Nếu Lucky Luke Mỹ phiêu lưu khắp nơi đi tìm chân lý thì chàng Lucky Luke Việt Nam cặm cụi tháng ngày học tập và làm việc vất vả.

 
Thứ Hai | 15/08/2022 14:51

Ông Thân Trọng Phúc, Intel – Hành trình của Lucky Luke Việt Nam

10 lần nộp đơn xin việc và bị từ chối đến Tổng Giám đốc Intel Việt Nam là chuyến hành trình phiêu lưu không mệt mỏi của ông Thân Trọng Phúc.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2009.)

Nếu cuộc hành trình của chàng cao bồi Mỹ Lucky Luke là đi tìm chân lý thì Lucky Luke Việt Nam Thân Trọng Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Intel Việt Nam, lại là những ngày dài ly kỳ lênh đênh trên đại dương, vượt qua những thử thách để trở về với quê hương, đặt một dấu son cho chặng đường phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam. 

16 tuổi, Thân Trọng Phúc cùng gia đình sang Mỹ, tiếp tục học trung học và đại học. Cuộc sống ở Mỹ không dễ dàng với cậu bé Phúc cao, gầy mang biệt danh của chàng cao bồi Mỹ Lucky Luke mà bạn bè đặt cho cậu. 

GIẤC MƠ CỦA LUCKY LUKE TRONG THUNG LŨNG SILICON 

Nếu Lucky Luke Mỹ phiêu lưu khắp nơi đi tìm chân lý thì chàng Lucky Luke Việt Nam cặm cụi tháng ngày học tập và làm việc vất vả. Đó là quãng thời gian rèn cho Thân Trọng Phúc sự kiên nhẫn, giúp ông tự tin vượt qua những thử thách sau này. Trung học rồi đại học, ông phải tự kiếm tiền học từ những công việc tay chân như dọn vệ sinh, chăm sóc cây cảnh, quản lý kho hàng cho nhà trường, phụ việc tại phòng thí nghiệm. Đây cũng là thời gian ông nuôi ước mơ được làm việc trong những công ty công nghệ cao nổi tiếng. Vì vậy, ông quyết định thi vào trường Đại học Tổng hợp California, tốt nghiệp năm 1985 với bằng kỹ sư ngành điện tử tin học, chuyên về phần cứng. 

Lúc 20 tuổi, cũng là vào đầu thập niên 80 ở Mỹ, Thân Trọng Phúc đã cảm nhận một xu hướng công nghệ thông tin thống trị. Ông nhận ra, máy tính cá nhân hay cả ngành công nghiệp bán dẫn đang trở mình. Ông kể: “Lúc đó, tôi có dịp đến thăm Thung lũng Silicon và nhận ra trong nó một sự bùng nổ của công nghệ thông tin với 4 hiện tượng. Chính 4 hiện tượng này đã cho tôi cơ sở để tin rằng ước mơ của mình không phải viển vông”. 

Thung lũng Silicon là phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc California ở Mỹ.
Thung lũng Silicon là phần phía Nam của vùng vịnh San Francisco tại phía Bắc California ở Mỹ.

Đầu tiên, ông chứng kiến làn sóng nhân sự ở những công ty lớn ra thành lập công ty nhỏ cho riêng mình để phát triển về một lĩnh vực cụ thể nào đó trong công nghệ thông tin. Thứ 2 là nhiều người Việt Nam đổ về vùng này sinh sống, họ xin vào làm công nhân sản xuất trong Silicon (bây giờ, thung lũng này đã thiên về đầu tư chất xám hơn là sản xuất). Thứ 3 là nguồn chất xám từ các đại học gần trung tâm Silicon đang đổ về nó và thứ 4 là sự xuất hiện của các nhà đầu tư mạo hiểm trong ngành công nghiệp số. Thân Trọng Phúc càng chắc chắn rằng, Silicon sẽ là nơi bắt đầu sự nghiệp của ông. 

Cho nên, dù gia đình sống ở Los Angeles, ông vẫn không học gần nhà mà chuyển đến một trụ sở của Đại học California gần Silicon. Mặt khác, ông tự thấy mình không chỉ có thế mạnh công nghệ mà còn đam mê kinh doanh, cho nên sau khi tốt nghiệp đại học, ông quyết định không tiếp tục học cao học như người em trai mà chọn con đường kinh doanh kết nối với kỹ thuật. Nhưng trước khi rời ghế giảng đuờng để chính thức thực hiện ước mơ, ông đã học bài học đắt giá khi bước chân vào Silicon. 

Đó là lúc ông xin thực tập ở Daisy Systems, một công ty chuyên sản xuất các phần mềm thiết kế chip và sau đó là Shugart, công ty sản xuất đĩa cứng. Ông cho biết: “Sáng lập viên của Shugart là huyền thoại của Silicon bởi ông đã làm ra đĩa cứng kích cỡ nhỏ. Nhưng sau đó, ông sáng tạo ra đĩa mềm cho công ty khác mang tên Seagate và chính Seagate đã giết chết Shugart”. Từ đó, Thân Trọng Phúc rút ra một bài học: trong ngành công nghệ thông tin, những công ty có công nghệ mới sẽ giết chết những công ty sở hữu công nghệ cũ cho dù công ty cũ ấy có to đến đâu, và những công ty nhỏ nếu biết phát triển công nghệ sẽ trở thành người khổng lồ. 

