Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), người được mệnh danh là “tín đồ chứng khoán”.

 
Thứ Năm | 11/08/2022 11:24

Ông Nguyễn Duy Hưng, SSI – Tín đồ chứng khoán

Ông Nguyễn Duy Hưng và hành trình từ chàng trai sõi tiếng Đức của UBND tỉnh Khánh Hòa đến "ông trùm chứng khoán" SSI.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2006.)

Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), người được mệnh danh là “tín đồ chứng khoán” đã bắt đầu sự nghiệp của ông với những câu chuyện khác lạ. Những ngày bắt đầu với Pan Pacific và sau đó là SSI, Nguyễn Duy Hưng vẫn thể hiện cá tính quyết liệt trong quan điểm và chiến lược phát triển doanh nghiệp.

ĐI ĐÚNG ĐƯỜNG, KHÔNG SỢ VỰC!

Từ chàng thư ký sõi tiếng Đức của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, năm 1993, Nguyễn Duy Hưng ra Hà Nội thành lập một công ty tư vấn đầu tư nước ngoài mang tên Pan Pacific. Nói là làm tư vấn nhưng thực chất chỉ là dịch vụ giấy tờ hành chính cho các dự án đầu tư nước ngoài. Kiếm lợi nhuận chỉ là một phần, hơn hết là để Nguyễn Duy Hưng thỏa mãn sở thích “tư vấn đầu tư”, một công việc ông ấp ủ từ lâu. Nhưng cạnh tranh ngày càng lớn. Cho nên, bên cạnh hoạt động dịch vụ tài chính, năm 1996, khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nở rộ, nhiều cao ốc mọc lên, ông Hưng quyết định đưa Pan Pacific tham gia vào lĩnh vực bất động sản với một sáng kiến dịch vụ mà những người biết ông khi đó thường miêu tả: “Ông Hưng thích trèo cao!”.

Ông Nguyễn Duy Hưng thường được miêu tả:
Ông Nguyễn Duy Hưng thường được miêu tả: "Ông Hưng thích trèo cao!".

Làm sạch, bảo dưỡng các cao ốc là dịch vụ mà Pan Pacific hoạt động, bên cạnh dịch vụ tư vấn gặp khó. Nghề vừa lạ, vừa nguy hiểm, nhiều rủi ro mà rất ít công ty Việt Nam khi đó dám kinh doanh. Dù cho lĩnh vực này có sự tham gia của 2 ông lớn, một từ Pháp, một từ Đức đang làm mưa làm gió, Pan Pacific vẫn điềm tĩnh trong từng bước chinh phục thị trường. Một đội ngũ công nhân khéo léo “đu” người trên các tòa nhà để làm sạch. Với sự dẫn dắt của ông Hưng, Pan Pancific nhanh chóng chiếm 50% thị phần bảo trì các tòa nhà, công trình, tăng trưởng doanh thu 40%/năm. 

Những suy đoán của ông về khả năng phát triển của Pan Pacific ở lĩnh vực dịch vụ bất động sản đã không sai trong suốt nhiều thập kỷ phát triển đô thị Việt Nam, nơi mà cao ốc đã mọc lên như nấm. Dù vậy, ý tưởng về dịch vụ tư vấn đầu tư và đặc biệt là tư vấn chứng khoán vẫn trong tâm trí ông. Năm 1996, dù bận rộn với Pan Pacific, Nguyễn Duy Hưng quyết định kinh lý ra thế giới để học hỏi về thị trường chứng khoán. Năm 1997, ông chứng kiến thị trường chứng khoán các nước châu Á sụp đổ do khủng hoảng. Sự kiện này khiến nhiều nhà kinh doanh chứng khoán Việt Nam rời bỏ sự nghiệp. Nhưng Nguyễn Duy Hưng vẫn bình tĩnh theo dõi từng biến động và lên kế hoạch cho SSI.

Ông chia sẻ: “Những ngày còn làm thuê, tôi đã học được ở sếp mình 3 tố chất quý giá của một nhà lãnh đạo, đó là tính quyết đoán, sự công bằng và niềm tin. Với kinh nghiệm của tôi, nhà lãnh đạo không thể thiếu một “đường đi được xác định đúng”. Có thể hôm nay tôi bị vấp ngã, ngày mai tôi rơi xuống hố nhưng nếu đã là con đường tôi xác định, tôi sẽ đi đến cùng và đến sớm. Rất đơn giản, tôi gọi đó là chiến lược!”.

Nguyễn Duy Hưng xác định thị trường chứng khoán là xương sống phát triển của bất kỳ một quốc gia nào và ông đã nhẫn nại vượt qua những khó khăn liên tục thời gian đó. Năm 2000 là thời điểm ông xác định sự ra đời đúng lúc của SSI. Dù tiếp tục duy trì hoạt động ở Pan Pacific, ông Hưng vẫn dành trọn vẹn tình yêu công việc cho SSI.

