Ông chủ của "đường hầm đất sét": Người mê làm giàu từ vật liệu
Năm 2014, khách du lịch ở ðà lạt bất ngờ vì sự xuất hiện của công trình đường hầm điêu khắc hoàn toàn mới bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Trên các mặt báo, người đầu tư 200 tỉ đồng tiền túi cho ý tưởng kỳ lạ này được biết đến với tên gọi “Dũng khùng”. Khác vẻ “thô kệch” mà báo chí tô vẽ về vị doanh nhân “hì hục” đắp đất sinh năm 1972, anh Trịnh Bá Dũng lại rất lịch sự và thân thiện.
Có lẽ đã quen với việc người khác thắc mắc về mình, anh giải thích ngay: “Đời Trịnh Bá Dũng có 2 cái khùng”. Cái “khùng” thứ nhất người ta gán cho khi anh quyết định về Việt Nam sau 3 năm du học ở Đức vào giữa những năm 1990. Cái “khùng” thứ 2 gắn với sự kiện anh rời bỏ một vị trí quản lý cơ quan công quyền bao người mơ ước sau 10 năm làm việc.
Biến đất đỏ thành tiền
Đường hầm điêu khắc ra đời từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây nhất. Bản thân sở hữu một công ty sản xuất và kinh doanh nội thất, sự suy thoái chung của hoạt động xây dựng đã buộc anh Dũng phải đóng cửa nhà máy, thanh lý toàn bộ tài sản. Sau đó, anh dùng một phần tiền đi khắp thế giới trong 12 tháng để tìm ý tưởng kinh doanh du lịch.
Say sưa kể về hình thái du lịch ở các nước đã đặt chân, anh Dũng chú ý đến Hà Lan với ý tưởng sử dụng sản phẩm địa phương đặc thù. Về Đà Lạt và sống những ngày không điện, đường, nước ở vùng trũng của khu hồ Tuyền Lâm, anh nảy ra sáng kiến từ đống đất đỏ chuyển mình nhão nhoét sau mưa. Quyết định bán bớt cổ phần từ việc kinh doanh nhà hàng ở TP.HCM, anh Dũng gom vốn rồi cùng người bạn lên Đà Lạt xây đường hầm điêu khắc.
Dựng nhà, tạc tượng bằng đất có nhiều lợi thế. Ngoài sự độc đáo không ai làm, đất có đặc tính mềm nên dễ gia công tạo hình thù đẹp. Ngay khi đã hoàn tất, nếu chưa ưng ý vẫn có thể chỉnh sửa dễ dàng. Đó là lý do khiến chi phí dựng tượng đất rẻ hơn tượng bê-tông nhiều lần. “Mà tượng lại có hồn hơn”, theo lời của ông Trịnh Bá Giao, bố của anh Dũng, khi nhận xét về công trình của con trai.
Công đoạn cuối cùng để bảo tồn khối hình hàng tấn đất sau khi chạm khắc tỉ mỉ là kỹ thuật hóa cứng bề mặt. Lớp ngoài cùng có độ dày 2-3 cm này lại là bí quyết anh Dũng nghiên cứu ra, gồm đất, đá, xi măng và chất phụ gia “giấu tên” với tỉ lệ linh hoạt. Nó giúp cho công trình nhân tạo bằng đất feralite sừng sững trong mưa và sương của thành phố ngàn hoa.
Tuy nhiên, do địa chất tạo ra các lớp đất có màu sắc không liên tục nên khi dựng tượng kích thước lớn, anh Dũng nhận được sản phẩm loang lổ, kém mỹ thuật. Anh cũng không thể dùng các loại sơn nước, sơn dầu trên thị trường để che phủ vì “đất uống sơn bao nhiêu cũng hết”. Mất thêm 4 tháng nghiên cứu, dùng nguyên tắc kết hợp keo và màu xay từ đất, anh Dũng mới phát triển được một loại sơn gốc nước, không độc hại, không trôi, bắt dính hiệu quả trên đất và có lớp màu vô cơ bền vững với ánh sáng mặt trời.
