Cựu CEO Công ty Giấy Sài Gòn, ông Cao Tiến Vị. Ảnh: TL.
Ông Cao Tiến Vị, sáng lập ASIF: “Đến lúc tôi đóng góp lại cho cộng đồng”
“Tôi đã kinh doanh nhiều năm, và đến lúc tôi đóng góp lại cho cộng đồng”, cựu CEO Công ty Giấy Sài Gòn, ông Cao Tiến Vị tâm sự với NCĐT. Giản dị trong chiếc áo sơ mi caro, ông nhìn khá khác biệt với những nhân sự cấp quản lý trong một ngày chụp hình cho tổ chức phi chính phủ (NGO) có tên Australasia Social Impact Foundation (Tổ chức Tác động Xã hội Australasia - ASIF Foundation) do ông sáng lập.
ASIF Foundation đã có tuổi đời 5 năm, nhưng tuổi nghề thiện nguyện của ông Vị còn gấp 3 lần con số đó. Bắt đầu bằng việc là Phó Chủ tịch Trung tâm Sáng kiến Hỗ trợ Cộng đồng (CSIP), ông học được kinh nghiệm trong việc điều hành một tổ chức phi chính phủ. Ông cũng học được cách gây quỹ, những nguồn để gây quỹ và sử dụng nguồn tài chính được trao sao cho đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, ông học được phương pháp tiếp cận, sàng lọc, thực hiện để tạo nên quy trình gây quỹ khép kín một cách chuyên nghiệp. “Tôi bước qua lĩnh vực mới như một duyên số”, ông Vị nhẹ nhàng kể.
20 năm điều hành Giấy Sài Gòn qua 2 cuộc đàm phán mua bán - sáp nhập với các tổ chức tài chính quốc tế đã cho ông bài học về việc cần có quy trình bài bản khi làm việc. Điều này được ông áp dụng vào việc vận hành quỹ thiện nguyện. “Quản trị tốt thì mọi thứ sẽ hiệu quả, ổn định và minh bạch”, ông Vị nói. Quy trình cũng chính là điểm yếu của nhiều tổ chức xã hội tại Việt Nam, khi họ làm theo kiểu tự phát, cảm tính nên thường kém hiệu quả và thiếu bền vững. Đó cũng là ngách mà ASIF Foundation chọn để theo đuổi: nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội.
“Cách ASIF Foundation hoạt động không giống ai, chỉ làm ở phân khúc khó”, người đàn ông thích chinh phục thử thách, từ kinh doanh đến thiện nguyện, cho biết. 5 năm đầu hoạt động của Quỹ nhằm mục tiêu trải nghiệm, với 2 hoạt động chính là nâng cao năng lực của các tổ chức thiện nguyện và tự trải nghiệm việc tài trợ trực tiếp.
Đáng mừng là nguồn tài trợ từ các tổ chức nước ngoài dành cho những nước đang phát triển như Việt Nam khá dồi dào. Chỉ từ năm 2020 đến giữa năm 2022 giá trị viện trợ giải ngân cho Việt Nam từ trung bình 450 NGO đã đạt 562 triệu USD, tương đương 13.200 tỉ đồng. Thế nhưng, phần lớn tổ chức thiện nguyện tại Việt Nam làm việc tự phát và không có bộ máy, quy trình rõ ràng. Vì vậy, họ bị mắc kẹt bên dưới tấm lưới lọc mang tên “hoạt động minh bạch” khi tiếp cận các nguồn tài trợ từ bên ngoài.
“Chúng tôi giúp họ đăng ký tư cách pháp nhân, giúp họ kiểm toán, giúp họ có những bản thu chi rõ ràng”, ông Vị nói về những hỗ trợ mà ASIF Foundation đã thực hiện để các tổ chức trở nên minh bạch trong vòng sơ tuyển với các nhà tài trợ. “Có những nơi chúng tôi chỉ giúp trong 2, 3 năm cũng bằng chục năm trong quá khứ của họ”, ông kể. Tuy vậy, ông cũng thú nhận việc thuyết phục thay đổi không dễ dàng.
Doanh nghiệp xã hội Mai Tâm là một trong những trường hợp ông tâm đắc nhất. Là mái ấm che chở cho các bé nhiễm HIV đã lâu nhưng họ hoạt động không có giấy phép, không có tư cách pháp nhân. ASIF Foundation đã giúp họ từ đăng ký đến quản lý bằng phần mềm, làm truyền thông và thậm chí được Deloitte kiểm toán. Nhờ đó, Mai Tâm đã có thể phát triển thêm cơ sở mới là một trung tâm dưỡng lão quận 12, TP.HCM khá hiện đại.
Khi nhận thấy nhu cầu CSR (trách nhiệm xã hội) trong doanh nghiệp còn lớn, ASIF Foundation còn đóng luôn vai trò bà mối để kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Điều này cũng dẫn đến câu chuyện tréo ngoe, khi ASIF Foundation không chỉ đóng vai người phản biện, mà đôi khi phải xắn tay vào giúp những đơn vị đang nộp đơn xin tài trợ chuẩn bị hồ sơ. Sau 5 năm, số cơ sở được ASIF Foundation hỗ trợ lên đến hàng chục, trong đó có cả lớn, nhỏ, có thành công lẫn thất bại.
“Tôi nghĩ với quy định pháp luật của họ và những thủ tục sẽ giúp cho mình trưởng thành và phát triển”, ông Vị nhận xét về quốc gia sở tại của Quỹ, nơi ASIF Foundation dành 30% ngân sách cho cộng đồng địa phương. Với tâm thế người Việt lập quỹ quốc tế để phục vụ người Việt, 70% ngân sách ASIF Foundation dành cho Việt Nam, nơi ông đặt một văn phòng làm việc. “Không dễ và vất vả lắm”, ông Vị bình luận về việc quỹ chịu 2 hệ thống quản lý của 2 nước là Úc và Việt Nam.
Để biết con đường làm từ thiện thực tế trải qua những gì, ASIF Foundation xắn tay vào dự án “Giếng sạch trao buôn” với mục tiêu khoan 500 giếng tại Gia Lai, Kon Tum. Đã đạt được 60% mục tiêu, ông Vị cho rằng tác động lâu dài của dự án là quan tâm đầu tiên của nhà tài trợ. Vì vậy, họ khiến người dân và chính quyền địa phương, đặc biệt là già làng xem giếng như tài sản của họ, đóng góp ngày công cho việc xây dựng và cùng duy trì giếng lâu dài, ít nhất trong khoảng thời gian kỳ vọng 10 năm.
Vẫn âm điệu trầm ấm, từ tốn xuyên suốt cuộc trò chuyện, ông Vị thận trọng chia sẻ về một tương lai gần, trong đó họ tiếp tục hoàn tất dự án giếng, củng cố bộ máy và chuẩn hóa phương pháp nâng cao năng lực. Đặc biệt, ông đặt nhiều kỳ vọng trong việc hợp tác với cơ quan chính quyền, như các tổ chức đoàn, hội, có độ phủ rộng khắp cả nước để có thể tạo ra lợi ích lâu dài.