Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ABBank. Ảnh: TL.
Ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ABBank: "Hạnh phúc đến từ những điều thật giản dị"
Ông Phạm Duy Hiếu vừa được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc ABBank. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của ông và NCĐT lần này không đề cập đến các vấn đề tài chính. Chúng tôi nói về hành trình khám phá và đi tìm hạnh phúc bên trong mỗi người.
Bước vào hành trình tìm kiếm hạnh phúc từ biến cố đời sống, suốt gần 10 năm qua, ông Phạm Duy Hiếu đã ngộ ra được nhiều bài học quý giá. “Hạnh phúc đến từ những điều vô cùng giản dị. Giản dị đến không ngờ. Đó có thể là vẻ đẹp của một bông hoa, của tiếng chim hót, của ánh nắng mai. Đi một bước chân cũng cảm thấy an lạc, chứ không cần đến điều kiện này, điều kiện kia như phải giàu hơn một chút, uyên bác hơn một chút. Tâm trí luôn lừa phỉnh để mình không thể và không thấy hạnh phúc. Và mình tin vào điều đấy. Cho đến một ngày mình thấy hạnh phúc đơn giản vô cùng. Càng đi càng thấy thú vị và vẫn tiếp tục đi”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu không giữ điều đó cho bản thân mà tích cực sẻ chia và lan tỏa nguồn năng lượng ấy đến đội ngũ nhân viên, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khởi nghiệp và cả sinh viên một cách kiên trì, đầy tâm huyết. Ông Hiếu nói, động lực của ông đến từ việc nhìn thấy bản thân mỗi ngày một tốt lên và nhận ra, có nhiều người cũng chọn con đường như ông.
Giữ cái nhìn rộng mở, tâm thức trở nên thấu suốt
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến khái niệm hạnh phúc, cân bằng và duy trì năng lượng tích cực. Nguyên nhân nào dẫn đến sự quan tâm này, thưa ông?
Mỗi người tìm đến hạnh phúc do nhân duyên của họ. Tôi không gặp được cơ số người để có thể trả lời cho tất cả. Trong trường hợp của tôi, tôi tìm đến hạnh phúc khi thấy bản thân mình không thoải mái. Đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, tôi thường tự hỏi liệu có thể tốt hơn được không? Khi mình có những câu hỏi như thế nghĩa là mình đang không hạnh phúc.
Tôi tiếp cận hạnh phúc ở những khái niệm giản dị như thoải mái, vui vẻ... thay vì tìm cách định nghĩa. Lo lắng, sợ hãi, giận dữ, bi quan, nản chí, mất hy vọng... rất nhiều trạng thái mình có thể rơi vào và không hạnh phúc.
Quá trình khám phá hạnh phúc gồm những giai đoạn nào?
Ban đầu, tôi nghĩ những trạng thái không hạnh phúc là do ngoại cảnh tạo ra. Có thể do môi trường sống, công việc quá áp lực, những người xung quanh sống không tốt... Tuy nhiên, đến giai đoạn 2, tôi nhận ra những cảm xúc xảy ra bên trong mình, trên con người mình là do mình quản lý và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Có cơ chế nào đó khiến mình trao quyền điều khiển cảm xúc vào người khác. Vậy mình sẽ quản lý năng lượng, trạng thái vui vẻ như thế nào? Ở tầng thứ 3, tôi dần dần nhận ra mình không còn phụ thuộc vào ngoại cảnh.
Cụ thể, với ông hành trình đó diễn ra thế nào?
Với tôi, đó là một quá trình nhiều năm, khởi từ năm 2014. Sau này, nhiều người gọi đây là quá trình rèn luyện kỹ năng hạnh phúc. Trên hành trình ấy, khi người học trò sẵn sàng thì người thầy đến. Tôi nhận được nhiều thông điệp, chia sẻ quan trọng mà trước đây họ đi qua, họ chia sẻ mình không nhận ra, hoặc lơ đễnh. Năm 2019 là một bước ngoặt, khi tôi bắt đầu hiểu được rằng, cuộc sống luôn có tính 2 mặt. Những điều mình cho là tốt sẽ có cái xấu trong đó. Và ngược lại. Xấu tốt luân chuyển không ngừng. Mọi việc xấu tốt đều do đánh giá của mỗi cá nhân trong một phạm vi nhất định. Khi có cái nhìn rộng hơn, kỳ lạ là những quyết định trở nên có chiều sâu. Trong một đống bùi nhùi, mình vẫn nhìn được ra gốc rễ vấn đề. Nói chính xác hơn là nhìn thấy được những thứ trước đây không nhìn thấy.