LÀM VIỆC GẤP 5 ĐỂ ĐƯỢC “LỰA CHỌN KHÁCH HÀNG”

Năm 2000, SSI là 1 trong 3 công ty chứng khoán đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động, tham gia phiên giao dịch đầu tiên. Năm 2001, SSI tư vấn cho Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), cũng là công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Khi hỏi về khó khăn của những bước đi đầu tiên, ông ngập ngừng: “Chẳng có ý nghĩa gì để phải nói lại những ngày ấy! Tôi chỉ biết rằng mình đã làm gấp 5 lần những công ty chứng khoán cùng thời”.

SSI khi ra đời là công ty chứng khoán tư nhân duy nhất, nhỏ nhất và dường như không có một sự hỗ trợ nào từ doanh giới. Trong mắt của chuyên gia, ông Hưng là “tay liều” muốn “lấy trứng chọi với đá”. Nhưng trong quan điểm của nhà sáng lập SSI khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam còn sơ khai và cơ hội là như nhau cho tất cả các công ty. Ông bộc bạch: “Trong lĩnh vực này, ai chiếm được niềm tin của khách hàng, người đó sẽ chiến thắng!”.

 

Chiến lược kinh doanh, mà cụ thể là cách thức thu hút đối tác của SSI đã được Nguyễn Duy Hưng quan niệm “dùng mưu thắng sức”. Để cạnh tranh, các công ty chứng khoán khi đó “khuyến mại” khách hàng bằng cách không cần họ phải đặt tiền cọc khi mở tài khoản, trong khi SSI lại làm ngược lại: khách hàng nào muốn mở tài khoản phải đặt cọc 10 triệu đồng. Động thái ngược này lại giúp khách hàng tăng thêm niềm tin vào Công ty. Khi đề cập đến tư duy chinh phục khách hàng, ông Hưng lặng đi một lát và đáp ngắn gọn: “Tôi muốn cho khách hàng thấy sự trung thực, tính chuyên nghiệp và bảo mật của dịch vụ, chứ không phải là những thủ thuật kinh doanh”.

Tôi hỏi tiếp về bước đầu khi SSI “bắt tay” với REE: “Kinh nghiệm đầu tư vẫn chưa nhiều. Vậy đâu là khó khăn của những bước đi đầu tiên?”. Ông Hưng nói: “Vấn đề không phải là có bao nhiêu kinh nghiệm để bạn có thể làm việc với đối tác. Thời đó, tôi và các đối thủ đều vừa làm vừa xây dựng kinh nghiệm. Chỉ cần vài thương hiệu lớn tin tưởng, bắt tay hợp tác thì một doanh nghiệp nhỏ bé như chúng tôi cũng sẽ làm nên tên tuổi. Để giữ được khách hàng, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn tài chính và môi giới chứng khoán, tôi có thể khẳng định lại, điều kiện tiên quyết là thông tin phải chính xác và trung thực”. 

Tháng 9.2003 đánh dấu điểm rơi nặng nề của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index chỉ còn 130 điểm, các giao dịch diễn ra thưa thớt, dịch vụ tư vấn đình trệ. Các công ty chứng khoán, nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường, liên tiếp xảy ra những cuộc tháo lui trên diện rộng, đẩy thị trường lâm vào tình cảnh bi đát, những tưởng khó mà vực dậy được. SSI cũng không nằm ngoài vùng “phủ sóng”. 

Song, nghĩ về những ngày khó khăn, ông Hưng bộc bạch: “Chẳng có quốc gia nào mà không đối mặt với những điểm rơi như vậy. Thị trường chứng khoán sẽ phát triển, đó là điều chắc chắn mà tôi suy nghĩ khi ấy. Là một nhà kinh doanh, bạn không nên đẽo cày giữa đường. Nếu chỉ vì một khó khăn mà rút lui thì chúng tôi không có SSI hôm nay”. Ông Hưng tuyên bố với nhân viên của mình: “Đây chính là cơ hội! Nghịch cảnh luôn tạo ra cơ hội phát triển đột phá cho những ai nỗ lực”. Và ông tiếp tục kiên nhẫn đưa SSI tiến vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thị trường suy yếu. “Khi khó khăn, bạn cần trí tuệ con người nhất và bạn phải nhận ra người nào phù hợp nhất mà bạn đang cần để giải quyết”. Điều ông lo ngại nhất khi đó không phải ở thị trường mà ở con người. Con đường phát triển mới, khắc phục khó khăn đã được ông lên kế hoạch, nhưng Nguyễn Duy Hưng gặp không ít nan giải trong các xung đột về quan điểm. 

