Gelsinger có thể ít nhất đưa Tập đoàn Intel quay lại đường đua.Ảnh: TL
Pat Gelsinger có thể vực dậy Intel?
“Thành công sinh ra tự mãn. Tự mãn sinh ra thất bại. Chỉ người hoang tưởng mới sống sót”. Đó là lời tuyên bố hùng hồn của Andy Grove, người đã giúp xây dựng nên Intel từ một startup nhỏ vào thập niên 1960 trở thành gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon. Câu nói này một lần nữa vang vọng bên tai Pat Gelsinger, người vừa nhậm chức CEO tại Intel vào giữa tháng 2.2021.
Gelsinger lèo lái một công ty mà nhìn ở một số góc độ nào đó vẫn đang trong tình trạng sức khỏe tốt. Intel hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới xét về doanh thu với 78 tỉ USD năm 2020. Tập đoàn đang chiếm lĩnh 93% thị phần chip máy tính dùng trong các trung tâm dữ liệu, một phân khúc phát triển rất mạnh và sinh lời, đồng thời nắm giữ 81% thị phần máy tính để bàn cùng biên lợi nhuận hoạt động lên tới khoảng 30%.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu Intel lại kém cỏi hơn so với các đối thủ. Nvidia, một doanh nghiệp chỉ bằng 1/7 doanh thu của Intel, lại có vốn hóa thị trường lên tới 370 tỉ USD. Công nghệ sản xuất mang đến thành công của Intel nay đã tụt hậu. Intel đã bỏ lỡ cuộc cách mạng smartphone. Một số khách hàng lớn như Apple và Amazon đang trở thành chính đối thủ của tập đoàn này. Rõ ràng, Gelsinger đang có một khối lượng công việc lớn cần phải xử lý.
Hãy bắt đầu với mảng sản xuất. Sản xuất chip xưa nay là cuộc chinh phục kích thước nhỏ nhất nhằm tạo ra các chip nhỏ hơn, nhờ đó có tốc độ nhanh hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Trong hàng thập niên, Intel đã dẫn đầu cuộc đua này, nhưng “nay Tập đoàn đã mất đi ứng nghiệm”, Alan Priestley của hãng nghiên cứu Gartner, từng làm việc tại Intel trong nhiều năm, nhận xét. Chip 10 nm của Intel ban đầu dự kiến ra mắt vào năm 2015 hoặc 2016 nhưng mãi đến năm 2019 mới trình làng, một sự trì hoãn chưa từng có tiền lệ. Tệ hơn là thế hệ kế tiếp chip 7 nm cũng bị trễ. Tháng 7 năm ngoái Intel tuyên bố chip 7 nm sẽ ra mắt vào năm 2022, bị trễ ít nhất 6 tháng so với kế hoạch.
Những va vấp trong sản xuất đã khiến Intel thất thế. AMD, đối thủ trực tiếp gần nhất của Intel, đã thuê ngoài sản xuất ở TSMC (Đài Loan), vốn có công nghệ đi trước cả Intel. Điều đó có nghĩa là chip của AMD nhìn chung nhanh hơn và tiêu thụ ít năng lượng hơn và thị phần của hãng này đã hơn gấp đôi kể từ năm 2019.
Thách thức thứ 2 là tính chuyên dụng ngày càng gia tăng của ngành chip, một vấn đề lớn đối với mảng truyền thống xưa nay của Intel là sản xuất các chip đa năng, đặc biệt khi máy tính để bàn đang ở vào buổi hoàng hôn. Các gã khổng lồ công nghệ giàu tiền mặt thì muốn tạo ra chip đặc dụng phục vụ mục đích riêng của họ nên có xu hướng tự thiết kế chip. Samsung, chẳng hạn, đã chuẩn bị sản xuất chip 3 nm. Hay năm ngoái Apple từng tuyên bố sẽ không sử dụng chip Intel trong laptop và máy tính để bàn của Hãng mà chuộng các chip được thiết kế theo yêu cầu. Amazon đang tung ra chip điện toán đám mây Graviton, cũng được thiết kế trong nhà và được sản xuất bởi TSMC. Microsoft, với mảng điện toán đám mây chỉ đứng sau Amazon, cũng được loan tin nghiên cứu chip tương tự.
