Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI. Ảnh: TL.
Ông Nguyễn Duy Hưng: Nhà đầu tư nên có kế hoạch quản trị rủi ro riêng, không có công thức chung cho tất cả
Ngày 27.6, Công ty Chứng khoán SSI đã tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên 2020 để trình bày về kế hoạch kinh doanh cũng như giải đáp các thắc mắc của cổ đông. Theo đó, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI đã có nhiều chia sẻ và giải đáp thắc mắc tại buổi họp.
Có thể nói, năm 2020 có sự đặc biệt khi thu hút thế hệ nhà đầu tư F0 tham gia mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong 3 tháng (3, 4, 5) đã có tới hơn 102.700 tài khoản giao dịch trong nước được mở mới, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến ngày 31.5, trên hệ thống của VSD có hơn 2,473 triệu tài khoản giao dịch trong nước trong đó chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.
So với tháng 4.2020, đã có hơn 34.000 tài khoản giao dịch trong nước được mở mới trong tháng 5, tiếp tục là con số kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước. Điều này cho thấy nhà đầu tư mới đang tích cực tham gia vào thị trường chứng khoán khi số lượng tài khoản mở mới liên tục tăng.
Liên quan đến hiện tượng này, một câu hỏi đã được đặt ra tại đại hội: "Nửa đầu năm giao dịch, nhà đầu tư cá nhân trở thành động lực chính cho thị trường chứng khoán Việt Nam, xu hướng này có được tiếp tục trong 6 tháng cuối năm? Điều này tiềm ẩn cơ hội và rủi ro gì cho sự đi lên bền vững của thị trường?"
Trả lời câu hỏi trên, ông Hưng cho biết Việt Nam có rủi ro ít hơn các thị trường khác, vì Việt Nam có thể khống chế được dịch bệnh COVID-19. Thêm vào đó, nền kinh tế Việt Nam cá nhân không vay nhiều, doanh nghiệp dù gặp khó khăn trên thị trường chứng khoán nhưng đều có thể tồn tại chứ chưa đến mức phá sản. Vẫn có cơ hội đầu tư vào nhiều công ty tốt.
Theo ông Hưng, đầu tư trên thị trường chứng khoán lúc nào cũng tiềm ẩn rủi ro, kỳ vọng vào lợi nhuận ngắn hạn nhiều thì rủi ro càng lớn. Nhà đầu tư nên có kế hoạch quản trị rủi ro riêng, không có công thức cho tất cả.
Nói về định hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. Ông Hưng cho biết, một trong những thành công của 35 đổi mới ở Việt Nam là sự ra đời của thị trường chứng khoán. 20 năm qua mà không có thị trường chứng khoán thì có lẽ sẽ không có một loạt các tập đoàn lớn như VNM, VIN, thậm chí là SSI.
“Tương lai của thị trường chứng khoán chắc không cần bàn cãi, đó là phát huy chức năng quan trọng nhất gồm huy động vốn của nền kinh tế, giữ tài sản và thanh khoản tài sản cho nhà đầu tư”, ông Hưng chia sẻ.
Về phần mình, ông Hưng cho biết SSI cũng là một nhà đầu tư trên thị trường, không có lợi thế gì khác để đảm bảo SSI tự doanh thì chắc chắn lãi.
Kỳ vọng dòng tiền ngoại sớm quay trở lại
Ông Hưng cho biết, dòng tiền trên thị trường chứng khoán từ đầu năm tới giờ chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán ròng chứ chưa mua ròng, có mua trở lại nhưng để duy trì dòng tiền mạnh trong thời gian gần đây phần lớn là do nhà đầu tư cá nhân.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, do bối cảnh dịch bệnh nên kế hoạch của họ cần phải có thời gian để thực hiện. Ông Hưng kỳ vọng cuối năm 2020 dòng tiền quỹ ngoại sẽ sớm quay lại.
Trong bối cảnh ứng phó COVID-19 trong thời gian qua và mở cửa lại thị trường toàn bộ, thì hy vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng nhất và sẽ là điểm sáng để nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, kể cả độ trễ của dòng tiền nước ngoài vào.
Năm 2020, SSI cũng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng. Cụ thể, Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 2.750 tỉ đồng và 868 tỉ đồng. Con số này có phần giảm nhẹ so với mức 3.301 tỉ đồng doanh thu và 1.105 tỉ đồng lãi trước thuế năm 2020.
Ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 đạt 660 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận cả năm chỉ được đặt ở mức 868 tỉ đồng. Ông Hưng cho biết Hội đồng Quản trị lập kế hoạch dựa trên cơ sở dự đoán thị trường.
Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế. Giai đoạn nền kinh tế trong bối cảnh COVID-19 dựa trên yếu tố nào để tăng trưởng là khó đoán. Việt Nam là một trong những thị trường hồi phục tốt nhất, nhưng sắp tới nền kinh tế tăng trưởng còn gặp khó khăn, tình hình sản xuất kinh doanh đang ở mức xấu đi so với những gì hiển thị trường thị trường chứng khoán. “Hy vọng kế hoạch đặt ra sẽ là quá thấp so với diễn biến thị trường cuối năm”, ông Hưng chia sẻ.
* Có thể bạn quan tâm
►Thị trường chứng khoán: Dòng tiền đang thận trọng, rủi ro giảm điểm vẫn hiện hữu