Nguồn ảnh: TL

 
Văn Quốc Thứ Ba | 27/10/2020 13:30

Nước cờ kế tiếp của Masayoshi Son

Ông chủ SoftBank đã có những động tĩnh đáng chú ý gần đây.

Đầu năm nay, dịch COVID-19 đã khiến cho SoftBank Group ngã quỵ. Khi các trái chủ chạy trốn khỏi các công ty nặng nợ, tập đoàn công nghệ Nhật này đã chao đảo. Tháng 3.2020, tỉ phú Masayoshi Son, ông chủ SoftBank, đã công bố bán 41 tỉ USD giá trị tài sản nhằm ổn định tình hình tại Tập đoàn.

Đến tháng 9, Son cho biết thời kỳ “bình thường mới”, theo đó các cuộc họp, giao nhận thực phẩm, giáo dục, chăm sóc y tế, mua sắm, giải trí đều thực hiện online (do lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội trong mùa dịch), là yếu tố thuận lợi cho SoftBank. Bởi từ lâu ông dồn tâm huyết để thực hiện tầm nhìn vĩ đại về một cuộc chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (A.I) và dịch COVID-19 đã là chất xúc tác thúc đẩy thời đại số nhanh hơn so với dự kiến.

 

Cơn sốt công nghệ số đang giúp vực dậy quỹ Vision Fund 100 tỉ USD đang làm ăn kém hiệu quả của SoftBank. Từ năm 2017, Quỹ đã bắt đầu giải ngân vào các thương vụ đầu tư, nhưng trở nên chật vật sau những cú ngã ngựa, đặc biệt là cú rơi của WeWork, một startup không gian làm việc chung.

Mặc dù SoftBank góp chỉ 28 tỉ USD trong tổng vốn của Vision Fund (tương đương 12% giá trị tài sản của công ty Nhật này lúc đó), nhưng những cú va vấp đã khiến giá cổ phiếu SoftBank sụt giảm mạnh và “đả kích” tiếng tăm của Son như một nhà đầu tư khôn ngoan.

Tiếng tăm ấy có được sau thương vụ ông mua lại 34% cổ phần trong startup thương mại điện tử Alibaba (bắt đầu mua lại từ năm 2000), giờ là công ty niêm yết có giá trị nhất Trung Quốc.

Đại dịch đã làm giảm giá trị của một số công ty thuộc danh mục đầu tư của Vision Fund như các công ty trong những ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng và vận tải. Son đã vất vả huy động nguồn tiền bên ngoài cho quỹ Vision Fund 2. Quỹ mới này đặt mục tiêu huy động 108 tỉ USD nhưng giờ đang xoay xở chỉ với số tiền nhỏ góp từ SoftBank.

Nước cờ kế tiếp của Sơn đang là điều được quan tâm. Hiện cơn sốt bán tài sản của Son vẫn chưa chấm dứt từ sau tuyên bố bán 41 tỉ USD giá trị tài sản hồi tháng 3. Đến nay, SoftBank đã bán hầu hết tài sản ở mảng viễn thông di động, trong đó bán một phần khác thuộc bộ phận di động Nhật và toàn bộ Sprint (hãng khai thác di động lớn thứ 4 nước Mỹ) và bán cả Brightstar, một nhà phân phối thiết bị không dây.

Vào tháng 9, Son tuyên bố bán ARM, một nhà thiết kế chip có trụ sở tại Anh, với giá 40 tỉ USD cho hãng chip Mỹ Nvidia. Đáng nói, ARM từng được xem là yếu tố nòng cốt trong hệ sinh thái các startup dựa trên nền tảng web và A.I trong tầm nhìn vĩ đại mà Son vạch ra.

Không tính thương vụ bán ARM, vốn sẽ mất nhiều tháng mới hoàn tất, SoftBank đã thu về 52 tỉ USD từ hoạt động thoái vốn. Giới đầu tư cho rằng một người đầy tham vọng như Son sẽ không đời nào chịu ngồi yên trên số tiền ấy. Bằng chứng là tháng 9 vừa qua, SoftBank đã gây bất ngờ với chiến lược “cá voi Nasdaq” khi chi hàng tỉ USD thâu tóm quyền chọn mua các cổ phiếu công nghệ lớn niêm yết như Amazon, Microsoft, Alphabet... Một chi nhánh quản lý tài sản mới của Son đã mua lại gần 4 tỉ USD cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ, một phần được lấy từ nguồn tiền thu về trong chương trình bán 41 tỉ USD giá trị tài sản.

Giới phân tích cho rằng có 3 con đường đang mở ra cho Son. Một viễn cảnh là Son sẽ khởi động kế hoạch đã bàn bạc từ lâu: đưa SoftBank trở thành công ty tư nhân bằng phương án thâu tóm MBO (Management Buyout). MBO được hiểu là một giao dịch mà dàn lãnh đạo mua lại tài sản của công ty mà họ quản lý với mục đích đưa doanh nghiệp trở thành công ty tư nhân nhằm tinh gọn hoạt động và cải thiện khả năng sinh lời.