Intel cũng thất bại trong việc dấn thân vào mảng smartphone, thiết bị phổ biến nhất thế giới hiện nay. Một nỗ lực cuối thập niên 1990 phát triển chip đồ họa - thế mạnh tạo ra mức định giá cao của Nvidia - đã chìm lắng. Những bước đi nhằm đa dạng hóa vào các mảng mới thông minh của chip nhớ hoặc chip lập trình (năm 2015 Intel đã trả 16,7 tỉ USD mua lại Altera, chuyên sản xuất loại chip này) đến bây giờ vẫn chưa cho trái ngọt tương xứng.
Gelsinger sẽ phải đối mặt với những thách thức trên, nhưng ông vẫn chưa cho biết sẽ làm gì để giải quyết chúng. Gelsinger trông không giống là “nhà cách mạng”. Ông bắt đầu làm việc tại Intel ở tuổi 18 trước khi rời khỏi để lãnh đạo công ty lưu trữ dữ liệu EMC vào năm 2009 và dẫn dắt công ty phần mềm VMware trong 9 năm. Trái ngược với người tiền nhiệm Bob Swan, Gelsinger là một kỹ sư được đào tạo trường lớp, từng đứng đầu thiết kế một trong những sản phẩm chip chủ lực của Intel năm 1989.
Công việc đầu tiên của ông là tìm cách vực dậy bộ phận sản xuất đang xanh xao của Tập đoàn. Intel đã thuê ngoài sản xuất một số chip cấp thấp hơn sang cho TSMC của Đài Loan. Với sức khỏe hiện tại của bộ phận sản xuất, ông có thể buộc phải tạm thời đưa nhiều công việc hơn sang Đài Loan, có lẽ trong đó có một phần mảng chip đồ họa và chip máy tính để bàn đắt đỏ hơn.
Cuối năm ngoái Daniel Loeb, nhà đầu tư chủ động nắm giữ cổ phần đáng kể trong Intel, đã gửi thư đến ban điều hành, thúc giục Intel phải từ bỏ hoàn toàn các nhà máy và chỉ gói gọn ở mảng thiết kế những con chip mà các hãng khác như TSMC sản xuất được. Thoạt nhìn, lựa chọn này trông có vẻ hấp dẫn: Intel đã đầu tư cơ bản lên tới 14,2 tỉ USD trong năm 2020, gần như tất cả được rót vào các nhà máy sản xuất chip của Tập đoàn. Trong khi đó, AMD lại chia tách mảng sản xuất vào năm 2009 và hiện phát triển mạnh mẽ. Còn Nividia ngay từ lúc mới thành lập (năm 1993) chỉ thiết kế chip và đều thuê ngoài sản xuất.
Nhưng theo Linley Gwennap, nhà quan sát kỳ cựu trong ngành chip, tìm một người mua cũng rất khó khăn vì các nhà máy của Intel hiện đã tụt hậu. Trong khi đó, hầu hết các nhà sản xuất chip của thế giới đều ở châu Á. Và kể từ ngành chip trở thành một mặt trận trong chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung, giới chính trị có thể cấm bán cho bên mua không phải là công ty Mỹ.
Intel cũng thất bại trong việc dấn thân vào mảng smartphone, thiết bị phổ biến nhất thế giới hiện nay. Ảnh: TL. |
Dù thế nào, Gelsinger từng tuyên bố ông sẽ phớt lờ lời đề nghị của Loeb. Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh tháng 1 vừa qua, ông chủ mới của Intel cho biết mặc dù Intel có thể gia tăng thuê ngoài đối với một số sản phẩm, nhưng ông dự kiến sẽ theo đuổi nhiệm vụ khó khăn và đầy tốn kém là đưa Intel trở về thời huy hoàng của ngành sản xuất chip. Ông tỏ ra hứng thú theo đuổi chiến lược của người tiền nhiệm trong việc đa dạng hóa vào các sản phẩm mới trong đó có các chip trí tuệ nhân tạo và chip đồ họa. “Cơ hội của chúng tôi ở vị thế là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu thế giới còn lớn hơn bao giờ hết”, ông nói.
Nói cách khác, đường hướng chiến lược hiện tại của Intel sẽ không thay đổi. Các cổ đông của hãng chip Mỹ này sẽ phải hy vọng rằng sự kiên trì của Gelsinger có thể ít nhất đưa Tập đoàn quay lại đường đua.