Nhà đầu tư chủ động thế hệ mới: Anh là ai?
Nhà đầu tư Jeffrey Osher đã nắm giữ cổ phần trong công ty phát hành thẻ ghi nợ trả trước Green Dot Corp. 3 năm trước khi ông trở nên mất kiên nhẫn. Hồi tháng 12 năm ngoái, sau một loạt báo cáo lợi nhuận đầy thất vọng khiến giá cổ phiếu Green Dot giảm mạnh, nhà quản lý quỹ đầu cơ này đã gặp gỡ Hội đồng Quản trị Green Dot và yêu cầu các thành viên ban quản trị phải sa thải người sáng lập kiêm CEO Steven Streit, theo những người biết rõ cuộc gặp này. Khi Hội đồng Quản trị từ chối, Harvest Capital Strategies của ông Osher đã làm một điều mà Công ty chưa từng làm trước đây bao giờ: công khai đe đọa thực hiện một chiến dịch nhằm hất cẳng các thành viên Hội đồng Quản trị Green Dot.
Những động thái này đã đưa ông Osher vào một tầng lớp cổ đông mới trỗi dậy: những cổ đông xưa nay thụ động nhưng giờ đang dùng đến các chiến thuật của các nhà đầu tư chủ động, dù đôi khi với thái độ khá miễn cưỡng (nhà đầu tư chủ động là những người mua cổ phần trong doanh nghiệp và thúc giục các doanh nghiệp phải thực hiện những thay đổi về tài chính hoặc chiến lược). Chính thái độ miễn cưỡng này mà họ được gọi là “nhà đầu tư chủ động bất đắc dĩ” (relutavist).
Sự trỗi dậy của các nhà đầu tư bất đắc dĩ này cho thấy sự thành công của nhà đầu tư trong việc buộc doanh nghiệp phải thay đổi cũng như thúc đẩy những thay đổi mạnh mẽ hơn trong giới đầu tư. Sự đổi mới trong bộ luật chứng khoán và sự mở rộng quyền của nhà đầu tư đã khuyến khích các cổ đông mạnh dạn nói lên ý kiến và buộc ban lãnh đạo phải tăng cường trách nhiệm giải trình.
Các nhà đầu tư chủ động lần đầu tiên đã thực hiện 49 chiến dịch gây sức ép thay đổi đối với các doanh nghiệp Mỹ, tăng từ con số 36 trong năm 2014 và 15 trong năm 2011, theo Activist Insight. Khoảng 54% các chiến dịch trong số đó được tiến hành bởi những nhà đầu tư mà công ty nghiên cứu này gọi là nhà đầu tư “không thường xuyên”, tăng từ mức 30% của năm 2011.
Ngày càng nhiều cổ đông dài hạn đang áp dụng các chiêu thức của nhà đầu tư chủ động |
Hai cổ đông ngành hàng không lâu năm gần đây đã thay đổi “trạng thái” từ nhà đầu tư thụ động sang nhà đầu tư chủ động tại United Continental Holdings, công ty mẹ của hãng hàng không United Airlines, khi lên kế hoạch gia tăng tiếng nói trong những vấn đề liên quan đến chiến lược và điều hành tại Công ty. Canyon Capital Advisors đã gia nhập hàng ngũ các nhà đầu tư chủ động thúc giục Yahoo! Inc. phải thay đổi định hướng, một động thái hiếm hoi đối với quỹ đầu tư 24 tỉ USD này.
Nhà đầu tư chủ động Harry Wilson, “kiến trúc sư” trong kế hoạch tái cấu trúc hãng xe General Motors (GM) của chính quyền Tổng thống Obama, hồi năm ngoái đã dẫn đầu nhiều nhà dầu tư lớn trong một chiến dịch buộc GM phải mua lại nhiều cổ phiếu quỹ hơn. Và ông đã thành công. Trong khi đó, Angie’s List Inc. đang đối mặt với khả năng xảy ra cuộc tranh ghế trong Hội đồng Quản trị sau khi phản kháng một thương vụ do TCS Capital Management hậu thuẫn. TCS đã mua cổ phần lần đầu trong Angie’s List trước khi website đánh giá tiêu dùng này phát hành IPO vào năm 2011.
“Các nhà đầu tư dài hạn này nhận thấy một cơ hội tạo nên giá trị cho doanh nghiệp và sau nhiều năm doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, khiến họ cảm thấy không thể không lên tiếng”, theo Andrew Freedman, đối tác thuộc hãng luật Olshan Frome Wolosky LLP, đại diện cho các nhà đầu tư chủ động, trong đó có một số là nhà đầu tư chủ động lần đầu tiên. “Họ không phải chỉ là những người tìm kiếm giá trị ngắn hạn. Họ là cổ đông đã phải chịu đựng quá lâu”, ông nói.