Theo một nhà đầu tư lớn của SoftBank, phương án MBO sẽ khả thi nếu được cơ cấu như một khoản vay bắc cầu; khoản vay này đến từ việc bán ra nhiều cổ phần của SoftBank hơn tại Alibaba và các tài sản khác. Theo Oliver Matthew thuộc CLSA, cách làm này sẽ làm SoftBank bị co cụm, dù giúp ông chủ SoftBank trở nên giàu có hơn nhưng sẽ làm giảm khả năng đầu tư của Son vào các lĩnh vực tăng trưởng mới. Vì thế, ông Matthew cho rằng khả năng triển khai phương án MBO sẽ khó xảy ra.

Viễn cảnh thứ 2 là Son sẽ nắm giữ cổ phần lớn trong một hoặc vài gã khổng lồ công nghệ đã niêm yết. Đầu tư vào các gã khổng lồ công nghệ niêm yết có thể hấp dẫn hơn, bởi những công ty này đang thu về mức lãi lớn nhờ cơn sốt kỹ thuật số. Các ngôi sao công nghệ chưa niêm yết, ngược lại, đa phần đang “trau chuốt” mô hình kinh doanh hoặc đang cạnh tranh kịch liệt để giành thị phần.

 

Động thái thâu tóm hàng tỉ USD quyền chọn mua cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn niêm yết gần đây đã cho thấy lựa chọn của Son. Theo một người thân cận với Son, quan điểm của ông chủ SoftBank là “quy mô đẻ ra quy mô và các công ty lớn mới thành công được trong môi trường này”. Hơn nữa, các cơ hội mới trong thị trường tư nhân lại ít hơn, một phần vì Vision Fund đã cung cấp vốn cho hầu hết các công ty trên thị trường này.

Khả năng thứ 3 là Son có thể đẩy mạnh mô hình Vision Fund bằng cách rót nhiều tiền hơn vào quỹ Vision Fund 2 và các quỹ sau đó. Hiện tình hình tại quỹ Vision Fund đầu tiên đã khởi sắc hơn so với cách đây vài tháng.

Đến nay, Vision Fund đã giải ngân 82,6 tỉ USD vào 92 doanh nghiệp. Sang tháng 6.2020, giá trị của quỹ này đã tăng thêm 3,5 tỉ USD. Đến cuối tháng 9, theo nguồn tin thân cận, Vision Fund đã lấy lại thêm 4,5 tỉ USD nữa. Nhờ đó, mức sinh lời đã được cải thiện lên 10%. Nhưng con số này chẳng là gì so với chỉ số công nghệ Nasdaq, vốn đã mang lại mức sinh lời gấp 10 lần trong 3 năm qua. Dù sao Vision Fund đã có cuộc lội ngược dòng ngoạn mục kể từ khi đẩy công ty mẹ vào tình cảnh thua lỗ với mức lỗ kỷ lục 8,9 tỉ USD trong năm tài chính vừa qua.

Cơn sốt IPO trong ngành công nghệ sẽ tiếp sức cho Vision Fund. DoorDash, một startup giao nhận thực phẩm, dự kiến niêm yết vào tháng 11 tới, với mức định giá 25 tỉ USD. Mức định giá này giúp tăng gấp 5 lần khoản đầu tư 600 triệu USD vào DoorDash của Vision Fund. Số cổ phần 37% của Vision Fund tại Coupang, được ví như Amazon của Hàn Quốc, có thể mang lại mức sinh lời không kém.

Nguồn ảnh: TL
Nguồn ảnh: TL

Theo các nhà đầu tư tại châu Á, Coupang đã nhận được các lời đề nghị rót vốn với mức định giá lên tới 30 tỉ USD. Danh mục đầu tư của SoftBank còn có các khoản nắm giữ tại một số ngôi sao công nghệ chưa niêm yết của Trung Quốc như ByteDance (sở hữu ứng dụng nổi tiếng TikTok) và Beike, một nền tảng bất động sản nhà ở gần đây đã tăng gấp 4 lần về giá trị.

Một lý do khác cho thái độ lạc quan này là có vẻ như lãnh đạo SoftBank đã “thấm đòn” từ những cú va vấp sau 3 năm đầu tiên vận hành Vision Fund. Bằng chứng là quỹ Vision Fund 2 không chủ trương rót quá nhiều vốn vào các công ty trẻ. Trong khi quỹ Vision Fund đầu tiên không rót vốn dưới mức 100 triệu USD vào bất kỳ công ty nào, thì 8 trong số 13 khoản đầu tư của Vision Fund 2 lại thấp hơn mức này. Thậm chí có cả 1 khoản đầu tư mà Vision Fund 2 rót chỉ 20 triệu USD. Có vẻ như cách làm này sẽ ít rủi ro hơn rất nhiều.

Một dấu hiệu nữa là trước sức ép từ quỹ đầu tư chủ động Elliott, Son đã thực hiện một số thay đổi về quản trị, khi đưa một người phụ nữ vào Hội đồng Quản trị. Dù vậy, theo những người am hiểu Son, điều sẽ không thay đổi là sự khó đoán định và khẩu vị ưa thích rủi ro của ông.