Những trải nghiệm về sự kiên nhẫn, khả năng đón đầu tương lai, lòng đam mê tột độ với lĩnh vực công nghệ cao cùng kinh nghiệm đầu đời đã tạc nên một Thân Trọng Phúc thời trẻ già dặn hơn so với độ tuổi, nhưng đã tạo cho ông sự tự tin để bước vào thánh địa công nghệ Silicon.

HÀNG CHỤC LẦN HÀNH TRÌNH THẤT BẠI

Sau khi tốt nghiệp đại học, các sinh viên ngành công nghệ thông tin ở Mỹ luôn nhắm đến những công ty hàng top trong Silicon. Chàng Lucky Luke Việt Nam cũng vậy. 

Đích nhắm của Thân Trọng Phúc là IBM. Thời điểm đó, công ty này dẫn đầu về công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, từ phát triển công nghệ đến kinh doanh tiếp thị. Ông gửi đơn xin việc vào IBM với vị trí kinh doanh hỗ trợ cho bộ phận kỹ thuật, nghĩa là kết hợp được cả 2 lĩnh vực như ông từng định hướng cho sự nghiệp của mình. Nhưng ông đã trượt “vỏ chuối”.

Ông kể lại: “Tôi phải đối mặt với nhiều ứng viên có điểm số tốt nghiệp đại học cao hơn mình. Nếu tôi xin vào làm kỹ sư thì có lẽ đã thành công nhưng tôi muốn kiên quyết đi theo con đường mà mình lựa chọn. Từ sự thất bại ở IBM, tôi rút ra kinh nghiệm. Đó là đừng bao giờ nói với người chủ rằng bạn sẽ biết mọi thứ, làm được tất cả mọi thứ. Người chủ chỉ cần biết bạn có kỹ năng gì tốt nhất cho họ và bạn chỉ thành công khi làm cái bạn giỏi nhất!”. Bài học này đã giúp ông thành công trong việc thuyết phục các lãnh đạo để đưa Intel về Việt Nam sau này. 

Nhưng Thân Trọng Phúc đã không nhận ra điều này từ ban đầu, ông bị thất bại hơn chục lần xin việc. Cuối cùng, ông đã dừng chân tại Intel, 1 trong 4 công ty ông xin việc thành công. Đó là vào năm 1986, khi IBM là một công ty lớn, nổi tiếng, còn Intel chỉ là công ty nhỏ. Ông bộc bạch: “Từ câu chuyện Seagate giết chết Shugart, tôi nhận thấy Intel tuy nhỏ nhưng sẽ là người khổng lồ trong tương lai. Sự thất bại của tôi ở IBM cũng chỉ là một rủi ro”. 

Intel có nhiều trụ sở và ông thích nhất trụ sở gần Thung lũng Silicon. Tại Intel, ông vừa đạt được ước mơ của mình là tiếp tục được sống gần Thung lũng Silicon, vừa được làm công việc phát triển thị trường công nghệ thông tin ông yêu thích từ lâu. Nhưng công việc ban đầu tại Intel của ông không suôn sẻ.

Ý tưởng marketing đầu tiên Thân Trọng Phúc đệ trình cho các lãnh đạo Intel sau khi được nhận vào làm là bán những con chip cho khách hàng kèm tặng phần mềm ứng dụng chip. Dự án của ông được Ban Giám đốc đồng ý vì tính khả thi, được người tiêu dùng ủng hộ vì mang lại giá trị gia tăng cho họ, nhưng một thời gian sau đó thì không thể tiếp tục được bởi nhiều lý do. Ông kể lại: “Chi phí làm các phần mềm ứng dụng chip ngày càng lớn, trong khi một người vừa ra trường như tôi chưa có kinh nghiệm lường trước vấn đề này”. Ông rút ra bài học cho mình: “Đừng nghĩ mình là giỏi nhất! Sự thành công không thể do mình làm tất cả mà nó phải là ý kiến, thành quả của tập thể, của sự giúp đỡ từ nhiều người”.

Ông Thân Trọng Phúc rút ra cho mình bài học: Đừng nghĩ mình là giỏi nhất!
Ông Thân Trọng Phúc rút ra cho mình bài học: Đừng nghĩ mình là giỏi nhất!

Như vậy, từ năm 1986, khi bắt đầu công việc cho Intel tại Santa Clara với vai trò kỹ sư tiếp thị sản phẩm và sự thất bại của dự án trên, ông không tạo thêm được bất kỳ đột phá nào hơn 10 năm sau đó. Ông nói: “Nhưng đó là khoảng thời gian tôi trưởng thành trong suy nghĩ và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm chuyên môn cũng như các mối quan hệ”. 

Ông kiên nhẫn trải nghiệm tất cả những công việc tại Intel. Năm 1989, ông là kỹ sư tiếp thị kỹ thuật với nhiệm vụ thúc đẩy việc sử dụng các mô hình phần mềm của những bộ vi xử lý 386 và 486 thông qua các khách hàng là nhà sản xuất thiết bị gốc. Năm 1991, ông làm công việc liên kết với những nhà phát triển phần mềm nhằm tối ưu hóa các sản phẩm của họ cho các nền tảng sử dụng kiến trúc Intel. Từ năm 1992-1995, ông đầu quân về phòng thí nghiệm kiến trúc Intel. Từ năm 1996-2000, ông trở thành chuyên viên mô tả sản phẩm cho Intel và cũng từ cột mốc này, sự nghiệp của Thân Trọng Phúc sang trang. 

