Sơn Phạm

 
Thứ Năm | 12/10/2017 09:01

Nhân viên giỏi nhờ chỉ số EQ

Không giống như tính cách, vốn đã khắc sâu trong xương tủy, một người có thể thay đổi và cải thiện chỉ số EQ của mình.

Một cuộc nghiên cứu quốc tế gần đây đã khảo sát hơn 500 nhà lãnh đạo doanh nghiệp và hỏi họ điều gì khiến họ phân biệt giữa các nhân viên trong công ty. Các nhà nghiên cứu muốn biết tại sao một số người lại thành công hơn những người khác ở nơi công sở và câu trả lời khiến họ rất ngạc nhiên: các nhà lãnh đạo chọn tính cách là lý do hàng đầu. Có tới 78% nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng tính cách làm cho mỗi nhân viên trở nên khác biệt, hơn là sự hòa hợp văn hóa (53%) và thậm chí kỹ năng của một nhân viên (39%).

Theo Tiến sĩ Travis Bradberry, đồng tác giả của cuốn sách bán chạy Emotional Intelligence 2.0 và cũng là đồng sáng lập TalentSmart, vấn đề là khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nói về tính cách thì họ lại không hiểu họ đang nói đến điều gì. Bởi lẽ, tính cách bao gồm những sở thích và xu hướng ổn định của một người. Là người hướng nội hay hướng ngoại là ví dụ về một đặc điểm quan trọng trong tính cách con người.

Các đặc điểm tính cách hình thành trong giai đoạn đầu đời của một người và hoàn toàn tượng hình khi người đó bước vào thời kỳ trưởng thành. Nhiều thứ quan trọng thay đổi qua thời gian, qua từng giai đoạn trong cuộc đời của một người, nhưng tính cách thì không thay đổi. Tính cách hoàn toàn khác biệt với trí thông minh (IQ). Tính cách cũng khác với trí tuệ xúc cảm gọi là EQ, tức nói đến khả năng, năng lực của một người trong việc tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mình, của người khác... Đây chính là điểm mà cuộc nghiên cứu nói trên và hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã hiểu nhầm.

Những phẩm chất mà các nhà lãnh đạo trong cuộc nghiên cứu gọi là tính cách thực sự chính là các kỹ năng EQ. Và không giống như tính cách, vốn đã khắc sâu trong xương tủy, một người có thể thay đổi và cải thiện chỉ số EQ của mình. Những nhân viên ưu tú thực sự nổi bật không sở hữu những đặc điểm tính cách trời cho mà họ dựa vào các kỹ năng EQ đơn giản. Bất cứ ai cũng đều có thể rèn luyện và phát triển những kỹ năng EQ này. 

Các nhà lãnh đạo cũng không nhất thiết phải phát triển những kỹ năng EQ mà nhiệm vụ chính của họ là giúp nhân viên cấp dưới khai thác những kỹ năng này để trở nên ưu việt và nổi trội. Vậy nhân viên ưu tú có những kỹ năng EQ đặc biệt nào?

Nhan vien gioi nho chi so EQ

Một điều mà các nhân viên ưu tú chưa bao giờ nói là “Cái đó không nằm trong mô tả công việc của tôi”, mà họ luôn làm việc vượt qua khỏi những nhiệm vụ được giao. Họ không dễ “bị dọa” cũng không cần chức danh. Thay vì mong đợi phải có được sự công nhận hay tiền thưởng, thì họ cứ lao đầu vào làm việc, tin rằng sẽ được tưởng thưởng xứng đáng sau đó nhưng cũng không quan tâm nếu không có.

Những nhân viên xuất sắc cũng không né tránh xung đột. Họ có thể giữ vững tâm thế trong khi thể hiện quan điểm của mình một cách hợp lý và trầm tĩnh. Họ có thể chịu đựng các cuộc “công kích” mang tính cá nhân vì mục tiêu lớn hơn.

Họ rất tập trung. Những phi công thực tập thường được dạy rằng “khi có vấn đề nảy sinh, đừng quên lái máy bay”. Các vụ rơi máy bay xảy ra có nguyên nhân là phi công tập trung quá nhiều vào việc xác định xem vấn đề là gì mà quên mất nhiệm vụ chính là điều khiển máy bay và vì thế khi máy bay rơi thì đã quá muộn. Eastern Airlines Flight 401 là một ví dụ. Phi hành đoàn đã quá bận tâm đến thiết bị hạ cánh đang bị bật xuống mà không phát hiện ra họ đã mất đà, không thể bay lên được nữa và mọi chuyện đã quá trễ không thể cứu vãn. Các nhân viên ưu tú hiểu được nguyên tắc “chỉ lo lái máy bay”. Họ không bị sao nhãng bởi các khách hàng càn dở, những tranh cãi trong nội bộ công ty… Họ có thể phân biệt giữa những vấn đề thực sự và những tranh chấp vụn vặt, vì thế có thể tập trung vào những điều trọng yếu.

