Sơn Phạm
Người săn, kẻ giữ lao động
Còn nhớ giai đoạn năm 2015, Facebook và Apple thực hiện chương trình hỗ trợ tiền cho nữ nhân viên đông lạnh trứng để có thể sinh con muộn. Việc sẵn sàng chi 20.000USD mỗi trường hợp là giải pháp để 2 hãng công nghệ danh giá này ứng phó với tình trạng thiếu hụt nữ nhân sự lãnh đạo cấp cao. Câu chuyện nhân sự, lương thưởng không chỉ dừng lại ở vấn đề quyền lợi của người lao động mà còn thể hiện sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Chi phí giữ người tài
Các doanh nghiệp thiếu nhân lực là tình trạng chung và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước làn sóng của các doanh nghiệp ngoại cùng với chính sách đãi ngộ đặc biệt, nguồn nhân sự có chất lượng lại bị cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo dự đoán, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 400.000 nhân lực về công nghệ thông tin, tức mỗi năm thiếu khoảng 80.000 người, trong khi con số sinh viên tốt nghiệp ngành này và các ngành liên quan là 32.000 sinh viên, số đáp ứng được các nhu cầu tuyển dụng rất ít, nhất là những người có khả năng làm việc ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Thế Giới Di Động, cho biết: “Người mua sức lao động, người bán sức lao động, người muốn mua rẻ, người muốn bán mắc, cuối cùng phải dùng chiêu trò với nhau. Doanh nghiệp trở thành một tổ hợp những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán mắc. Chiến lược của tôi là giữ người tài với chi phí cao nhất”.
Về vấn đề chi phí giữ chân lao động, theo khảo sát mới đây do Talentnet và Mercer thực hiện, năm 2017, công nghệ là ngành có mức tăng lương cao nhất với tỉ lệ 10%. Đứng cùng với top 3 những ngành có tỉ lệ tăng lương cao nhất là dược phẩm và hóa chất (9,4% và 9%).
Tỉ lệ tăng lương thấp nhất nhưng số người rời bỏ ít nhất là ngành dầu khí. Mặc dù tỉ lệ tăng lương chỉ đạt 4,6% nhưng số lượng nhân sự chấp nhận rời bỏ nghề này chỉ 5,3%. Mức lương hậu hĩnh dao động từ 500-1.000 USD, những chuyên viên được đào tạo cao cấp có thể lãnh mức lương hơn 10.000USD. Đây chính là sự hấp dẫn mà ngành dầu khí tạo sự gắn bó với nghề nhất. Trong khi đó, nhân viên ngân hàng tại Việt Nam hài lòng với mức thưởng cao mà nhiều người phải mơ ước. Chẳng hạn, VPBank, trong quý I chi lương và phụ cấp là gần 700 tỉ đồng, tính ra trung bình lương cả sếp và nhân viên ngân hàng mỗi tháng đã nhận 25,3 triệu đồng/người, tăng gần gấp đôi cùng kỳ (13,8 triệu đồng). Ngân hàng này cũng tăng mạnh nhân sự với gần 500 người, so với VIB tuyển thêm 376 người, Sacombank tuyển thêm hơn 200 người...
Giáo dục dẫn đầu trong bảng tỉ lệ tăng lương thấp nhất (7,0), tỉ lệ thưởng thấp nhất (9,6%). Chuyện lương và thưởng của ngành giáo dục đã trở thành đề tài nhiều người bàn tán. Chiếm 52% biên chế sự nghiệp của cả nước, ngành giáo dục đang phải dùng 80% số tiền được ngân sách nhà nước phân để trả lương. Tuy nhiên, theo khảo sát của một nhóm nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước, thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp của giáo viên thâm niên 13 năm là 3-3,5 triệu đồng/tháng. Điều đó có nghĩa, rất nhiều giáo viên có thu nhập từ lương dưới 3 triệu đồng. Đây là lý do khiến không ít giáo viên bỏ nghề, thậm chí không muốn vào sư phạm nếu được chọn lại ngành nghề.
Hệ thống giáo dục trước cuộc chạy đua của trường công lập và dân lập, đồng thời với cuộc đổ bộ ào ạt của hàng loạt trường quốc tế, sự cạnh tranh lại cao hơn trong việc tìm kiếm người tài, đủ tiêu chuẩn đứng lớp cho các trường. Theo khảo sát của NCĐT, lương trung bình của trường Việt Úc (TP.HCM) là 10 triệu đồng/tháng, với thời gian làm việc đủ các ngày trong tuần. Với mức lương này, một giáo viên của trường cho biết đã cao gấp đôi so với trường công lập, mức thưởng tại trường này là tháng 13.