BỮA ĂN TỐI ĐỊNH MỆNH

Ông nói: “Năm 2000 là thời điểm kỳ diệu trong cuộc đời tôi”. Là một chuyên viên mô tả sản phẩm, công việc hằng ngày của ông là triển khai ý tưởng từ các lãnh đạo thành những bản demo giới thiệu cho đối tác. Trong suốt 4 năm (từ năm 1996-2000), ông có điều kiện được tháp tùng các lãnh đạo của Intel đến khắp nơi trên thế giới để giới thiệu ý tưởng sản phẩm, là cơ hội để ông khẳng định mình trước các nhà lãnh đạo. Ông kể: “Cuộc sống của tôi trở nên rất thú vị, nhiều vốn sống hơn. Và điều quan trọng là tôi được làm việc với nhiều lãnh đạo giỏi, cơ hội ngàn năm có một!”.  

Cũng trong khoảng thời gian này, Intel đặt trụ sở tại Việt Nam. Với 6 nhân viên cùng một trưởng đại diện người Việt, trụ sở chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu thị trường. Thân Trọng Phúc cũng có dịp ghé thăm trụ sở, từ đây, ông dành nhiều thời gian hơn để nghĩ về Việt Nam. Ông bộc bạch: “Con người rồi cũng phải trở về với cội nguồn. Tôi là người Việt, nói tiếng Việt, tên Việt thì tại sao không đóng góp gì cho quê hương mình. Silicon khi hội đủ các yếu tố thuận lợi đã phát triển bùng nổ. Lúc này, tôi đã nhìn thấy viễn cảnh tương tự ở Việt Nam”. 

Nhưng điều này sẽ chỉ mãi là giấc mơ trong ông nếu không có “bữa ăn tối định mệnh” vào một ngày đầu năm 2000. Ông nhớ lại: “Đó là bữa ăn tối với ông Sean Maloney, Phó Chủ tịch Điều hành Intel. Ông đã hỏi tôi rằng có muốn trở về Việt Nam nhận nhiệm vụ mới không. Tôi đã không ngần ngại đồng ý vì đó là điều tôi muốn từ lâu, và ngạc nhiên, vui mừng hơn khi ông ấy đề nghị tôi thay thế vị trí của người quản lý đương nhiệm”. 

Khi hỏi về quyết định này của Intel, ông Maloney cho biết: “Đó là sự chọn lựa hợp lý của Intel dựa trên khả năng của Phúc. Anh ấy là người thông minh, kiến thức tốt, có lòng say mê công nghệ cao, anh ấy tỏ ra chắc chắn trong cam kết về sự thành công của Intel tại Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng Phúc phải thực hiện những vai trò hết sức khó khăn như quan hệ chính phủ, báo chí, khách hàng nhưng anh đã chứng minh mình làm rất tốt những điều này thời gian qua”. 

 

Chưa đầy một tuần lễ, Thân Trọng Phúc đã có mặt tại Việt Nam. Tháng 1.2000, ông giữ vị trí Tổng Giám đốc Intel Việt Nam. 2 năm sau đó, với hiệu quả công việc đạt được, ông tiếp tục đảm nhiệm thêm công việc tại những thị trường còn lại ở Đông Dương là Lào và Campuchia. Trong giai đoạn 2000-2005, dưới sự điều hành của ông, Intel Việt Nam tăng trưởng doanh số gấp 5 lần, đồng thời thị trường máy tính cũng tăng từ 100.000 máy trong năm 2000 đến hơn 1,5 triệu máy cuối năm 2005, thuộc trong hàng top tăng trưởng cao nhất châu Á. 

Khi vừa về Việt Nam, nhiệm vụ chính của ông là tập trung phát triển doanh số cho thị trường máy tính nội địa. Tuy nhiên, ông muốn làm nhiều hơn như vậy. Năm 2000 là thời điểm internet bắt đầu bùng nổ, tạo nhiều điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp tư nhân. Số người sử dụng internet là hơn 15 triệu người với sự xuất hiện của đường truyền băng thông rộng. Ông Phúc từng chứng kiến cuộc trở mình vĩ đại của Silicon từ các yếu tố hội tụ và ông cũng bắt đầu nhìn thấy Việt Nam trong mối tương quan ấy. Ông nói: “Đó là lý do tôi quyết định vào cuộc bằng chính thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm của mình. Nếu Intel đầu tư vào Việt Nam thì sẽ có một cú hích về công nghệ thông tin và tôi cần chuẩn bị cho tiền đề đó”. 

Vì thế, bên cạnh việc nghiên cứu thị trường, Thân Trọng Phúc nhanh chóng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như cộng đồng theo con đường “lan tỏa từ vi mô đến vĩ mô”. Với doanh nghiệp, chương trình đầu tiên ông triển khai là hỗ trợ các công ty trong nước lắp ráp máy tính. Có khoảng chục công ty như vậy ở TP.HCM, nhưng phần lớn họ không lắp ráp theo một tiêu chuẩn nào. Ông đã cùng doanh nghiệp thiết lập lại quy trình, cập nhật những công nghệ mới nhất cho các công ty này và giúp các công ty từ không thành có thương hiệu như FPT Elead, CMS, Khai Trí, T&H, Robo, VTB… Nhiều doanh nghiệp trong số này vẫn xem Intel và ông Phúc là đối tác không thể thiếu của họ. 

