Những bài học phỏng vấn từ Steve Jobs, Elon Musk và Anna Wintour
Sydney Finkelstein, tác giả của cuốn “Superbosses: How Exceptional Leaders Master the Flow of Talent” (Siêu lãnh đạo) chỉ ra rằng: “Các vị CEO xuất sắc tìm kiếm ba điều khi tuyển dụng. Đầu tiên, đó là sự thông minh; không chỉ đơn giản dựa trên IQ mà còn phải có khả năng xã hội cao, biết xây dựng các mối quan hệ và điều tiết cảm xúc. Điều thứ hai chính là sự sáng tạo; liệu ứng viên có thể tư duy về mọi thứ theo nhiều chiều hướng khác nhau không. Và cuối cùng, họ cần một người với khả năng linh hoạt cao, biết cách tạo nên các cơ hội.”
Finkelstein cho biết các doanh nhân thành công luôn có phương pháp riêng để phát hiện ra những đặc điểm này. Larry Ellison, đồng sáng lập của tập đoàn Oracle, luôn hỏi các ứng viên “Bạn có phải là người thông minh nhất mà bạn biết?”. Nếu câu trả lời là “Không”, ông sẽ hỏi vậy người đó là ai, rồi ngay lập tức loại bỏ ứng viên này và chủ động liên hệ với người vừa được đề cập.
Elon Musk: Ứng viên có từng là đầu tàu thực sự?
Tỷ phú Elon Musk là người tham gia sáng lập các tập đoàn PayPal, Tesla Motors và SpaceX. Musk từng trả lời phỏng vấn trên Auto Bild TV rằng ông quan tâm nhiều hơn đến việc các ứng viên học được cách xử lý các vấn đề như thế nào. “Có phải họ đã đối mặt với những vấn đề thực sự khó khăn và vượt qua chúng? Bạn cũng nên chắc chắn rằng nếu ứng viên có được một số thành tựu đáng kể, thì họ là người chịu trách nhiệm thực sự hay đó là một ai khác? Bạn có thể truy hỏi ứng viên về việc này: nếu họ đã là đầu tàu thực sự thì họ sẽ tường tận mọi ngóc ngách và trả lời bạn dễ dàng, còn ngược lại thì không”.
Kỹ sư phần mềm Jeff Nelson, người từng có cuộc phỏng vấn với Musk cho một vị trí trong X Commerce (tiền thân của PayPal) vào năm 1999, cho biết đó là một cuộc đối thoại rất đặc biệt. Musk chỉ hỏi ông đúng hai câu: “Anh muốn mình được làm gì trong 5 năm tới?” và “Anh có câu hỏi nào cho tôi không?”.
Nelson nghĩ rằng câu đầu tiên là một câu hỏi phỏng vấn rất phổ biến, và ông đã nói rằng mình mong muốn đạt tới vị trí quản lý. Còn về câu thứ hai, Nelson đã hỏi về những rủi ro tiềm tàng trong mô hình kinh doanh của X Commerce, bởi vì doanh nghiệp này khi đó dựa vào chính những đối thủ của mình để giải quyết vấn đề thanh toán. Vượt qua cuộc phỏng vấn này, Nelson đã được Musk mời về làm việc nhưng cuối cùng ông vẫn từ chối vì mức lương chưa được như mong muốn.
Steve Jobs: Đi tìm người dám nói ngược
Năm 1997, Steve Jobs phỏng vấn James Green cho một vị trí tại công ty hoạt hình Pixar Animation Studios. Thời điểm đó, Green đang làm việc cho Walt Disney châu Á còn Jobs thì cần tìm một người đảm nhận vai trò liên lạc giữa Disney và các nhà sản xuất của Pixar.
Cuộc phỏng vấn được tổ chức tại nhà riêng của Jobs và theo cảm nhận của Green thì nó giống như một cuộc trò chuyện hơn. Jobs cho hay ông đang tìm kiếm một nhân vật điều phối các mối liên hệ giữa Disney và Pixar. Green kể: “Jobs hỏi tôi có hứng thú làm công việc đó không và thật là không thể tin được là tôi đã nói “Không”. Steve Jobs luôn là thần tượng của tôi nhưng tôi vẫn phải chỉ ra với ông rằng đó không phải là một công việc tôi muốn giới thiệu cho bất cứ ai.”
Sau đó Jobs muốn mời Green về làm quản lý marketing cho mảng phim ngắn của Pixar. Dù Green đã nói: “Tôi cũng muốn làm điều đó” nhưng trong tuần làm việc đầu tiên, ông nhận ra rằng trách nhiệm của mình lại là những gì ông đã từ chối ban đầu .
Green đã nghỉ việc vài tháng sau đó, ông thổ lộ: “Bạn không thể nói “Không” với Steve Jobs. Tôi đã nói thế và hóa ra tôi vẫn phải nhận cái công việc mà tôi không muốn”. Green hiện đang là CEO của công ty công nghệ Magnetic.
Theo Finkelstein, những CEO vĩ đại luôn bị hấp dẫn bởi những ứng viên dám nói ngược lại ý họ: “Hãy có lập trường và đừng ngại từ chối những gì bạn không thích, vì các ông chủ lớn luôn tôn trọng và đánh giá cao những người có thể làm điều đó. Điều họ đang làm là tìm kiếm những người có thể thay đổi thế giới”.
Anna Wintour: Ứng viên có xử lý được tình thế bất ngờ không?
Nhà báo Amy Odell từng được phỏng vấn bởi Anna Wintour – nữ hoàng thời trang quyền lực của tạp chí Vogue. Theo chia sẻ của Odell trong cuốn “Tales From the Back Row: An Outsider’s View from Inside the Fashion Industry” (Chuyện ở hàng ghế sau), cô đã băn khoăn trước cuộc phỏng vấn ấy là: “Nếu tôi phải ngồi trước Anna Wintour, tôi phải dùng từ ngữ thế nào? Và tôi sẽ phải mặc gì cho buổi phỏng vấn?”.
Ngày hôm đó, Wintour hỏi Odell những câu rất đơn giản rằng cô đã làm được những gì và mục tiêu của cô là gì. Sau đó, bà hỏi thêm Odell thường làm gì vào cuối tuần. Odell cho biết một người bạn đã cho cô biết trước những câu hỏi này, và cô đã chuẩn bị kĩ câu trả lời. Thế nhưng, Wintour lại hỏi tiếp Odell có thích đi đến viện bảo tàng không và cuộc triển lãm cuối cùng cô đã xem là gì. Đây hẳn nhiên là thứ Odell đã không chuẩn bị trước đó.
Kể lại về cuộc phỏng vấn, Odell cho biết: “Nó chỉ diễn ra trong vòng chưa đến 10 phút. Khi tôi đứng lên, Anna vòng qua bàn đến bắt tay tôi. Lúc đó, bà nhìn tôi một lượt từ trên xuống dưới lên một cách rất tỉ mỉ, chí ít để đảm bảo rằng dù tôi có bị loại thì tôi cũng đi phỏng vấn với một bộ trang phục có thể chấp nhận được.”
Và kết quả là Odell không được nhận vào làm. Từ tình huống này, Finkelstein khuyên: “Hãy chuẩn bị tất tần tật về mọi thứ liên quan đến công ty và người sẽ phỏng vấn bạn; hãy chắc chắn rằng bạn có thể tư duy và tháo gỡ tình huống một cách nhanh chóng".
Ý Nhi
Nguồn FastCompany