Thứ Hai | 04/07/2022 10:13

Ông Đoàn Hồng Việt, Digiworld - Phong cách quản trị của "1 Ông, 2 Bà"

Hơn 15 năm phát triển, ông Việt đã đưa Digiworld từ một công ty phân phối sỉ máy tính trở thành nhà phân phối theo xu hướng 3C của thế giới.

Digiworld là một trong số ít các nhà phân phối sỉ thiết bị công nghệ và điện tử gia dụng sống được qua giai đoạn bùng nổ internet và công nghệ cao. Tuy nhiên, ban lãnh đạo gồm “1 ông, 2 bà” đã duy trì tốc độ tăng trưởng 40%/năm của công ty này trong nhiều năm với doanh thu đạt hơn 70 triệu USD trong năm 2010.

Đoàn Hồng Việt cùng 2 người phụ nữ của ông (một là bạn, một là vợ), với tổng sở hữu 80% cổ phần trong Công ty Digiworld, đang dần hiện thực hóa tham vọng biến công ty của họ thành nhà bán sỉ các sản phẩm công nghệ và điện tử gia dụng dẫn đầu thị trường, hướng đến giá trị công ty tỉ USD. Hơn 15 năm phát triển, ông Việt đã đưa Digiworld từ một công ty phân phối sỉ máy tính nguyên chiếc và linh kiện máy tính cho các nhà bán lẻ trở thành nhà phân phối theo xu hướng 3C của thế giới. Câu chuyện chia sẻ giữa tôi và bà Tô Hồng Trang, vợ ông Việt, đã hé lộ tư duy kinh doanh Digiworld của ông Việt.

Ngành công nghiệp 3C bao gồm 3 nhóm hàng máy tính (Computer), điện tử tiêu dùng (Consumer Electronics) và thiết bị viễn thông (Telecommunications). Tổng hợp từ nhiều cuộc khảo sát, ông Việt cho biết, mảng máy tính tại Việt Nam mang lại doanh thu khoảng 1,3 tỉ USD, tăng trưởng xấp xỉ 25%/năm, trong khi thiết bị viễn thông vào khoảng 1,3 tỉ USD, tăng trưởng 10-15%/năm và nhanh nhất là điện tử tiêu dùng với 2 tỉ USD, tăng trưởng 10%.

Sức hấp dẫn về tăng trưởng của từng nhóm hàng khiến sự tích hợp 3C trở nên hấp dẫn với phần lớn các nhà kinh doanh phân phối bán lẻ của Việt Nam. Những thương hiệu như Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động đều triển khai, điển hình như Thế Giới Di Động trước đây chuyên bán lẻ các thiết bị viễn thông và máy tính thì năm 2010 cũng đã mở rộng sang ngành hàng điện tử tiêu dùng để hoàn thành chiến lược 3C khép kín. Và trong số những nhà cung cấp hàng cho Thế Giới Di Động, còn gọi là các nhà bán sỉ, trong đó có Digiworld, cũng phất lên từ xu hướng thị trường này. Thế Giới Di Động là hệ thống bán lẻ lớn nhưng chỉ được xem là một đại lý của nhà phân phối sỉ Digiworld, trong khi công ty này có đến hơn 1.200 đại lý trên toàn quốc. Nếu nhân lên theo tỉ lệ này và nhìn vào doanh thu của Digiworld, dễ nhầm tưởng mô hình kinh doanh bán sỉ rất khấm khá. Thực tế không phải vậy!

 

Thế Giới Di Động chỉ phát triển bằng một nửa chặng đường của Digiworld nhưng doanh thu đã là 145 triệu USD, gần gấp đôi công ty này.

Ông Việt cho rằng, mô hình bán sỉ vẫn có những điểm hấp dẫn khiến ông chưa chuyển sang bán lẻ. “Trong khi nhà kinh doanh bán lẻ mất 6 tháng để xây dựng cửa hàng và 1 năm mới có lãi, cũng như phải đối mặt với thách thức nguồn nhân lực, chi phí quản lý cửa hàng, đặc biệt trong tình trạng kinh tế khó khăn, thì chúng tôi có thể linh động và thích nghi hơn. Vì là nhà bán sỉ, nếu thị trường đi lên, chúng tôi nhập nhiều hàng từ nhà sản xuất hơn và chủ động ngược lại”, ông nói.

Tỉ suất lợi nhuận trong ngành phân phối sỉ không cao và với những mô hình tương tự Digiworld trên thế giới, lợi nhuận chiếm xấp xỉ 3% trên doanh thu. Song, các nhà bán sỉ vẫn quyền lực do là cầu nối giữa nhà sản xuất lớn (cho đầu vào) với một số lượng lớn nhà bán lẻ (cho đầu ra) trong một thị trường không có nhiều đối thủ.

Phân tích khía cạnh này qua trường hợp Digiworld. Công ty được cung cấp hàng bởi 5 nhà sản xuất lớn là Acer, Dell, HP, Toshiba và Samsung và phân phối ra 1.200 đại lý bán lẻ, trong khi đối thủ chính của công ty này chỉ có một mình FPT. FPT còn là đơn vị đa ngành nghề trong khi Digiworld chỉ tập trung vào mảng kinh doanh này. “Khi bạn được cung ứng từ các nhà cung cấp nổi tiếng và sở hữu số lượng lớn các đại lý, bạn sẽ tăng thêm cơ hội để mở rộng mọi thứ sau đó. Bằng không, mọi thứ sẽ chẳng đến với bạn!”, ông Việt nói. Và đó cũng là một trong những lý do vì sao thị trường này không tồn tại nhiều tay chơi, cả cũ lẫn mới. Ngay cả đối với những nhà bán sỉ nước ngoài, câu chuyện bắt tay được với cả 2 đối tác nhà sản xuất đa quốc gia và nhà bán lẻ nội địa cũng không hề dễ dàng.

