Người Nhật toan tính gì khi đầu tư kho lạnh ở Việt Nam?
Cuối tháng 7 vừa rồi, người Nhật đã bắt tay đầu tư hệ thống kho lạnh quy mô lớn thông qua một liên doanh tại Việt Nam. Với diện tích sàn 7.000 m2, đây là một trong những hệ thống kho lạnh lớn nhất ở Việt Nam.
Dự án được đầu tư bởi công ty vận tải biển Kawasaki Kisen, công ty phân phối Japan Logistic Systems và quỹ công-tư Cool Japan Fund, vốn có mục tiêu kích thích nhu cầu dùng sản phẩm và dịch vụ Nhật Bản ở thị trường nước ngoài.
Hiện tại, chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu thực phẩm lên đến 10 tỷ USD / năm.
Trước khi hàng hóa và sản phẩm thực phẩm của Nhật Bản đến tay người tiêu dùng châu Á, nước này cần phải xóa bỏ các rào cản cơ cấu. Sau đó, sản phẩm từ Nhật Bản mới có thể xuất khẩu và cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ từ các nước khác. Nhưng trên đường vận chuyển, nước này vẫn còn thiếu một cơ sở hạ tầng để giữ thực phẩm luôn được tươi ngon.
Với dân số 93 triệu người và tốc độ tăng trưởng trên 6% hàng năm, Việt Nam được xem là một thị trường đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt và cá của Nhật vào thị trường này đã chậm lại trong vòng vài năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu kiểm soát nhiệt độ trong chuỗi cung ứng còn yếu kém, theo lời ông Joji Koda, giám đốc cao cấp của quỹ Cool Japan Fund.
"Chúng tôi đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi không thể vận chuyển được thực phẩm trừ khi có cơ sở hạ tầng phát triển đầy đủ, nhưng cũng không thể đầu tư kho lạnh nếu khối lượng xuất khẩu chẳng là bao nhiêu", ông nói.
Do đó, chính phủ Nhật Bản đã chi hơn 700 triệu yen (6,9 triệu USD) để đầu tư một cơ sở làm lạnh tại Việt Nam với diện tích 7.000 m2.
Liên hiệp quốc gia của các hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản, hay còn gọi là Zen-Noh, muốn sử dụng kho lạnh lớn giữ thực phẩm được tươi để cung cấp cho một nhà hàng Nhật Bản tại TPHCM. Nhà hàng này được thành lập vào năm 2015 bởi Washoku Works, một công ty được thành lập bởi Zen-Noh và hệ thống nhà hàng Food Works có trụ sở ở Tokyo.
Cá, đậu hũ và các thực phẩm khác được làm lạnh nhanh tại Nhật, sau đó vận chuyển tới Việt Nam trong khi nhiệt độ vẫn giữ -10 độ C trên toàn bộ hành trình.
Mục tiêu trước mắt cùa Zen-Noh trong việc phát triển dây chuyền lạnh là giữ thực phẩm được tươi mát. Một trong những mục tiêu dài hạn là mở nhà hàng sushi ở nước ngoài, với gạo làm cơm được nhập từ Nhật Bản, một lãnh đạo của Zen-Noh cho biết.
Nếu một thị trường mục tiêu thiếu dây chuyền lạnh, một lượng thực phẩm nhất định có thể bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển, làm tăng giá bán và khiến người tiêu dùng không mấy mặn mà.
Kokubu Group, một công ty kinh doanh thực phẩm của Nhật, đã học được bài học này và đang bắt đầu xuất khẩu dâu tây sang Lào. Thương hiệu dâu tây Amao và Tochiotome của công ty này đã xuất hiện trong các cửa hàng tạp hóa cao cấp của Lào, nhưng mỗi gói dâu tây lại có giá lên tới 5000 yen (gần 50 USD).
Giá cao đồng nghĩa với tình trạng không ai muốn mua. Với dâu tây Nhật tại Lào, điều này cũng không là ngoại lệ. Khoảng 60% số quả đã bị hư khi làm thủ tục hải quan tại sân bay. Do không đủ tủ lạnh, các lô hàng này phải nằm chờ dưới nhiệt độ lên tới 30 - 40 độ C, đại diện Kokubu Group cho biết.
Một yếu tố khác đằng sau mức giá 5000 yen này còn là do chi phí vận chuyển cao. Dâu Nhật phải chịu mức phí 1.230 yen mỗi kilogram cho một chuyến vận chuyển bằng máy bay quá cảnh ở Bangkok. Trong khi đó, mức phí mà đối thủ Hàn Quốc phải chịu chỉ là 200 yen bằng một chuyến bay trực tiếp sang Lào.
Còn với lựa chọn vận chuyển bằng đường bộ thì đây cũng không phải là phương án khả thi. Một điều nữa, Lào là quốc gia không có biển, muốn vận chuyển bằng container thì phải thông qua Việt Nam hoặc Thái Lan.
Thống kê của Liên Hợp Quốc cho thấy, dâu tây Nhật cũng phải đối mắt với một trận chiến khó khăn tại Singapore. Đảo quốc sư tử nhập khẩu 1.500 tấn dâu tươi từ Mỹ trong năm 2015, trong khi nhập từ Hàn Quốc là 1.100 tấn. Nhưng lượng nhập khẩu dâu Nhật chỉ có 22 tấn.
Có đến 80% lượng dâu tây xuất khẩu của Nhật đi đến Hồng Kông.
Năm 2015, xuất khẩu thực phẩm của Nhật Bản đạt giá trị 745 tỷ yen (7,4 tỷ USD). Nhà điều hành nước này dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành này sẽ sớm đạt mốc 1.000 tỷ yen (10 tỷ USD) trong nay mai.
An Phong
Nguồn Nikkei