Doanh nhân gốc Hoa Đặng Văn Thành. Ảnh: PV.
Ông Đặng Văn Thành: Từ ngân hàng đến gia tộc mía đường
(Bài viết được thực hiện năm 2016.)
Trong khi Sacombank vẫn say sưa trong thắng lợi về mặt kinh doanh và quản lý nợ xấu thì cựu Chủ tịch nổi danh một thời đã không thể kiềm nén nỗi vui mừng để tuyên bố với các nhà đầu tư về con đường mới của ông. Công ty mía đường mang tên Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) của gia tộc họ Đặng nhận 1.000 tỉ đồng “tiền tươi” thông qua việc phát hành trái phiếu cho 2 ngân hàng TPBank và VIB Bank.
TTCS chỉ là một trong số hàng chục công ty thành viên thuộc Tập đoàn TTC do vợ chồng doanh nhân gốc Hoa Đặng Văn Thành và 2 con nắm quyền điều hành. Không khó mấy để ông Thành, một đại thụ lão luyện của ngành ngân hàng có nhiều mối quan hệ, huy động tài chính cho các công ty của ông. Và cũng không khó để TPBank và VIB Bank ra quyết định cho thương vụ này, bởi gia tộc họ Đặng chiếm hơn 30% thị phần ngành mía đường, trở thành ngôi sao của ngành.
Người đàn ông U60 dường như không ngã quỵ sau sự cố Sacombank. Tháng 7.2011, khi thông tin bùng nổ chuyện Sacombank bị “thế lực bí ẩn” thâu tóm, cũng là thời khắc một công ty khác do ông Đặng Văn Thành sở hữu từ những năm 1979 công bố trở thành Tập đoàn (mô hình "holdings") dưới tên gọi Thành Thành Công (TTC). Cuộc rút lui khỏi Sacombank đã tiếp nối một hành trình mới của gia đình họ Đặng.
Sự chuyển đổi thành mô hình tập đoàn của TTC phù hợp thời điểm. Khi đó, thị trường đã chứng kiến những khởi đầu thuận lợi của mô hình holdings, tiêu biểu là Tập đoàn Masan và Thủy sản Hùng Vương. Trải qua 5 năm dưới sự điều hành của gia tộc họ Đặng, TTC đã hình thành 5 mảng kinh doanh gồm nông nghiệp, bất động sản, năng lượng, du lịch và giáo dục. Nhìn vào các chỉ số tài chính, TTC chưa thực sự quá ấn tượng về hiệu suất kinh doanh. Doanh thu trung bình giai đoạn 5 năm (2011-2015) xấp xỉ 15.400 tỉ đồng trong khi lợi nhuận chỉ khoảng 1.100 tỉ đồng, tính ra tỉ suất lợi nhuận hơn 7%. Bên cạnh đó, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng mới chỉ đạt khoảng 6,5%. Điều này lý giải do mô hình tập đoàn của TTC còn khá mới, đầu tư nhiều, chi phí cao và cần thời gian chứng minh hiệu quả.
Tuy nhiên, với mô hình kinh doanh cơ bản, hợp thời, mang lại lợi ích cho xã hội của gia đình họ Đặng và quyết tâm của ông Thành đang tạo sự chú ý cho giới đầu tư, khi TTC đặt ra kế hoạch thử thách cho chính họ: nâng tỉ suất sinh lời lên hơn 9% trong 5 năm tiếp theo với doanh thu và lợi nhuận năm 2020 đều gấp đôi, hơn 27.000 tỉ đồng doanh thu và hơn 2.500 tỉ đồng lợi nhuận. Đặng Văn Thành một lần nữa chứng minh sự tài ba của ông trong chặng đường mới, chỉ khác là lúc này, ông có thêm sự trợ lực từ gia đình.
Ông Đặng Văn Thành một lần nữa chứng minh sự tài ba của ông trong chặng đường mới, chỉ khác là lúc này, ông có thêm sự trợ lực từ gia đình. Ảnh: TL |
"Bật mí" TTC
Nếu nhìn lại lịch sử, TTC (năm 1979) lâu đời hơn cả Sacombank (năm 1991). Gia đình họ Đặng khởi phát kinh doanh trong hoạt động thương mại phân phối mía đường và sản xuất cồn với vốn khởi điểm 100 triệu đồng và 20 nhân công. Ông Đặng Văn Thành và vợ ông, bà Huỳnh Bích Ngọc tỏ ra là những người thức thời khi linh động chuyển đổi mô hình Công ty TTC nương theo sự lên xuống của 3 chu kỳ kinh tế vừa qua.
