"Những chiếc mũ" của Phạm Đức Trung Kiên
Trong căn phòng hội nghị, tất cả mọi người đều chăm chú hướng về sân khấu, theo dõi phần chia sẻ của một tiến sĩ trẻ đang gây tiếng vang tại thung lũng Silicon (Mỹ) nhờ mô hình khởi nghiệp mới mẻ. Không ít người trong số này là nhà khoa học, toán học, nghiên cứu sinh trên dưới tuổi 30, tất cả đều tốt nghiệp từ những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ. Dù thành danh với ngành nghề khác nhau song họ đều xuất phát từ bệ phóng Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), chương trình được Quốc hội Mỹ thông qua để cấp học bổng sau đại học cho các sinh viên ưu tú của Việt Nam theo học tại Mỹ.
Ở góc phòng là một người đàn ông trung niên, đứng yên lặng nhưng luôn giữ nụ cười rất tươi, ai thấy ông cũng tay bắt mặt mừng. Ông chính là Phạm Đức Trung Kiên, Giám đốc đầu tiên của VEF, từ những ngày đầu thành lập. Những thành tựu của ông sẽ khiến nhiều người bất ngờ nếu biết ông là một người khiếm thị. Nhưng như ông thường nói, cuộc đời của ông thường được biết đến là người xây nên cây cầu kết nối giáo dục Việt - Mỹ đầy những bước ngoặt đáng nhớ.
Quỹ VEF là một trong những thành tựu đánh dấu sự trở lại trong bình thường hóa quan hệ 2 nước Việt - Mỹ. Đặc biệt, VEF đã bước qua nhiều rào cản để đưa các bạn trẻ và tài giỏi của Việt Nam vào học tiến sĩ, thạc sĩ tại các trường hàng đầu của Mỹ như MIT, Harvard, Stanford, Berkeley, Yale, Princeton, Cornell, UIUC...
Ông Kiên sinh năm 1958 tại Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông cùng gia đình sang Mỹ định cư tại bang Colorado. Con đường lập nghiệp ở nước Mỹ không hề dễ dàng khi ban ngày ông làm công nhân, buổi tối đi học tiếng Anh. Ít lâu sau, ông theo học Đại học Colorado và khẳng định được bản thân khi là sinh viên châu Á đầu tiên giữ vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên của trường. Sau đó, ông tiếp tục trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên được nhận vào Trường Cao học Quản trị kinh doanh Stanford Business School và hoàn thành hai bằng Cao học tại đây. Trong dịp Đại học Stanford kỷ niệm 100 năm thành lập trường, ông đã được bình chọn là 1 trong 100 cựu sinh viên xuất sắc nhất trong lịch sử của trường đại học danh tiếng này.
Năm 1985, ông được tuyển lựa vào choưng trình White House Fellowship, chương trình đào tạo nhân tài đặc biệt của Mỹ và trở thành trợ lý đặc biệt tại phòng Đại diện thương mại Mỹ ở Nhà Trắng, chuyên mậu dịch, đàm phán trong lĩnh vực kinh tế với các nước châu Á. Vài năm sau, ông được chọn làm phụ tá đặc biệt phụ trách an ninh thể giới trực thuộc Văn phòng Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông cũng từng là đại diện cao cấp trong Tập đoàn P&G tại châu Á và được mời làm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tenneco có doanh thu hằng năm trên 30 tỉ USD...
“Còn hiện tại, tôi đang đội 2 chiếc mũ, một là nhà đầu tư và một là nhà hoạt động xã hội. Một tay kiếm tiền, một tay tiêu tiền, chỉ mong sao đừng lỗ”, ông Kiên hóm hỉnh cho biết. Công ty Red Square Việt Nam của ông là đơn vị tư vấn cho TPG, một quỹ đầu tư quản lý 75 tỉ USD trên toàn cầu. Tại Việt Nam, TPG tuy chỉ rót vốn vào 3 công ty nhưng đều là những thương vụ thành công khi chọn mặt gửi vàng ở Masan, FPT và Proconco. “Khi quỹ ngoại đầu tư, ngoài việc kinh doanh, họ còn quan tâm đến thực trạng vĩ mô, như hạ tầng, dân số, xu hướng phát triển. Giữa những thị trường bất ổn chính trị, Việt Nam bỗng trở thành một nơi đầu tư an toàn và hấp dẫn”, ông Kiên đánh giá.
Là nhà đầu tư nhiều dự án bất động sản, nông nghiệp và gần đây nhất là “những gì liên quan đến thiết bị di động”, ông Kiên nhận định Việt Nam với dân số trẻ, tỉ lệ sử dụng internet và thiết bị di động cao đang mở ra nhiều cơ hội mới. Ở tuổi 58, ông Kiên bước vào cuộc chơi Fintech khi đầu tư Công ty Trust Circle và khởi nghiệp với Tiết kiệm nhóm, mô hình tương tự cách “chơi hụi”, giúp người dùng huy động vốn từ người thân với sự hỗ trợ của công nghệ. Công ty được ông Kiên điều hành cùng 2 cựu du học sinh VEF.
