Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn), Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam.

 
Thứ Ba | 09/08/2022 10:43

Ông Henry Nguyễn Bảo Hoàng, IDG – Giữa văn chương, y học, chọn… kinh doanh

Từ y học chuyển qua kinh doanh, cuộc gặp gỡ giữa ông Henry Nguyễn và Chủ tịch IDG dường như là một định mệnh.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2007.)

Các khoản đầu tư nổi tiếng của Quỹ IDG Ventures vào những công ty khởi nghiệp có thể kể đến là Vinagame (VNG), VCCorp, Vietnamworks, Hocmai.vn, VinaPay, Giáo dục Apollo, Goldsun Focus Media, YAN… Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn), Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Việt Nam, sau những năm trở về, sống và làm việc ở quê hương đã tâm sự: “Tôi ít suy nghĩ về quá khứ chiến tranh mà chỉ hướng đến hiện tại và tương lai”.

Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn) - Tổng Giám đốc của Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam (IDGVV).
Ông Nguyễn Bảo Hoàng (Henry Nguyễn) - Tổng Giám đốc của Quỹ đầu tư IDG Ventures tại Việt Nam (IDGVV).

Ông tự hào vì mình như người Việt thực thụ và có thể nói sõi tiếng Việt. Là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em, Bảo Hoàng di cư sang Mỹ khi mới 22 tháng tuổi, sống tại ngoại ô thủ đô Washington, bang Virginia (Mỹ). Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 1995, ông theo học Đại học Y khoa Northwestern, tốt nghiệp vào năm 2000. Trong thời gian học tại Northwestern, Bảo Hoàng đồng thời theo học Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Trường Kellogg School of Management và tốt nghiệp cùng lúc với khóa học bác sĩ. Ông kết hôn cùng bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Bản Việt.

Trước khi về Việt Nam lần đầu tiên năm 1995, ông đã hình dung quê hương của mình như thế nào? 

Năm 1995, tôi có cơ duyên về Việt Nam. Đó là lúc tôi nhận công việc ở Tạp chí Let’s Go, viết về những điểm du lịch tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2000, tôi về lần thứ 2. Đó là khi tôi giúp một công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực viễn thông thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội. Điều làm tôi nhớ mãi khi trở về Việt Nam là việc hành lý của tôi bị thất lạc tại sân bay Nội Bài và tôi phải mặc quần áo bẩn trong suốt 5 ngày liền. Tôi thường được nghe bố mẹ kể chuyện về Tết Việt Nam, về những người thân đang sống tại quê hương. Mỗi khi Tết đến, trong nhà tôi bao giờ cũng có bánh chưng và cành đào. Lần đầu tiên về Việt Nam, tôi vẫn nghĩ mình là người Mỹ. Nhưng Hà Nội với nét đẹp cổ kính, thanh bình đã thực sự lôi cuốn tôi. Phong cảnh, con người làm cho tôi cảm thấy yêu quê hương hơn, truyền cho tôi cảm giác ấm áp khi được về với đất mẹ. 5 năm đầu tiên sống ở Việt Nam, tôi cảm thấy mình như một người Việt thực thụ. 

Ông thấy mình đã nói sõi tiếng Việt như người Việt chưa?

Trước đây, lúc còn ở Mỹ, bố mẹ tôi luôn khuyến khích các con nói tiếng Việt. Nhưng tôi ít nói tiếng Việt nhất. Bạn bè xung quanh và cả thầy cô giáo đều nói tiếng Anh, chỉ trừ trong gia đình. Vì thế, lúc về Việt Nam lần đầu tiên, tôi nói tiếng Việt bập bẹ lắm. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã ổn. Tôi chỉ phải cố gắng nâng cao khả năng viết tiếng Việt của mình thôi. Vì tôi là người Việt Nam cơ mà!

Mỗi khi đi xa, điều gì ở gia đình làm ông nhớ nhất?

Những ngày Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) cả gia đình tôi quây quần bên bữa tối. 

Ông am hiểu văn chương, y học, quản trị kinh doanh. Vậy tại sao ông lại chọn kinh doanh?

Khi có cơ hội là tôi học. Cô giáo trung học đã giúp tôi quyết định theo học tiếng Latinh và văn chương Hy Lạp cổ tại Đại học Harvard. Học ngành y là vì tôi muốn trở thành bác sĩ giống như các anh chị của mình. Y học là khóa học khó nhất đối với tôi. Tuy nhiên, khi học tại Trường Y khoa Northwestern, tôi lại thường hay ngồi cuối lớp và trò chuyện với người bạn thân của tôi về cách kiếm tiền từ việc kinh doanh nhà hàng. Vậy là, tôi quyết định theo học quản trị kinh doanh của Trường Kellogg School of Management. Tôi quyết định theo ngành tài chính và đầu tư là vì chúng giúp tôi có cơ hội tiếp cận với những ý tưởng, dự án và nhân tài trong nhiều lĩnh vực. Mặt khác, tôi có thể sử dụng kiến thức về tài chính và đầu tư để suy nghĩ giải quyết nhiều vấn đề thấu đáo.