Họ rất can đảm. Những nhân viên ưu tú sẵn sàng nói lên quan điểm của mình trong khi những người khác e ngại, chẳng hạn như đặt ra một câu hỏi hóc búa hay thách thức tính đúng đắn trong quyết định của cấp trên. Tuy nhiên, sự can đảm đó đi kèm với óc phán đoán, trí thông minh và chọn thời điểm đúng lúc. Họ luôn suy nghĩ trước khi nói và rất khôn ngoan chọn thời điểm nào và nơi nào là tốt nhất để làm việc đó.

Họ kiểm soát bản ngã rất tốt. Các nhân viên ưu tú đều có bản ngã. Mặc dù bản ngã là một phần lý do thúc đẩy họ, nhưng họ chưa bao giờ coi bản ngã là trung tâm. Họ sẵn sàng thừa nhận sai lầm và sẵn sàng làm theo cách của người khác chỉ vì cách làm đó tốt hơn hoặc vì muốn giữ hòa khí trong nhóm.

Họ chưa bao giờ thỏa mãn. Các nhân viên ưu tú luôn tin rằng mọi thứ luôn có thể trở nên tốt hơn. Không có những thứ gọi là “đã đủ tốt” khi nói đến phương diện cải thiện bản thân. Cho dù mọi thứ đang diễn tiến rất tốt thì các nhân viên ưu tú luôn có động lực để tiếp tục phát triển hơn nữa.

Họ nhận ra khi nào xảy ra vấn đề và giải quyết chúng. Vấn đề đó có thể là một quy trình không hiệu quả và lãng phí làm ảnh hưởng đến dòng tiền của một phòng ban. Các nhân viên ưu tú sẽ không bỏ qua những vấn đề như thế. Câu “Ồ, đó là chuyện muôn đời vẫn vậy” đơn giản là không nằm trong từ điển của họ. Họ thấy vấn đề nảy sinh thì xử lý ngay lập tức.

Họ cũng có tinh thần trách nhiệm rất cao, đối với công việc của mình, với quyết định của họ và các kết quả sau đó, dù là tốt hay xấu. Họ sẵn sàng thẳng thắn nhận lỗi trước ban giám đốc thay vì che dấu. Họ hiểu rằng ban giám đốc không phải là phân công công việc để tìm người gánh trách nhiệm mà là để hoàn thành công việc đó.

Họ cũng rất dễ gần. Trong nội bộ công ty, các nhân viên xuất sắc rất được đồng nghiệp ưa thích. Họ có tôn nghiêm của mình và có kỹ năng lãnh đạo (dù họ có thể không giữ một vị trí điều hành trong doanh nghiệp). Ở bên ngoài công ty, họ được tin tưởng có thể đại diện cho bộ mặt của doanh nghiệp. Ban giám đốc biết rằng có thể cử những nhân viên này đi gặp các khách hàng hiện có và cả những khách hàng tiềm năng mà không phải lo lắng họ nói sai hay làm sai việc gì.

Họ cũng làm việc được với những người “khó ở”. Đối phó với những con người khó chịu là việc rất mệt mỏi. Những nhân viên xuất sắc tương tác tốt với những người này bằng cách luôn kiềm chế cảm xúc của mình. Khi buộc phải làm việc với một người khó chịu, họ tiếp cận một cách rất lý trí. Họ không để cho cơn giận dữ hay sự bức bối càng làm phức tạp vấn đề. Họ cũng cân nhắc quan điểm của người khó chịu đó và tìm ra giải pháp chung và hợp lý cho cả đôi bên. Thậm chí khi mọi thứ hoàn toàn đi chệch hướng, những nhân viên thông minh luôn có thể cứu vớt tình huống và giải quyết tốt vấn đề.

Tiến sĩ Travis Bradberry cho rằng, những kỹ năng ứng xử, thâm niên kinh nghiệm, bằng cấp kinh doanh… đều rất quan trọng, nhưng chúng không giúp một người trở nên đặc biệt ưu tú.

Nguồn weforum.org