“Quỹ số 1 ASEAN” muốn đầu tư thêm vào Việt Nam
Đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm chạp ở Thái Lan, nhà sáng lập kiêm điều hành quỹ Ton Poh là Atikrai Chatikavanij đang xem xét việc tiến công vào các thị trường nhiều rủi ro hơn nhưng cũng đem lại lợi nhuận cao hơn.
Atikrai đang tăng cường tập trung vào các nước láng giềng của Thái Lan là Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo Atikrai, chiến lược này được ông học từ cuốn sách “A Zebra in Lion Country” (“Ngựa vằn trong xứ sư tử”) của nhà đầu tư nổi tiếng Ralph Wanger. Theo đó, khi một bầy ngựa vằn lớn di chuyển, phần thảm cỏ ở giữa hướng đi sẽ bị quần nát, và nếu con ngựa nào muốn tìm cỏ tươi hơn thì buộc phải đi ra phía ngoài rìa của bầy ngựa. Tuy nhiên, tại đó nó cũng sẽ chịu rủi ro nhiều hơn từ việc bị sư tử tấn công.
“Nếu muốn có lợi nhuận phi thường thì bạn phải sẵn sàng thò đầu ra và tìm kiếm những cơ hội khác thường”, Atikrai tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. “Chúng tôi thích tìm kiếm những cổ phiếu chưa được nhiều người nghiên cứu và săn đón. Những doanh nghiệp đó thường cũng đang đi tiên phong trong ngành của họ”.
Chạy trước sư tử
Được thành lập với số vốn 3 triệu USD vào năm 2005, hiện tại Ton Poh đang có tới 200 triệu USD, với tỷ lệ lợi nhuận cao hơn 99% các đối thủ trong hơn 5 năm qua, cũng như tăng trưởng nhanh hơn 7 lần so với chỉ số chứng khoán SET của Thái Lan. Vừa qua, Ton Poh cũng đã được công ty tư vấn Eurekahedge (trực thuộc Mizuho Bank của Nhật) bình chọn là quỹ tốt nhất ASEAN. Chiến lược của Ton Poh là chuyên tìm kiếm các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa dưới 1 tỷ USD và phần lớn cổ phần vẫn nằm trong tay nhà sáng lập.
Trong năm 2015, Atikrai đã thực hiện khoản đầu tư đầu tiên bên ngoài Thái Lan, thông qua việc mua khoảng 5,8% cổ phần tại Coteccons của Việt Nam vào tháng 3. Sau đó, ông mua tiếp 5% tại công ty tàu cao tốc Superdong Kiên Giang. Từ đầu năm 2016 tới nay, giá của 2 cổ phiếu này đã tăng lần lượt 45% và 50%.
Cũng trong năm ngoái, Ton Poh đã thoái vốn khỏi công ty dịch vụ đầu tư Hoàng Huy chỉ sau 7 tháng đầu tư, do mâu thuẫn với đội ngũ quản lý. Theo Atikrai, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất hiện nay và sẽ có nhiều cơ hội tốt trong 10-15 năm tới, nhưng việc chọn ra các doanh nghiệp thành công tại đây khó hơn so với Thái Lan.
Nền kinh tế Thái Lan, vốn một thời từng tăng trưởng 7,8% hồi năm 2010, được Atikrai dự đoán chỉ tăng trưởng khoảng 3% trong những năm tới. Đây là con số không lấy làm khả quan so với Việt Nam (6,7%), Lào (6,8%), Campuchia (7%) và Myanmar (8,4%), theo dự báo của ADB. Cũng trong 4 năm qua, VN Index đã tăng 65%, so với mức 26% của SET.
Hổ phụ sinh hổ tử
Atikrai đến từ một trong những gia đình quyền lực nhất Thái Lan. Bố ông, Kraisri, từng là người đứng đầu ngành hải quan nước này và là một trong những thành viên sáng lập sàn chứng khoán Thái Lan. Ông nội của Atikrai từng lãnh đạo cả ngành cảnh sát Thái, và là thành viên của hội đồng hoàng gia. Em trai của Atikrai là Korn thì từng làm Bộ trưởng tài chính Thái Lan trong giai đoạn 2008-2011.
Atikrai Chatikavanij, nhà sáng lập kiêm điều hành quỹ Ton Poh. Ảnh: Bloomberg |
Khởi nghiệp là một nhà buôn thiếc, Atikrai đã cùng với Korn lập ra liên doanh JF Thanakom Securities với Jardine Fleming (Hongkong). Sau đó, khi JPMorgan Chase mua lại cổ phần của họ, Korn đã sử dụng số tiền này cho mục đích chính trị, trong khi Atikrai lập ra quỹ Ton Poh.
Khoản đầu tư đầu tiên của Atikrai là công ty nhà ở giá rẻ LPN Development, với mức giá 2 baht/cổ phiếu vào năm 2005. 10 năm sau đó, Atikrai đã bán lại các cổ phiếu LPN với giá cao hơn đúng 10 lần.
Để đầu tư vào các thị trường láng giềng của Thái Lan, Atikrai cho biết ông sẽ mua cổ phiếu của các công ty Thái đang hoạt động tích cực ở những thị trường này. Group Lease là một trường hợp như vậy: “Họ đã chuyển từ một công ty cho thuê xe máy rất bình thường ở Thái thành ra một công ty tài chính điện tử ở Campuchia và Lào. Họ cũng vừa có thêm giấy phép hoạt động ở Indonesia. Công ty này dám chấp nhận rủi ro và tìm thấy cỏ tươi ở những thị trường mới”, Atikrai nhận xét.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Ton Poh không có ý định rời bỏ Thái Lan, mà là muốn dùng nơi đây làm bàn đạp tiến sang các thị trường lưu vực sông Mekong: “Các nước láng giềng đang mở cửa và tìm cách bắt kịp chúng tôi. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi quá trình phát triển của Thái Lan được lặp lại ở các nước này”.
Tuấn Minh
Nguồn Bloomberg