Sau khi kinh tế mở cửa (năm 1986), ông Đặng Văn Thành nương theo làn sóng thị trường và đầu tư vào các công ty mía đường mà họ làm phân phối trước đó (năm 1996), chuyển đổi mô hình đầu tư đa ngành thương mại, du lịch, bất động sản tài chính, ngân hàng khi kinh tế sôi động (năm 2004), chuyển đổi thành công ty đại chúng (năm 2007) và sau đó, chuyển đổi thành tập đoàn với 5 lĩnh vực mang tên TTC, có vốn điều lệ hơn 11.000 tỉ đồng, gần 30.000 tỉ tài sản, 21 công ty thành viên và liên kết (tự thành lập và từ mua bán, sáp nhập - M&A), hơn 8.500 nhân viên (giai đoạn 2011-2015).
Điều này cho thấy, khi “mất” Sacombank, ông Thành vẫn còn một cơ ngơi khá chắc chắn khác để tiếp tục phát triển. Không tính ngân hàng, giai đoạn 2011-2015, với lợi nhuận trước thuế bình quân 1.100 tỉ đồng, gia đình họ Đặng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong 3/5 lĩnh vực họ đầu tư gồm mía đường (chiếm 50% cơ cấu lợi nhuận), bất động sản (20%), năng lượng (13%). 2 lĩnh vực còn lại là du lịch và giáo dục.
Dẫn đầu lợi nhuận là ngành mía đường không phải là điều gì quá ngạc nhiên, vì đây là mô hình lâu đời và nhiều kinh nghiệm nhất của TTC. Ông Thành xác lập sự bền chặt trong phân phối với các nhà sản xuất và được hưởng lợi thế trong năm 2010, lúc tập đoàn Pháp là Công ty Bourbon Tây Ninh chuyển giao sở hữu nhà máy đường hiện đại nhất Đông Nam Á cho TTC. Đây cũng là giai đoạn TTC nâng vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trước đó lên 1.000 tỉ đồng và gia đình họ Đặng bắt đầu chiến lược M&A với các công ty ngành này. Với những cuộc chinh chiến M&A hoành tráng từ Công ty Bourbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Mía đường Phan Rang…, TTC đã nhanh chóng dẫn đầu thị phần ngành này (hơn 30%) với đa dạng sản phẩm. Doanh thu xấp xỉ 11.000 tỉ đồng và lợi nhuận 696 tỉ đồng trong năm 2015 của riêng lĩnh vực mía đường ở TTC đã cho thấy suất sinh lời đáng khích lệ, và như vậy, cơ hội làm giàu của gia đình họ Đặng còn khá lớn trong tương lai.
Bên cạnh thủy điện, TTC còn có lợi thế đầu tư nhiệt điện từ việc tận dụng bã mía (nhiệt điện chạy bằng bã mía). Ảnh: TL. |
Tiếp nối theo sau là lĩnh vực bất động sản, nơi ghi dấu đậm nét tên tuổi của Đặng Hồng Anh, con trai ông Thành. Trước khi sáp nhập vào TTC năm 2013, thời điểm ông Thành rời khỏi Sacombank, Công ty Bất động sản Sacomreal đã thành lập trong bối cảnh đón đầu sự hưng thịnh của thị trường bất động sản. Nhưng suốt giai đoạn 2011-2015, tình hình kinh doanh của Sacomreal có phần khó khăn theo đà giảm của thị trường. Doanh thu và lợi nhuận trượt dần cho đến năm 2015, Đặng Hồng Anh đã lấy lại “phong độ” cho Sacomreal khi nỗ lực mang về doanh thu 9.730 tỉ đồng, cao nhất so với 4 năm trước đó, dù lợi nhuận còn khiêm tốn là 116 tỉ đồng, cao hơn 2 năm trước đó. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là trong suốt giai đoạn 5 năm (2011-2015), TTC đã tái cấu trúc tài chính mạnh ở Sacomreal và Toàn Thịnh Phát (công ty liên kết với Sacomreal). Đồng thời, công ty này cũng xác định tập trung chiến lược vào 3 hướng thị trường là đất, nhà ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai; khu công nghiệp ở Long An, Tây Ninh; kho vận ở Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Phú Quốc, đồng thời với tích lũy đất sạch. Mục tiêu tài chính đến năm 2020 của công ty này là doanh thu đạt khoảng 16.000 tỉ đồng và lợi nhuận hơn 750 tỉ đồng.
Trong khi đó, lĩnh vực mang về lợi nhuận top 3 của TTC là năng lượng có vẻ được ông Thành chăm chút. Ông thường dành nhiều tâm huyết để kể về câu chuyện năng lượng bất cứ khi nào được hỏi. 2011-2015 có thể được xem là giai đoạn thành công của TTC trong lĩnh vực này khi họ sở hữu 15 nhà máy điện với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt được là 16%, trong khi ROE của lĩnh vực này trung bình khoảng 12%.
