ndh.vn
Quỹ từ thiện cổ phiếu
Đêm 27.9, trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty, bất ngờ công bố góp 2 triệu cổ phiếu HBC của Hòa Bình để sáng lập Quỹ từ thiện Hòa Bình. Với thị giá HBC đang giao dịch trên 60.000 đồng/cổ phiếu, tính ra, số tiền ông Hải đóng góp thành lập Quỹ Hòa Bình là hơn 120 tỉ đồng. Đây là khoản tiền lớn, dưới góc độ doanh nghiệp lẫn cá nhân tham gia từ thiện.
Từ mô hình Việt Nam
Trao đổi với NCĐT, ông Hải cho biết, ông có ý tưởng lập thêm quỹ từ thiện mới vì nhận thấy trong xã hội, còn nhiều đối tượng cần được giúp đỡ. Trong khi Quỹ Lê Mộng Đào, do ông Hải sáng lập năm 2008, lại chỉ giới hạn ở phạm vi hỗ trợ giáo dục, ông cũng không thể tùy tiện trích nhiều tiền từ quỹ công ty do lo ngại phản ứng của cổ đông. Trong bối cảnh đó, để có thể làm được nhiều hoạt động từ thiện hơn, ông Hải đã sáng lập quỹ mới, với ngân sách, điều hành, hoạt động riêng.
Buổi ban đầu, trong giai đoạn còn chờ thủ tục giấy phép, cùng với 2 triệu cổ phiếu HBC do ông Hải đóng góp, Quỹ từ thiện Hòa Bình còn tiếp nhận 100.000 cổ phiếu HBC, tương đương khoảng 6 tỉ đồng, từ ông Lê Viết Hưng, cố vấn cao cấp tại Hòa Bình. Lâu dài hơn, ông Hải tin tưởng, nguồn lực tài chính cho Quỹ Hòa Bình sẽ còn tăng thêm, từ sự chung tay đóng góp của các cán bộ công nhân viên, cổ đông lẫn các đối tác, bạn bè bên ngoài. Chưa kể, qua các đợt chia cổ phiếu thưởng, chia cổ tức bằng cổ phiếu, số lượng cổ phiếu HBC mà Qũy Hòa Bình nắm giữ, quản lý sẽ tăng lên.
Về danh nghĩa, Quỹ Lê Mộng Đào, Quỹ Hòa Bình toàn quyền sở hữu và quyết định đối với số lượng cổ phiếu HBC mà các nhà hảo tâm góp vào. Tuy nhiên, để đảm bảo sự ổn định về giá cổ phiếu HBC trên thị trường chứng khoán cũng như để nhà đầu tư yên tâm, chủ trương của người sáng lập là không bán ra cổ phiếu HBC.
Để chắc chắn hơn, ông Hải còn định ra một số điều luật riêng. Theo đó, người sáng lập được quyền lựa chọn, thay thế người điều hành quỹ. Cách thức này cho phép ông Hải tuy tặng cổ phiếu HBC cho Quỹ Lê Mộng Đào hay Quỹ Hòa Bình nhưng về thực chất, quyền biểu quyết cũng như tầm ảnh hưởng của ông Hải tại Hòa Bình vẫn không hề bị suy giảm.
Tính đến thời điểm này, tổng số cổ phiếu HBC mà ông Hải đã và dự kiến sẽ góp vào 2 quỹ vào khoảng 3,3 triệu cổ phiếu (2 triệu cổ phiếu HBC cho Quỹ Hòa Bình và 1,3 triệu cổ phiếu HBC cho Quỹ Lê Mộng Đào). Lượng cổ phiếu này chiếm gần 2,6% vốn điều lệ của HBC. Nếu ông Hải không lo xa và chuyện xấu nhất xảy đến, vị thế cổ đông lớn nhất ở Hòa Bình của ông Hải có thể sẽ bị lung lay. Bởi ở thời điểm cuối tháng 6.2017, ông Hải nắm giữ khoảng 15,08% vốn điều lệ tại Hòa Bình. Theo sát ông là PYN Elite Fund, với tỉ lệ nắm giữ là 14,86% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, như đã đề cập, ông Hải đã có một số động thái phòng bị. Ngoài ra, dự kiến trong quý IV này, Hòa Bình sẽ phát hành thêm 1 triệu cổ phiếu dạng ESOP (bán cho người lao động trong Công ty). Điều này sẽ giúp ông Hải gia tăng thêm số lượng cổ phiếu nắm giữ ở Hòa Bình. Bên cạnh đó, theo tiết lộ của ông Hải, dự kiến người quản lý quỹ cho Quỹ Hòa Bình sẽ là 2 đại diện trong gia đình của ông. Yếu tố này sẽ đảm bảo vai trò của ông Hải tại Hòa Bình.
Ông Lê Viết Hải hiện nắm giữ cả 2 cương vị Chủ tịch và Tổng Giám đốc ở Hòa Bình. Vì thế, bất cứ biến động nào liên quan đến tỉ lệ sở hữu cổ phiếu HBC của ông Hải cũng dễ dẫn đến hoang mang, lo lắng cho nhà đầu tư, có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của doanh nghiệp này. Theo ông Hải, đây mới là lý do để ông phải cẩn thận suy xét.