Với nhà sản xuất, ông chia sẻ: “Những nhà sản xuất lớn thường chọn các nhà bán sỉ theo 3 tiêu chí chủ đạo: số lượng nhà bán lẻ đang sở hữu; năng lực tài chính và giải quyết hàng tồn kho; cam kết của nhà bán sỉ trong chiến lược hợp tác dài hạn. Những điều này chúng tôi đã nỗ lực xây dựng nhiều năm qua”. Ông cũng cho rằng, nếu một doanh nghiệp bán sỉ Việt Nam có vốn và quản trị tốt so với nhà bán sỉ nước ngoài thì yếu tố “số lượng nhà bán lẻ” sẽ trở thành ưu thế cạnh tranh, bởi nhà bán sỉ Việt Nam có thể hiểu được tâm lý và văn hóa kinh doanh, cũng như tiêu dùng của khách hàng bản địa. Tiếp đến, với nhà bán lẻ, Digiworld là một trong số ít nhà bán sỉ tiến hành phương thức hỗ trợ tiếp thị và truyền thông. “Nhà bán sỉ không nhất thiết phải làm điều này, nhưng nếu bạn muốn đối tác đi lâu dài với mình, bạn phải có sự hỗ trợ và những cam kết”, ông Việt nói.

 

Mô hình phân phối 3C thành công một phần đến từ sự bùng nổ của thị trường thiết bị số. Trong một thập kỷ vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Digiworld trung bình đạt 40%/năm trong khi trung bình toàn thị trường là 20%.

Ông Đoàn Hồng Việt là doanh nhân U50 kinh doanh gặp thời trong giai đoạn internet lên ngôi năm 1997 với hoạt động phân phối sỉ máy tính cho các nhà bán lẻ nội địa có tiếng khi đó tại TP.HCM là Phong Vũ và Hoàng Long. Đến năm 2000, ông bắt đầu bắt tay với những nhà sản xuất lớn, và sự phát triển của Công ty đã thúc đẩy một quỹ đầu tư có tiếng quyết định đầu tư vào Digiworld với tỉ lệ 20% (năm 2008). Dù có sự tham gia của cổ đông chiến lược là quỹ, Digiworld vẫn tồn tại trong hình thái công ty gia đình. “Tuy nhiên, dù là bạn hay vợ (cả 2 người phụ nữ này đều giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Digiworld), tôi vẫn để cho quyền quyết định thuộc về người có chuyên môn”, ông Việt nói. Trong khi đó, bà Tô Hồng Trang, vợ ông Việt, cũng cho biết, quyền quyết định thuộc về người có chuyên môn cũng chính là một phần văn hóa Công ty đối với cả các cấp quản lý, nhân viên trong Digiworld.

Digiworld hôm nay…

Trải qua 2 thập kỷ phát triển, đến nay, Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld) đã được 30 thương hiệu nổi tiếng thế giới chọn là nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường và phân phối chính thức tại Việt Nam, với hệ thống đại lý phân phối cùng 16.000 điểm bán trên toàn quốc. Trong Đại hội cổ đông năm 2021, Tổng Giám đốc Đoàn Hồng Việt cho biết, Digiworld có kế hoạch phát triển mảng chăm sóc sức khỏe. Đây là mảng mới và Công ty dự kiến phát triển mô hình tương tự mảng ICT, tức xây dựng kênh phân phối ở bệnh viện và tìm kiếm sản phẩm phù hợp cho kênh đó. Cuối năm ngoái, Digiworld đã đưa vào kinh doanh nhãn hàng mới là Regenflex, một sản phẩm về khớp, chất lượng cao nhập khẩu từ Ý.

Công ty sẽ chuyển mình mạnh mẽ, tìm kiếm các cơ hội mới bởi Digiworld ưu tiên mục tiêu tăng trưởng 25%/năm. Thực tế, theo xác nhận của lãnh đạo Digiworld, tốc độ tăng trưởng kép của Công ty luôn cao hơn, vào khoảng 35%.

Đặc biệt, để thực hiện chiến lược doanh nghiệp tỉ USD, Digiworld sẽ tìm kiếm những động lực tăng trưởng từ các mô hình kinh doanh mới. Công ty đang xem xét các cơ hội M&A, trong đó tập trung vào nhóm công ty tài chính tiêu dùng, liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng mà Công ty đang phân phối. Ngoài ra, Digiworld cũng chú ý đến những hợp tác hỗ trợ tài chính cho khách hàng tiêu dùng. Trước mắt, Digiworld đang nắm 21,86% vốn tại VietMoney, tương đương hơn 50,5 triệu cổ phần. Được biết, VietMoney thành lập từ năm 2018, là một trong số ít công ty tiên phong hoạt động trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ cá nhân. Định hướng của VietMoney là trở thành dịch vụ cầm đồ và tài chính tiêu dùng số 1 tại Viêt Nam. Đây là thị trường nhiều tiềm năng với quy mô trên 5 tỉ USD.