Ông Trần Hải Nam, Giám đốc FPT Elead, đã nhận xét về thành quả của cuộc hợp tác FPT với Intel và tính cách của ông Phúc: “Năm 2007, trong số các sản phẩm của FPT Elead, Intel cung cấp đến 100% bộ vi xử lý, 30% bo mạch chủ và hơn một nửa số máy chủ phân phối ra thị trường của chúng tôi sử dụng linh kiện của Intel. Tốc độ tăng trưởng của chúng tôi đạt khoảng 50%/năm trong khi mức tăng trưởng chung của thị trường chỉ từ 25-30%. Vì thế, chúng tôi đánh giá rất cao năng lực và sự hợp tác của anh Phúc cùng đội ngũ Intel”. 

Giải quyết ở cấp vi mô là doanh nghiệp, không lâu sau, ông Phúc chạy tiếp các chương trình cho cộng đồng. Ông đánh giá: “Trí thức trẻ Việt Nam làm tôi ngạc nhiên vì tiếp thu rất nhanh các kiến thức về công nghệ thông tin”. Cho nên, ông đã tổ chức nhiều chương trình đóng góp vào việc phổ cập tin học cũng như internet đến cộng đồng, đặc biệt là đưa công nghệ thông tin về các vùng sâu, vùng xa, điển hình là chương trình máy tính Thánh Gióng do Trung ương Đoàn khởi xướng dưới sự hỗ trợ của Intel Việt Nam, FPT và CMS.

Nói về hiệu quả những sự kiện này, ông nói: “Thành công lớn nhất, sâu xa nhất là chúng tôi được Chính phủ Việt Nam ủng hộ nhiệt tình. Thực chất, những chương trình mang tính cộng đồng muốn thành công phải hợp tác chặt chẽ với chính quyền”. Đây cũng là yếu tố quan trọng ông đã nhìn thấy và chú trọng phát triển trước khi đưa Intel đầu tư trực tiếp vào Việt Nam năm 2006. Ông Maloney cho biết: “Chúng tôi có 2 điều mong đợi ở Phúc. Một là anh ấy sẽ làm tăng thương hiệu của Intel tại Việt Nam và hai là tiếp tục tạo những mối quan hệ tốt đẹp với Chính phủ”. 

KHAI THÔNG “TẢNG BĂNG CHÌM”

Từ việc thiết lập quan hệ với các bộ ngành ở Việt Nam trong những lần tổ chức sự kiện cho cộng đồng, Thân Trọng Phúc đã có điều kiện tiếp thị hình ảnh của Intel. Ông cũng là nhân chứng cho các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương giữa lãnh đạo Việt Nam với những người đứng đầu Intel, chuẩn bị cho lộ trình tập đoàn này đầu tư chính thức vào Việt Nam. Trong mỗi lần như vậy, ông đóng nhiều vai trò khác nhau.

Ông kể lại thời điểm cuối năm 2001, trong một dịp gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam thì ngài Thứ trưởng đã hỏi ông rằng: “Để Intel đầu tư vào Việt Nam thì phải làm sao?”. Từ câu hỏi này, ông Phúc nói: “Tôi đã nghĩ ngay đây chính là thời điểm cho Việt Nam. Rồi tôi dành nhiều thời gian sau đó để suy nghĩ và sắp xếp đưa một phái đoàn của Chính phủ Việt Nam sang Mỹ gặp gỡ các lãnh đạo của Intel”. 

Năm 2001, nhân chuyến công du sang Mỹ của Phó Thủ tướng Việt Nam theo lộ trình được thiết kế, ngài có đến tổng hành dinh của Intel ở Santa Clara gặp Chủ tịch Tập đoàn là Craig Barrett và các lãnh đạo khác để thúc đẩy quá trình xúc tiến đầu tư. Ngược lại, một năm sau, ông Craig sang thăm Việt Nam và cũng được tiếp kiến Thủ tướng. Thủ tướng cũng đề cập lại vấn đề đầu tư. 

Ông Phúc cho biết giá trị của những lần gặp gỡ này: “Tại sao Intel đầu tư vào Trung Quốc? Vì cơ sở hạ tầng, nhân sự, chính sách của Trung Quốc tốt. Nhưng quan trọng hơn, đó chính là sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tôi hiểu bản sắc của Intel. Họ thường có mối quan tâm đặc biệt với cấp thượng tầng cho các cuộc đầu tư tầm cỡ”.

Sau thêm vài lần gặp gỡ nữa giữa ông Craig và các lãnh đạo Việt Nam, ông Phúc nói Intel đã rất xúc động trước mối thân tình và tinh thần quyết tâm phát triển công nghệ thông tin của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, ông kể rằng, do đặc điểm đầu tư của các tập đoàn Mỹ thường bỏ ra chi phí lớn nên Intel vẫn chờ Việt Nam chín muồi hơn nữa mới đầu tư. Lúc này, không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia mạnh khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập cũng có trong danh sách chọn lựa của Intel. 

Thân Trọng Phúc vẫn chưa dừng lại ở đó.

