Hoàng Linh Lan Thứ Năm | 30/06/2022 14:00

Ông Nguyễn Đức Thuận, CEO Vietyacht: "Cứ đi rồi sẽ thành đường"

Vietyacht đang đón đầu xu hướng phát triển của ngành du thuyền Việt Nam.

17 năm gắn bó với ngành đóng tàu và hàng hải, nhận thấy tiềm năng khổng lồ của ngành du thuyền tại Việt Nam, năm 2015 ông Nguyễn Đức Thuận quyết định thành lập Vietyacht, chuyên phân phối các sản phẩm du thuyền từ tầm trung đến hạng sang đến Việt Nam.

“Gọi là thành lập nhưng cũng chỉ để đó do thời điểm ấy tôi chưa biết nên chọn hãng nào để phân phối. Và vì mình còn quá mới, quá nhỏ, không hãng nào chịu làm việc. Cơ duyên bắt đầu khi tôi gặp ông Paul Blanc, Tổng Giám đốc đương nhiệm của Jeanneau, lúc đó là Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vào tháng 4/2016. Sau nhiều lần đàm phán, tháng 5/2017, Vietyacht chính thức được quyền phân phối độc quyền các sản phẩm của Jeanneau”, ông Thuận chia sẻ.

 

Không lâu sau, LuxYacht, một nhánh khác của Vietyacht, ra đời, tập trung vào phân khúc du thuyền hạng sang và siêu sang. Từ một công ty ban đầu chỉ có 4 người, hiện Vietyacht có gần 40 nhân viên, trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực này. Ông Thuận ví von, tiên phong trong một lĩnh vực chưa có lộ trình, hành lang phát triển, giống như đi khai hoang. “Khó ở đâu, mình tìm cách gỡ ở đấy. Mỗi ngày một chút, dần dần sẽ thành đường”, ông Thuận nói.

Hiện Vietyacht và LuxYacht độc quyền phân phối 7 thương hiệu du thuyền quốc tế gồm Jeanneau, Prestige, Fountaine Pajot, Ferretti Yachts, Riva, Pershing và Alfa Street phủ kín các phân khúc từ phổ thông, tầm trung, hạng sang đến siêu sang với các dòng 1 thân và 2 thân.

Trong cuộc gặp với NCĐT, ông Nguyễn Đức Thuận chia sẻ tầm nhìn hậu đại dịch và tiềm năng của ngành du thuyền Việt.

NHU CẦU SỞ HỮU DU THUYỀN TĂNG ĐỘT BIẾN

Ngành dịch vụ và du lịch đã gánh chịu hậu quả nặng nề từ COVID-19. Vietyacht có những điều chỉnh nào để thích nghi?

Trong 2 năm qua, để thích ứng, chúng tôi tập trung chủ yếu vào 3 điểm sau.
Thứ nhất, tăng cường chuyển đổi số. Hiện 80-90% quy trình công việc, quy chuẩn đánh giá công việc, xử lý hợp đồng, quản lý du thuyền... được thực hiện qua phần mềm. Điều này giúp chúng tôi quản lý hiệu quả hơn và nâng cao hiệu suất công việc lên đến khoảng 30-40%.

 

Thứ 2, triển khai các gói đào tạo, nâng cao nghiệp vụ và trình độ trong nhân viên. Chủ trương của tôi là giữ nguyên đội ngũ bởi ngành du thuyền khá đặc thù và để đào tạo được một nhân sự có kinh nghiệm về ngành cần rất nhiều thời gian và công sức.
Thứ 3, tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ sau bán hàng. Ở đây gồm các hoạt động liên quan đến bảo trì, bảo dưỡng, trông coi và hỗ trợ cho thuê du thuyền (nếu khách có nhu cầu).

Theo quan sát của ông, nhu cầu của khách đối với việc sở hữu du thuyền trước và sau dịch thay đổi như thế nào?

COVID-19 đã khiến một loạt doanh nghiệp phá sản, hoặc dừng hoạt động nhưng với ngành du thuyền thì ngược lại. Nguyên nhân chính, theo tôi, bắt nguồn từ nhu cầu thư giãn, tránh COVID-19 và tránh bị “nhốt” trong thành phố của những người có điều kiện tăng cao. Tuy nhiên, năng lực sản xuất của các nhà máy lại hạn chế. Chịu ảnh hưởng của giãn cách xã hội, lượng công nhân đi làm chỉ từ 1/3 đến 1/2. Cộng thêm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu thiếu hụt, vận tải khó khăn khiến giá cả tăng vọt.