Ví dụ, trước đây, khi vào họp, tôi chỉ để ý lời nói và thông tin nhân viên đưa ra. Nhưng sau đấy, tôi bắt đầu chú ý đến trạng thái năng lượng của họ đang ở mức nào, cảm xúc của họ là gì khi chia sẻ. Có khi họ đến công ty, đến cuộc họp trong trạng thái gia đình, bản thân đang có sự không vui vẻ. Những vấn đề liên quan đến thị trường, khách hàng nói ra bởi nguồn năng lượng không tích cực đấy. Sau quá trình quan sát, tôi nhận ra, phải để cho nhân viên ở trạng thái trung tính, chân thực nhất có thể thay vì để cảm xúc bóp méo. Đây là nền tảng cho việc quản trị năng lượng. Quản trị năng lượng của bản thân, quản trị năng lượng của đội ngũ.
Hạnh phúc của tổ chức bắt nguồn từ hạnh phúc cá nhân
Quản trị năng lượng cho bản thân đã khó, quản trị năng lượng cho đội ngũ hẳn càng khó hơn?
Kể từ giai đoạn tìm hiểu từ năm 2019 đến nay, tôi học được vô số bài học về quản trị năng lượng. Hạnh phúc chỉ là một trong những trạng thái của năng lượng thôi. Về mặt ngôn từ, sẽ còn có những trạng thái năng lượng rất cao khác như yêu thương, tin tưởng, biết ơn...
Tôi không dùng từ “khó” và không nghĩ là “khó”. Khả năng của mỗi người là vô hạn. Khi nhận định một vấn đề gì khó, vô tình mình khóa tất cả trí tuệ của bản thân, dựng nên những bức tường. Với người làm kinh doanh, không chỉ là quản lý năng lượng mà còn đối mặt với nhiều vấn đề khác. Do đó, tôi luôn nói với đội ngũ, đừng dùng từ “khó”. Cần xác lập niềm tin, nếu có một người nào đó biết, hướng dẫn và cho mình thời gian thực hiện từng bước, mình sẽ làm được.
Suy cho cùng, việc bạn phải làm điều gì đấy mới là khó. Tôi luôn tự nhắc, trước mọi biến cố xảy ra, mình không phải làm gì cả. Trong mọi cuộc tranh luận cũng vậy. Và khi không phải làm gì cả, bỗng nhiên mình nghe tốt lắm.
Thực ra, cuộc sống thử thách tôi rất nhiều. Khi tôi bắt đầu thực hành được việc này, thử thách ập đến. Con trai bệnh, liệu có bình thản như thế được nữa không? Chắc chắn sẽ có những lúc hoảng hốt. Sau này nhận ra khi mình hoảng hốt thì mọi thứ càng hốt hoảng hơn. Nhưng nếu mình thản nhiên, vui vẻ, mọi thứ sẽ lắng dịu trong trường năng lượng ấy. Sự vững vàng hóa ra đơn giản. Con người thường được huấn luyện theo cách phản ứng, đấu tranh chứ không được dạy theo cách hòa chung với những gì đang xảy ra. Khi trở thành một phần của những gì đang diễn ra, sự sáng suốt và minh mẫn của mình luôn ở trạng thái tốt nhất. Nhận định tình hình, ra quyết định luôn ở trạng thái tốt nhất. Đó là cách quản trị năng lượng của bản thân.
Ông Phạm Duy Hiếu (áo trắng) cùng các cộng sự trong hoạt động chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp tại ABBank. Ảnh: TL. |
Làm thế nào để có thể duy trì nguồn năng lượng tích cực, đặc biệt với những ngành nhiều áp lực như tài chính, chứng khoán?
Từ khóa thứ nhất là từng giây, từng phút. Hãy duy trì nó. Trong quá khứ, khi bạn còn là một đứa trẻ, bạn đã làm điều này một cách thường xuyên. Bạn không hiểu biết, không tài năng như bây giờ nhưng rất giỏi để vui vẻ. Biến cố cuộc sống thường ập đến rất bất ngờ. Suy nghĩ, cảm xúc của mình sẽ bị ngoại cảnh chi phối. Nếu neo suy nghĩ, cảm xúc của mình vào việc gì hoặc ai đó thì toàn bộ hạnh phúc, năng lượng đều do thứ đó điều khiển. Và khi họ bị ảnh hưởng, hạnh phúc của mình sẽ mất, mình sẽ không giải quyết vấn đề được nữa. Do đó, không nên neo hạnh phúc của mình vào bất cứ ai, bất cứ việc gì. Hạnh phúc và năng lượng của bản thân hoàn toàn do mình quyết định.