Đến tháng 6.2005, Tổng Giám đốc Điều hành Intel, ông Paul Otellini đến thăm Hà Nội. Nhân dịp này, ông Phúc tổ chức sự kiện cộng đồng đón chào Intel và chương trình thanh niên áo xanh tình nguyện phổ cập tin học đến cộng đồng, gây được ấn tượng đặc biệt cho ông Paul, khiến ông đã tiết lộ rằng Việt Nam nằm trong số những ứng cử viên nặng ký đang được Intel nhắm đầu tư. Ông Phúc nói: “Như vậy, Intel đã nghiêng sang Việt Nam từ lúc này, nhưng chưa đi đến kết luận”. Lãnh đạo Intel cần có thêm cơ hội để hiểu rõ về Việt Nam. 

Cơ hội thuận lợi đã đến tại buổi ăn tối thân mật giữa ông Paul và các lãnh đạo tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam tại tư gia của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT. Ông Phúc nhớ lại: “Tôi, anh Bình, ông Paul và các vị khách không nói nhiều về chuyện đầu tư kinh doanh. Chúng tôi ngồi dùng bữa với nhau rất thân tình. Chúng tôi chia sẻ quan điểm sống, văn hóa và những câu chuyện rất thú vị trong đời thường. Ông Paul tỏ ra thích điều đó. Ông ấy đã nhận được lòng mến khách của các vị lãnh đạo Việt Nam và giờ đây, qua cuộc gặp gỡ tại tư gia anh Bình, trong không khí thân mật và cởi mở, không bị áp lực công việc, ông Paul như hiểu hơn về con người Việt Nam. Đến lúc này, tôi cảm thấy mình tin tưởng hơn mà không phải nhắm mắt giao phó khả năng thành công cho số mệnh”. 

Trong suốt hành trình đưa Intel về Việt Nam, Thân Trọng Phúc là người nắm rõ thông tin nhất từ 2 phía, nhưng ông vẫn đảm bảo trọn vẹn tính khách quan cho tất cả. Ông bộc bạch: “Tôi chỉ được phép là cầu nối, không được tiết lộ thông tin cho các bên biết quá sớm trước khi có những quyết định chắc chắn cuối cùng, cứ để quá trình diễn ra thật tự nhiên. Nỗ lực là của các bên và tôi có nhiệm vụ làm sao cho 2 bên hiểu rõ thiện chí của nhau. Nếu tôi can thiệp nhiều hơn vào nỗ lực của mỗi bên thì chưa chắc đã thành công”. 

Ông Paul trở về Intel và cuộc chọn lựa bắt đầu. Bản đồ các nước được dựng lên để các chuyên gia Intel phân tích lợi thế. Cuối cùng, Việt Nam được chọn. Ông Phúc chia sẻ: “Tôi không bất ngờ về điều này. Trong 3 năm xúc tiến và đàm phán, tôi đã cảm nhận về một tương lai rất tốt đẹp như thế”. Để đến ngày 28.2.2006, Intel chính thức làm lễ đón nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp và hoàn thiện chip bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Giới công nghệ thông tin và báo chí Việt Nam nô nức với sự kiện, hàng chục hãng thông tấn quốc tế lớn cũng có mặt như Reuters, Times, Bloomberg, AP, AFP với nhiều bài phân tích khác nhau, còn riêng Thân Trọng Phúc hiểu sâu sắc nhất nguyên nhân cốt lõi mang lại thành quả này.

nhà máy lắp ráp và hoàn thiện chip bán dẫn Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM
Nhà máy lắp ráp và hoàn thiện chip bán dẫn Intel tại Khu Công nghệ cao TP.HCM.

CHIẾN LƯỢC CỦA LUCKY LUKE TẠI VIỆT NAM 

Khi Intel về Việt Nam, chàng Lucky Luke bắt đầu đối mặt với những thử thách đặt ra cho một nhà lãnh đạo. Thân Trọng Phúc cho biết, tất cả nội dung tiến trình sản xuất đã được ghi rõ trong hợp đồng thỏa thuận của 2 bên, rằng năm nào sẽ có lãi. Ông nói: “Tôi không tiết lộ được điều này nhưng tôi tin chắc sẽ lãi nhanh trong vài năm đầu. Vấn đề là phải giải quyết được những khó khăn mang tính chiến lược”. Vậy chiến lược của Thân Trọng Phúc là gì? 

“Nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn giữ tiêu chí số 1”, ông nói. Nhà máy Intel đang cần cả lao động sản xuất lẫn lao động trí thức. Trong giai đoạn đầu, phải tuyển được 1.200 lao động, trong đó khoảng 800-900 là lao động sản xuất. Ông Phúc nói: “Ở Việt Nam, đây là bài toán rất khó, trong khi Intel Việt Nam chưa có kinh nghiệm giải quyết”. Tuy nhiên, ông chủ Intel Việt Nam cũng đã lên cho mình kế hoạch chi tiết về việc tuyển và dụng người. 

Ông cho biết Intel kết hợp cùng Khu Công nghệ cao để tuyển nguồn lực vì đơn vị này từng có kinh nghiệm. Trong lâu dài, Intel sẽ phối hợp với các trường đại học công nghệ thông tin, kỹ thuật để đưa thiết bị, chương trình giảng dạy vào trường nhằm chuẩn bị một lực lượng lao động chất lượng cao trong tuơng lai, thậm chí sẽ có cả chương trình đào tạo riêng của Intel cho sinh viên mới ra trường nhằm giúp họ hoàn thiện kỹ năng làm việc theo phong cách Intel. 

