DXC Việt Nam là 1 trong 4 trung tâm sáng tạo toàn cầu của DXC toàn cầu. Ảnh: TL
Quản trị hạnh phúc ở DXC
DXC Việt Nam là 1 trong 4 trung tâm sáng tạo toàn cầu của DXC toàn cầu. Tuy nhiên, niềm tự hào của Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc DXC Việt Nam, trong hành trình 25 năm qua không nằm ở doanh số, hay giải thưởng mà là niềm vui khi thấy được bản thân và các thành viên DXC tốt hơn bản thân mình ngày hôm qua.
Chinh phục chính mình
Gặp Ngô Hùng Phương ở võ đường Hiệp khí đạo Phú Thọ, chứng kiến ông khóa khớp và thực hiện những đòn ném, ít ai nghĩ, vị võ sư khỏe mạnh kia đã ăn chay trường trong nhiều năm qua. Cũng như sẽ ít người có thể hình dung, võ sư ấy cũng chính là người điều hành DXC Việt Nam, thành viên của tập đoàn công nghệ cung cấp các giải pháp IT toàn diện cho hơn 6.000 khách hàng bao gồm các doanh nghiệp thương mại và các tổ chức dịch vụ công tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. “Aikido mang đến cho người học kỹ năng tự vệ, thể lực và sức khỏe tinh thần. Mục tiêu của bộ môn này không phải là chinh phục kẻ thù mà là chinh phục chính mình. Kinh doanh cũng thế”, ông mở đầu câu chuyện của mình như vậy.
Đã 25 năm, từ ngày đầu quân vào PSV (tiền thân của CSC Việt Nam cũng như DXC Việt Nam hiện tại), Ngô Hùng Phương đã gắn bó với công nghệ. Ngày đó, ông quyết định trở thành một lập trình viên với niềm tin mãnh liệt rằng chỉ có công nghệ mới có thể giải quyết được nhanh nhất những nhu cầu của thực tế, từ hiện đại hóa nông nghiệp đến đưa con người lên mặt trăng. Suốt chặng đường đó, thị trường công nghệ thế giới trải qua vô số thăng trầm và Ngô Hùng Phương cũng đảm nhiệm rất nhiều vị trí để cuối cùng trở thành người dẫn dắt hơn 1.000 nhân lực.
Điều đáng nói là trong 2 thập niên đảm nhận vai trò lãnh đạo, ông luôn đảm bảo được sự tăng trưởng bền vững, cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần cho từng thành viên công ty. “Con người luôn là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp. Khi từng nhân viên cảm thấy được sự phát triển của bản thân, họ sẽ đóng góp tận lực để doanh nghiệp ấy có thể phát triển mạnh mẽ nhất”, ông nói.
2020 là một năm đầy thử thách ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp nhưng DXC vẫn cố gắng duy trì công việc, lương bổng và phúc lợi đầy đủ cho nhân viên. Không chỉ gây ấn tượng về mặt kinh doanh, cùng với Ấn Độ, Philippines và Đông Âu, DXC Việt Nam hiện là 1 trong 4 trung tâm sáng tạo toàn cầu của DXC toàn cầu.
Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 nền kinh tế hấp dẫn nhất thế giới về cung cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm. Theo thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), doanh thu ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đã tăng gấp 180 lần sau gần 2 thập niên, mang về nguồn thu khoảng 9 tỉ USD/năm. Việt Nam từ lâu đã được đánh giá là khu vực có lực lượng gia công phần mềm công nghệ nhỏ nhưng hùng mạnh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các công ty phần mềm này đang đóng góp không nhỏ cho chiến lược Make in Vietnam và chuyển đổi số của Việt Nam. “Thuận lợi của Make in Vietnam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã thiết kế sản phẩm trọn vẹn”, ông cho biết.
Vậy mà, khi nhắc đến thành tích của DXC trong bức tranh chung này, ông Phương chỉ cười và bảo rằng, nhớ về những gì mình làm được là rào cản lớn nhất của việc chinh phục những mục tiêu mới. Đó là những giải thưởng vì cộng đồng hay tôn vinh các doanh nghiệp có chính sách nhân sự ứng biến xuất sắc. “Những ghi nhận này từ phía cộng đồng cho tôi thêm niềm tin rằng con đường quản trị lấy niềm vui của con người làm trung tâm mà tôi theo đuổi là đúng đắn”, ông Phương chia sẻ.
Ảo nhưng thật
Tháng 4.2020, khi cả nước chính thức bước vào giai đoạn giãn cách xã hội, thành viên của DXC đã bắt đầu quen với làm việc từ xa, dù rằng cách đó không lâu, Công ty đã khai trương văn phòng làm việc rất lớn. Ý tưởng về một văn phòng năng động, với môi trường mở, không gian linh hoạt để cùng nhau làm việc, nhân viên không có chỗ cố định, được trang bị laptop, tận dụng các phần mềm kết nối đã giúp chúng tôi đi trước một bước”, ông Phương tự hào.
Mặc dù Công ty nhanh chóng thích nghi với việc kết nối không trực tiếp nhưng khoảng trống về mặt giao tiếp vẫn tồn tại. Theo ông Phương, mất kết nối với cộng đồng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động, dẫn đến hiệu suất lao động cũng sẽ giảm. Do vậy, giãn cách phải là thời gian tổ chức nhiều hoạt động kết nối nhiều nhất. Không kết nối được về mặt vật lý thì kết nối ảo bằng công nghệ. Ảo, nhưng phải rất thực.
Ông Phương cho biết, cách thức của DXC là đều đặn tổ chức chuỗi cuộc thi nhỏ, từ việc viết chia sẻ cảm nghĩ trên Facebook nhân Ngày của mẹ, Ngày của cha, đến chia sẻ cảm xúc cá nhân khi phải bắt đầu thích ứng bình thường mới, cách thức làm việc từ xa.
Các thành viên được khuyến khích chia sẻ và tương tác, với những câu chuyện của thành viên khác. Qua đó, mọi người trong Công ty dần hiểu nhau hơn. DXC cũng tổ chức những “lễ hội” online như ngày âm nhạc, ngày trồng cây, ngày tái chế... Các thành viên thực hiện những hoạt động ấy tại nhà, ghi lại hình ảnh rồi chia sẻ với nhau. “Chúng tôi giãn cách nhưng lại gần gũi nhau hơn rất nhiều”, ông Phương nhớ lại. “Giữ được đời sống tinh thần phong phú nên hiệu năng làm việc của chúng tôi không chỉ duy trì mà còn tăng cao, thực hiện được tất cả các hợp đồng”, ông hào hứng.
Bước qua những ngày giãn cách, DXC mở cửa lại văn phòng nhưng các thành viên đã thích ứng được với đời sống bình thường mới. Họ tiếp tục duy trì hình thức làm việc từ xa. Theo ông Phương, đây sẽ là xu hướng tất yếu dù COVID-19 có kết thúc hay tiếp tục kéo dài.
Theo ông Phương, sự an toàn trong đại dịch chính là một món quà quý giá mà Nhà nước đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển. “Trong mỗi ngày, tôi đều cảm thấy biết ơn, từ việc mình được sống, được hít thở, được làm việc trong môi trường yêu thích cũng như biết ơn anh em trong đội ngũ DXC đã luôn hỗ trợ nhau phát triển”, ông Phương nói.