Khi hình thành ý thức như thế, mỗi khi tâm trí xao động, mình sẽ tự nhắc. Dần dần, tôi nhận ra những suy nghĩ làm cho mình bị mắc vào là hữu hạn và hoàn toàn có thể bẻ gãy nó bằng logic. Ví dụ, cảm xúc bị dao động vì thành tích làm việc kém của một nhóm nhân viên. Việc này thường xuyên xảy ra. Những suy nghĩ hạn hẹp như thế hoàn toàn có thể mở rộng nếu nhìn ở khía cạnh, họ có cơ hội để học tập và trưởng thành hơn, thay vì đổ lỗi, tấn công nhau.
Tôi phát hiện những tình thế khó khăn mang đến cho ta rất nhiều bài học quý giá. Nếu mình sợ khó khăn, chẳng khác nào mình từ chối những bài học quý giá đó, từ chối sự tiến bộ? Sau mỗi lần chấp nhận và hướng dẫn, đội ngũ trở nên gắn kết hơn, thành quả xuất sắc hơn. Do vậy, từ khóa thứ 2 chính là phải giữ được nguồn năng lượng tích cực cho mình.
Quá trình chuyển đổi năng lượng tích cực cho doanh nghiệp nên thực hành như thế nào?
Các doanh nghiệp có quy trình quản lý tiền, quy trình quản lý nhân sự... nhưng không có quy trình nào để được hạnh phúc. Nghĩa là hạnh phúc của mỗi người do bản thân họ quyết định mà thôi. Tôi đặc biệt yêu thích câu nói của Osho: “Nếu như cuộc sống này thực sự là món quà thì mọi thứ bên trong nó đều là món quà”. Nó như một chỉ dẫn: những gì mình thấy xấu xí, trở ngại, gai góc, hãy xem món quà nằm ở đâu.
Hạnh phúc nằm ở cách chúng ta sống, tương tác, giao tiếp và hành động. Với người lãnh đạo hay bất kỳ ai, lời nói cần đi đôi với thực hành. Khi mình bình an, hạnh phúc, có nhiều năng lượng tích cực, mình sẽ tự nhiên lan tỏa đến xung quanh. Những người quan tâm một khi nhìn thấy cách sống mang lại nhiều giá trị, mình không cần làm gì, họ sẽ tìm tòi, học hỏi. Tình trạng nói xấu đồng nghiệp, nói xấu chính công ty trả lương cho họ cũng tự nhiên biến mất. Tức là họ đã hiểu được triết lý, hạnh phúc mới thành công thay vì truy đuổi hạnh phúc trong bất an. Đến lúc ấy, người lãnh đạo không cần phải làm gì nữa cả.
Như chia sẻ của ông, có thể hiểu, quá trình chuyển đổi và duy trì năng lượng tích cực nên bắt đầu từ cá nhân lãnh đạo. Lãnh đạo hạnh phúc thì nhân viên hạnh phúc. Nhân viên hạnh phúc, doanh nghiệp sẽ hạnh phúc. Mở rộng ra là quốc gia hạnh phúc. Ông có nghĩ như thế?
Khi mọi người quan tâm đến hạnh phúc nhiều hơn, tôi có cảm giác thêm nhiều bạn đồng hành. Đơn giản như thế thôi. Còn khi mình mong muốn quốc gia hạnh phúc hay thế giới hạnh phúc, nếu không cẩn trọng, mong muốn sẽ trở thành lòng tham. Vì thế giới chưa có điều đấy. Mang hạnh phúc đặt vào điều chưa có thật, mình lại mất đi giây phút hạnh phúc của hiện tại. Hạnh phúc là những gì đang xảy ra, phải yêu thương cả những khuyết điểm và những điều không hoàn hảo. Nếu trong xã hội, ai cũng mở lòng đón nhận tất cả những gì đang diễn ra, cả khiếm khuyết của những người xung quanh, đấy đã là hạnh phúc.