Về chiến lược sản phẩm và thị trường, ông Phúc tiết lộ: “Sẽ chú trọng xuất khẩu trong giai đoạn đầu nhưng vẫn chuẩn bị mọi thứ cho thị trường trong nước”. Intel đã từng đến các nước châu Á từ rất sớm như Philippines, Malaysia (hơn 30 năm) và Trung Quốc (khoảng 10 năm). Hiệu quả hoạt động khả quan do các nhà máy tại những quốc gia này chủ yếu cung ứng sản phẩm cho thị trường thế giới đang có nhu cầu rất lớn. Việt Nam, nhà máy thứ 7 của Intel, sẽ tiếp tục theo lộ trình này. Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm, Intel đã xin phép Chính phủ Việt Nam để cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước.  

Sở dĩ Intel nhắm đến thị trường trong nước vì theo lời kể của ông, từ khi đặt chân đến Việt Nam, ông nhận thấy chỉ khoảng 10% dân số dùng máy tính và internet. Trong khi đó, 98% người xem TV và xấp xỉ 50% cư dân đô thị có điện thoại di động. Ông khẳng định: “Tôi muốn dân mình sử dụng máy tính và internet cũng nhiều như vậy!”. Kết quả là Intel đã tập trung phát triển các dòng máy tính xách tay giá thấp phục vụ phân khúc bình dân, đại chúng với mức 250-400 USD/máy thông qua việc liên kết với những nhà sản xuất khác, cũng như tăng cường phát triển hệ thống WiMax (công nghệ băng thông rộng không dây) trên diện rộng. 

Bên cạnh những thách thức về chiến lược và thị trường cần giải quyết, sự có mặt của Intel tuy góp phần vào làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam nhưng cũng đặt ra sự cạnh tranh khốc liệt, đơn cử như đối thủ AMD nỗ lực tăng thị phần của họ trong nước. 

Thân Trọng Phúc tỏ ra tự tin khi được hỏi về điều này. Ông nói: “Nếu chúng tôi thấy được tiềm năng của Việt Nam thì AMD cũng vậy. Song, chúng tôi đã có cơ hội đặt nhà máy trước nên sẽ phải làm những “cú hích” rất mạnh trước. Chẳng hạn tăng năng suất sản xuất nhanh, cạnh tranh bằng chất lượng và giá, hay thực hiện tốt nhất chiến luợc chăm sóc doanh nghiệp, đối tác, khách hàng”. Trên thực tế, Intel ở Việt Nam chiếm thị phần áp đảo, đến hơn 95% thị phần bộ vi xử lý. Nhận xét về Intel và AMD, ông Hải Nam, FPT, so sánh: “FPT hiện chưa có hoạt động hợp tác nào với AMD. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, chúng tôi nhận thấy sự hỗ trợ và hoạt động tiếp thị của Intel thực sự nổi trội”. 

NHÀ BÁO LUCKY LUKE 

Nhìn lại chặng đường đã qua, Thân Trọng Phúc không còn giống chàng Lucky Luke được vẽ trên những trang truyện. Tóc muối tiêu, dáng người cao to, ông kể ông thích bơi lội, chơi tennis để cân bằng cuộc sống và công việc. Thú vị hơn là ông còn có niềm vui làm báo.

Một ngày tháng 4.2003, Tạp chí e-Chíp nhận được cuộc điện thoại với nội dung như sau: “e-Chíp hãy dành cho Intel một “miếng đất” vì Intel muốn làm một cái gì đó để chăm sóc khách hàng thông qua e-Chíp”. Và đó là cuộc gọi của ông Phúc. Từ đây, chuyên mục hằng tuần “Cầu nối Intel Việt Nam” trên e-Chíp ra đời.

Điều đáng ngạc nhiên là các câu hỏi khách hàng gửi đến e-Chíp cho chuyên mục này đều do đích thân Tổng Giám đốc trả lời một cách nhiệt tình. Ông nói: “Khách hàng sẽ yên tâm và hài lòng khi nhận được sự hồi đáp từ người có trách nhiệm cao nhất của Intel Việt Nam”. Thời gian sống tại Mỹ, ông Phúc từng làm công tác báo chí cho Intel, thu thập thông tin thị trường và viết bài. Vì thế, ông nói: “Tôi thích làm báo lắm! Huống chi báo chí còn được xem là quyền lực thứ 4”. 

Trong một lần trò chuyện với e-Chíp, ông bộc bạch: “Nhiều đêm, tôi say sưa trả lời các câu hỏi mà quên cả thời gian. Làm báo giống như làm sinh viên vì phải thức khuya nộp bài, nhưng sướng hơn sinh viên vì không làm bài kịp thì không bị trừ điểm hoặc bị đánh rớt. Không kịp thì cứ gọi cho e-Chíp “Các anh ơi, hẹn tuần sau nhé!”. Nói chơi thôi, chứ làm báo mới thấy là khó hơn làm giám đốc!”. 

Nhắc lại câu chuyện này, ông Phúc chia sẻ: “Nếu là doanh nhân, người tiêu dùng không thích sản phẩm của bạn, bạn có thể có nhiều cơ hội để thuyết phục họ. Nhưng nếu là nhà báo, một chữ một câu cũng đủ để họ quyết định ở lại hay rời khỏi bạn mãi mãi. Khi dùng báo chí như một kênh chăm sóc khách hàng, quan niệm của tôi là nói cho họ biết thông tin đúng, sai một cách khách quan nhất, chứ không lạm dụng truyền thông để tô hồng mọi thứ”. 

