Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ tại Hội nghị Đầu Tư

 
Lê Trang Thứ Tư | 22/11/2017 11:35

Người sáng lập Đại học FUNiX với phương pháp dạy học "lạ đời"

Ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, người sáng lập Đại học FUNiX: "khi giáo viên không dạy gì, sinh viên tự biết cách hỏi và học".

Giáo dục trực tuyến: Mô hình nào sẽ thành công?

Ông Nguyễn Thanh Nam, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX, vừa có buổi chia sẻ tại Hội nghị đầu tư do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức vào ngày 21.11. Gần 30 phút chia sẻ trên sân khấu,  không có cần bài thuyết trình, số liệu, dẫn chứng, nhưng vị cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đã khiến không ít khách tham dự ngỡ ngàng, thích thú với phương pháp giáo dục "lạ đời" từ ngôi trường ông sáng lập.

Sau khi rời vị trí CEO của FPT, ông Nam thử sức ở lĩnh vực giáo dục với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, sau đó thành lập Đại học trực tuyến FUNiX với nhiều hình thức học mới lạ. Khác với cách học truyền thống, giảng viên tại trường được gọi là mentor (người hướng dẫn), chỉ hỗ trợ và đưa ra hướng đi đúng cho sinh viên, còn lại các bạn phải tự học.

Sinh viên chủ động 100%

Người sáng lập đại học trực tuyến đầu tiên luôn trăn trở, thay vì lúc nào cũng bàn cách dạy như thế nào cho tốt hơn, tại sao không thử bỏ việc dạy. Khi đó, sinh viên không thể làm gì khác ngoài cách tự học, làm việc.

Ông cho rằng, giáo viên hiện nay mải truyền đạt kiến thức mà quên sinh viên đang cần gì. Đó là cách dạy học xa rời thực tế. Nhiều trường luôn đề cao sinh viên là trọng tâm nhưng đa phần các bài giảng đều do giáo viên tự nói.

Từ lâu, người đứng đầu FUNiX không tin rằng, sinh viên không thích tự học mà do phương pháp dạy chưa phù hợp với sở thích, nhu cầu của họ. Với phương pháp dạy truyền thống, phần lý thuyết đã chiếm gần hết thời gian học, sinh viên không có điều kiện để đưa ra quan điểm của mình, đồng thời, giáo viên cũng không thể hiểu người học cần và mong muốn gì.

"Khi thầy giáo không nói gì, dành thời gian lắng nghe, sinh viên mới có thể là chia sẻ những gì mình muốn. Vậy tại sao không bỏ việc dạy để sinh viên tự học, nghiên cứu còn thầy giáo chỉ là người hướng dẫn", ông Nam nói.

Hiện nay, FUNiX cũng thử nghiệm một môn không dạy gì để sinh viên tự học, miễn sao có thể nộp đủ bài tập và thi đúng là nhà trường sẽ công nhận kết quả. Thay vì truyền dạy kiến thức, mentor sẽ tìm cách để sinh viên tự học và định hướng theo cách đúng nhất.

Mỗi giờ giảng đều không quá 10 phút và sinh viên là người bắt đầu. Mô hình này sẽ giúp sinh viên chủ động trong việc học và không ngại hỏi những gì mình không biết. Về cách đánh giá chất lượng, trường vẫn sử dụng cách thi, kiểm tra thông thường rồi cuối cùng mới đến có làm được việc không. Cách làm này sẽ góp phần đánh giá đúng thực lực cho sinh viên đồng thời khơi dậy niềm yêu thích. 

Nguoi sang lap Dai hoc FUNiX voi phuong phap day hoc
Sinh viên FUNiX học mọi lúc, mọi nơi - miễn là muốn học và có internet. Ảnh: FUNiX

"Mặc dù chưa có kết quả cụ thể đánh giá cụ thể nhưng đa phần sinh viên tại FUNiX đều hào hứng với mô hình này. Nhiều năm làm việc ở FSoft, tôi hiểu cách dạy nào là đúng nhất nên giờ mình chỉ làm sao để rút ngắn chương trình học để sinh viên học nhanh, kiếm tiền sớm", ông Nam chia sẻ thêm.

Nhiều người đánh giá phương pháp này khá "dị" nhưng theo ông Nam, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Tiêu biểu, một giáo sư của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cũng đề xuất thành lập trường đại học mới mà không có bất cứ giờ giảng nào. Mỗi sinh viên khi vào trường sẽ được giao ngay một dự án tùy năng lực, khi nào làm xong, trường sẽ đánh giá kết quả. Giáo viên của trường chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh.

"Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng tôi tin rằng, tương lai của ngành giáo dục sẽ như vậy. Người học sẽ trở thành trọng tâm và người thầy nên hạ vai trò của mình xuống để sinh viên tăng cường tính chủ động", người sáng lập FUNiX cho biết.

Giáo dục không cần cách mạng

Ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ: Ai cũng bảo giáo dục cần đổi mới, cần cách mạng. Tôi chẳng tin. Dạy trò thì khác gì dạy con. Có bậc cha mẹ nào “cách mạng” trong việc nuôi trẻ con bao giờ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, hàng ngàn phương pháp, vạn cuốn sách... có thể tham khảo nhưng tuyệt không có chữ “cách mạng”. Vậy mà nhiều người cứ cho mô hình FUNiX (www.funix.edu.vn) là “cách mạng trong giáo dục đại học”.  FUNiX hoạt động theo 10 nguyên tắc cơ bản như sau, thử xem “cách mạng” ở chỗ nào?