Liệu thế hệ các nhà đầu tư mới này có thành công như các nhà đầu tư chủ động lâu năm thì vẫn còn phải chờ xem. Dù có những ngoại lệ đáng chú ý như Paulson & Co. của tỉ phú John Paulson, nhưng hầu hết các nhà đầu tư chủ động “không thường xuyên” này thiếu sự công nhận tên tuổi và thiếu lịch sử hoành tráng của các nhà đầu tư chủ động có tiếng tăm như tỉ phú Carl Icahn hay William Ackman.
Thêm nữa, những nhà đầu tư này thường có số cổ phần nhỏ hơn trong các công ty mà họ nhắm đến. Công ty đầu tư 32 tỉ USD Artisan Parters của Daniel O’Keefe hồi đầu tháng 2 đã công khai buộc tập đoàn dược phẩm, thiết bị y tế Johnson & Johnson (J&J) phải chia tách 3 mảng kinh doanh chính của mình. Artisan có 0,2% cổ phần trong J&J, vốn có giá trị thị trường 284 tỉ USD.
J&J đã gặp gỡ O’Keefe nhiều lần nhưng vẫn giữ cơ cấu doanh nghiệp hiện tại. “Đây không phải là những quyết định mà tôi nghĩ ra lúc tùy hứng. Đây là kết luận mà tôi đúc kết được sau nhiều năm theo sát công ty và xem xét các vấn đề ở phía ngược lại”, O’Keefe nhận xét.
Các quỹ trở thành nhà đầu tư chủ động lần đầu tiên cũng cho biết trải nghiệm này khiến họ được mở mắt. Lấy St. Denis J. Villere & Co., hãng đầu tư có 105 tuổi đời, làm ví dụ. Lần đầu tiên làm nhà đầu tư chủ động của công ty này đã kết thúc… ở tòa. Hồi năm 2014, St. Denis J. Villere & Co. đã bày tỏ mối quan ngại về Epiq Systems Inc. sau 11 năm đầu tư vào cổ phiếu của công ty phần mềm này. Cả hai bên sau đó đã đạt được thỏa thuận rằng sẽ đưa một người của Villere ngồi trong Hội đồng Quản trị khi Epiq Systems đánh giá lại chiến lược.
Nhưng một năm sau đó, quá trình này đã chững lại và các kết quả của Epiq đã làm nhiều nhà đầu tư thất vọng. Hồi tháng 12 vừa qua, Villere đã chỉ định 6 thành viên vào Hội đồng Quản trị (ban quản trị gồm 9 thành viên).
Epiq, mặc dù nói Công ty hoan nghênh ý kiến đóng góp của cổ đông, nhưng lại bảo rằng chỉ định của Villere đã vi phạm thỏa thuận trước đó giữa 2 bên. Epiq và Villere đã rơi vào các vụ kiện tụng. Công ty gần đây đã chỉ định một thành viên Hội đồng Quản trị độc lập, phụ trách đảm bảo tính minh bạch và giải trình trong doanh nghiệp và thay 2 thành viên Hội đồng Quản trị.
George Young, phụ trách các vấn đề tuân thủ luật pháp của Villere và là một thành viên trong gia đình sáng lập, nói rằng những thay đổi về luật chứng khoán đã thúc giục Villere suy nghĩ nhiều hơn về quyền lợi cổ đông, buộc Công ty phải khắt khe hơn với ban điều hành.
Nhưng thực hiện các chiến dịch buộc doanh nghiệp thay đổi lại là một câu chuyện khác. Young cho biết ông vẫn chưa quen với các yêu cầu 24/7 của một chiến dịch nhà dầu tư chủ động. Osher cũng nói ông thà là đứng đằng sau “hậu trường”. Nhưng ông cảm thấy Harvest, một trong những cổ đông lớn nhất của Green Dot, cần phải công khai nói rõ ý kiến. Vì thế, cuối tháng 1 vừa qua, công ty đầu tư này đã tung ra báo cáo dài 93 trang chỉ trích hoạt động của Green Dot. Công ty cũng hướng dẫn các cổ đông vào một website là www.fixgot.com, thúc giục Green Dot phải ngay lập tức sa thải CEO Steven Streit.
Green Dot cho biết ban quản trị và ban điều hành đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với Harvest và sẽ “cẩn thận xem xét” những đề nghị của nhà đầu tư. “Tôi thích làm việc mà không phải bị người khác nhòm ngó. Nhưng đây là con đường mà chúng tôi phải theo đuổi”, Osher nói.
Ngô Ngọc Châu
Nguồn Osher