Thứ Tư | 24/02/2016 08:00

Những triệu phú nông dân đã làm giàu như thế nào?

Chuối từ khu vườn giá 2 triệu USD của anh Võ Quan Huy hiện chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Trung Đông thông qua các đơn hàng dài hạn.

Người nông dân ngày nay luôn tiên phong tìm kiếm cơ hội làm giàu mới. Từ con giống cho đến cây trồng, tất cả đều được họ đưa vào tầm ngắm để biến thành sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao.

Nuôi khỉ xuất khẩu

Có lẽ nói về mô hình trang trại chăn nuôi, ít ai nghĩ rằng khỉ cũng được nuôi để xuất khẩu. Thế mà ông Huỳnh Hữu Dũng đã đầu tư trang trại khỉ rộng 5 ha ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước với hơn 1.700 cá thể khỉ. Bên cạnh việc đầu tư vào trại khỉ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ này, ông Dũng còn mở thêm trang trại khỉ ở Tây Ninh và Lào.

Được biết, một chú khỉ Rhesus nặng 2 kg khi xuất chuồng sẽ được bán với giá 400-500 USD, nhằm phục vụ cho mục đích y học. Tuy nhiên, nuôi khỉ xuất khẩu đạt chất lượng về hình dáng, sức khỏe... không đơn giản. Do đây là loài động vật được pháp luật bảo vệ, nên việc nuôi khỉ xuất khẩu đòi hỏi nhiều thủ tục và phải đảm bảo đúng pháp luật.

Theo ông Dũng, khỉ nuôi sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, thử nghiệm vắc-xin chống nhiễm khuẩn hoặc thử thuốc trị ung thư cho con người.

Gà rừng, heo Tây thu triệu đô

15-20 tỉ đồng là mức doanh thu trung bình mỗi năm anh Hoàng Thắng (xã Dân Hạ, Kỳ Sơn, Hòa Bình) mang về cho gia đình từ trang trại gà rừng của mình. Lập nghiệp cách đây 6 năm chỉ với khoảng 100 con gà, hiện số lượng đã tăng lên 5.000 con. Đây là giống gà rừng thuần chủng, thời gian đầu được anh tìm giống từ các hộ dân trong làng và các bản ở vùng núi phía Bắc, có chất lượng thịt ngon và thơm.

Hiện trang trại của anh Thắng có 2 giống gà rừng tai đỏ và tai trắng thuần chủng F1, F2 và F3. Mỗi năm, anh bán ra thị trường khoảng 30.000 con gà giống và thương phẩm, với giá bán gà rừng thương phẩm là 700.000 đồng/con, giá gà giống tùy vào độ tuổi. Anh Thắng cũng liên kết với các hộ dân thực hiện mô hình này, giúp họ thoát nghèo.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Thiểm, một cựu chiến binh ở Nam Định, đã thu về mỗi năm hơn 40 tỉ đồng từ trang trại chỉ 3 ha của mình. Trang trại này vốn là một lò gạch bỏ hoang tại địa phương, được ông thuê lại và gắn bó suốt từ năm 1999.

Cũng như nhiều người làm nông khác, cơ hội đến với ông Thiểm cũng nhiều nhưng khó khăn là không ít. Khởi đầu từ gà vịt, heo cỏ, heo mán, do chưa có kinh nghiệm nuôi nên ông từng thua lỗ hàng tỉ đồng.

May mắn thay, trong quá trình tìm kiếm thông tin về heo, ông Thiểm biết được giống heo Tây khỏe, ngoại hình to, ít bệnh tật nên quyết định đầu tư hẳn 20 con heo mẹ giống Đức, Nga, Đan Mạch lai với heo bố giống Canada, Mỹ để tạo ra giống heo Tây. Mỗi năm, trang trại của ông có 200 con heo sinh sản, cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 con giống, giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/con một tháng tuổi. Bên cạnh đó là khoảng 60 tấn heo hơi, 25 tấn thịt và cá giống cùng hàng ngàn tấn vải, nhãn...

Chuối, bưởi sạch đua nhau xuất ngoại

Mấy ai nghĩ nải chuối quen thuộc với nhiều người lại là một giống cây được đầu tư vài chục tỉ đồng để trồng? Tuy nhiên, có một vườn chuối triệu đô tại tỉnh Long An, do anh Võ Quan Huy tự tay đầu tư và phát triển.

Khu vườn trồng chuối này có giá trị đất nông nghiệp khoảng 35 tỉ đồng, được anh Huy đầu tư thêm nhà đóng gói, phương tiện cơ giới để sản xuất theo quy trình chuối sạch, tổng giá trị ước tính 50 tỉ đồng, tương đương khoảng 2 triệu USD. Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm khoảng 70 ha chuối ở Tây Ninh.

Chuối của anh Huy hiện được xuất khẩu sang chủ yếu sang các nước Trung Đông. Anh đã ký được nhiều đơn hàng dài hạn để đưa chuối Việt Nam vào những thị trường này. Hiện giá chuối bán tại vườn được các công ty thu mua với giá từ 7.000-8.000 đồng/kg. Sản phẩm chuối sạch này cũng được cung ứng cho một số siêu thị trong nước.

Cách Long An không xa, tỉnh Tiền Giang cũng nổi tiếng với nhiều trái cây ngon. Trong đó, bưởi da xanh chính là một trong những niềm tự hào của người nông dân nơi đây.

Vốn là một lương y nên ông Đoàn Văn Khanh hiểu rất rõ về công dụng của hoa, lá, trái và vỏ bưởi. Chính vì vậy, ông đã tận dụng những thứ tưởng như bỏ đi của trái bưởi để sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới lạ như tinh dầu hoa bưởi, trà hoa bưởi, dầu gội tinh dầu bưởi hay nước ép bưởi giảm mỡ. Sản phẩm của ông Khanh đã được cấp chứng nhận để đưa ra thị trường cũng như chào bán tại thị trường nước ngoài.

Mặc dù chỉ mới chính thức xuất khẩu ra nước ngoài khoảng vài tháng nay, nhưng ông Khanh đã có được 2 lô hàng sang thị trường Canada trị giá hơn 400.000 USD. Sản phẩm chủ lực để vào thị trường này của ông là nước bưởi ép giảm mỡ và thuốc mọc tóc, đen tóc từ bưởi.

Hoàng Quân