Để kể được đủ câu chuyện lịch sử hình thành của Đà Lạt trong khu đường hầm dài 1.200 m, rộng 2-10 m và sâu 2-9 m, hàng trăm công nhân cùng với người chỉ huy Trịnh Bá Dũng còn phải nhờ đến sức mạnh cơ giới hóa. Anh Dũng mua máy về, điều chỉnh lại bằng một số đầu công cụ tự chế giúp năng suất tăng lên hơn 500-1.000 lần sức người. Kết quả là công trình chinh phục đất sét của anh được xác nhận 2 kỷ lục từ Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam và hiện là một trong những điểm thu hút nhiều khách tham quan của thành phố Đà Lạt. Vào cao điểm, mỗi ngày khu du lịch này đón từ 2.000-5.000 khách, với giá vé vào cửa 40.000 đồng/người.
Làm giàu từ vật liệu
Như đã đề cập, đường hầm đất sét không phải là dự án kinh doanh duy nhất của anh Dũng. Khi còn làm ở cơ quan công quyền, anh đã cùng lúc phát triển một thương hiệu nội thất mang tên Euromaxx. Công ty của anh từng cung cấp toàn bộ ghế cho các nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, sân vận động Vũng Tàu, sân bóng đá Bình Định và SEA Games 2003.
Thời điểm này, với sản phẩm ghế xoay văn phòng, mỗi tháng Euromaxx có thể xuất trung bình 5-6 container sang thị trường Đài Loan. Những năm 1999-2000, công ty nội thất của anh Dũng đã tự sản xuất được ghế massage “Made in Vietnam” xuất khẩu đi Mỹ, Đức, Úc. “Hồi đó chưa có các công ty tư vấn thiết kế. Sản xuất ghế massage là một công trình tìm tòi và kết hợp kiến thức ở các lĩnh vực điện tử, thuộc da, vật liệu gỗ, chất liệu sơn và mẫu mã thiết kế tự nghiên cứu”, anh nhớ lại.
Dù tốt nghiệp Đại học Hàng hải chuyên ngành Kinh tế biển, anh Dũng lại có thiên hướng mày mò sáng tạo như một kỹ sư. Các sản phẩm anh thử nghiệm hay cải tiến thành công đều được ứng dụng trong sản xuất và thương mại hóa. Nền tảng của những nghiên cứu, theo lời anh kể, lại khá giản dị. Nhờ lúc nhỏ, nhà kế bên Chợ Lớn nên vô tình có cả vựa hóa chất để anh thử nghiệm các ý tưởng của mình. “Đôi lúc làm liều, nhưng làm nhiều thì cũng phải trúng”, anh Dũng chia sẻ.
Biết rằng khó thu hồi vốn nhanh từ dự án kinh doanh du lịch ở Ðà Lạt, để trường vốn, anh Dũng đang vận hành công việc sản xuất ở miền Tây. Ðó là nhà máy sản xuất thành phẩm từ vỏ trấu ở Tiền Giang. Với máy móc tự thiết kế, anh giảm được chi phí đáng kể so với việc sử dụng công nghệ nén vỏ trấu của Đức. Thành phẩm viên trấu nén của nhà máy này là chất đốt thân thiện với môi trường hơn than đá. Theo anh Dũng, công nghệ này giải quyết đầu ra một cách kinh tế cho 10 triệu tấn vỏ trấu thải ra mỗi năm từ vựa lúa miền Tây.
Với mức đầu tư ban đầu 40 tỉ đồng, mỗi ngày nhà máy cung ứng khoảng 60 tấn viên trấu nén cho các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ có sử dụng chất đốt. Với giá thành chỉ 3.000 đồng/kg và tạo ra nhiệt năng tương đương than đá, viên trấu nén của anh Dũng có thể là một giải pháp năng lượng cạnh tranh với than đá, hiện có giá trên 10.000 đồng/kg. Đầu năm 2016, nhà máy sản xuất viên trấu nén sẽ chính thức khai trương với quy mô mở rộng.
Để giúp người viết hình dung về loại chất đốt mới, anh khẩn trương mở cốp ôtô để giới thiệu những sản phẩm được làm từ vỏ trấu. Không chỉ có viên trấu nén, anh còn nghiên cứu sản xuất thanh gỗ nội thất làm từ vỏ trấu nén không giãn nở và chịu thời tiết khắc nghiệt. ”Một công trình du lịch đang triển khai ở Nha Trang sẽ dùng toàn bộ vật liệu này của tôi”, anh nói
Gia Linh