Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị GTVT Vietravel

 
Thứ Năm | 14/07/2022 15:37

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Vietravel - “Tôi là thủ lĩnh, không phải thủ trưởng!”

Ông Nguyễn Quốc Kỳ luôn giữ những quan điểm làm kim chỉ nam lãnh đạo Vietravel Holdings.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2006.)

Dù lãnh đạo một công ty nhà nước nhưng Tổng Giám đốc Công ty Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ luôn khẳng định: “Tôi là thủ lĩnh, không phải thủ trưởng”. 10 năm trước, Vietravel chỉ có 7 nhân viên. Sau 10 năm, Công ty đã phát triển với hơn 460 con người.

Là thủ trưởng một công ty nhà nước hơn 10 năm, ông có nghĩ một ngày nào đó sẽ lập công ty riêng?

Những ngày đầu của Vietravel cũng là những ngày bắt đầu đồng cam cộng khổ của tôi với công ty này. Tôi xem nó như con ruột của mình. Trong công ty nhà nước, sếp thường được gọi là thủ trưởng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Group
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Group

Thủ trưởng chứ không phải thủ lĩnh! Theo quan điểm của tôi, người lãnh đạo doanh nghiệp phải là thủ lĩnh. Thủ trưởng là người được đặt vào chức vụ lãnh đạo. Còn thủ lĩnh phải là người đắc nhân tâm được người khác. Tôi luôn cố gắng kết nối các nhân viên của mình, không cho phép “rẽ nhánh”, vì nếu nhân viên “rẽ nhánh” thì công ty khó mà tồn tại được. Còn việc ra riêng, tôi chưa nghĩ đến!

Vậy quan điểm của người thủ lĩnh là gì, thưa ông?

Nhiều nhân viên của Vietravel “nhảy cóc” qua các công ty khác sau một thời gian làm việc vì lương cao hoặc lập công ty riêng. Họ cho rằng đã học hết những bí quyết kinh doanh của Vietravel và có thể ra riêng. Một thời gian sau, họ quay lại và bất ngờ vì sự phát triển của Công ty và chính họ bị lạc hậu. Tôi vẫn thường nói với nhân viên của mình rằng, Vietravel là quả cầu tuyết, cứ lăn rồi lại dày lên thêm. Chuyến tàu chạy mà ai xuống giữa đường thì sẽ lỗ. Giữ nhân viên là trước hết phải cho họ thấy quan điểm đúng và đường đi đúng của Công ty. Người thủ lĩnh phải làm được điều đó!

Gần đây, ông đi học quản lý hệ cao học?

 

Chúng ta quy định, tất cả chủ xe 50 phân khối phải có giấy phép mới được lưu thông. Người không hiểu luật, không nắm rõ kỹ thuật lái xe có thể gây ra tai nạn, dẫn đến chết người. Còn chủ doanh nghiệp thì sao? Không có bằng cấp, không trau dồi kiến thức quản lý thường xuyên sẽ làm “chết” hàng trăm con người, làm sụp đổ cả một doanh nghiệp. Nhiều cầu thủ trở thành huấn luyện viên nhưng không phải tất cả. Nhà quản lý phải là huấn luyện viên chứ không thể là cầu thủ. Và muốn là huấn luyện viên, bạn phải đi học, thi cử và lấy bằng. Một nhà quản lý giỏi, có học vấn hẳn hoi sẽ làm cho nhân viên tâm phục, khẩu phục. 

Công ty du lịch hiện nay ồ ạt ra đời, ông nghĩ sao?

Ở TP.HCM có đến mười mấy ngàn công ty du lịch nhưng hoạt động thực sự có hiệu quả chỉ khoảng 700 công ty. Nhiều người vẫn quan niệm làm du lịch rất dễ, ít vốn, nhưng thực sự đây là một ngành đòi hỏi vốn tri thức và đầu tư, thời gian rất, rất lớn. Những công ty du lịch có khuynh hướng tìm kiếm lợi nhuận nhất thời sớm hay muộn cũng sẽ trở thành đại lý cho các công ty lớn.
 
So sánh của ông về lợi thế của các công ty du lịch trong nước nói chung, Vietravel nói riêng với các công ty nước ngoài?

4 điểm mạnh của công ty du lịch nước ngoài là công nghệ cao, tài chính lớn, đội ngũ chuyên nghiệp, văn hóa kinh doanh tốt. Còn chúng ta chỉ có một lợi thế là hiểu văn hóa bản địa, hiểu mối quan hệ giữa con người với con người. Hiểu tính cách tiêu dùng bản địa là thế mạnh của công ty du lịch trong nước và điều này bù đắp phần nào những hạn chế còn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, nó vẫn không phải là lợi thế mang tính quyết định. 

