Shark Tank: Sân chơi khởi nghiệp
Không phải loài cá mập trắng hung tợn, mà chính là các “ông cá mập”, tên gọi chỉ các nhà đầu tư mạo hiểm chuyên tìm kiếm các công ty khởi nghiệp tiềm năng, trong chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng thế giới Shark Tank.
Chương trình này đang khởi động để ra mắt cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam. Jose Moore, Giám đốc Điều hành First Defense Nasal Screen (FDNS), có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua, sau thương vụ gọi vốn đầy gay cấn trên Shark Tank cách đây vài tháng. Công ty Jose chuyên sản xuất miếng dán bảo vệ vi khuẩn. Sản phẩm này được ông sáng chế khi nhận thấy các bệnh về đường hô hấp đang trở thành chủ đề chính ở Mỹ trong thời gian qua và có đến 90% vi khuẩn có hại sinh sôi thông qua đường hô hấp.
Jose đã tốn 1 triệu USD đầu tư, nghiên cứu sản phẩm, trong đó ông góp 600.000USD. Thần may mắn đã gõ cửa FDNS, một khách hàng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập đặt ông đơn hàng 1,7 triệu cái, với giá 60 cent/cái. Tổng giá trị hợp đồng lên đến 8 triệu USD trong vòng 6 năm. Thông qua Shark Tank, Jose muốn bán 10% cổ phần của Công ty, đổi lấy 500.000 USD tiền đầu tư. Công ty Jose được đề nghị mua lại đến 4 triệu USD cộng thêm 10% tiền bản quyền. Jose từ chối vì cho rằng ông đang sở hữu kho vàng trị giá hàng tỉ USD và đưa ra tỉ lệ hấp dẫn hơn đối với ông: 5 triệu USD tiền bán Công ty cộng 15% tiền bản quyền.
Cuối cùng, Jose không bán Công ty, ông chọn cách nhận đầu tư 750.000USD đổi lấy 30% cổ phần cùng 10% tiền bán bản quyền vĩnh viễn cho các nhà đầu tư. Thương vụ kết thúc sau khoảng 15 phút, kể từ khi Jose bắt đầu trình bày dự án của mình.
“Tiền tươi, thóc thật”, nhanh chóng cùng những lời bình luận kinh điển của các nhà đầu tư từng bán công ty vài trăm đến hàng tỉ USD là cái chất của Shark Tank. Chương trình hình thành bức tranh chân thực nhất về nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp cần vốn. Ở khía cạnh khác, Shark Tank cũng sẽ là một cay đắng đối với nhiều người, khi những dự án tâm huyết của họ trong hằng năm trời có thể tan thành mây khói chỉ sau 15 phút từ Shark Tank. Dĩ nhiên họ có thể tiếp tục bước đi một mình nhưng việc bị các nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm từ chối, là một điều không tốt cho bất cứ doanh nghiệp khởi nghiệp nào. Nhưng điều đó không làm Shark Tank mất sức hút, xuất phát từ Mỹ, chương trình này đã lan rộng ra hơn 30 quốc gia, với hơn 300 triệu lượt người xem mỗi mùa trên toàn thế giới.
Một buổi phát hình của Shark Tank trên đài ABC. Ảnh: takeiteasyinamerica.com |
Ở Mỹ, Shark Tank nhận được 250 đơn đăng ký mỗi mùa và tỉ lệ các thương vụ thương thuyết thành công lên đến 48%. Chương trình cũng nhận được 5 giải thưởng Emmy cho hạng mục truyền hình thực tế hấp dẫn nhất ở quốc gia này. Tại Việt Nam, kể từ tháng 4.2017, Shark Tank sẽ chính thức được trình chiếu vào lúc 10 giờ sáng Chủ nhật hằng tuần trên kênh VTV3, Đài Truyền hình Việt Nam. Capella Việt Nam, TV Hub cùng Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam là các đơn vị hỗ trợ Shark Tank thực hiện chương trình.
Bắt đầu từ tháng 9, Shark Tank Việt Nam đang tuyển chọn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và đồng bằng sông Cửu Long. Hiện đã có 100 doanh nghiệp xuất sắc nhất được chọn vào vòng huấn luyện tăng tốc 6 tuần. Trong mùa 1, Shark Tank Việt Nam đặt mục tiêu 30 vụ thương thuyết thành công.
Theo một nhà đầu tư không muốn nêu tên, vốn đầu tư không phải là vấn đề quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. Theo vị này các quy định về đầu tư, tạo cơ chế thoái vốn và bớt các thủ tục hành chính rườm rà mới là các vấn đề cần được cải thiện hiện nay. Vị này hy vọng rằng, các vấn đề vướng mắc trong đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ được đẩy nhanh tiến độ cải thiện trong thời gian tới nhờ sự xuất hiện của Shark Tank.
Anh Đức