Tất cả những yếu tố này khiến số lượng du thuyền trên thế giới giảm đi rất nhiều trong khi nhu cầu tăng đột biến, tạo thành cơn khan hiếm du thuyền trên toàn cầu. Điều này còn xảy ra với các ngành hàng xa xỉ khác như thời trang hay ô tô.

Thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhu cầu sở hữu du thuyền của người Việt tăng đáng kể sau dịch. Bằng chứng là mỗi ngày chúng tôi tiếp xúc báo giá khách hàng khá nhiều. Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng chung, nguồn hàng hạn chế nên thời gian giao hàng khá lâu.

Mất bao lâu để nhập một chiếc du thuyền về Việt Nam, thưa ông?

Đối với mẫu có, quá trình nhập trung bình khoảng 2 tháng. Trong đó, 1,5 tháng phục vụ cho việc vận chuyển. Thời gian còn lại dành cho thủ tục thông quan, đăng kiểm, đăng ký. Với các mẫu đặt hàng thì thời gian vô chừng, có khi vài tháng đến 1 năm hoặc hơn.

Có sự phân hóa nào giữa phân khúc du thuyền dành cho khách quốc tế và du thuyền cá nhân sau dịch không?

 

Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phân biệt rõ 2 khái niệm. Nếu Cruises là du thuyền du lịch nghỉ đêm có nhiều phòng ngủ, thường được sử dụng phục vụ cho khách quốc tế và nội địa tại các thắng cảnh, địa danh du lịch thì Yatch là du thuyền thuộc sở hữu cá nhân, dành cho khách có khả năng chi trả. Yacht cũng có thể cho thuê và làm du lịch nếu chủ sở hữu có nhu cầu.

Cruises chịu tác động vô cùng nặng nề vì COVID-19. Ngay cả khi Việt Nam đã thực hiện chính sách mở cửa du lịch thì vẫn còn rất nhiều rào cản và hạn chế, từ chính các quốc gia khác. Du khách vẫn chưa trở lại Việt Nam như trước dịch.

Tuy nhiên, ở phân khúc du thuyền cá nhân làm dịch vụ lại phát triển rất tốt. Nguyên nhân là không chỉ có khách quốc tế mà khách nội địa vẫn có khả năng chi trả rất lớn. Hơn nữa, sau dịch, hành vi của người tiêu dùng thay đổi theo hướng thích đi nhóm nhỏ hơn. Yacht phục vụ cho nhu cầu này với các mục đích cụ thể khác nhau như đưa gia đình, bạn bè đi chơi cuối tuần, tiếp khách hoặc ký hợp đồng... Trong 2 năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu đẩy mạnh mua sắm Yacht để làm dịch vụ cho thuê.

Vậy ông có kế hoạch phát triển mảng cho thuê bên cạnh mảng phân phối?

Nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất trong điều kiện cơ sở hạ tầng của ngành du thuyền Việt vẫn chưa được hoàn thiện, Vietyacht đã chủ động tạo ra hệ sinh thái khép kín. Thực tế, khách hàng trước khi mua du thuyền đặt cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi. Mua về để ở đâu? Vận hành thế nào? Thuê thuyền trưởng ở đâu? Bảo trì, bảo dưỡng thế nào? Lái từ Nha Trang đi Phú Quốc thủ tục ra sao? Rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy. Tất cả điều đó khiến khách hàng lưỡng lự mua.

Chúng tôi bắt bắt buộc phải giải bài toán đó nếu muốn khơi mở và thúc đẩy thị trường. Vietyacht Club ra đời. Công ty con này có nhiệm vụ hỗ trợ các khâu đó để khách hàng yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ, sở thích sở hữu du thuyền, thậm chí hỗ trợ khách kinh doanh du thuyền như sở hữu một condotel nếu có nhu cầu.

Như chia sẻ của ông, cơ sở hạ tầng là rào cản khá lớn trong việc thúc đẩy ngành du thuyền tại Việt Nam?

Tôi cho đấy là một yếu tố. Ngành du thuyền thế giới đã có cách đây gần 200 năm, các quốc gia trong khu vực như Thái Lan cũng đã vài chục năm. Ngành này tại Việt Nam chỉ mới phát triển vài năm gần đây. Vì đi sau nên mọi thứ cần được học hỏi dần. Việt Nam hiện đã có chiến lược phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, chiến lược kinh tế biển nhưng chưa có chính sách cho ngành du thuyền. Do đó, theo tôi, việc đầu tiên, muốn phát triển thì Nhà nước cần có chính sách và chiến lược phát triển cụ thể như cách Chính phủ Thái Lan xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ với chiến lược ngành như xây các bến du thuyền, lập các cơ sở bảo trì, bảo dưỡng...