Năng lượng là ngành khó, và cách mà gia đình họ Đặng tiến vào ngành này là thông qua các hoạt động M&A. TTC đã nắm bắt cơ hội sở hữu Công ty Điện Gia Lai (năm 2013) khi công ty này cổ phần hóa. Thông qua thâu tóm Điện Gia Lai, ngay lập tức gia đình họ Đặng có trong tay 9 công ty thủy điện con và 2 công ty liên kết. Chiến lược đầu tư chính của TTC thời gian qua là tập trung vào thủy điện vừa và nhỏ, do có khả năng khai thác cao, không quá khó, bảo vệ tốt môi trường và hệ sinh thái.
Bên cạnh thủy điện, TTC còn có lợi thế đầu tư nhiệt điện từ việc tận dụng bã mía (nhiệt điện chạy bằng bã mía). Cũng với M&A, TTC lấn sân mảng du lịch với chiến lược đầu tư vào các loại hình khu du lịch, resort và khách sạn 3-4 sao. Chiến lược du lịch của tập đoàn này là phát triển tại 8 khu vực trọng điểm gồm TP.HCM, Cần Thơ, Bến Tre, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Quốc và Campuchia. Họ công bố đã có mạng lưới 20 khách sạn và khu du lịch. Các chỉ số kinh doanh từ mảng này của TTC ổn định dù còn khiêm tốn, với doanh thu năm 2015 đạt xấp xỉ hơn 800 tỉ đồng trong khi lợi nhuận mới nhỉnh hơn 70 tỉ đồng. Tương tự như vậy với lĩnh vực giáo dục, TTC đã sở hữu 11 trường mầm non, trung học và doanh thu năm 2015 chỉ mới khoảng 200 tỉ đồng, lợi nhuận 40 tỉ đồng.
Nhìn chung, mô hình holdings của TTC đang theo đuổi mới chỉ ở giai đoạn đầu. Việc bành trướng kinh doanh để tạo doanh thu cao, phình nở quy mô, gia tăng giá trị thương hiệu có thể là bước đi đầu tiên của ông Đặng Văn Thành 5 năm vừa qua. Sẽ thách thức hơn cho gia đình họ Đặng trong nhiều năm tới khi TTC phải vượt qua cái bóng của chính họ và chiến thắng trong môi trường kinh doanh khốc liệt hơn, để cải thiện cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Trong lần gặp mới nhất với các nhà đầu tư nhân sự kiện hợp tác với TPBank và VIB Bank, ông Thành đã tiết lộ vài thứ thú vị trong kế hoạch của ông.
Ông Đặng Văn Thành. Ảnh: TTC |
Bản kế hoạch của ông Thành
Ông Thành nói trong tương lai, TTC sẽ tiếp tục coi trọng việc mua lại các công ty ngành mía đường và hướng đến việc xuất khẩu đường, khác với hiện trạng Việt Nam phải nhập khẩu đường. Bên cạnh đó, ông cũng dồn tâm huyết vào phát triển lĩnh vực điện gió và năng lượng mặt trời vì theo ông, sân chơi còn rộng và chính sách đang thuận lợi. Ông Thành cũng sẽ mua lại một số trường cao đẳng, đại học để tham gia vào sân chơi lớn này (TTC đã hoàn tất thương vụ mua Đại học Yesin và Cao đẳng Sonadezi). Ngoài ra, ông cũng bày tỏ tham vọng sẽ dẫn đầu ngành dừa với việc vận hành nhà máy sữa dừa và nước dừa lớn đầu tiên của Việt Nam qua thương hiệu Cocoxim. Trong lĩnh vực bất động sản, ông Thành ít đề cập hơn, nhưng ông nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển quỹ đất của Sacomreal thời gian tới.
Nhìn tổng quan, Tập đoàn TTC đang chọn lựa những lĩnh vực kinh doanh không tạo suất sinh lời cao, trừ bất động sản. Tuy nhiên, đây là những lĩnh vực thiết yếu, tương đối an toàn trong kinh doanh. Dù vậy, một số lĩnh vực trong đó TTC đang đầu tư đã từng là “khúc xương” khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, hoặc sống dở chết dở, như bất động sản, giáo dục đại học, năng lượng điện gió. Điều này được lý giải bởi những rủi ro không lường trước trong chính sách vĩ mô, thách thức lớn về mặt chất lượng nguồn nhân lực và chi phí phát sinh cao.