Người ông Hưng đã chọn khi đó là bà Phạm Minh Hương, giữ vị trí Tổng Giám đốc SSI. Nhiều người ngạc nhiên với quyết định này vì bà Hương chưa có kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam. Bất chấp dư luận, ông Hưng cùng nữ lãnh đạo thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ bộ máy SSI để thích ứng với thị trường. Sau một năm tái cấu trúc Công ty, lợi nhuận sau thuế của SSI đã đạt 14 tỉ đồng với thị phần môi giới chiếm gần 30%, kiểm soát khoảng 70% thị phần giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tạo được thế đứng vững chắc trong số 14 công ty chứng khoán khi đó. 

Trong một lần trả lời báo chí, bà Hương cho biết, chúng tôi nhận ra không phải doanh nghiệp không có nhu cầu về dịch vụ tư vấn tài chính, tư vấn cổ phần hóa mà do các công ty chứng khoán không đủ năng lực để cung cấp các dịch vụ mang lại giá trị thực sự cho khách hàng. 

KHỦNG HOẢNG LÀ CƠ HỘI 

Suốt cuộc trò chuyện với ông Hưng về quan điểm quản trị và kinh doanh, ông luôn lạc quan và tự hào khi đề cập đến đội ngũ nhân sự của mình. Tuy nhiên, khi nói về khả năng cạnh tranh của SSI trong tương lai, ông suy ngẫm: “Tôi biết mình đang đi đến đâu, làm được những gì. Với quy mô SSI như vậy, xét ở trong nước thì có thể yên tâm về khả năng cạnh tranh. Nhưng trước xu thế hội nhập, chúng tôi phải cạnh tranh trực tiếp với các định chế tài chính hùng mạnh nước ngoài sẽ vào Việt Nam thời gian tới. SSI còn quá bé nhỏ so với các định chế tài chính quốc tế. Nhưng tôi cũng đang có chiến lược cho riêng mình!”.

Năm 2005, để tăng năng lực cạnh tranh, Nguyễn Duy Hưng nhanh chóng kêu gọi đầu tư nước ngoài và trở thành công ty chứng khoán Việt Nam đầu tiên được nước ngoài góp vốn. Ông cho biết: “Cạnh tranh tốt nhất chính là hợp tác”. 

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI: Cạnh tranh tốt nhất chính là hợp tác.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI: Cạnh tranh tốt nhất chính là hợp tác.

Việc kêu gọi đầu tư nước ngoài sớm hơn các công ty tài chính Việt Nam là một bước đi khôn ngoan của SSI. Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hong Long, đăng ký kinh doanh tại British Virgin Islands, là đối tác đầu tiên của SSI. Khi hỏi về cuộc hợp tác này, ông Hưng không quên nhắc đi nhắc lại: “Hong Long có Bradley Lalonde, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Citibank tại Việt Nam và James Lewis, người có 17 năm làm Giám đốc Điều hành Ngân hàng Morgan Stanley. Các ông ấy đã giúp chúng tôi rất nhiều về mặt chuyên môn”.

Nhưng không chỉ dừng lại ở đó. Trong tham vọng của Nguyễn Duy Hưng, SSI sẽ hướng đến mô hình tập đoàn đa ngành, hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư chuyên nghiệp. Đây là lĩnh vực mang lại một tỉ trọng doanh thu lớn cho các công ty chứng khoán nhưng lại bị bỏ ngỏ. Bên cạnh Hong Long, SSI còn nhận đầu tư của JAIC (Japan Asia Investment Company), Vietnam Growth Fund… Trong chiến lược cạnh tranh của SSI, chắc chắn nhà sáng lập vẫn đang “săn” các nhà đầu tư có tên tuổi nhằm gia tăng nội lực. Tuy nhiên, động thái niêm yết của SSI (SSI là công ty chứng khoán xin niêm yết sớm nhất trên thị trường chứng khoán) đã chứng minh, ông Nguyễn Duy Hưng khá quyết tâm trong triển khai chiến lược của SSI và nhìn thấy một triển vọng mới về cơ hội thu hút vốn. Ông Hưng nói: “Không phải thu hút vốn trước rồi mới tính đến chuyện xây dựng chiến lược mà là ngược lại”.

Cách đây mấy mươi năm, khi còn học ở Đức, mẹ ông đã bán chiếc tủ duy nhất trong nhà, mua cho ông một cái quần mới. Ông Hưng đã nghĩ về những ngày ấy: “Tôi sợ cái nghèo và tự nhủ sẽ phải thoát nghèo dù khi đó trong đầu tôi chưa biết sẽ làm gì!”. SSI sẽ niêm yết và SSI sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới. Khi hỏi rằng, liệu ông có lo lắng về những rủi ro sắp tới của thị trường chứng khoán thì Nguyễn Duy Hưng chỉ trả lời ngắn gọn: “Khủng hoảng là cơ hội!”.

