Thứ Tư | 08/11/2017 14:35

Người giàu làm gì để... giàu hơn

Không dễ dàng chống lại sự thôi thúc phải chi tiêu, nhưng khi luyện tập để tạo thành thói quen, nó sẽ ăn sâu vào não chúng ta.

Nhìn từ bên ngoài, trở thành những người giàu có và thành công nhất có vẻ như chính là cách để chúng ta dễ dàng có được những chiếc xe ô tô đắt tiền nhất, phi cơ, du thuyền, những căn hộ xa hoa nhất…

Tuy nhiên, dù giới siêu giàu có khả năng sở hữu những tài sản đắt tiền nhất, nhưng những người thành công nhất luôn biết rằng, sống đúng với nhu cầu của mình chính là con đường để duy trì sự giàu có.

“Đây là câu hỏi quan trọng mà bạn nên tự hỏi: “Khi nào tôi nên mua những thứ tôi có khả năng mua được – những thứ tôi cần khi mà những thứ tôi cần ít hơn những thứ tôi có thể mua được?”, CNBC dẫn lời tác giả, diễn giả, chuyên gia tư vấn tài chính Suze Orman tại hội nghị eMerge Americas ở thành phố Miami, bang Florida, Mỹ hồi tháng 6.

Nói cách khác, việc chúng ta có khả năng mua sắm được những thứ đắt tiền hơn không có nghĩa chúng luôn là những lựa chọn tốt nhất. Và việc tiết kiệm được một đồng có nghĩa là chúng ta đã kiếm được một đồng.

Orman nhớ lại một giai đoạn vào năm 1988, khi bà sắp chuyển đến sống một khoảng thời gian dài tại New York. Việc đó dễ tạo nên cảm giác rằng bà nên mua một căn nhà tại đây. “Tôi có đủ tiền để mua một căn penthouse trị giá 1 triệu đô vào thời điểm đó. Nhưng rốt cuộc tôi mua một căn hộ có giá 240.000 USD vì đó là tất cả những gì tôi cần”, bà chia sẻ.

Nếu chúng ta chi tiêu cho thứ gì đó chỉ vì có đủ khả năng, cái kết chúng ta nhận được sẽ là một... tài khoản trống rỗng. “Hãy mua những gì bạn cần bất kể bạn giàu có thế nào, bởi vì khi bạn mua xong phi cơ, du thuyền, một vài căn nhà…, bạn sẽ đột nhiên nhận ra rằng bạn… không có tiền, Orman nói.


10 tư duy về giàu có của các tỷ phú nên tham khảo

8 điều đặc biệt về Jack Ma


Theo Orman, dù đang có thu nhập 6 con số hoặc cao hơn, đây chỉ là nền tảng để xây dựng sự giàu có. Hãy sống với những gì chúng ta cần và để dành phần còn lại cho công việc!

Nhà đầu tư - tỷ phú Warren Buffett chính là một ví dụ điển hình cho cách sống này. Ông vẫn sống trong căn nhà cũ từng mua với giá 31.500 USD vào năm 1958 (giá trị của căn nhà theo giá đô la hiện tại là 260.000 USD), sử dụng coupon giảm giá và không bao giờ chi hơn 3,17 USD cho một bữa ăn sáng.

Buffett không “cô đơn” với cách sống giản dị này. Cầu thủ bóng bầu dục Alfred Morris của câu lạc bộ Dallas Cowboys kiếm được hàng triệu đô la nhưng vẫn chạy chiếc xe sedan Mazda 626 từng mua vào năm 1991 với giá… 2 USD.

Một “đồng nghiệp” của Alfred Morris là Kirk Cousins của câu lạc bộ Washington Redskins cũng kiếm được 20 triệu USD hồi năm 2016 nhưng vẫn chọn sống cùng vợ ở tầng hầm trong căn nhà của cha mẹ mình trong suốt mùa hè và lái chiếc xe dạng dùng để chở khách từng mua lại của ông bà với giá 5.000 USD.

Mark Zuckerberg - CEO mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook cũng thường xuyên bị bắt gặp đang lái chiếc Acura TSX màu đen trị giá khoảng 30.000 USD.

Không dễ dàng chống lại sự thôi thúc phải chi tiêu, nhưng khi luyện tập để tạo thành thói quen, nó sẽ ăn sâu vào não chúng ta. “Và rồi bạn sẽ không mong muốn có bất kỳ cái gì khác hơn những gì bạn cần”, Orman kết luận.

Nguồn Doanh nhân Sài Gòn