Vậy ông làm gì để tăng sức cạnh tranh cho Vietravel?

Chúng tôi thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu như một bước đón đầu quan trọng. Hệ thống phân phối quyết định thị trường. Vì thế, nếu có được hệ thống phân phối mạnh, công ty trong nước không phải e ngại bất cứ đối thủ quốc tế nào. Sau này, nếu công ty nước ngoài có muốn lập hệ thống tương tự như vậy phải tốn chi phí gấp 2-3 lần, cộng vào đó là thời gian. Đến khi họ hoàn thành xong thì chúng ta đã chuyển sang những loại hình kinh doanh mới. Nếu họ muốn mua lại của chúng ta thì giá bán sẽ cao. 

Trong kinh doanh, theo quan điểm của tôi, quy luật không phải là “lớn thắng nhỏ” mà là “nhanh thắng chậm”. Ngoài ra, với hình thức nhượng quyền thương hiệu này, chúng tôi sẽ thực hiện trong nước và cả ở nước ngoài như Mỹ, Úc, Pháp. Hiện nay, 3 triệu kiều bào của mình ở nước ngoài. Họ rất cần thông tin du lịch ở Việt Nam. Vì vậy, thực hiện nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài là cần thiết để tiết kiệm chi phí nhân lực và tăng lợi nhuận cho công ty. 

Chiến lược quảng bá thương hiệu của Vietravel là gì, thưa ông?

Bao cao su là mặt hàng rất khó quảng cáo vì nhạy cảm. Vậy mà sản phẩm bao cao su OK với hình ảnh đơn giản và khẩu hiệu cũng đơn giản: “Don’t say Yes, Don’t say No, I say OK”. Quả thực là rất hay! 

Tôi đã chọn thông điệp đơn giản, kiểu chữ đơn giản, màu sắc nhã nhặn để tạo nên sự giản dị cho thương hiệu Vietravel. Sự giản dị luôn làm cho người tiêu dùng an tâm. Bạn có lúc thắc mắc, thương hiệu này đọc khó quá, thương hiệu kia đọc dễ hơn, thôi, chọn thương hiệu kia! Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu thấu đáo vấn đề này. Vietravel là gì? Du lịch cho người Việt. Rất đơn giản! Còn khẩu hiệu “Nhà tổ chức du lịch chuyên nghiệp” vừa thể hiện mục tiêu, đẳng cấp của chúng tôi. Nội dung khẩu hiệu này cũng rất chi đơn giản!

Logo của Vietravel (Nguồn ảnh: BM)
Logo của Vietravel (Nguồn ảnh: BM)

Cách mà Vietravel tiếp thị đến người tiêu dùng ra sao, thưa ông?

Tôi lấy câu chuyện này. Hai nhà hàng xóm gần nhau. Một đêm nọ, nhà này mất gà. Đến sáng mở cửa, anh nhà này thấy anh nhà bên đầu tiên và anh ta lập tức nghĩ đến kẻ trộm đầu tiên có thể là anh nhà bên. Như vậy, thông tin đầu tiên dễ làm người tiếp nhận lập tức mà không kịp phân tích. Với Vietravel, chúng tôi cũng tiếp thị hình ảnh của mình và thu hút khách hàng như vậy. Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ chi quảng cáo trên báo chí là 2-3 tỉ đồng/năm nhưng chi đến hơn 5 tỉ đồng để chăm sóc khách hàng. Tập trung chăm sóc khách hàng chính là phương thức quảng cáo “truyền miệng” hiệu quả nhất. Chi phí chăm sóc khách hàng cũ của Vietravel là 5-6 USD/khách nhưng chi phí cho khách hàng mới lên đến gần 20 USD/khách. 

Vietravle Airlines (Nguồn ảnh: BM)
Vietravle Airlines (Nguồn ảnh: BM)

Một khách hàng thay vì chọn Vietravel có thể chọn một công ty du lịch nước ngoài vì thương hiệu nổi tiếng. Ông nghĩ sao?

Chúng ta không thể đặt bát sứ Minh Long mà so với bát sứ Trung Quốc. Trong kinh doanh du lịch cũng vậy. Chúng tôi luôn tạo ra sự khác biệt, sáng tạo trong kinh doanh nên nếu mang ra so sánh thì cũng rất khó. Sáng tạo cũng là cách thể hiện độ nhạy trong kinh doanh. Nếu không sáng tạo cái mới, doanh nghiệp dễ lâm vào thế bị so sánh tương đồng và sẽ dễ dàng thua đối thủ.

Xin cảm ơn ông!