Ông Lâm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Nệm Mousse Liên Á. Ảnh: Quý Hòa

 
Phương Quyên Thứ Bảy | 16/06/2018 10:56

Ông Lâm Ngọc Minh, CEO Nệm Mousse Liên Á: Thị trường là toàn cầu

Những tấm nệm "Made in Việt Nam" của Liên Á đã xuất hiện ở 34 nước trên thế giới.

Tháng 5, Liên Á, một trong 3 công ty sản xuất nệm lớn nhất Việt Nam, gây bất ngờ khi công bố ứng dụng thành công công nghệ xử lý nhiệt trên quần áo thể thao vào nệm. Thực tế, CoolAdapt, công nghệ xử lý nhiệt trên vải đã được các thương hiệu quốc tế như Puma, Nike, Adidas… ứng dụng vào sản xuất trang phục thể thao nhưng đây là lần đầu tiên, được ứng dụng vào sản phẩm nệm. Theo ông Lâm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Nệm Mousse Liên Á, ấp ủ, nghiên cứu gần 2 năm mới ứng dụng thành công CoolAdapt, Liên Á kỳ vọng đây là sản phẩm chiến lược để kinh doanh năm 2018 sẽ tăng ít nhất 25% so với năm 2017. 

Sau 18 năm chính thức nối nghiệp cha, ông Minh cho biết: “Tôi không sợ không bước qua được cái bóng quá lớn của cha, tôi chỉ sợ mình không giữ được lửa trong lòng và truyền ngọn lửa ấy cho mọi thành viên của Liên Á”. 

Quan niệm kinh doanh của vị doanh nhân trẻ này khá đơn giản, thị trường đủ chỗ cho tất cả mọi doanh nghiệp, chỉ cần có đam mê và mang đến những sáng tạo mới, thiết thực, ắt hẳn người dùng sẽ đón nhận. Đó chính là lý do người điều hành Liên Á đặt ra đòi hỏi cho mình và cho cả tập thể là mỗi năm đều phải có sản phẩm mới, mang tính đột phá. Sáng tạo, với Lâm Ngọc Minh, không cần là một “big bang”, chỉ đơn giản là cải tiến những thứ hiện tại tốt hơn, làm mới cuộc sống, là đủ. 

Ông khẳng định: “Mỗi công ty đều phải xây dựng được giá trị riêng, với Liên Á, câu chuyện sẽ phải được kể bằng 3 yếu tố: sáng tạo, giá phù hợp và chất lượng quốc tế”.
Tốt nghiệp ngành hóa của Đại học Bách khoa TP.HCM tham gia sản xuất cơ sở của gia đình, ông Minh có quyết định quan trọng là đề xuất cha chuyển hướng sản xuất sang yên xe PU. Liên Á sau đó nổi tiếng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sản xuất sản phẩm yên xe máy PU với độ bền, độ co giãn tốt hơn các loại yên xe cao su thông thường, đánh bại hàng Thái Lan. Từ thành công ấy, Liên Á đã có nội lực để chuyển từ một cơ sở sản xuất gia đình thành một công ty tư nhân và năm 2000, Lâm Ngọc Minh được “thăng chức” Phó Giám đốc Công ty.

Nhưng chưa kịp vui thì đến năm 2002, Nhà nước ban hành chính sách hạn chế lắp ráp xe máy, một loạt đối tác của Liên Á phải đóng cửa, đẩy Liên Á vào khó khăn khi không quay vòng được vốn. “Tôi quyết định đưa Liên Á quay lại con đường sản xuất nệm cao su thiên nhiên”, ông Minh nhớ lại.

 Ông Minh cùng 5 em trai tham gia Liên Á. Nhưng Công ty có 7 lãnh đạo thì có 6 lãnh đạo là người bên ngoài. “Tôi quan niệm, ai giỏi ở lĩnh vực nào thì có quyền được phát huy bản thân trong lĩnh vực đó. Những vị trí còn thiếu, tuyển được người giỏi thì hiệu quả đạt được còn hơn rất nhiều”, ông Minh giải thích. 

Ong Lam Ngoc Minh, CEO Nem Mousse Lien A: Thi truong la toan cau
 

Không những mạnh dạn giao các vị trí lãnh đạo cho người ngoài, Lâm Ngọc Minh còn thuê cả đội ngũ quản lý là người nước ngoài về Việt Nam, trực tiếp tham gia các mắt xích quan trọng của Liên Á. “Tôi xác định, thị trường của mình là toàn cầu, nhân lực trong Công ty cũng phải được chuẩn bị theo hướng đó”. Ông Minh luôn đặt mục tiêu đưa Liên Á trở thành công ty có thị trường toàn cầu, miễn sao người đứng đằng sau là Việt Nam, lợi nhuận đổ về Việt Nam.

Ong Lam Ngoc Minh, CEO Nem Mousse Lien A: Thi truong la toan cau
 

Tính đến nay, sản phẩm của Liên Á đã xuất hiện ở 34 nước trên thế giới. Với hai văn phòng đại diện nước ngoài, Mỹ và Hà Lan, do chính người bản xứ đảm nhiệm, Liên Á có bàn đạp chinh phục 2 thị trường quan trọng là Mỹ và châu Âu. Liên Á trở thành doanh nghiệp chủ lực đưa hàng nệm Việt Nam xuất vào Mỹ.

Tuy nhiên, bước đi khiến ông Minh tự hào hơn cả là trong năm 2018 này, Liên Á sẽ có văn phòng tại Thượng Hải, Trung Quốc, chính thức hiện diện ở thị trường có khả năng tiêu thụ lớn nhất thế giới, hiện đã và đang đón nhận nhiệt tình những sản phẩm “made in VietNam” chất lượng cao. 