Nghĩa là ngành du thuyền tại Việt Nam vô cùng tiềm năng nhưng chúng ta chưa khai thác đúng mức?

Chúng ta có điều kiện tuyệt vời về địa lý với đường bờ biển dài 3.200 km, phong cảnh hữu tình, vị trí đắc địa ở Đông Nam Á. Thế hệ trẻ - người tiêu dùng tương lai - đang trưởng thành, thích trải nghiệm hơn. Tầng lớp trung lưu cũng nhiều hơn. Đây là những  tín hiệu khả quan cho ngành du thuyền Việt.

Chủ trương của Vietyacht là từ “zero” đến “hero”

Ông từng chia sẻ, quy tắc quản trị của ông là “không có nhiều quy tắc và mọi người xem nhau như gia đình”. Điều này sẽ tạo cảm hứng cho nhân viên, nhưng ở góc độ khác, người trong gia đình cũng dễ bỏ qua khi một thành viên phạm lỗi. Ông có nghĩ đấy là hạn chế khi vận hành một công ty đang ngày phát triển?

Nhiều công ty gia đình cũng đối mặt với vấn đề này. Riêng ở Vietyacht, tiêu chí này nhằm xác định chúng tôi gắn bó ở đây không chỉ vì công việc mà còn chung niềm đam mê và coi nhau như người thân. Trong công việc, chúng tôi vẫn có những quy chuẩn cụ thể để đánh giá. Chẳng hạn, nhân viên có thể làm việc ở bất kỳ đâu, chỉ cần tuân thủ thời hạn và hiệu suất công việc. Áp lực là điều khó tránh nhưng đội ngũ của chúng tôi luôn vui vẻ và tràn đầy năng lượng, thay vì gò bó theo những quy định cứng nhắc.

Là một công ty còn khá non trẻ trong ngành kinh doanh mới mẻ, ông đã đối mặt với những thách thức nào khi xây dựng và hoàn thiện quy trình làm việc?

Cách của tôi chính là kiên trì, mỗi ngày cải tiến một chút, hôm nay tốt hơn hôm qua. Tôi tin là không một doanh nghiệp nào có thể xây dựng quy trình sử dụng cả đời. Quá trình quản trị chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề đòi hỏi nhà quản lý phải nhận diện, điều chỉnh và thích ứng. Quá trình phát triển của Vietyacht là phát triển và cải tiến liên tục.

 

Vấn đề nhân sự có làm ông lúng túng?

Vì là ngành khá mới ở Việt Nam nên việc tuyển dụng không thể theo những quy chuẩn thường thấy như có kinh nghiệm hay từng ở vị trí tương đương. Chủ trương của Vietyacht là từ “zero” đến “hero”. Gần như 100% nhân sự bước chân vào Vietyacht đều là tờ giấy trắng. Tiêu chuẩn tuyển dụng đầu tiên của tôi là “Có thích công việc này không?”. Khi đã có đam mê, chúng tôi đào tạo để họ trở thành những chiến binh xuất sắc.

Hẳn bạn cũng đồng ý với tôi là đào tạo người mới bao giờ cũng dễ hơn người cũ. Những người có kiến thức, kinh nghiệm thì rất khó để thay đổi tư duy.

Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp cần thích ứng với thay đổi từ thị trường. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng du thuyền năng lượng xanh?

Việt Nam cũng giống như thế giới, có thể chậm hơn một nhịp nhưng vẫn sẽ hòa vào xu hướng chung. Thế hệ mới bao giờ cũng bị thu hút bởi 2 yếu tố: những gì đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và có tính mới mẻ. Các hãng du thuyền quốc tế cập nhật rất nhanh xu hướng này. Họ đã tung ra những mẫu trang bị công nghệ tối tân có thể tự đỗ ở bến, chống va chạm trên biển... Ngoài ra, còn có hệ thống điều khiển với tính tự động hóa rất cao.

Tôi dự đoán, từ 3-5 năm tới xu hướng du thuyền xanh, du thuyền chạy điện sẽ phát triển. Từ 5-10 năm tới là thời của du thuyền chạy hydro. Năm 2021, chúng tôi đã nhập về du thuyền chạy điện, thích hợp với các khu resort ven hồ, ven sông. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, du thuyền chạy điện chỉ là phân khúc nhỏ vì vẫn có những hạn chế nhất định.