Ông Võ Tấn Long - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam.

 
Thứ Tư | 03/08/2022 09:29

Ông Võ Tấn Long, IBM – Câu chuyện về “Hành tinh thông minh hơn”

Ông Võ Tấn Long - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam chia sẻ về chiếc lược "Hành tinh thông minh hơn" của IBM và ứng dụng chiến lược vào Việt Nam.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2011.)

Những đoạn phim quảng cáo ngộ nghĩnh với thông điệp “Hành tinh thông minh hơn” dù đã được chiếu suốt 2 năm qua vẫn còn gây tò mò cho người xem. Hãy cùng Tiến sĩ Võ Tấn Long, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam, vén bức màn bí mật đằng sau thông điệp này.

Văn phòng miền Nam của IBM Việt Nam, nơi mở đầu câu chuyện của chúng tôi với ông Long về cái gọi là chiến lược “Hành tinh thông minh hơn”, tọa lạc tại tòa nhà cao nhất nhì Sài Gòn (Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, quận 1). Khi cánh cửa văn phòng mở ra, ấn tượng đầu tiên là những tấm poster vải in hình các chú cá ngúng nguẩy cùng thông điệp “Hãy để các chú cá lên tiếng!”. “Cá sao mà biết lên tiếng?”. Ông Long đáp: “Tại sao không? Chúng tôi làm cho chúng biết nói, theo cách mà chúng tôi gọi là làm cho mọi thứ trở nên thông minh hơn”.

HÃY ĐỂ CÁC CHÚ CÁ LÊN TIẾNG!

Tại sao phải làm cho các chú cá “lên tiếng”?

Như bạn biết, một trong những khó khăn của ngành thủy sản Việt Nam là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc là để chứng minh sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, giúp nhà nhập khẩu biết được thủy sản của chúng ta được nuôi như thế nào, từ đó tạo lòng tin nơi người tiêu dùng nước ngoài và đặc biệt là cung cấp thông tin nhằm giúp các nhà quản lý vĩ mô Việt Nam đưa ra chính sách thúc đẩy xuất khẩu phù hợp. Vậy làm sao để các chú cá “lên tiếng” về nguồn gốc của chúng? Chúng tôi đã gắn một chiếc thẻ RFID (hệ thống nhận dạng bằng sóng vô tuyến) lên mỗi khay đựng cá sau khi đánh bắt. Những khay cá này tiếp tục đi qua các công đoạn cân, chế biến, đóng gói, bảo quản rồi xuất khẩu. Toàn bộ quá trình này đều được ghi lại và người tiêu dùng có thể dùng thiết bị đọc RFID để biết con cá mình mua được đánh bắt, chế biến như thế nào.

Thẻ RFID - Hệ thống nhận dạng bằng sóng vô tuyến.
Thẻ RFID - Hệ thống nhận dạng bằng sóng vô tuyến.

Vậy ở các quốc gia khác, người ta ứng dụng giải pháp này vào đâu, thưa ông?

Khi đến Singapore, tôi đã chứng kiến nỗ lực rất lớn của Chính phủ nước này và IBM trong việc dự báo tình trạng giao thông. Mỗi chiếc ô tô đều được gắn thiết bị RFID. Khi các xe này đi qua trạm thu phí, một hệ thống đọc thẻ RFID được thiết lập tại cổng sẽ tự đọc thông tin và trừ phí vào tài khoản của chủ xe. Thiết bị này còn thu thập thông tin về mật độ xe qua lại trên đường và vận tốc xe chạy, để dự báo trước 15 phút quãng đường đó có khả năng bị tắc nghẽn giao thông hay không, giúp cảnh sát giao thông bố trí lực lượng đến giải quyết kịp thời.

Bao lâu nữa thì chúng ta có thể thấy hệ thống này ở Việt Nam?

