Tỉ phú Bai Houshan (phải). Ảnh: Electrive.com
Người hùng thầm lặng
Tại một khu công nghiệp bên sườn đồi ở ngoại ô thành phố Chungju, Hàn Quốc, Ronbay Technology đang xây dựng một nhà máy được xem là trụ cột chính trong kế hoạch của Bai Houshan nhằm nâng công suất sản xuất vật liệu cathode giàu niken lên gấp 6 lần vào năm 2025 so với năm 2021.
Nhà máy Chungju tại Hàn Quốc với công suất 20.000 tấn/năm là nhà máy sản xuất cathode giàu niken đầu tiên mà các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài. Nhưng nó sẽ không phải là nhà máy duy nhất ở nước ngoài của vị tỉ phú tự thân này khi Ronbay cho biết Công ty đang khảo sát các địa điểm ở châu Âu và Bắc Mỹ để xúc tiến kế hoạch xây dựng các nhà máy phục vụ những thị trường lớn này.
Tham vọng toàn cầu
Tham vọng bành trướng của Bai Houshan, sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ronbay Technology, đang tạo ra thách thức lớn cho ngành ô tô truyền thống, vốn dĩ đang vất vả cạnh tranh với Trung Quốc trong việc phát triển xe điện và pin cho xe điện. Áp lực này là dễ hiểu khi Ronbay đang đóng vai trò then chốt trong thị trường toàn cầu về điện cực cathode, vốn là một phần lõi quan trọng trong pin lithium cho xe điện và chiếm tới 30-50% chi phí cấu thành pin.
Ngành pin xe điện đang không ngừng cải tiến để hạ thấp chi phí vật liệu và gia tăng mật độ năng lượng của pin, giúp pin nhẹ hơn và lưu trữ năng lượng tốt hơn. Chính trong bối cảnh này Ronbay đã dẫn dắt một cuộc chuyển đổi từ vật liệu cathode có hàm lượng niken thấp hơn sang vật liệu cathode có hàm lượng niken cao hơn, giúp cải thiện hiệu suất pin. Một minh chứng là gần 3/4 mẫu xe điện mới tại triển lãm Thượng Hải năm 2021 đều sử dụng công nghệ này. Các chuyên gia phân tích tại Bernstein cũng nhận định: “Ngành đang dịch chuyển mạnh mẽ sang xu hướng này”.
Sự thống trị của Ronbay cũng cho thấy thách thức mà Mỹ và châu Âu đang đối mặt khi chính phủ các nước này đang triển khai chương trình trợ cấp hàng trăm tỉ USD để gia tăng lợi thế trước Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ sạch. Cory Combs, Phó Giám đốc Trivium China, cho rằng công nghệ vật liệu pin là "điều số 1" mà Mỹ và châu Âu cần nếu muốn bắt kịp Trung Quốc. Nhưng mục tiêu này không dễ đạt được bởi “Trung Quốc không tạo ra ngành pin chỉ trong một đêm. Đó là cả một chuỗi công nghiệp và chuỗi giá trị mà phải mất hàng thập kỷ xây dựng nên”, Combs nói.
Nay Bai đang muốn tận dụng cơn sốt đối với các vật liệu năng lượng mới để bành trướng sang Mỹ, châu Âu và nhà máy Chungju ở Hàn Quốc là viên gạch đầu tiên cho tham vọng toàn cầu của ông. Tuy nhiên, ở ngay tại thị trường này, Ronbay vấp phải cạnh tranh gay gắt từ chính các đối thủ Hàn như EcoPro BM và LG, vốn là nhà sản xuất lớn nhất về vật liệu pin và pin xe điện. Tháng 5 vừa qua, LG cho biết sẽ tăng doanh số bán vật liệu pin lên gấp 6 lần, đạt 25,5 tỉ USD vào năm 2030. Trọng tâm của chiến lược này là nhắm đến thị trường cathode giàu niken mà Ronbay đang hoạt động.
