Nở rộ sân chơi giáo trí cho trẻ em
Sân chơi giáo trí nở rộ, cho trẻ em cơ hội tiếp cận những mô hình giải trí hiện đại và được trải nghiệm nhiều nghề nghiệp khác nhau. Đây cũng trở thành điểm vui chơi cuối tuần cho cả gia đình, trong lúc con vui chơi, phụ huynh cũng nhận được sự chăm sóc chu đáo, thỏa mãn nhu cầu mua sắm, giải trí. Thị trường giải trí trẻ em phục vụ gần 25% dân số dưới 14 tuổi, theo Tổng cục Thống kê, ước tính quy mô hơn 60.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chủ đầu tư, chiều lòng trẻ em khó hơn phụ huynh.
Năm 2013-2014, thị trường vui chơi kết hợp giáo dục cho trẻ em chứng kiến hàng trăm tỉ đồng của các nhà đầu tư đổ vào. Hệ thống tiNiWorld của Công ty Thiếu Nhi Mới được đầu tư khoảng 200 tỉ đồng với 20 trung tâm trên cả nước. Khu vui chơi giải trí Vietopia của Công ty Cổ phần Him Lam Phát triển Trí tuệ Trẻ em Việt có vốn đầu tư 520 tỉ đồng với diện tích 22.000 m2. KizCiti được đầu tư 40 tỉ đồng trên 20.000 m2 trong công viên Khánh Hội. Kizworld, 5.500 m2 trong tòa nhà Parkson Flemington. Vingroup thiết lập chuỗi dịch vụ mua sắm, vui chơi, tư vấn y tế... cho trẻ mang tên Kids World với 9.000 m2 ở Hà Nội và 5.000 m2 ở TP.HCM.
Các mô hình này đều có cách kết hợp đa dạng giữa hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng... cho thiếu nhi và nhu cầu mua sắm, nghỉ ngơi cho phụ huynh đi cùng. tiNiWorld thiên về các trò chơi kết hợp phát triển tư duy nhẹ nhàng. Kizworld và Vietopia cho trẻ trải nghiệm học tập thông qua hoạt động nhập vai bác sĩ, cứu hỏa, làm bánh... Kids World tổ chức các hoạt động vui chơi, thu hút trẻ em để thúc đẩy mua sắm ở các khu vực thế giới đồ chơi, thời trang, nhà sách, nhà kẹo...
Mỗi mô hình có sự độc đáo và chiến lược riêng. Khi vừa xuất hiện, đông đảo phụ huynh hào hứng đưa con mình đến trải nghiệm, đặc biệt vào cuối tuần, khi trẻ được nghỉ học và cả nhà có thời gian ra ngoài cùng nhau. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng duy trì được sự ủng hộ của khách hàng trong dài hạn. Chị Thủy Bùi, Phó Tổng Giám đốc KizCiti, chia sẻ, thị trường hiện tại có nhiều đối thủ lớn mạnh và Công ty chưa có kế hoạch mở rộng trong thời gian ngắn.
Thách thức lớn nhất của ngành là phải giải quyết được bài toán đổi mới liên tục mà vẫn đảm bảo hiệu quả. Đặc điểm của nhóm khách hàng trẻ em là nhanh chán và sẵn sàng từ chối những trải nghiệm lặp lại. Các khu vui chơi giải trí muốn lôi kéo sự thích thú quay lại nhiều lần của bé thì phải liên tục nghĩ đến vấn đề thay đổi nội dung và cách phục vụ. Đây quả là bài toán khó vì doanh nghiệp luôn phải vận động làm sao để có thể tiết kiệm nhiều chi phí mà vẫn đảm bảo nguồn thu.
Các mô hình trải nghiệm nghề nghiệp cho trẻ đòi hỏi diện tích xây dựng lớn, vốn đầu tư và vận hành cao nên giá vé cũng cao, thời gian thu hồi vốn tất yếu cũng phải kéo dài. Với diện tích lớn nhất và chi phí vận hành trung bình từ 3,5-4 tỉ đồng/tháng, Vietopia có giá vé trải nghiệm nghề nghiệp vào cuối tuần cao hơn (280.000 đồng/trẻ) so với Kizworld (200.000 đồng/trẻ). Tuy mức giá tương ứng với dịch vụ nhưng phụ huynh vẫn có sự cân nhắc. Với diện tích nhỏ hơn và không xây dựng theo mô hình trải nghiệm nghề nghiệp, tiNiWorld cung cấp dịch vụ giải trí với giá 80.000 đồng/trẻ vào cuối tuần.