Ở Việt Nam, phương tiện giao thông chủ yếu là xe máy và số lượng xe rất lớn nên về mặt chi phí rất khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu không dùng thẻ RFID, chúng ta vẫn có thể tận dụng chiếc điện thoại di động. Điện thoại di động bây giờ rất phổ biến và chúng tôi đang nghĩ đến việc dùng mật độ sóng điện thoại như một công cụ đánh giá số lượng người và xe đang lưu thông trên đường. Hay như ở Moscow và Saint Petersburg (Nga), IBM đã gắn vào camera của cảnh sát một thiết bị điện tử được nối với máy chủ để đo lượng xe lưu thông, cũng như phân tích được thời điểm nào là đông xe nhất. Những thông tin này giúp ích rất nhiều cho Chính phủ Nga trong việc quy hoạch lại hạ tầng đô thị, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều này. Theo tôi được biết, Hà Nội và TP.HCM có khoảng 200 chiếc camera như vậy.

Đâu là những giải pháp “thông minh hơn” ở các quốc gia khác mà ông cho là ấn tượng và Việt Nam có thể tham khảo?

Có những vấn nạn khác tưởng chừng rất khó dự báo nhưng vẫn có thể dự báo được, chẳng hạn lũ lụt. Ở Mississippi (Mỹ), các kỹ sư đã thả xuống sông những thiết bị thu thập thông tin về lưu lượng dòng chảy, mực nước, từ đó dự báo được lúc nào lũ có thể đến. Rồi chuyện kiểm soát năng lượng. Ở Mumbai (Ấn Độ), nơi có gần 24.700 chiếc đèn đường, vấn đề của nhà quản lý là làm sao để quản lý điện năng hiệu quả nhất. Chỉ cần bật hoặc tắt đèn sớm 1 phút là đã tạo ra sự khác biệt rất lớn về mức điện năng tiêu thụ. Cách giải quyết cũng tương tự là đặt thiết bị không dây vào đèn đường để thu thập và phân tích dữ liệu về khả năng chiếu sáng của chúng.

Nhân nói đến chuyện năng lượng, IBM có cách nào giúp giải quyết chuyện thiếu hụt điện năng, khi mà tình trạng thiếu điện đang trở thành thách thức cho Việt Nam?

Lượng điện năng bị thất thoát trên hệ thống truyền tải điện của Việt Nam là khoảng 10%. Nếu giải quyết được lượng điện bị hao hụt này thì sẽ giảm được 1/3, thậm chí là 1/2 thời gian cúp điện. Nhưng để giảm được 1% thôi thì EVN ước tính họ phải chi khoảng 800 triệu USD để cải tạo đường truyền. Và làm sao biết điểm nào bị thất thoát nhiều điện nhất để cải tạo? Chúng tôi đang đề xuất giải pháp “Hành tinh thông minh hơn” nhằm thu thập và phân tích dữ liệu chính xác từ các trạm biến thế, đường dây cần cải tiến để chống thất thoát. Tuy nhiên, ở Việt Nam lúc này, hoạt động chủ yếu của chiến lược “Hành tinh thông minh hơn” vẫn là giúp các doanh nghiệp thủy sản truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi cũng đang hợp tác với Ủy ban Nhân dân và Sở Giao thông Công chính TP.HCM áp dụng các giải pháp dự báo tình trạng giao thông, nhằm tiến đến việc xây dựng các trung tâm điều khiển giao thông tự động.

Hiện nay, sau gần 2 năm triển khai, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chiến lược “Hành tinh thông minh hơn” tại Việt Nam?

Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia đầu tiên công bố ứng dụng chiến lược này. Ở Việt Nam, giải pháp truy xuất nguồn gốc thủy hải sản được đưa ra đầu tiên. Trong khi đó, Singapore chọn ứng dụng vào việc quản lý đô thị một cách thông minh hơn. Như vậy, mỗi quốc gia có những mục tiêu trọng điểm khác nhau, nên thật khó để nói quốc gia nào thành công hơn trong việc ứng dụng chiến lược này. 

Ông Võ Tấn Long - Tỏng Giám đốc IBM Việt Nâm (2012), chia sẻ về chiến lược
Ông Võ Tấn Long - Tỏng Giám đốc IBM Việt Nâm (2011), chia sẻ về chiến lược "Hành tinh thông minh hơn".

