Quản lý sáng tạo qua “nỗi đau của khách hàng”
Trong đổi mới sáng tạo, có 7 yếu tố cần quản lý. Tiến sĩ Jaime Amsel - sáng lập viên và CEO của Strategy and POIESYE. Theo tiến sĩ, việc quản lý sự đổi mới sáng tạo như việc trồng một cái cây. Trong đó, thành phần nuôi dưỡng cái cây đổi mới sáng tạo chính là 3 yếu tố: Tổ chức, Sự quản lý và Khách hàng.
Tổ chức và sự quản lý
Tiến sĩ Jaime Amsel dẫn chứng, cây trồng nếu phát triển tốt thì sẽ cho ra những tán lá xanh tốt với những bông hoa. Đó chính là một tập thể. Và cá nhân là một bông hoa, với nhiều màu sắc để thu hút côn trùng đến để giúp hoa thụ phấn và cho ra những quả ngọt.
Quả ngọt này chính là ý tưởng. Và “cây đổi mới sáng tạo” luôn chịu tác động từ yếu tố thời tiết “thị trường”, Tiến sĩ Jaime Amsel nói.
Theo tiến sĩ Jaime Amsel, yếu tố quan trọng nhất và cũng là khó nhất, chính là việc hiểu được khách hàng muốn gì. Vì rốt cuộc khách hàng là những người mua và sử dụng ý tưởng đổi mới sáng tạo.
“Chúng ta khó hiểu khách hàng bởi vì họ chỉ hay nói về những sản phẩm có sẵn, chứ ít khi họ nói về những ý tưởng mới. Nên khi có sản phẩm mới, thường thì họ không biết gì để nói. Và khó khăn hơn, khi cũng chính khách hàng là người hay thay đổi, hôm nay họ thích điều này, nhưng mai có thể họ lại thích điều kia. Do đó, quá trình đổi mới sáng tạo tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Ông nhận định, những ý tưởng đổi mới sáng tạo đều không thành công. Và hầu hết lý do mà họ thất bại là do họ không hiểu được khách hàng muốn gì.
Khách hàng không biết họ muốn gì
Thế nhưng đôi khi khách hàng cũng không biết họ muốn gì, nên việc thực hiện một ý tưởng đổi mới sáng tạo rất rủi ro. Rủi ro ấy sẽ lớn hơn nhiều nếu bạn không đầu tư vào đổi mới sáng tạo, vì điều đó có nghĩa là bạn sẽ thất bại 100% trước những đối thủ của mình.
Cùng quan điểm với Tiến sĩ Jaime, ông Amir Gelman, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp của Chính phủ Israel, cho biết: "Khách hàng, đặc biệt là thể hệ trẻ, quyết định hoàn toàn dựa trên cảm tính. Theo vị chuyên gia này, một trong những vấn đề cơ bản của việc thực hiện một ý tưởng đổi mới sáng tạo là xác định đúng điều mà khách hàng đang cần".
Nếu như đối với chuyên gia Jaime Amsel, đó là “nhu cầu của khách hàng”, thì đối với ông Amir Gelman, đó là “nỗi đau của khách hàng”.
Chuyên gia về khởi nghiệp Amir dẫn giải việc xác định “nỗi đau của khách hàng” như sau:
Một nhóm bạn trẻ đưa ra sáng kiến là sử dụng drone (thiết bị bay điều khiển từ xa) để chụp hình cho những người chơi môn lướt sóng. Họ cho rằng, những người này cảm thấy “đau khổ” khi có những cú lượn tuyệt đẹp mà không được chụp lại những khoảnh khắc đó. Nhưng trong thực tế, khi được hỏi về nhu cầu sử dụng drone để chụp hình, những người này lại cho rằng, những trải nghiệm mà họ có được mới thực sự là những điều làm họ thích thú, còn việc có được những tấm hình ấy hay không thực sự không quan trọng.
Ví dụ trên cho thấy, “nỗi đau” thì có thể có, nhưng vấn đề là ta cần xác định đó là “nỗi đau” của thực sự của nhiều người hay chỉ là “nỗi đau” bé nhỏ của một số rất ít người. Vì điều này quyết định đến tính khả thi của ý tưởng.