Cuộc hành trình của Thân Trọng Phúc vẫn sẽ tiếp tục, niềm vui với công việc viết lách không dừng ở đây. Hành trình trở về Việt Nam của ông mang nhiều quả ngọt hơn mong đợi. Đó là “tòa thành Intel” trị giá 1 tỉ USD ông đã góp phần xây dựng nên, đó còn là người bạn đời ông đã tìm được tại quê hương.

THÂN TRỌNG PHÚC “PHIÊN BẢN 2.0” 

Thân Trọng Phúc nói rằng ông đã hoàn thành “phiên bản 1.0” của mình ở Intel và ông tiếp tục xây dựng “phiên bản 2.0” với một công việc mới, đam mê mới. 

Ngày 16.12.2009, trong cuộc họp báo cập nhật về hoạt động đầu tư của Quỹ DFJ VinaCapital (DFJV), quỹ này đã công bố ông Phúc là Giám đốc Điều hành của Quỹ. DFJV là 1 trong 4 quỹ do Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital quản lý, gồm quỹ cổ phần VOF, quỹ bất động sản VNL, quỹ cơ sở hạ tầng VIL và quỹ công nghệ DFJV. Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital, tỏ ra vui mừng khi nói về vai trò mới của ông Phúc. Trong khi đó, vị trí Tổng Giám đốc Intel Việt Nam do bà Debjani Ghosh, Giám đốc Intel Khu vực Đông Nam Á, tạm thời thay ông Phúc đảm nhiệm lúc đó.

Trước kia, Thân Trọng Phúc là Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, nhưng bây giờ là Giám đốc Điều hành của 1 trong 4 quỹ thuộc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital. Nhiều người đang nói về sự thay đổi của ông?

Tôi hỏi bạn nhé, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hiện làm gì? Công tác từ thiện. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama có làm từ thiện không? Có. Như vậy, các ông ấy đều làm từ thiện, nhưng vẫn được mọi người gọi là “Ngài Tổng thống”. Bill Clinton và Barack Obama, cả 2 đều không chỉ viết một trang sử cho cuộc đời mình. Tôi cũng thế! Hãy nghĩ rằng tôi phải viết trang sử mới cho mình. Tôi đã gắn bó với Intel Việt Nam 10 năm, nhiều người nhớ về điều đó và tôi cũng không quên cái tên của mình gắn với Intel. Cứ xem “Thân Trọng Phúc và Intel” là phiên bản 1.0, còn “Thân Trọng Phúc và VinaCapital” là phiên bản 2.0. Nếu tôi làm tốt phiên bản 2.0 thì 5, 10 năm nữa nhiều người cũng sẽ nhớ đến tôi!

Ông nghĩ mình đã làm được những gì ở Intel?

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Thị trường IDC (Mỹ), Intel Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng của quý II/2009 là 23% so với cùng kỳ năm 2008. Intel Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số ít các công ty của Intel trên toàn cầu hoạt động hiệu quả và sáng tạo trong lĩnh vực bán hàng. 

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Thị trường IDC (Mỹ), Intel Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Theo đánh giá của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Thị trường IDC (Mỹ), Intel Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Đơn cử như việc bán máy tính thông qua các công ty viễn thông. Đây là kênh bán hàng mới của Intel được áp dụng thành công tại Việt Nam, hợp tác giữa Intel và VNPT. Trước kia, khách hàng cần sử dụng dịch vụ băng thông rộng phải làm 2 việc là mua máy tính rồi đăng ký dịch vụ. Còn bây giờ, hợp tác với Intel, VNPT thực hiện cùng lúc 2 chức năng bán máy tính và đăng ký dịch vụ. Các lãnh đạo ở Intel rất hài lòng về kênh bán hàng này.

Vậy về VinaCapital, ông có sự so sánh về chế độ đãi ngộ với Intel trước kia, vì được biết chế độ đãi ngộ của Intel đối với ông khá tốt?

Hai công việc khác nhau hoàn toàn. Khi quyết định thay đổi công việc, ai cũng phải cân nhắc một vài lý do. Đối với tôi, điều đầu tiên là công việc mới phải hấp dẫn. Tôi đã làm với Intel vì sự đam mê, rồi sau đó tôi tìm thấy một đam mê khác. Nó được châm ngòi khi tôi chứng kiến Intel Capital đầu tư vào FPT. Đây là tiền đề để tôi về VinaCapital.

Tại Mỹ hay các quốc gia tiên tiến trên thế giới, chuyện các nhà quản lý rời khỏi các tập đoàn lớn về đầu quân cho công ty quản lý quỹ đầu tư hay các công ty tư vấn là chuyện bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên. Có thể nói hướng đi này là sự lựa chọn của nhiều người đã đảm nhiệm vị trí tương tự như tôi. Ví dụ, trong buổi họp của các nhà quản lý quỹ đầu tư tại Mỹ vào tháng 11 vừa qua, tôi đã gặp ít nhất 2 người là phó tổng giám đốc cũ của Intel đã về làm cho các quỹ đầu tư hay quản lý quỹ đầu tư của mình.