Tôi nghĩ ở đất nước chúng ta, nếu được quyền đề xuất ưu tiên ứng dụng giải pháp “thông minh hơn”, tôi sẽ chọn ứng dụng vào hạ tầng cơ sở toàn diện. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không chỉ ứng dụng chiến lược này vào xây dựng đường sá, điện nước mà còn vào hệ thống ngân hàng, tài chính… Khi đó, nếu chúng ta làm một con đường thì không đơn thuần chỉ là trải đá, nhựa đường và quan tâm đến việc đường rộng bao nhiêu mà còn là quản lý nó như thế nào, chẳng hạn vấn đề bảo trì đường sá, phân tích lượng xe lưu thông trên con đường đó. 

Vậy cơ sở nào để IBM đưa ra chiến lược “Hành tinh thông minh hơn”?

“Hành tinh thông minh hơn” dựa trên một tiến trình 2 bước. Đầu tiên là thu thập dữ liệu. Hằng ngày, dữ liệu luôn được sinh ra. Khi bạn và tôi nói chuyện qua điện thoại, thông tin dữ liệu được sinh ra. Người ta có thể đo được cuộc nói chuyện đó diễn ra trong bao lâu, thông tin đi qua những trạm trung chuyển nào. Thứ 2 là kết nối dữ liệu. Chẳng hạn, nếu tôi và bạn đến một thành phố lạ, chúng ta rất muốn biết chính xác mình đang đứng ở đâu. 10 năm trước đây, điều đó là rất khó. Nhưng lúc này, chỉ cần có thiết bị định vị toàn cầu GPS kết hợp với bản đồ Google, chúng ta sẽ biết chính xác vị trí cũng như tốc độ di chuyển của mình. Như vậy, chỉ với 2 bước thu thập dữ liệu và kết nối dữ liệu, chúng ta đã có những trải nghiệm mới, kiến thức mới. Chúng ta trở nên thông minh hơn. Đó chính là cơ sở để IBM đưa ra chiến lược “Hành tinh thông minh hơn”.

Như vậy, đây là xu hướng công nghệ thông tin sắp tới của thế giới?

Tôi đã có dịp gặp Tổng Giám đốc IBM toàn cầu và được ông ấy chia sẻ 3 xu hướng công nghệ thông tin của tương lai.

Thứ nhất là xu hướng nâng cao năng lực phân tích kinh doanh. Chẳng hạn, nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn sẽ sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để thu thập thông tin từ khách hàng, tạo ra những cơ sở dữ liệu, rồi tích hợp chúng lại thành các báo cáo. Những chuyên gia marketing của bạn sẽ nhìn vào báo cáo đó để biết rằng khách hàng thường chọn sản phẩm gì, khả năng chi trả của họ ra sao... Tuy nhiên, quy trình thu thập và phân tích dữ liệu này cần có thời gian đủ dài để hoàn tất. Trong khi đó, ngày hôm nay và trong tương lai, công nghệ thông tin tiên tiến sẽ cho phép bạn theo dõi ngay lập tức hành vi khách hàng khi họ chọn mua sản phẩm và chi trả, từ đó bạn có thể phân tích hành vi khách hàng kịp thời và đề ra chiến lược marketing phù hợp.

Thứ 2 là xu hướng điện toán đám mây. Ví dụ, trước đây khi cần triển khai một hệ thống công nghệ thông tin cho doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ phải đầu tư toàn bộ gồm mua máy tính, thuê người cài đặt, quản lý và bảo trì hệ thống. Tuy nhiên, với điện toán đám mây, bạn chỉ cần đề nghị với các nhà cung cấp giải pháp những chức năng bạn cần sử dụng, sau đó cài đặt và sử dụng trực tuyến. Điện toán đám mây cho phép sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin thoải mái, dễ dàng như sử dụng điện, nước vậy! 

Và thứ 3, như tôi đã nói, là xu hướng “hành tinh thông minh hơn”.

CHÂU Á SẼ LÀ NGUỒN CUNG CẤP NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN CHO THẾ GIỚI

Trước kia IBM có thế mạnh về phần cứng, nhưng hiện nay lại nghiêng về các giải pháp kinh doanh hơn. Vì sao có sự chuyển hướng này?