*Sau ứng dụng cấu trúc mái vòm vào nệm cao su thiên nhiên L’a Dome, Liên Á lại gây bất ngờ với công nghệ làm mát đột phá CoolAdapt. Công nghệ đang là lĩnh vực mà Liên Á mạnh tay đầu tư?

Tôi nghĩ, khái niệm cách mạng công nghiệp vẫn còn xa nhưng chúng ta có thể chuẩn bị cho mình ngay từ bây giờ. Cũng như các doanh nghiệp khác, Liên Á mới chỉ có tự động hóa, ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất, quản lý con người… Tuy nhiên, Liên Á sẵn sàng và đang chú trọng nghiên cứu ứng dụng công nghệ để có thể tăng lợi thế cạnh tranh. Tôi tự tin với chiến lược này. Nhờ phòng nghiên cứu, phát triển sản phẩm mà Liên Á có thể cải tiến sản xuất rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi có công nghệ sản xuất nên những tấm nệm cao su nguyên khối, không giới hạn kích thước… Những thành tựu này đều nhờ đội ngũ ứng dụng công nghệ. 

*Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thì sao, thưa ông?
Sức mạnh của AI là dữ liệu. Với AI, doanh nghiệp sẽ “đọc” được nhu cầu của khách hàng một cách chính xác. Nhờ vậy, người điều hành có thể dự đoán được những biến động của thị trường, đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp cũng như có những chính sách tốt hơn cho việc chăm sóc khách hàng.

Đến một lúc nào đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ không còn là sản phẩm mà sẽ là dịch vụ, là hậu mãi… Dẫu khách hàng của mình không phàn nàn nhưng chúng tôi vẫn chưa hài lòng với câu chuyện hậu mãi của mình. Thời gian tới, Liên Á sẽ phải chú trọng nhiều hơn về phát triển các dịch vụ hậu mãi để chăm sóc khách hàng tốt hơn.

*Về vấn đề giá thành, phần đông người dùng vẫn quan trọng yếu tố này?
Tôi nghĩ, kinh doanh là một cuộc đàm phán cả hai cùng có lợi ngang nhau giữa doanh nghiệp và người dùng. Nếu mình muốn phần hơn, dĩ nhiên là phía bên kia khó chấp nhận. Tôi còn nhớ, khoảng năm 2000, lần đầu tiên có doanh nghiệp Hàn Quốc sang mua container nệm đầu tiên của Liên Á về nước, tập thể Liên Á rất mừng. Vậy mà, đối tác gọi sang phản ánh chất lượng sản phẩm. Xem xét thực tế thì biết nguyên nhân là do họ sử dụng không đúng cách. 

Nếu tranh cãi, Liên Á có thể thắng nhưng tôi vẫn quyết định đổi tất cả sản phẩm hư hỏng đó, sau khi giải thích rõ ràng với khách hàng. Kết quả là 15 năm trôi qua, đối tác ấy vẫn kết nối và làm việc chặt chẽ với chúng tôi, số lượng nhập khẩu ngày càng tăng nhanh. 
Không phải chuyện gì cũng cần “hai năm rõ mười”, chịu thiệt một chút về phần mình có thể sẽ giúp chúng ta có được những giá trị khác, lớn hơn rất nhiều. 

*Dành thời gian tham gia điều hành Hội Doanh nghiệp trẻ TP.HCM (YBA) có phải là việc “chịu thiệt” cho công tác cộng đồng doanh nghiệp trẻ?
Tôi tham gia YBA đã 10 năm, với nhiều vị trí, đóng góp khác nhau. Đúng là làm thuyền trưởng thì đòi hỏi phải nhiều hơn các vị trí trước đó nhưng tôi không nghĩ đây là chuyện thiệt thòi vì cơ bản, tôi là người thích tham gia vào những công tác cộng đồng. Như việc đến trường phải có bạn học mới vui, tham gia hội nhóm giúp tôi có thêm những người bạn, bạn làm ăn. Ở YBA, tôi không một mình mà may mắn có được 7 phó chủ tịch năng động hỗ trợ nên áp lực không quá nhiều.

 Tuy nhiên, với tổ chức đã hoạt động hiệu quả hơn 20 năm này, có nhiều chương trình nổi bật, gần như là dấu ấn như CEO Forum, giải thưởng doanh nhân trẻ xuất sắc, Quỹ Tấm lòng vàng…, tôi không tránh khỏi lo lắng. Làm sao phát huy được các dấu ấn này, vừa kiến tạo được các giá trị mới?

*Ôm đồm nhiều việc, ông có để gia đình mình “chịu thiệt”?
Sau một ngày làm việc, tôi vẫn thường dành buổi tối để trò chuyện với lũ trẻ, lắng nghe chúng thủ thỉ, chia sẻ những vui buồn. Tôi thích chụp hình nên thi thoảng vẫn “tác nghiệp” với những người mẫu tại gia của mình vào những ngày cuối tuần.

Thú thật là tôi có đam mê rất lớn với việc sưu tầm và thưởng thức rượu vang. Đó là một trải nghiệm mà tôi thấy rằng theo đuổi nó, cuộc sống mình phong phú hơn. Gói trong từng chai rượu vang là cả một thế giới với văn hóa, lịch sử, địa lý, con người… Cuối tuần, tôi vẫn cho phép mình tụ tập cùng những người bạn có chung sở thích, chia sẻ với nhau về rượu vang. Đó là lúc tôi buông hết tất cả những lăn tăn của cuộc sống, sống trọn với đam mê của mình. Rời cuộc vui, tôi lại tràn đầy tinh thần để bắt đầu một tuần làm việc mới.