Nghiên cứu của WGC chỉ ra rằng, lãi suất sẽ có tác động rõ ràng nhất đến giá vàng vào giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt. Ảnh: Quý Hòa

 
Huy Vũ Thứ Năm | 15/12/2022 14:26

Ông Andrew Naylor, lãnh đạo Hội đồng Vàng Thế giới: Thị trường vàng phải cạnh tranh và minh bạch

Đại diện của Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng chi phí trả thêm khi mua sản phẩm vàng tại Việt Nam vẫn sẽ cao vì vấn đề cung cầu.

Mặc dù không dự báo giá vàng, nhưng ông Andrew Naylor, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Chính sách Công của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giải thích các yếu tố thúc đẩy giá vàng.

Giá vàng đang chững lại sau đợt tăng vừa rồi và đang chờ chất xúc tác tiếp theo. Việc giá vàng sắp tới có bứt phá hay không sẽ tùy thuộc vào các tín hiệu về chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dự báo của ông về vấn đề này là gì? 

Nhu cầu tiêu dùng sẽ góp phần tạo nên mức giá sàn và chúng tôi kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng vàng vẫn tiếp tục cao khi các nhà đầu tư cá nhân muốn bảo vệ tài sản của họ, đặc biệt trước tác động của lạm phát sắp tới. Ngược lại, nguồn đầu tư từ tổ chức sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các yếu tố khác, bao gồm cả lãi suất.

Nghiên cứu của WGC chỉ ra rằng, lãi suất sẽ có tác động rõ ràng nhất đến giá vàng vào giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt. Về lâu dài, lãi suất sẽ dần được ấn định và ảnh hưởng đối với vàng sẽ giảm dần. Nhiều nhà phân tích cho rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh vào năm tới, có thể là trong quý III.

Ngoài ra, chi phí trả thêm (premium) khi mua sản phẩm vàng tại Việt Nam vẫn sẽ cao vì vấn đề cung cầu. Đây là việc tất yếu, nhất là với các quốc gia không sản xuất vàng và phụ thuộc nhập khẩu để giao dịch vàng, đẩy giá thành lên cao. Ngoài ra, có thể nói chi phí trả thêm tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất trên thế giới và nguyên nhân chủ yếu đến từ việc nhập khẩu vàng bị hạn chế trong khi nhu cầu vẫn cao. Nghiên cứu của WGC cho thấy nhu cầu về vàng vẫn sẽ cao trong thời gian tới, vì vàng là một trong những tài sản đầu tư được ưu tiên hàng đầu và có mối gắn kết mật thiết và lâu đời với lịch sử và văn hóa tại Việt Nam.

Thị trường vàng tại Việt Nam nhiều năm qua lệch pha với thị trường vàng thế giới. Đã có nhiều ý kiến cho rằng không nên “độc quyền” vàng miếng SJC để người mua chịu thiệt và mở đường cho sự phát triển của vàng trang sức. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

 

Có một sự thật chắc chắn rằng người tiêu dùng ở Việt Nam rất ưa chuộng vàng. Dựa trên nghiên cứu về người tiêu dùng của WGC được công bố vào năm 2021, với mốc thời gian trong 12 tháng, trong 10 sản phẩm đầu tư được mua, thì trung bình sẽ có 4 sản phẩm vàng. Và khi được hỏi về kênh đầu tư, vàng là kênh đầu tư được 68% nhà đầu tư trong nghiên cứu nghĩ đến đầu tiên. Trong 10 nhà đầu tư, sẽ có 8 người cho rằng vàng mang đến cảm giác an toàn lâu dài.

Qua đó, có thể nói người tiêu dùng Việt Nam sẽ luôn có nhu cầu tiêu dùng vàng. Để hợp thức hóa sự phát triển của thị trường vàng, điều quan trọng là phải đảm bảo được tính cạnh tranh và minh bạch. Theo đó, cần tạo điều kiện cho sự đa dạng hóa các kênh nhập khẩu vàng chính thức. Cho phép trao đổi vàng tại các sàn giao dịch vàng chính thức, hoặc sự tham gia của các ngân hàng vào thị trường vàng, có thể góp phần mang lại sự minh bạch. Về lâu dài, điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và thị trường.

Để thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ được hình thành, cần khuyến khích thị trường vàng trang sức mỹ nghệ như một ngành sản xuất hàng hóa, có cạnh tranh lành mạnh, chất lượng được đảm bảo hơn, có khuôn khổ để kiểm soát chất lượng. Ông nghĩ gì về việc này?

Chúng tôi nhận thấy có cơ hội để quảng bá thương hiệu trang sức Việt Nam đến thị trường nước ngoài và tạo nên một thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trang sức được các thương hiệu nội địa thiết kế và sản xuất, vốn đã đạt chất lượng cao về tư duy thiết kế và tay nghề thủ công. Tuy nhiên, để xuất khẩu, cần phải hạ giá thành để trang sức Việt Nam có thể cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Cách duy nhất để hiện thực hóa việc xuất khẩu trang sức vàng là cho phép nhiều kênh nhập khẩu vàng chính thức hơn, để các nhà sản xuất và thợ kim hoàn có thể tiếp cận với nhiều nguyên liệu thô hơn.

Hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững thị trường vàng cần có những giải pháp nào, thưa ông? 

 

Để thị trường vàng phát triển ổn định, sự liêm chính và minh bạch lâu dài phải được nhìn nhận là trọng tâm của thị trường. Để cải thiện sự thống nhất và toàn vẹn của thị trường, giá cả phải được minh bạch và người tiêu dùng phải tin tưởng vào sản phẩm vàng mua được trên thị trường. Điều này có thể đạt được thông qua việc đánh dấu xác nhận tiêu chuẩn (hallmarking) và việc áp dụng nguyên tắc đầu tư vàng bán lẻ của WGC (the World Gold Council Retail Gold Investment Principles - RGIP). Các nguyên tắc này do WGC đưa ra và đã được triển khai tại các thị trường trọng điểm trên toàn cầu, bao gồm Ấn Độ, Đức và Singapore.

Tính minh bạch của thị trường cũng rất quan trọng và có thể đạt được thông qua việc cho phép vận hành các sàn giao dịch vàng địa phương, cũng như cho phép nhập khẩu nhiều vàng hơn thông qua nhiều kênh chính thức hơn.

Với bối cảnh kinh tế suy kiệt, sức ép lạm phát gia tăng..., lời khuyên của ông cho các nhà đầu tư vàng là gì?

Đa dạng hóa trong đầu tư rất quan trọng và vàng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả - xuyên suốt lịch sử, vàng không thể hiện nhiều sự tương quan chặt chẽ với các loại tài sản phổ biến khác. Đồng thời, vàng cũng là hàng rào tiềm năng chống lại lạm phát. Trong lịch sử, lợi suất của vàng đã vượt lên trên tốc độ lạm phát và vượt trội hơn các loại tiền tệ pháp định.