Do các trường tự chủ về tài chính nên việc thực hiện lương thưởng theo cơ chế nhà nước, hoặc tình hình hoạt động của trường. Việc thưởng theo kiểu tượng trưng và mang ý nghĩa tinh thần. Đó là lý do có những trường được thưởng 7-8 triệu đồng nhưng có trường chỉ được thưởng 200.000-300.000 đồng vào cuối năm.
Nhận diện ngành nhảy việc nhiều
Với kết quả khảo sát được thực hiện từ 592 công ty trong 16 ngành nghề từ công nghệ, hàng tiêu dùng, dược phẩm, hóa phẩm... Talentnet thu thập được gần 290.000 nhân viên khắp Việt Nam. Nhóm ngành có tỉ lệ nghỉ việc nhiều nhất dẫn đầu là ngành bán lẻ (32%), bất động sản (18,8%), hàng tiêu dùng (17,3%). Có thể nói đây là nhóm ngành dễ tuyển nhân sự và cũng là ngành có tỉ lệ đào thải nhiều nhất. Việc phải đảm bảo doanh số bán hàng đã phần nào tạo nên áp lực với nhân viên.
Ngoài ra, bán lẻ dẫn đầu bảng xếp loại nguyên nhân nghỉ việc nhiều có thể được giải thích bởi việc đổ bộ của các ông lớn trong ngành bán lẻ nước ngoài. Sự tăng trưởng nhanh của kênh bán lẻ hiện đại, tình hình nhân sự ở các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, sự nghỉ việc có thể được xem là sự thay đổi, bởi hầu hết những người lao động trong lĩnh vực này thường nhảy việc từ nhà bán lẻ này qua nhà phân phối đối thủ chứ ít khi chuyển hẳn sang công việc khác.
Ví dụ những nhân sự làm việc tại các hệ thống siêu thị như Lotte, Saigon Co.op, Aeon, với sự thâm nhập của những tập đoàn như Emart, Vingroup, với siêu thị kiểu mới, hoặc hệ thống bán lẻ mở ra liên tục. Đây còn là cuộc chạy đua không chỉ giành thị phần mà còn cạnh tranh nguồn nhân sự.
Những năm gần đây, ngành bán lẻ đã có nhiều thương vụ M&A với quy mô lớn, khiến nhân sự trong ngành này cũng thay đổi theo. Do đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như người lao động muốn chuyển sang hệ thông bán lẻ khác cũng thay đổi, đặc biệt ở cấp quản lý cũng có những thay đổi nhất định về quyền lợi, môi trường... Theo các doanh nghiệp, việc thay đổi không chỉ diễn ra ở cá nhân mà còn xuất hiện ở nhóm. Điều này cũng gây khó khăn cho các chuỗi hệ thống trong việc tổ chức, tuyển dụng nhân sự. Theo báo cáo nhân sự ngành bán lẻ do Navigos Group thực hiện mới đây, có đến 60% người cho biết, thời gian trung bình tại một công ty của các ứng viên này chỉ kéo dài 2-3 năm.
Báo cáo này cũng cho biết, có đến 50% nhà tuyển dụng ngành bán lẻ đang có chính sách chiêu mộ nhân sự cấp trung, cấp cao từ nước ngoài. Số người công nhận đang chịu sự cạnh tranh từ ứng viên người nước ngoài tỉ lệ lên đến 46%.
Theo Talentnet, cạnh tranh nhân sự khá gay gắt nhưng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn cách xa doanh nghiệp đa quốc gia về thu nhập. Năm 2017, mức lương trung bình của các công ty trong nước thấp hơn 29% so với các công ty đa quốc gia. Mức chênh lệch đang có xu hướng tăng ở cấp quản lý với tỉ lệ 41% do các công ty đa quốc gia trả lương cao hơn cho vị trí quản lý cấp cao. Mặt khác, công ty trong nước có xu hướng linh hoạt trong việc chi thưởng để tăng cường khả năng thu hút ứng viên so với công ty nước ngoài.
Trong khi đó, ở góc độ khác về tiền lương, Tiến sĩ Futoshi Yamauchi, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank, đánh giá tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư khi tăng lương 1% sẽ khiến tỉ lệ lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng mức chênh lệch giữa tăng trưởng năng suất lao động với lương tối thiểu và lương trung bình, nếu tiếp tục kéo dài, sẽ từ từ phá vỡ cân bằng trên nhiều khía cạnh của nền kinh tế, đặc biệt là cản trở tích lũy vốn con người, giảm động lực của nhà đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đức Tài