuyển dụng luôn là một thách thức với các công ty Nhật", ông nói.
Kỳ vọng cao
Sự hiện diện ngày càng nhiều của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam khiến các sinh viên và phụ huynh ngày càng tìm hiểu nhiềi hơn về việc học tập tại Nhật Bản, với hy vọng sẽ kiếm được một công việc được trả lương cao tại một công ty Nhật. Đó là nhận xét từ ông Itsuro Tsutsumi, giám đốc bộ phận trao đổi sinh viên của Jasso.
"Có khá nhiều kỳ vọng," Tsutsumi nói. "Các gia đình gửi con cái đi học như một khoản đầu tư, với hy vọng sẽ sinh lời thật cao".
Những hy vọng này có thể bị lợi dụng cho các mục đích xấu. Tháng 4 năm nay, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cảnh báo ngày càng có thêm nhiều sinh viên và thực tập sinh Việt Nam tại Nhật phải chịu những khoản nợ lớn, sau khi đã chi trả cho các đại lý du học chuyên vẽ ra viễn cảnh không thực tế về cơ hội việc làm.
Trần Thị Bích Phương (quê ở Nghệ An) là một trường hợp may mắn. Cô đã nhận được 2 học bổng để theo học ngành marketing tại Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (APU) thuộc tỉnh Oita ở phía Tây Nam của Nhật Bản. Một học bổng là từ phía trường cấp, và một học bổng nữa là từ Jasso, Phương cho biết. Theo APU, số sinh viên Việt Nam tại trường này đã tăng gấp ba lần trong 10 năm qua, lên mức khoảng 500 người.
Phương đang có kế hoạch tìm việc tại Nhật sau khi tốt nghiệp vào tháng 9 tới đây. Cô nói: "Thông qua cơ hội làm việc cho một công ty Nhật Bản, tôi sẽ có cơ hội học hỏi tác phong chuyên nghiệp trong công việc, và mở rộng tầm nhìn của mình. Về lâu dài, tôi muốn trở lại Việt Nam và sử dụng những gì đã học tại Nhật Bản".
Quỳnh Như
Nguồn Bloomberg