Ảnh: Bloomberg

 
Vũ Hạo Thứ Ba | 07/04/2020 15:20

Nhà bán khống trong “The Big Short” phản đối phong tỏa toàn nước Mỹ, cho rằng phong tỏa còn gây nhiều thiệt hại hơn cả virus

Các đợt phong tỏa với mục tiêu kìm hãm đại dịch Covid-19 còn gây nhiều thiệt hại hơn chính bản thân virus đó, nhà bán khống nổi tiếng cho biết.

Michael Burry – nhà đầu tư nổi tiếng với cú bán khống trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – đã đăng đàn trên Twitter với một thông điệp gây nhiều tranh cãi: Các đợt phong tỏa với mục tiêu kìm hãm đại dịch Covid-19 còn gây nhiều thiệt hại hơn chính bản thân virus đó.

Các đợt phong tỏa theo chỉ thị của Chính phủ Mỹ đã gây mất mát hàng triệu việc làm và có thể châm ngòi cho một trong những đợt suy thoái kinh tế sâu nhất của Mỹ. Trong một loạt dòng tweet trong hơn 2 tuần qua, ông Michael Burry cho rằng các đợt phong tỏa này là không cần thiết và gây tổn thương cho các gia đình có thu nhập thấp và những dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, ông nói thêm các phương pháp điều trị Covid-19 – như thuốc sốt rét hydroxycloroquine – nên được sản xuất rộng rãi hơn.

Ông Burry lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Y khoa Vanderbilt, nhưng sau đó lại quyết tâm trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp sau khi đầu tư có lãi lớn trên thị trường chứng khoán. Ông ta bỗng trở nên nổi như cồn và thu về hàng đống tài sản nhờ bán khống chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp trước cuộc khủng hoảng năm 2008, một giao dịch được huyền thoại hóa thành tác phẩm “The Big Short” của Michael Lewis và đã được dựng thành phim.

Trong năm 2019, ông bắt đầu chia sẻ quan điểm ngày càng rộng rãi hơn để cảnh báo về “bong bóng” trong các sản phẩm đầu tư thụ động.

Giờ thì ông ấy tập trung vào Covid-19 – một đại dịch đã gây tê liệt các nền kinh tế, giết chết gần 75.000 người trên thế giới và làm thay đổi cách sống cũng như làm việc của hàng triệu người.

“Biện pháp yên vị ở nhà là yếu tố tàn phá kinh tế thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại”, ông Burry viết trong email gửi cho Bloomberg News. “Và biện pháp này hoàn toàn là do con người bày ra. Nó đột nhiên đảo ngược lợi ích của những nhóm bị thiệt thòi trong xã hội, gây ra tử vong và tạo ra cơn nghiện thuốc, tạo ra nạn bạo lực và khủng bố phụ nữ trong các gia đình bạo lực (giờ lâm vào cảnh thất nghiệp), và còn nhiều điều khác nữa. Biện pháp này gây ra nhiều nỗi thống khổ và dẫn đến nhiều ca tự sát”.

Trong dòng tweet ngày 23/03, ông cho biết: “Nếu xét nghiệm Covid-19 được thực hiện trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong sẽ thấp hơn 0,2%”.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

“Không thể tưởng tượng được” là cách ông mô tả về tình trạng mất mát việc làm tại Mỹ. Trong 2 tuần qua, 10 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp – một con số khó tin.

Trong các dòng tweet, ông Burry cho biết việc lây nhiễm virus corona có thể được kiểm soát thông qua các biện pháp thông thường như tăng cường rửa tay và xét nghiệm trên diện rộng, mà không cần phải buộc mọi người ở nhà. Ông cũng ủng hộ việc sử dụng thuốc chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi loại thuốc hydroxychloroquine là “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi” trong cuộc chiến chống lại Covid-19, nhưng các nhà phê bình trong cộng đồng khoa học cho rằng nên cẩn thận trước những phương thuốc chưa được kiểm định hoàn toàn hoặc chưa được phê duyệt.

Trong ngày Chủ nhật (05/04), Jerome Adams, Tổng Y sĩ Mỹ, cho biết có một vài thông tin cho thấy hydroxychloroquine có tác dụng. “Chúng tôi cảm thấy tốt hơn về tính an toàn của hydroxychloroquine hơn là một loại thuốc hoàn toàn mới, mặc dù phải dùng liều lượng cao hơn trong việc điều trị Covid-19”, ông cho biết.

Cho tới nay, ông Burry vẫn kiệm lời về những khoản đầu tư của ông. Trong tháng trước, ông nói với Bloomberg News rằng ông đang thực hiện một cú đặt cược lớn và đi ngược với thị trường, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Ông cho biết đại dịch Covid-19 có thể khiến hoạt động đầu tư thụ động chùn xuống.

Mặc dù lên tiếng chỉ trích về các biện pháp kinh tế và y tế của các cơ quan trên toàn cầu, nhưng ông cũng lưu ý rằng các nền kinh tế lớn không biến động nhiều như Mỹ và Anh. Đức và Nhật Bản tính toàn cẩn thận hơn trong những biện pháp ứng phó trước đại dịch Covid-19 và là tấm gương cho phần còn lại của thế giới, ông Burry cho biết. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sắp tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong ngày thứ Ba (07/04).

“Ông Abe đang nỗ lực hết mình để kiểm soát tình hình mà không phải đóng cửa nền kinh tế”, ông Burry cho biết. “Ông chứng kiến những gì đã diễn ra ở nước Mỹ và ông không ủng hộ đóng cửa nền kinh tế. Thay vào đó, ông cho rằng nên áp dụng những biện pháp thông thường. Nhật Bản có một vài đặc điểm nhất định – chẳng hạn như một xã hội tuân thủ pháp luật và có trình độ - khiến việc áp dụng biện pháp này trở nên khả dĩ. Cũng như trường hợp của Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc”.

Trong dòng tweet vào ngày 25/03, ông Burry cũng đưa ra những biện pháp để Mỹ vượt qua khủng hoảng lần này:

(1) Tiêu chuẩn hóa về thuốc chloroquine và azithromycin – rẻ và có sẵn (2) Những người bị bệnh và người già tự nguyện ở yên tại chỗ (shelter in place). (3) Người dân Mỹ sống bình thường nhưng tăng cường rửa tay và chăm sóc đặc biệt nếu sống cùng với người già.

Ảnh: Bloomberg
Ảnh: Bloomberg

Nguồn Bloomberg