Tiết kiệm: Thiên tài Albert Einstein bảo không gì bằng tiết kiệm thời gian. Ai học nhanh được phải khuyến khích. Học kỳ dự kiến 6 tháng có bạn học trong 50 ngày, môn 1 tháng có bạn học trong 9 ngày. Học xong thì cho đỗ ngay thôi.

Giảng hay phải có căn: Giáo sư Muller của Đại học Berkeley nói thế. Cả UC Berkeley chỉ có độ 10 giảng viên. Các giảng viên này đều đưa hết lên giảng dạy trực tuyến rồi.  FUNiX tự thấy chưa có căn nên hạn chế đăng đàn giảng bài, chỉ tuyển bình luận viên giỏi hiểu biết như Long Vũ, Quang Huy bình luận cái hay của Messi vậy.

Tiếng Anh không phải là vấn đề: Dân Việt xem phim Hollywood ầm ầm có sao đâu. Làm cái phụ đề là ai cũng có thể nghe giáo sư Mỹ giảng hết. Mà nghe lâu thì trình độ tiếng Anh sẽ lên. Sinh viên FUNiX đủ loại, từ trẻ em, cụ già, đến sinh viên, Việt kiều đều học được hết.

Học đến đâu làm được đến đó: Thay khái niệm học kỳ bằng chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ là một tập hợp kiến thức mà sinh viên có thể áp dụng được ngay, đi xin việc được. Vừa học vừa làm để lấy bằng.

Chỉ cần “máu” là được học: Muốn nhập học chỉ cần viết cái đơn, làm sao chứng minh là bạn thực sự muốn học và có điều kiện (thời gian, học phí). Còn bạn muốn học ở đâu cũng được, từ đầu, hay từ giữa, hay từ cuối tùy bạn.

Thắc mắc phải được giải đáp tức thì: Như trẻ em vậy, mọi câu hỏi các sinh viên đều mong muốn được hồi đáp ngay lập tức. Đội ngũ cố vấn (mentor) của FUNiX là những chuyên gia trong ngành, vừa làm việc, vừa ngồi đợi câu hỏi để thỏa mãn các sinh viên. Mỗi phiên hỏi-đáp khác gì một tiết học, quan trọng nhất là do sinh viên khởi xướng.

Dạy không bằng dỗ cho học: Học không bằng hỏi.  Tiếng Việt thật là tinh tế. Học là để làm. Làm thì phải hỏi. Hỏi được tức là sẽ làm được. Càng hỏi càng khuyến khích. Làm được thì cho đỗ luôn. Khỏi lăn tăn trắc nghiệm hay tự luận. Trò hỏi, thầy được lợi.

• Alumni từ ngày đầu tiên:  FUNiX khuyến khích sinh viên (xTer) các khóa và mentor (xMen) thành lập các cộng đồng cựu sinh viên (alumni) từ ngày đầu tiên đi học. Dựa vào nhau để thành đạt chứ không phải đợi đến khi thành đạt mới về thăm thầy, thăm trường.

Nguoi sang lap Dai hoc FUNiX voi phuong phap day hoc
Mentor FUNiX tranh thủ trả lời câu hỏi cho sinh viên khi đang trông con. Ảnh: FUNiX

• On (line) phải có off:  Nói chuyện trên mạng (online) hằng ngày, đến lúc gặp nhau (off) sẽ rất vui. Tất cả sinh viên và mentor được yêu cầu tham gia off bắt buộc hằng tháng. Off xong có thể cùng nhau vui chơi, giải trí. Nhà trường hỗ trợ và khuyến khích các buổi gặp mặt và vui chơi này hằng tuần.

• Tốt không có nghĩa là phải đắt: FUNiX không ủng hộ ca sĩ Mỹ Linh phát biểu rau sạch phải đắt. Rau là phải sạch. Dạy là phải tốt. Được học bài giảng của các giáo sư Mỹ, được chuyên gia Việt Nam giảng giải cặn kẽ hằng ngày mà học phí tại FUNiX chỉ bằng 15-40% các trường đại học chất lượng cao tại Việt Nam.

Thấm thoát đã được hơn 1 năm từ ngày khai giảng (20.11.2015). Khó khăn thì nhiều nhưng anh em tụ tập ngày càng đông vui. Gần ngàn sinh viên, hơn 500 mentor. Số lượng phiên hỏi-trả lời (bài giảng mini) lên đến hàng chục ngàn. Những sinh viên đầu tiên, mới học được 3 kỳ, đã được FPTSoftware nhận hết. Muốn lấy bằng đại học các em có thể vừa học vừa làm tiếp. Đỡ tốn tiền, đỡ tốn thời gian mài đũng quần trên giảng đường.

Thấy mọi việc cứ tự nhiên, sai thì sửa, xấu thì cải tiến. Chẳng thấy cách mạng gì. Hay cách mạng chính là thế.