Phao cứu sinh cầm tay, cứu hộ trong vòng 2 giây
Chiếc phao cứu sinh do ông Minh sáng chế không cần phải mặc vào người như các áo phao thông thường mà chỉ cần đeo vào cổ tay, hoặc để cạnh thân người, hoặc để dựa vào chân. Khi rơi xuống nước, chiếc phao sẽ tự xiết chặt lại vào cổ tay và nâng người nổi lên.
Phao được thiết kế hình khối chữ nhật dài 42cm, cao 21cm và rộng 12cm (dung tích 5,5 lít) đối với người lớn. Đối với trẻ em kích thước tương ứng là 40 cm x 19 cm x 11 cm (dung tích 4 lít). Vỏ phao có 2 lớp gồm: lớp bảo vệ ngoài được làm bằng nhựa polyethylene (PEHD) và có thêm chất chống tia cực tím (UV) có độ dẻo dai, bên trong là lớp foam bằng nhựa polyurythan có tác dụng chịu lực, chịu va đập, tăng độ nổi, không ngấm nước (là loại được bơm vào các võ tàu chiến cơ động).
Với trọng lượng 400 – 500 gam, phao có thể nâng nổi một người có trọng lượng 70 – 80 kg (phao người lớn), và trọng lượng 40 – 45 kg (phao trẻ em). Loại phao này có giá thành chỉ 80.000 đồng/phao, chỉ bằng khoảng một nửa so với các loại áo phao khác trên thị trường với hạn sử dụng 2 năm.
Chiếc phao ông Minh nghiên cứu đã được thử nghiệm tại sông Thanh Đa, sông Sài Gòn và sở GTVT TPHCM đã cho sử dụng thực tế tại các bến đò trong phạm vi TP.HCM. Qua đó, Khu Quản lý đường thủy nội địa đã có những nhận xét đánh giá, sản phẩm đã đạt các chỉ tiêu về độ bền, sức nâng và giá trị hữu dụng. Sản phẩm này đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp sở hữu bản quyền.
“Sản phẩm có kết cấu đơn giản, gọn nhẹ, thao tác xử lí cứu hộ nhanh. Sản phẩm này có thể sử dụng cho khách đi phà, đò và cho nhiều đối tượng khác khi sinh hoạt trên sông nước, cũng như sản phẩm có khả năng áp dụng rộng rãi trong tương lai cho các phương tiện giao thông thủy”, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Khu đường sông – Sở GTVT TP.HCM nhận xét.
Hiện đã có trên 10.000 chiếc phao cứu sinh được cung cấp ra thị trường, trong đó làm tặng phẩm 5.000 chiếc, còn lại cung cấp cho ban An toàn giao thông các tỉnh thành như TP.HCM, Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang…
Là người đam mê công tác từ thiện, thường xuyên tham gia công tác cứu trợ trong các đợt lũ lụt, ông Minh cảm thấy day dứt trước những cái chết thương tâm do tai nạn sông nước gây ra. Mỗi năm lại nghe thêm nhiều vụ tai nạn do chìm ghe, chìm tàu làm rất nhiều người chết, ông Minh trăn trở mình phải làm gì đó để hạn chế bớt những rủi ro cho những người thường xuyên phải sinh hoạt trên vùng sông nước. Hơn 6 tháng nghiên cứu, mày mò, thử nghiệm với số tiền túi tự bỏ ra tới 50-60 triệu đồng, sản phẩm phao cứu sinh bằng nhựa cầm tay đã ra đời.
Thực ra, đã có nhiều cơ quan chức năng đề ra các biện pháp thực hiện để bảo vệ tính mạng cho người dân khi sử dụng phương tiện giao thông thủy. Trong đó, biện pháp trang bị áo phao cho các đối tượng khi đi trên phương tiện thủy là một phương án tốt và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng con người khi có sự cố. “Tuy nhiên, việc trang bị áo phao có nhiều bất tiện. Thứ nhất là do vốn đầu tư khá tốn kém trong khi tuổi thọ sản phẩm không lâu nên nhiều chủ phương tiện đò ngang không muốn đầu tư. Đối với người sử dụng, sản phẩm này khi mặc vào thì nóng nực và khi sử dụng qua nhiều người thì không được sạch sẽ. Hơn nữa khi có sự cố thì thao tác cứu hộ rất chậm (nếu chưa mặc sẵn áo phao)”, ông Minh cho hay.