Ông đánh giá thế nào về tương lai ngành truyền thông số ở Việt Nam, lĩnh vực mà ông đang hoạt động? 

 

Nó hứa hẹn tiềm năng để đầu tư. Việt Nam được đánh giá là thị trường với tốc độ tăng trưởng viễn thông năng động nhất khu vực. Trong khi đó, thế hệ trẻ rất ưa chuộng những công nghệ mang lại tiện ích nhanh nhất. Đây chính là tiềm năng để các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đẩy mạnh đầu tư. IDG cam kết, những dự án phù hợp với các tiêu chí đầu tư của chúng tôi trong lĩnh vực này chúng tôi sẽ đầu tư ngay. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin được Chính phủ Việt Nam quan tâm và có nhiều ưu đãi. Chính phủ và các chính sách khuyến khích phát triển công nghệ thông tin sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. 

Ông có thể cho biết một số dự án đầu tư được xem là thành công của IDG tại Việt Nam? 

Còn quá sớm để nói về điều đó. Nhưng sau khoảng 3-5 năm, trung bình IDG hy vọng sẽ thu hồi được vốn và lợi nhuận từ những khoản đầu tư của mình. Chúng tôi rất hài lòng về sự phát triển của các công ty mà chúng tôi đầu tư, đơn cử như Vinagame (hiện nay là VNG). 

Cơ duyên nào đã đưa ông về với IDG?

Sau 3 năm ở Việt Nam, tôi đã gặp ngài Patrick McGovern, Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG. Tôi và ngài McGovern đã có buổi nói chuyện rất thú vị về cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam. Ngài McGovern đã khẳng định Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 5 nước hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin trong vòng 20 năm tới và ông truyền niềm tin ấy cho tôi. Sau đó, tôi làm việc ở IDG với vốn kiến thức từ trường đại học, kinh nghiệm làm việc trong các công ty tư vấn, ngân hàng đầu tư tại Mỹ cũng như kinh nghiệm của những năm tháng sống và làm việc tại Việt Nam. Đó là những yếu tố đã đưa tôi về IDG và giúp tôi đạt được nhiều thành công ở tập đoàn này.

Ông đánh giá thế nào về trí thức trẻ Việt Nam?

Nhân sự của chúng tôi tại IDG làm việc sát cánh với nhau. Chúng tôi luôn phấn đấu để nâng cao thêm kinh nghiệm và chuyên môn. So với các quỹ đầu tư khác của IDG trên toàn cầu, nhân sự của IDG Vietnam là khá trẻ với tuổi đời trung bình là 30. Chính vì lực lượng trẻ như vậy, chúng tôi cũng có nhiều điểm chung để chia sẻ với nhau ngoài công việc như đi hát karaoke, hoạt động dã ngoại bên ngoài, tập trung nấu ăn tại nhà… từ đó, giúp chúng tôi có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi làm việc cùng nhau. 

Thực trạng giáo dục Việt Nam còn nhiều hạn chế. Điều đó liệu có làm giảm hy vọng của ông về lượng và chất của nhân tài quốc gia?

Tôi đã từng giảng dạy tại Đại học Hà Nội và nhận thấy sinh viên Việt Nam rất ham học. Đó là vốn quý nhất. Điểm yếu của họ chỉ là kinh nghiệm kinh doanh. Vì thế, tôi hy vọng Quỹ IDG sẽ giúp họ vượt qua rào cản đó. IDG đầu tư vào công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông và công nghệ sinh học. Đây là các lĩnh vực mà con người đóng vai trò quan trọng nhất. Tôi tin rằng Việt Nam trong tương lai sẽ không chỉ là nơi gia công với công nghệ giá rẻ mà còn là trung tâm của sự sáng tạo và đổi mới về công nghệ. 

 

Ông ấn tượng nhất điều gì ở đồng bào mình?

Rất thông minh, luôn cố gắng nỗ lực để giải quyết khó khăn, luôn thể hiện chí hướng vươn lên để sánh ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới. Công nghệ thông tin chính là phương tiện để giúp mọi người chứng tỏ bản thân mình.

Còn với thế hệ Việt kiều trẻ như ông?

Chúng tôi được tiếp cận những nền giáo dục tốt nhất trên thế giới. Tôi và nhiều người bạn ít khi suy nghĩ về chiến tranh trong quá khứ mà chỉ hướng đến hiện tại và tương lai. Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận tích cực sự đóng góp của Việt kiều, tạo điều kiện thuận lợi cho họ thực hiện kinh doanh và nghiên cứu khoa học tại quê hương. Đó là một tín hiệu khả quan. Trở về Việt Nam, tôi có cơ hội được làm việc với những người trẻ tuổi, tài giỏi và có tâm huyết. Trong vòng 10 năm, kế hoạch IDG mới sẽ giải ngân hết số vốn là 100 triệu USD. Như vậy, tôi sẽ ở lại Việt Nam ít nhất 10 năm nữa…

Xin cảm ơn ông!