Thách thức phía trước
Cơn sốt xe điện tại Trung Quốc đã đưa Bai Housan (giá trị tài sản ròng 1,45 tỉ USD) vào danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc. Công ty do ông sáng lập hiện có vốn hóa 4,4 tỉ USD với doanh thu hoạt động năm 2022 tăng 193,62% so với năm 2021 (đạt 30,123 tỉ nhân dân tệ) và lãi ròng tăng 48,54% (đạt 1,353 tỉ nhân dân tệ). Ronbay sở hữu các nhà máy sản xuất tại tỉnh Hồ Bắc, Quý Châu và Chiết Giang và giờ có thêm nhà máy ở Hàn Quốc với khách hàng là những nhà sản xuất pin lớn nhất Trung Quốc như CATL, SVOLT, Farasis, EVE. Ronbay cũng có hợp đồng cung cấp cho SK, nhà sản xuất pin lớn thứ 2 Hàn Quốc.
Để đạt được thành tựu này, Bai đã phải tích lũy kinh nghiệm qua rất nhiều vị trí kỹ thuật và lãnh đạo ở các công ty sản xuất vật liệu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc trong suốt thập niên 1980 và 1990. Đến năm 2014, ông quyết định ra riêng khi thành lập Ronbay Technology, sau đó đưa Công ty niêm yết trên sàn Thượng Hải vào năm 2019. Hiện Bai được xếp ngang hàng với Wang Chuanfu (sáng lập công ty sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD) và Robin Zeng (sáng lập công ty sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới CATL). Họ đại diện cho một thế hệ mới các tỉ phú công nghệ trong chiến lược đưa Trung Quốc đạt được vị thế độc lập về công nghệ và năng lượng.
Bai rất tin tưởng vào tiềm năng phát triển ra quốc tế của Ronbay khi tỉ lệ tham gia của xe năng lượng mới tại Trung Quốc năm 2022 xấp xỉ 30%, cao hơn đáng kể tỉ lệ ở châu Âu (hơn 20%) hay Mỹ (chưa tới 10%), cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, tham vọng của Bai có thể vấp phải trở ngại từ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) năm 2022 của Mỹ.
Theo đó, Chính phủ Mỹ sẽ trợ cấp 370 tỉ USD để thúc đẩy ngành sản xuất công nghệ sạch trong nước và giảm sự lệ thuộc của kinh tế Mỹ vào Trung Quốc. Đạo luật này sẽ đánh thuế 25% đối với hàng xuất khẩu công nghệ sạch Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, Bai không hề lo lắng vì khoảng 20 nước (trong đó có Hàn Quốc và Úc) đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ sẽ được trợ cấp một phần cho các sản phẩm của họ. Trong hồ sơ nộp lên cơ quan quản lý vào tháng 3/2023, Ronbay nhấn mạnh hàng vận chuyển từ nhà máy Chungju ở Hàn Quốc “không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của IRA”.
Mặc cho sự bảo đảm này, giới đầu tư vẫn lo ngại về cơ hội lập nhà máy sản xuất ở Mỹ và châu Âu của Ronbay do tâm lý phòng vệ đối với Trung Quốc ngày càng tăng. Tuy nhiên, với xu hướng chuyển đổi sang xe điện trên toàn cầu có nghĩa là nhiều nước sẽ vẫn phải dựa vào Ronbay để có được nguồn cung cathode. Theo nguồn tin từ Reuters, Tesla đang tiếp cận Ronbay và một số nhà cung cấp vật liệu pin châu Á khác nhằm giải bài toán hiệu suất pin và chi phí pin.
“Giữa lúc thị trường vẫn đang nóng sốt, có lẽ đó là một động thái khôn ngoan để Ronbay nhanh chóng bành trướng nhằm đạt tới mức độ cạnh tranh cao hơn so với các đối thủ để sau đó mọi người buộc phải tìm đến họ”, Chan Lee, đối tác điều hành tại Petra Capital Management, một quỹ đầu cơ chuyên đầu tư vào chuỗi cung ứng xe điện châu Á, nhận xét.
Nguồn Tổng hợp