Quỹ Hòa Bình dự kiến sẽ ưu tiên nhiều nhất cho lĩnh vực y tế, cụ thể là hỗ trợ các nghiên cứu phát triển y học dân tộc, với những bài thuốc nam, nhằm chữa bệnh tận gốc, có khả năng phòng ngừa bệnh và tăng cường khả năng phục hồi sức khỏe cho con người. Hướng hoạt động của Quỹ là kết hợp với các tổ chức thiện nguyện thuộc ngành y tế cho công tác chuyên môn và phối hợp với các chùa, nhà sư để triển khai thực hiện.
Kinh phí hoạt động của Quỹ Hòa Bình sẽ chủ yếu lấy từ cổ tức. Theo chia sẻ của ông Hải, mức cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay và dự kiến 2-3 năm tới có thể là 15% vốn điều lệ, tức khoảng 3-4 tỉ đồng từ cổ tức. Trường hợp cần tiền nhiều hơn và được sự đồng thuận, Quỹ Hòa Bình sẽ bán ra cổ phiếu. Toàn bộ số tiền này sẽ tài trợ từ thiện trực tiếp. Những chi phí khác như lương sẽ do Công ty tài trợ thêm.
Đến mô hình thế giới
Cách thức doanh nhân dùng cổ phiếu của mình để đóng góp lập quỹ từ thiện rất phổ biến trên thế giới. Đình đám nhất có thể kể đến tỉ phú Bill Gates với Quỹ Bill và Melinda Gates. Giữa tháng 8 vừa qua, ông Gates đã quyên tặng 64 triệu cổ phiếu (tương đương 4,6 tỉ USD) của mình ở Microsoft cho các hoạt động từ thiện xã hội. Theo CNBC, đây là mức đóng góp kỷ lục nhất của ông Gates và sự đóng góp này đã làm giảm cổ phần của ông ở Microsoft xuống còn 1,3%. Theo cam kết, ông Gates sẽ còn tiếp tục bán dần cổ phiếu ở Microsoft để làm từ thiện và đến khoảng năm 2018 có thể sẽ không còn nguồn thu nào tại đây. Nhưng vị tỉ phú này vẫn sẽ nằm trong nhóm những người giàu nhất thế giới nhờ vào “cỗ máy” Cascade Investment, do ông sáng lập và Michael Larson điều hành.
Ngoài tỉ phú Bill Gates, thế giới còn biết đến Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Michael Bloomberg, George Lucas... với tư cách là những nhà từ thiện hào phóng nhất. Phong trào Giving Pledge do vợ chồng Bill Gates và ông Warren Buffett khởi xướng năm 2010 còn tranh thủ được sự ủng hộ của hàng trăm người giàu khác.
Thậm chí, mới đây, ông Yu Pang-Lin, một tỉ phú Hồng Kông, trước khi qua đời cũng quyết định để lại toàn bộ tài sản trị giá 2 tỉ USD cho từ thiện. Quan điểm của ông Yu Pang-Lin là “nếu các con giỏi hơn tôi, việc gì phải để lại nhiều tiền cho chúng. Còn nếu chúng kém cỏi thì có nhiều tiền cũng chỉ có hại cho chính chúng mà thôi”.
Trên thực tế, các quỹ từ thiện được góp bằng cổ phiếu đều đi theo mô hình của một công ty cổ phần, nghĩa là có ban quản trị, điều hành riêng, có tổ chức khoa học và công khai minh bạch thông tin với người tham gia. Tuy nhiên, nếu quỹ từ thiện nước ngoài, như quỹ tín thác Bill & Melinda Gates Foundation Trust đầu tư vào rất nhiều cổ phiếu, quỹ trên toàn cầu thì Quỹ Hòa Bình không tham gia đầu tư. “Nguồn vốn góp không nhiều nên đầu tư dễ rủi ro”, ông Lê Viết Hải giải thích.
Rõ ràng, quỹ từ thiện bằng cổ phiếu ở Việt Nam chỉ mới bắt đầu manh nha, còn theo quy mô nhỏ và phải dự tính đến rủi ro bị thâu tóm, ảnh hưởng đến công ty. Nhưng nếu so sánh với hình thức đóng góp từ thiện tự phát, ông Hải nhận thấy, hình thức lập quỹ từ thiện bằng cổ phiếu cho hiệu quả cao, lâu dài và ổn định. Quan trọng nhất, sau 10 năm hoạt động, với rất nhiều hoạt động hỗ trợ cho đi, Quỹ Lê Mộng Đào vẫn không bị suy giảm nguồn vốn đóng góp. Ngược lại, từ số vốn sáng lập 300.000 cổ phiếu HBC lúc ban đầu, Quỹ Lê Mộng Đào hiện đã đạt tới khoảng 1 triệu cổ phiếu HBC, tức gấp hơn 3 lần.
“Nếu các lãnh đạo doanh nghiệp đều góp cổ phiếu lập quỹ từ thiện, hoạt động từ thiện của Việt Nam sẽ chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và sẽ càng có nhiều cảnh đời khó khăn trong xã hội được giúp đỡ”, ông Hải khẳng định.
Viết Nguyên