Theo ông Thomas Ngo, Tổng Giám đốc Công ty Thiếu Nhi Mới, thị trường này nhìn có vẻ đơn giản nhưng bước vào mới thấy khó duy trì. Chiều lòng các bé khó hơn các bậc phụ huynh. Nhiều đơn vị đã tham gia và lặng lẽ rút khỏi ngành vì không giải được bài toán đổi mới trong giới hạn chi phí. Nắm bắt được yêu cầu này, tiNiWorld xây dựng một đội ngũ chuyên tìm ý tưởng đổi mới chương trình và các hoạt động hàng tuần. Đối với các công viên lớn, trẻ có thể chỉ đến từ 1-2 lần trong năm nhưng với tiNiWorld, mục tiêu của ông là thu hút được trẻ đến và quay lại 2-3 lần mỗi tháng.
Tổng Giám đốc của hệ thống tiNiWorld cho rằng mình đã đi đúng hướng trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, kết hợp giáo dục cho trẻ em. Hiện tại hệ thống 20 trung tâm trên 9 tỉnh thành của ông thu hút trung bình 300.000 lượt khách mỗi tháng. Mức doanh thu hiện tại đạt hơn 600 tỉ đồng mỗi năm. Công ty có kế hoạch mở thêm 15 điểm cho đến tháng 6.2016 và hiện đã hoàn tất khâu ký kết hợp đồng, bố trí. Nguồn vốn hơn 600 tỉ đồng cho dự án được huy động từ cổ đông chiến lược BIM Group, các ngân hàng đối tác (Vietinbank, Vietcombank, Sacombank) và quỹ đầu tư nước ngoài. Quy mô của các trung tâm mới dao động từ 2.000-3.000 m2. Trong tương lai, tiNiWorld cũng có kế hoạch thay thế dần các khu vui chơi quy mô nhỏ của mình, để diện tích tối thiểu của mỗi khu vui chơi, giải trí trong hệ thống đạt 1.000 m2. Từ kinh nghiệm của nhiều khu vui chơi trong nước, tiNiWorld không ngại bỏ vốn đầu tư cơ sở vật chất tốt từ đầu, để giảm hư hao về sau.
Theo chuyên gia của IAAPA (Hiệp hội quốc tế chuyên về đầu tư, xây dựng, quản lý khu du lịch - giải trí), mô hình giáo dục trải nghiệm ngành nghề không phải là mô hình phù hợp để phát triển lâu dài. Mô hình này bắt nguồn ở Mexico, thường có thể thu hút ở thời gian đầu nhưng sau đó sẽ đi xuống. Trải nghiệm nghề nghiệp là thú vị khi trẻ lần đầu tiếp xúc, tuy nhiên lại không thể lôi kéo trẻ quay lại quá 5 lần. Thường sau một tuần dài học tập, trẻ có xu hướng thích các trò chơi giải trí, vận động thoải mái hơn là tiếp tục học tập ở trải nghiệm ngành nghề. Tuy nhiên, mô hình này phù hợp để phát triển trong các trường học và môi trường giáo dục thuần túy.
Theo ông Thomas, dịch vụ giải trí cho trẻ em rất đa dạng, phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Việc tham gia vào cộng đồng IAAPA đã giúp tiNiWorld có cơ hội tiếp thu nhiều kiến thức, kinh nghiệm, mô hình, ý tưởng và trò chơi mới.
tiNiWorld cũng sẽ tập trung khai thác đối tượng khách lẻ thường xuyên mua sắm tại các khu trung tâm thương mại và không xây dựng trung tâm ngoài trời, vì hiện có nhiều đơn vị tham gia. Để khai phá thị trường mục tiêu mới, Công ty xây dựng mối quan hệ hợp tác đồng hành cùng các hệ thống siêu thị lớn trong cả nước như Aeon, Lotte... Mới đây, tiNiWorld đã ký kết hợp đồng trở thành đối tác chiến lược của Vincom và tiếp nối các hoạt động cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm cho trẻ em trong chuỗi trung tâm thương mại của toàn hệ thống Vincom. Với độ bao phủ đã mở rộng và có số lượng nhiều nhất, ông Thomas Ngo tự tin, khách hàng sẽ dễ dàng tìm thấy và tìm đến hệ thống trung tâm giải trí trẻ em tiNiWorld.
Thị trường vui chơi kết hợp giáo dục cho trẻ em vẫn rất hấp dẫn với mức sinh lợi tối thiểu 30% mỗi năm nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn lực tài chính vững mạnh, đội ngũ nhân lực liên tục sáng tạo, đổi mới và hệ thống đối tác chiến lược cùng đồng hành, ông Thomas kết luận.
Gia Linh