Hơn 50% doanh thu của IBM đến từ dịch vụ và 1/3 lợi nhuận đến từ phần mềm. Như vậy, quan niệm IBM là công ty phần cứng không còn phù hợp và tôi thì gọi IBM là công ty dịch vụ công nghệ. IBM Việt Nam cũng không tách rời khỏi chiến lược này của IBM toàn cầu. 

 

Từ một thương hiệu máy tính, đến nay IBM Việt Nam đã có khả năng giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia và quốc tế, chẳng hạn cùng Bộ Tài chính xây dựng hệ thống phân bổ ngân sách quốc gia. Cũng xin nói thêm, IBM là công ty duy nhất trên thế giới có cả hạ tầng cơ sở về phần cứng, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Có hơn 15.000 chuyên viên tư vấn kinh doanh của IBM trên toàn thế giới am hiểu rất rõ về các ngành công nghiệp khác nhau. Họ chính là lực lượng thu thập và phân tích dữ liệu trong những ngành nghề khác nhau để đề xuất các giải pháp ứng dụng cho từng ngành.

Trong chiến lược toàn cầu hóa, IBM đánh giá thế nào về vai trò của Việt Nam?

Đứng từ phương diện toàn cầu, Việt Nam rất được IBM quan tâm. Việc tăng hơn 10 lần số lượng nhân viên trong vài năm không phải là trường hợp phổ biến của IBM ở các nước khác. Và như đã nói, Việt Nam là 1 trong 9 nước đầu tiên IBM triển khai chiến lược “Hành tinh thông minh hơn”.

Thứ nhất, Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh. Thứ 2, Việt Nam có trên 90 triệu dân với nguồn nhân lực trẻ dồi dào (65% dưới 30 tuổi). Trong 5-10 năm tới, các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, sẽ là nguồn cung cấp nhân lực công nghệ thông tin tốt nhất cho thế giới. Bạn biết đấy, châu Âu, Mỹ, Nhật đang đối mặt với tình trạng dân số già. Ở châu Âu lúc này có 5,4 người đi làm để “nuôi” 1 người về hưu, nhưng đến năm 2015 thì số người đi làm chỉ còn 2,7 người. Và thứ 3, mỗi năm có hàng chục tỉ USD vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam, khiến IBM càng có cơ sở để tin tưởng khả năng phát triển của mình tại đây.

Ông nói rằng châu Á sẽ là nguồn cung cấp nhân lực công nghệ thông tin, nhưng nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đang được đánh giá là yếu cả lượng và chất. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Nguồn nhân lực Việt Nam còn rất trẻ và thiếu các kỹ năng mềm như làm việc theo nhóm, tác phong làm việc trong môi trường quốc tế và đặc biệt là sự am hiểu về nhiều ngành nghề khác nhau. Phải hiểu rằng, các ngành công nghiệp khác nhau sẽ ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau, nên người làm công nghệ thông tin phải có kiến thức về các ngành khác nữa. Thực ra, so với các nước xung quanh, chúng ta bị thiệt thòi. Việt Nam phải trải qua một thời gian dài bị cấm vận, nền kinh tế được mở cửa trễ nên hẳn nhiên chúng ta thiếu bề dày về kỹ năng mềm. Về lâu dài, kỹ năng làm dịch vụ mới là kỹ năng quan trọng nhất đối với những người làm công nghệ thông tin, chứ không phải là vấn đề kỹ thuật.

Sau những nỗ lực này, ông có thể cho biết khả năng của nhân lực IBM Việt Nam so với các nước trong khu vực?

Năm 2007, chúng tôi đã nỗ lực xây dựng Trung tâm Điện toán Đám mây đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam. Trước kia, khi gặp những vấn đề phức tạp, chúng tôi thường “cầu viện” các chuyên gia Singapore sang giúp đỡ. Nhưng giờ thì khác rồi, các bạn bên Singapore muốn xây dựng hệ thống điện toán đám mây cho khách hàng đã nhờ các bạn IBM Việt Nam trợ giúp. Ngoài ra, chúng tôi còn thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo để các đối tác có thể đến đây sử dụng công nghệ IBM, dưới sự hướng dẫn của nhân viên IBM Việt Nam, cùng tạo ra những giải pháp công nghệ mới.

Xin cảm ơn ông!