Quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM: “Tài nguyên” cần được khai thác!
“Lưỡng tiện”
Theo ông Tính, chuyện đến bây giờ TP.HCM vẫn chưa “gút” được quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM là quá chậm so với các tỉnh/thành khác trong cả nước. Bởi việc nghiên cứu này đã được thực hiện từ cuối năm 2011 tới nay; và thực tế phương án xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt sẽ không khác gì đề án cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt, mà bản thân ông cùng các đồng nghiệp thực hiện trước đó.
Ngược thời gian, kể từ khi ông Tính còn làm trưởng phòng quản lý vận tải công nghiệp (ông Tính mới về hưu cuối năm 2012), ngay từ giữa thập kỷ trước, đơn vị ông đã làm hẳn một đề án cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt, trong đó mức giá thuê dự kiến từ 33 – 50 triệu đồng/m2 ngoài thành xe, tuỳ thuộc từng loại xe.
Thời điểm đó, nếu phương án này được chấp thuận, với lượng xe trên 3.200 xe, mỗi năm thành phố thu về hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách. Tuy đưa ra một đề án tương đối cụ thể như thế, nhưng theo ông Tính vì nhiều lý do, cuối năm 2008 thành phố đã quyết định dừng đề án.
Từ ngày đề án trên bị dừng, ngoài chuyện ngân sách không có điều kiện thu thêm, còn có không ít các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt, cũng như kinh doanh quảng cáo “tiếc ngẩn, tiếc ngơ”. Ông Phùng Đăng Hải, tổng giám đốc liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP.HCM (đơn vị có hơn 700 xe buýt các loại) tính toán, nếu chỉ cần thành phố chia 20% trong số tiền thu được từ quảng cáo trên thân xe buýt, thì mỗi năm các xã viên cũng có thêm cả chục triệu đồng, trong đó, chưa kể có những xã viên có cả chục xe sẽ được cả trăm triệu đồng. “Làm được như vậy, vừa tăng thu ngân sách, vừa khuyến khích xã viên, thì rõ ràng chất lượng xe buýt sẽ ngày càng được nâng lên. Bởi khi đó, xã viên có thêm một khoản tiền đầu tư sửa chữa cũng như đổi xe”, ông Hải nói.
Lo xa!
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, chuyện có những ý kiến cho rằng việc quảng cáo trên xe buýt sẽ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị là “lo xa và chưa xác đáng”. Vì, hiện nay cơ quan chức năng đã có quy định cấm quảng cáo mặt tiền và sau xe, tỷ lệ thích hợp là không được quá 50%.
Riêng chuyện mất mỹ quan, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục thì những điều này cũng đã có quy định cấm cụ thể. Theo đó, cái nào làm mất mỹ quan, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục thì chúng ta sẽ kiên quyết loại. “Có thể thành lập một ban chuyên “coi sóc” chuyện quảng cáo trên xe buýt để kịp thời ngăn chặn những quảng cáo phản cảm. Quảng cáo trên xe buýt là nguồn “tài nguyên” cần phải được khai thác ngay, chậm ngày nào, thiệt ngày ấy”, tiến sĩ Nguyên khẳng định.
Theo tiến sĩ Nguyên, quảng cáo trên xe buýt có ưu điểm là hình ảnh di chuyển trên nhiều tuyến đường, giúp khách hàng nhìn thấy nhiều lần trong một thời gian dài nên rất được quan tâm. Nếu thành phố “bật đèn xanh” thì các công ty quảng cáo sẽ vào ngay!