Những vấp ngã của ông chủ Trung Nguyên
Những lùm xùm cá nhân gần đây một lần nữa khiến người ta nhắc nhiều tới cái tên Đặng Lê Nguyên Vũ - người từng được báo chí phương Tây nhắc tới với danh xưng "Vua cà phê Việt".
Khởi nghiệp gần như từ con số 0 vào năm 1996 với vốn liếng là một chiếc xe đạp cọc cạch, Đặng Lê Nguyên Vũ được tạp chí Forbes khắc họa như một nhân vật "zero to hero" (từ vô danh đến anh hùng) khi cùng các đồng sự góp công lớn trong việc đánh thức cả một ngành cà phê Việt, đưa thương hiệu Trung Nguyên phủ sóng tới khoảng 60 nước trên thế giới.
Câu chuyện của ông Vũ có lẽ sẽ tiếp tục viên mãn như vậy nếu không có những vấp ngã khi đầu tư ngoài ngành - câu chuyện không hiếm gặp ở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam trong khoảng một thập niên gần đây.
Một trong những thất bại nặng nề nhất với "Vua cà phê Việt" là khi dấn thân vào lĩnh vực bán lẻ. Sau thành công với cà phê, năm 2006, Trung Nguyên rầm rộ đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này khi khai trương hệ thống 500 cửa hàng G7 Mart với số vốn 475 tỷ đồng - một mức đầu tư rất lớn cho thương hiệu bán lẻ thời điểm đó. Ông Vũ kỳ vọng sẽ nâng mức độ "phủ sóng" gần 20 lần, tức là khoảng 9.500 cửa hàng trên toàn quốc sau đó không lâu.
Giống như triết lý kinh doanh của vị thuyền trưởng, G7 Mart đặt cho mình sứ mệnh lớn là hỗ trợ phát triển thương hiệu Việt và trở thành hệ thống phân phối nội địa, làm đối trọng với các tập đoàn nước ngoài. Hàng hoá phân phối tại đây đa phần là nhóm thực phẩm, hóa mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát... Tuy nhiên, trước những thay đổi chóng mặt của thị trường những năm sau đó cùng sự xâm chiếm của các đại gia ngoại, những biển hiệu G7 Mart dần bị gỡ xuống ở hầu hết điểm bán trên toàn quốc và gần như mất tích khỏi thị trường.
Nỗ lực của Trung Nguyên trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục được ghi nhận vào năm 2010 khi ông Vũ bắt tay với Ministop (công ty con của Aeon Nhật Bản) mở chuỗi G7 - Ministop với mục tiêu 500 cửa hàng trong vòng 5 năm. Ministop là sự kết hợp giữa bán thức ăn nhanh và tạp hoá. Một năm sau, hai bên tiếp tục góp vốn thành lập Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 toàn cầu (G7 Global) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Trung Nguyên thêm một lần thất bại với mô hình này khi phải sớm chấm dứt hợp đồng với đối tác bằng lý do "muốn tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi là cà phê".
Ngoài bán lẻ, Trung Nguyên cũng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực du lịch, bất động sản du lịch khi thành lập Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với vốn điều lệ 98 tỷ đồng (tập đoàn nắm 70%, ông Vũ và vợ mỗi người 15%). Đây là công ty chuyên hoạt động du lịch với các thương hiệu như: làng cà phê Trung Nguyên, resort coffee tour Trung Nguyên, khu du lịch Gia Long…
Theo đó, Trung Nguyên đã liên tiếp mở các dự án lớn như Dự án Khu du lịch sinh thái - văn hóa cà phê Suối Xanh tại Buôn Ma Thuột từ năm 2009 có quy mô 45,45ha và vốn đầu tư khoảng 2.128 tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2014, tỉnh đã xem xét việc thu hồi dự án do phía chủ đầu tư chậm trễ thực hiện.
Tương tự là hàng loạt dự án du lịnh - sinh thái - văn hoá trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có diện tích từ 6ha đến gần 600ha với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng có nơi phải "đắp chiếu" đến hơn 10 năm. Sốt ruột với hàng trăm ha đất đã giao, đầu tháng 3/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk ra tối hậu thư yêu cầu phía Trung Nguyên phải hoàn thành tất cả các hạng mục xây dựng và khai thác theo từng mốc thời gian cụ thể cho các dự án nếu không muốn bị thu hồi.
Trong bối cảnh khó khăn, hy vọng của Trung Nguyên một lần nữa vẫn nằm ở lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Nhờ cà phê, hãng đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2016, tăng gấp 5 lần so với 4 năm trước đó.
Sau 2 thập niên từ một địa điểm ban đầu, đến giữa năm 2015, Trung Nguyên có khoảng hơn 80 cửa hàng vị trí đẹp ở các thành phố lớn. Không những thế, tập đoàn còn nhanh chóng gia tăng sự hiện diện thương hiệu thông qua hình thức nhượng quyền kinh doanh. Trước đó từ năm 2011, Trung Nguyên đã có thêm bước ngoặt mới khi mở rộng hoạt động này ra thị trường quốc tế với quốc gia đầu tiên là Nhật Bản.
Theo báo cáo của Nikkei, đến đầu năm ngoái, Trung Nguyên có tới 2.500 điểm bán - số lượng lớn nhất trong các chuỗi nhà hàng - cà phê Đông Nam Á. Chiến lược cho phép các điểm bán này treo biển miễn phí cũng được xem là thành công, giúp Trung Nguyên trở thành một thương hiệu cà phê được nhận diện tốt nhất tại Việt Nam.
Tuy vậy, vu ly hôn dẫn tới việc tranh chấp tài sản hàng nghìn tỷ đồng gần đây giữa ông Vũ và vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại một lần nữa phủ bóng lên hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên. Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương cũng vừa quyết định hủy bỏ quyền đại diện theo pháp luật của ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên - đơn vị đang sở hữu thương hiệu cà phê hoà tan G7 và trao lại cho bà Thảo. Sự kiện này một lần nữa khiến dư luận chú ý, đồng thời đặt ra nhiều hoài nghi với con đường phát triển tiếp theo của thương hiệu đã được "Vua cà phê Việt" dày công gây dựng.
Sinh năm 1971 tại Khánh Hòa nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ lại trưởng thành tại Tây Nguyên. Xuất thân trong một gia đình nghèo nên tuy đỗ Đại học Y khoa Tây Nguyên nhưng ông Vũ lại luôn trăn trở với giấc mộng làm giàu để "đổi đời". Ở tuổi 25, ông cùng 3 người bạn thành lập hãng Cà phê Trung Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột. Không lâu sau đó, Trung Nguyên “viễn chinh” tới thị trường Long Xuyên, TP HCM nhưng sớm nếm thất bại dẫn đến cạn kiệt vốn liếng. Để tiếp tục có tiền kinh doanh, ông từng phải mượn chiếc xe của người bạn để bán đi lấy vốn. Ông Vũ cũng đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi bí quyết rang xay cà phê ngon. Tháng 8/1998, Trung Nguyên khai trương quán cà phê đầu tiên tại TP HCM. Khi đó, ông Vũ đã tỏ ra là người biết cách làm quảng cáo khi phục vụ cà phê miễn phí trong 10 ngày và nhanh chóng thu hút khách. Một trong những bước ngoặt lớn của Trung Nguyên là khi tham gia vào thị trường cà phê hòa tan từ cuối năm 2003 với thương hiệu G7 và nhanh chóng trở thành một trong 3 thương hiệu hãng đầu thị trường cà phê hòa tan Việt (cùng với VinaCafe và Nestle). |
Nguồn Vnexpress