Một thách thức khác cho TTC là khả năng vận hành quy mô tập đoàn đa ngành. Trong một thập kỷ vừa qua, theo quan sát cá nhân tôi, các tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành ở Việt Nam phát triển theo 2 dạng. Một là hình thành tập đoàn cốt lõi điển hình như Thủy sản Hùng Vương (thủy sản), Coteccons (xây dựng), SSI (nông nghiệp), hai là các dạng tập đoàn đa ngành như Vingroup (bất động sản, du lịch, nông nghiệp, giáo dục, y tế, bán lẻ, thương mại điện tử), Masan (ngân hàng, khoáng sản, nông nghiệp, hàng tiêu dùng), Sovico (ngân hàng, bất động sản, du lịch, hàng không). Các tập đoàn đa ngành đòi hỏi năng lực quản trị ở mức cao, đặc biệt là khả năng huy động vốn khổng lồ và trình độ kiến trúc tài chính vượt trội. Trong phần lớn các tập đoàn vừa kể đều thấp thoáng bóng dáng các nhà quản trị tài chính siêu việt, có kỷ luật cao trong điều hành nguồn vốn trong nước và quốc tế. Đòi hỏi này đặt ra cho một tập đoàn đang lớn như TTC, vốn dựa trên nền tảng quản trị gia đình sâu sắc và còn non trẻ trong sân chơi holdings.
Có những đại gia tộc tồn tại hàng trăm năm trên thế giới, nhưng không phải mô hình đa ngành nào cũng trăm trận trăm thắng. Ở Việt Nam, bài học mở rộng như vũ bão trong mô hình Masan thông qua M&A đã chỉ ra tập đoàn này cũng gặp khó do sự phát triển không đồng đều giữa các công ty con xét về mặt hiệu quả kinh doanh. Bằng chứng là một số công ty con chưa tạo được ấn tượng nhiều năm sau M&A. Trong khi đó, kỳ vọng đa ngành trong mô hình của Hoàng Anh Gia Lai cũng khó thành công lớn do những điều kiện chủ quan và khách quan. Mặt khác, các công ty đa ngành thường phân tán nội lực nên đôi khi sẽ giảm lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ chỉ chuyên tâm vào một lĩnh vực. Như vậy, một lần nữa, trong mô hình holdings của TTC, gia tộc họ Đặng nói chung và ông Đặng Văn Thành nói riêng sẽ phải ra các quyết định không hề dễ dàng trong những bước đi ở tương lai.
TTC hôm nay… Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) là doanh nghiệp đầu ngành mía đường tại thị trường nội địa. Theo bản cáo bạch năm 2021, Công ty sở hữu hệ thống nhà máy và vùng nguyên liệu rộng khắp ở Việt Nam, Lào và Campuchia khi tổng diện tích vùng nguyên liệu lên đến 63.827 ha và 9 nhà máy có khả năng sản xuất 4.250 tấn đường/ngày, tạo cho TTC Sugar năng lực sản xuất vượt trội và trở thành doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đường. TTC Sugar cũng đã gầy dựng được những cánh đồng mẫu lớn để trồng mía organic ở Tây Ninh và Lào, phục vụ mục tiêu cao cấp hóa dần sản phẩm từ mía. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đặng Huỳnh Ức My, nửa đầu niên độ 2020-2021, TTC Sugar triển khai chuyển đổi số nhằm thực thi chiến lược 5 năm là trở thành doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ số hiện đại bậc nhất Việt Nam. TTC Sugar hiện chiếm hơn 50% lượng đường cung cấp toàn quốc. Sản phẩm của Công ty được xuất sang các thị trường lớn trên thế giới từ khu vực Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi cho đến các đảo quốc thuộc khu vực Thái Bình Dương. Tháng 10.2018 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với mảng đường organic khi TTC Sugar chính thức ký kết hợp tác chiến lược với ED&F Man Sugar, một công ty chuyên phân phối các sản phẩm nông nghiệp được thành lập từ năm 1783 tại Anh Quốc, về việc bao tiêu sản phẩm đường organic và bán các loại đường của TTC Sugar niên vụ 2018-2019 sang châu Âu. Tháng 12.2018, những sản phẩm đường mang thương hiệu TTC Sugar đạt chuẩn organic đầu tiên của một doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu thành công tại Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Malta, Pháp, Ý... Theo báo cáo tài chính hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 30.6.2020, Công ty đạt doanh thu thuần 12.888,7 tỉ đồng, tăng 19%; lợi nhuận sau thuế 364,3 tỉ đồng, tăng 36%. Sang năm tài chính 2020-2021, TTC Sugar đặt mục tiêu 14.358 tỉ đồng doanh thu hợp nhất và 662 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 11,7% và 31,3% so với năm trước. (Nguồn: Dấu Ấn Một Thập Kỷ, Nhịp Cầu Đầu Tư) |