Nhiều cơ hội kinh doanh từ tín chỉ carbon
Nghị định thư Kyoto với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính đã hết hiệu lực vào năm 2012. Những cam kết của các quốc gia về giảm phát thải khí đã không còn. Vì thế, việc kinh doanh Chứng chỉ giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CERs) cũng trầm lắng theo. Tuy nhiên, điều khá thú vị là tại Việt Nam, nhiều dự án phát triển sạch vẫn âm thầm phát triển, đón đầu thị trường CERs sôi động trở lại.
ForestFinance (Ðức), một tập đoàn chuyên đầu tư lâm nghiệp và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, cho biết đã thực hiện 3 dự án trồng rừng hấp thụ carbon kéo dài 50 năm tại Việt Nam, với mức đầu tư khoảng 5.000 USD/ha. Sản phẩm thu được của ForestFinance chính là CERs được cấp bởi Ban Chấp hành Quốc tế về Cơ chế phát triển sạch. Những tín chỉ CERs này sẽ được ForestFinance bán lại cho các doanh nghiệp có mức phát thải khí nhà kính cao và bị buộc phải cắt giảm.
Dự án của ForestFinance được gọi là dự án cơ chế phát triển sạch. Theo đó, các nước phát triển sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện những dự án thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Những dự án này có sản phẩm đầu ra là các tín chỉ CERs. Mỗi CERs được tính tương đương với 1 tấn CO2 phát thải.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho việc phát triển rừng hấp thụ carbon, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, rừng tại Việt Nam có thể hấp thụ CO2 tốt hơn nhiều so với rừng ở nhiều quốc gia khác. Đây cũng chính là lý do mà nhiều nhà đầu tư tìm đến Việt Nam để phát triển các dự án sạch.
Khi đầu tư các dự án trồng rừng, nhà đầu tư có thể quy đổi từ diện tích rừng hấp thụ lượng khí CO2 ra đơn vị giảm thải CERs. Ví dụ như 1 ha rừng hấp thụ khoảng 1 tấn khí CO2 sẽ bằng một đơn vị giảm thải CERs. Hiện trên thị trường quốc tế, giá giao dịch cho một đơn vị giảm thải CERs vào khoảng trên dưới 30 USD. Nếu đầu tư hàng ngàn ha rừng thì nguồn lợi nhuận thu được từ việc giao dịch CERs là không nhỏ.
Việc giao dịch CERs trên trường quốc tế hiện vẫn phát triển, diễn ra chủ yếu dưới 2 hình thức. Thứ nhất, các nước phát triển mua quyền thải khí qua việc đầu tư vào các dự án cơ chế phát triển sạch ở những nước đang phát triển. Thứ hai là hình thức mua bán hạn mức thải khí giữa các nước phát triển. Nước gây ô nhiễm nhiều sẽ mua mức thải khí chưa dùng của các nước khác để được quyền thải khí vượt hạn mức.
Việt Nam không thuộc diện phải cắt giảm khí thải. Do vậy, những dự án trồng rừng có triển vọng về khả năng thu lợi nhuận, dễ thực hiện và không đòi hỏi nhiều về công nghệ sẽ vẫn tiếp tục được các nhà đầu tư ưu tiên thực hiện.
Đình Bắc