“Thị trường phi ngân hàng với số tiền giao dịch hàng ngàn tỉ USD trên toàn cầu là nơi những người thu nhập thấp không thể tiếp cận vì không có thế chấp, tín chấp hay đáp ứng được hồ sơ cho vay. Tiết kiệm nhóm hướng đến các SME và người có thu nhập trung bình, thấp để họ không bị gạt khỏi những tiếp cận tài chính cơ bản”, ông Kiên lý giải ý tưởng thành lập ứng dụng đầu tiên cung cấp hình thức tài chính tương trợ Tiết kiệm nhóm. “Thời gian dành cho công ty non trẻ này nhiều hơn tôi nghĩ. Tuần sau, tôi sẽ đi Indonesia và Mexico để chuẩn bị cho sự phát triển toàn cầu của mô hình vì tiềm năng của nền tảng này hoàn toàn cho phép”, ông Kiên chia sẻ.
Một trong những khó khăn khi xây dựng Trust Circle tại Việt Nam, theo ông Kiên là con người. Những nhân sự kỹ thuật giỏi giờ đây chỉ cần ngồi trong nước vẫn có thể làm việc và được trả lương hậu hĩnh từ những công ty nước ngoài. Nói là vậy, nhưng “trận chiến nhân tài” này được ông Kiên kể bằng giọng nhẹ tênh. Vì với ông, trình độ của người Việt trẻ được thế giới công nhận là điều đáng tự hào. Tâm thế này cũng dễ hiểu vì trong suốt chặng đường sự nghiệp, không điều gì nhà đầu tư này tận tâm hơn giáo dục. Ông Kiên là nhà đầu tư sáng lập và đang giữ chức phó Chủ tịch của TOPICA, mô hình giáo dục trực tuyến có hơn 35.000 học viên trên cả nước.
Vì sao cuộc đời ông có nhiều ngã rẽ tưởng như... không liên quan đến nhau? Trả lời câu hỏi này, ông Kiên cho biết, có những quyết định ông can đảm dấn thân vì biết chúng sẽ giúp đến gần mục tiêu. Ở xứ người, được sự giúp đỡ từ những người lạ và được đào tạo trong nền giáo dục tiên tiến, tiếp tục đầu tư cho giáo dục để thay đổi số phận những người khác là cách ông Kiên trả ơn cuộc đời. Một kỷ niệm từng được ông nhắc đến trong những ngày đầu thành lập VEF là ông cùng ngài Ray Gamble, Đại diện Viện Hàn lâm Mỹ, cầm 2 chiếc cặp táp đựng 83 hồ sơ của học sinh Việt Nam lội tuyết đi khắp các trường đại học Mỹ để thuyết phục các trường tạo cơ hội cho sinh viên Việt.
Đến nay, Quỹ VEF đã hỗ trợ cho 528 nghiên cứu sinh theo học chương trình sau đại học tại 98 ngôi trường hàng đầu ở Mỹ và tài trợ cho 34 giáo sư Mỹ giảng dạy trong các trường đại học của Việt Nam. Sau khi kết thúc vai trò ở VEF, năm 2008, ông Kiên tiếp tục thuyết phục Viện Hàn lâm Mỹ cùng ông thành lập Quỹ Việt Nam Foundation, đặt trụ sở ở Viện Hàn Lâm Hoa Kỳ và mở văn phòng ở Hà Nội để làm những điều VEF chưa làm được. Sử dụng tiền cá nhân và huy động từ những nhà hảo tâm khác, Quỹ đã cấp học bổng cho hơn 400 học sinh, sinh viên khiếm thị, xây trường học, thư viện sách nói cho người mù, lập kho học liệu mở lớn nhất cả nước cho bậc đại học...
Nhắc đến những thành tựu của ông Kiên, dường như khó tưởng tượng ông bị thoái hóa võng mạc từ năm 19 tuổi và phải làm quen với gậy khiếm thị vì đôi mắt có thể mù bất cứ lúc nào. Dù nói chuyện trực tiếp, nhưng ông chỉ thấy người trước mặt là một bóng đen. Chị Hà, người điều hành Quỹ Việt Nam, từng đồng hành 10 năm với ông Kiên, kể có lần hỏi: “Nếu không bị bệnh về mắt, ông sẽ thành công hơn chứ?”. Ông Kiên cười đáp: “Vì không biết sẽ mù lúc nào, nên tôi phải không ngừng cố gắng. Còn nếu mắt sáng thì có khi... không được như vậy”.
Sát cánh cùng những hoạt động của ông là bà Thủy, người vợ Việt Nam ông gặp trong chuyến công tác tại Nha Trang. Dù làm gì, ông vẫn giữ lời hứa về nhà lúc 6 giờ tối với gia đình. Ôm và kể chuyện cho con trai trước khi đi ngủ là giây phút ông yêu thích nhất trong ngày.
Nói về khả năng đóng góp cho đất nước, ông nhớ lại khi còn làm việc ở Lầu Năm Góc, Việt Nam chỉ là một chấm nhỏ trên bản đồ ra-đa của Mỹ, thì nay thời thế đã thay đổi. Được cống hiến cho quê hương là may mắn không phải bất kỳ Việt kiều nào cũng có được. Ông luôn thể hiện sự trân trọng quê hương đã đào tạo và nuôi dưỡng nhân cách cho ông trong thời tuổi trẻ. Đó là lý do ông dễ dàng bỏ qua những thành tựu ở Mỹ, dành phần lớn thời gian cùng vợ con sinh sống ở Việt Nam để con cái được học tiếng Việt và sống trong văn hóa cội nguồn.
Những “chiếc mũ” của ông, một nhà đầu tư lão luyện, một người khiếm thị nhiều nỗ lực hay một nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi, được ngả xuống nhẹ nhàng, chỉ còn chiếc mũ của “Người xây cầu kết nối giáo dục Việt - Mỹ”, tỏa bóng mát cho những tài năng của Việt Nam.
Lan Anh