Tại sao ông không nghĩ đến việc thành lập một quỹ đầu tư cho riêng mình?

Vậy tại sao tôi không thể trau dồi kinh nghiệm và phát triển với quỹ sẵn có? Thời gian huy động vốn cho quỹ đầu tư trong bối cảnh kinh tế hiện tại là 1-2 năm. Nếu tốn thêm 1-2 năm nữa thì tôi sẽ mất rất nhiều cơ hội.

Hiện có bao nhiêu công ty được DFJV đầu tư?

Quỹ DFJ do một nhóm nhà đầu tư mạo hiểm của Mỹ thành lập, hoạt động ở hơn 40 quốc gia, tổng giá trị khoảng 6 tỉ USD và đầu tư vào khoảng 600 công ty. Một số công ty mà DFJ đầu tư thành công là Skype, Baidu… Tại Việt Nam, Quỹ DFJV (liên doanh giữa VinaCapital và DFJ) đã đầu tư vào 7 công ty là Gapit (dịch vụ trên điện thoại di động), VON (cổng thông tin trực tuyến với 3 website timnhanh.com.vn, yume.vn và kiemviec.com), Chicilon Media (quảng cáo ngoài trời), Directwithhotels (dịch vụ đặt phòng trực tuyến cho các khách sạn vừa và nhỏ), mobizCOM (dịch vụ trên điện thoại di động), gophatdat.com (cổng thông tin thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp xuất khẩu) và Yeah1! TV (kênh truyền hình dành cho tuổi thanh thiếu niên).

Là người mới, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của 7 khoản đầu tư này?

Còn quá sớm để đánh giá, vì định hướng của Quỹ DFJV là 10 năm. Chiến lược của DFJV là đầu tư mạnh vào một số công ty tốt hơn là đầu tư rải rác vào nhiều công ty. Tôi không có ý đánh giá về sự đúng, sai của mỗi chiến lược đầu tư, nhưng tôi hy vọng mình có thể gây ảnh hưởng đến các công ty này để họ phát triển tốt hơn. Nhưng với đầu tư mạo hiểm thì trong 10 khoản đầu tư, có 1 khoản thành công cũng là tốt lắm rồi!

Ông nhận xét gì về triển vọng của ngành đầu tư mạo hiểm vào các công ty công nghệ tại Việt Nam?

 

Có thể lấy ví dụ của Quỹ DFJV để phân tích. Quỹ này đang tập trung vào 3 lĩnh vực rất thời thượng là internet (đầu tư vào những công ty trên mạng), các công ty cung cấp các dịch vụ trên điện thoại di động và các công ty truyền thông. Đối với những công ty trên mạng, trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp thành công với các mô hình khác biệt như Google lấy thế mạnh là tìm kiếm, Yahoo! là tin tức, Amazon là mua bán, eBay là đấu giá, Facebook là mạng xã hội. Những công ty này đã làm thay đổi bộ mặt xã hội. Theo tôi, những mô hình thành công này rồi cũng sẽ được áp dụng tốt tại các quốc gia ngoài Mỹ, trong đó có Việt Nam. Thị trường di động tại Việt Nam thì đang phát triển nhanh và nhờ có sự xuất hiện của 3G nên những công ty cung cấp các dịch vụ trên điện thoại di động càng có nhiều đất để phát triển. Còn truyền thông, vốn trước kia thuộc sở hữu Nhà nước, giờ cũng dần được hợp tác công-tư.

Điều gì là quan trọng nhất để một công ty công nghệ phát triển hiệu quả?

Có 3 thứ mà các công ty công nghệ tại Việt Nam phải nghĩ đến. Đầu tiên là đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và chiến lược, bên cạnh đó là sự am hiểu về tài chính, biết cách sử dụng tiền sao cho hiệu quả, và phải có kỹ năng tiếp thị trong môi trường có quá nhiều công ty nhỏ hoạt động.

Đầu quân về VinaCapital có nghĩa ít nhiều ông là đối thủ của Intel Capital?

Tôi đã tính đến chuyện hợp tác với Intel Capital và cả quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures nữa. Chẳng hạn, chúng tôi có thể đầu tư chung vào một vài công ty để chia sẻ rủi ro, làm cho thị trường đầu tư mạo hiểm vững chắc và hiệu quả hơn. Trước mắt, DFJV sẽ hợp tác với IDG Ventures, vì cả 2 đều mong muốn như vậy. Tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh việc hợp tác này.

Những điều thú vị nhất trong công việc hằng ngày ở VinaCapital sắp tới mà ông hình dung đến là gì?

Như bạn đã biết, Intel cũng đóng vai trò cầu nối và giúp các đối tác của họ, nhưng đối tác của Intel chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất phần cứng, phần mềm và phân phối. Còn bây giờ, tầm hoạt động của tôi tại VinaCapital sẽ rộng hơn một chút. Tôi không chỉ có cơ hội làm việc với các nhà phân phối mà còn với nhiều công ty khác nữa như tích hợp giải pháp, sản xuất các thiết bị công nghệ cao, thông tin truyền thông, viễn thông, công nghệ xanh… Và thử thách thú vị nhất là làm sao để giúp các công ty mình đầu tư vào phát triển tốt nhất, cũng như dẫn dắt những công ty chưa được đầu tư đủ tiêu chuẩn để có thể được nhận đầu tư sau này.

Xin cảm ơn ông!