SSI và PAN hôm nay…

Sau hơn 20 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI đã trở thành định chế tài chính hàng đầu trên thị trường, hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính lớn. Kết thúc năm 2020, SSI có năm thứ 7 liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới sàn HOSE với 12,33%. Quý IV/2020, số lượng tài khoản mở mới tại SSI tăng 78% so với quý trước, đưa tổng số lượng tài khoản mà Công ty quản lý lên mức 196.100. Năm qua, SSI là một trong số ít những công ty chứng khoán triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến eKYC cho nhà đầu tư. SSI còn là công ty phát triển ứng dụng giao dịch giả lập đầu tiên của Việt Nam tích hợp cả thị trường cơ sở và phái sinh (iWin). SSI cũng nâng cấp hàng loạt công cụ hỗ trợ nhà đầu tư như ra mắt bảng giá iBoard, tích hợp các công cụ giao dịch thông minh, có khả năng giao dịch nhiều sản phẩm tài chính, cá nhân hóa nhu cầu đầu tư mọi lúc, mọi nơi. 

Thị trường chứng khoán phục hồi ngoạn mục trong năm qua đã giúp SSI tăng trưởng 35% về doanh thu và hơn 38% về lợi nhuận sau thuế. Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của Công ty đã tăng 32,2% so với đầu kỳ, lên 35.769,5 tỉ đồng. Theo SSI, tổng tài sản tăng nhờ tăng nguồn vốn vay ngân hàng bổ sung cho hoạt động kinh doanh cho vay ký quỹ, kinh doanh trái phiếu và các hoạt động kinh doanh nguồn vốn. Đáng chú ý, cuối năm 2020, Công ty đã hoàn thành ký kết khoản vay giá trị 85 triệu USD từ nhóm các ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT). SSI dự kiến dùng nguồn vốn vay bổ sung cho các mảng kinh doanh như dịch vụ chứng khoán, kinh doanh giấy tờ có giá, nhằm tăng cường sức cạnh tranh, hỗ trợ hoạt động cho vay margin, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận từ các tài sản có độ rủi ro chấp nhận được. 

Trong mảng quản lý quỹ, năm 2020, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đã niêm yết thành công 2 quỹ ETF chỉ số (ETF SSIAM VNFIN LEAD và ETF SSIAM VN30). SSIAM cũng thành lập thêm 2 quỹ đầu tư tư nhân (Private Equity) là VGIF và DAIWA-SSIAM III. Đầu năm 2021, SSI cũng “Go Online” sản phẩm thỏa thuận quản lý tiền gửi S-SAVINGS, với lãi suất cạnh tranh so với gửi tiết kiệm, giúp các nhà đầu tư tối ưu hóa tiền nhàn rỗi.

Năm 2020, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 bùng phát. Diễn biến hạn mặn kỷ lục tại đồng bằng sông Cửu Long và lũ lụt miền Trung cũng đã tác động đến sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Tuy nhiên, doanh thu thuần vẫn tăng nhẹ 7%, đạt hơn 8.329 tỉ đồng. Theo PAN, đóng góp lớn nhất cho doanh thu là mảng tôm xuất khẩu, tăng trưởng 20% về doanh số, cao nhất ngành tôm.

PAN thành lập năm 1998 với hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ vệ sinh công nghiệp. Năm 2006, doanh nghiệp này niêm yết tại sàn Hà Nội với mã PAN, sau đó chuyển sang niêm yết tại sàn TP.HCM năm 2010. Từ năm 2013, PAN chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm. PAN hiện là tập đoàn nông nghiệp, thực phẩm hàng đầu Việt Nam với vị thế cao nhất trong nhiều ngành mũi nhọn. Tập đoàn đã sở hữu một hệ sinh thái nông nghiệp, thực phẩm hoàn chỉnh bậc nhất tại Việt Nam, giúp kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất từ khâu giống đến canh tác và chế biến, từ nông trại đến bàn ăn của các gia đình thông qua những tên tuổi hàng đầu như Vinaseed, VFC, Sao Ta, Aquatex Bến Tre, Bibica, 584 Nha Trang, Lafooco... 

Giá trị bền vững và tầm nhìn dài hạn ở PAN còn là song hành cùng các cổ đông chiến lược. Trong đó, đáng chú ý là các cổ đông như Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Sojitz (Nhật), TAEL (Singapore)... Sang năm 2021, PAN đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất hơn 10.000 tỉ đồng, lãi ròng hợp nhất 419 tỉ đồng, tăng vọt so với thực hiện năm 2020. Tập đoàn này cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là với hạt điều, gạo và cà phê.
(Nguồn: Dấu Ấn Một Thập Kỷ, Nhịp Cầu Đầu Tư)