Ông Trịnh Tỷ (giữa), CEO Mr Ty Furniture. Ảnh: TL
Người đi ngược gió
Quyết định trở về ngày đó là lựa chọn đúng đắn nhất của người sáng lập Mr Ty Furniture.
Có những ngày, trở lại Hà Lan với bụi đường, bụi gỗ vẫn còn vướng trong cổ họng, Trịnh Tỷ có chút phân vân với việc có nên trở về quê hương, gầy dựng sự nghiệp. Cuối cùng, câu trả lời thuộc về lựa chọn của trái tim. Bởi ông biết, chỉ có trở về, mới có thể mang những thứ tốt đẹp mà mình lĩnh hội được khi ở xứ người.
Đó là mùa hè năm 1998, 20 năm sau khi theo gia đình định cư, Trịnh Tỷ, một doanh nhân sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang nổi tiếng ở Hà Lan, quyết định hồi hương, thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn. Sống lại với những hồi ức tuổi thơ, thở lại bầu không khí cũ, Trịnh Tỷ bảo, điều đó khiến ông cảm nhận được sâu sắc hai từ “bản xứ”.
Trở về Hà Lan, ông mang theo những vật phẩm đặc trưng của quê nhà là gốm sứ rồi bán ở một cửa hàng nhỏ. Không ngờ, những sản phẩm ấy không chỉ được kiều bào mà cả người Hà Lan đón nhận, gây nên một mối duyên khiến ông quyết định ngoài thời trang, sẽ chú tâm thêm cả chuyện xuất nhập khẩu. Đương khi công việc ổn định thì đại diện của Habufa, một thương hiệu kinh doanh nội thất khá nổi tiếng ở châu Âu, tìm đến ông cùng lời đề nghị “ngược ngạo”: về làm chuyên viên phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Không ai nghĩ, Trịnh Tỷ đồng ý với lời đề nghị này. “Tôi quyết định nhận lời. Đến một độ tuổi nào đó, người ta muốn thay đổi và mục tiêu công việc, không chỉ đơn thuần kiếm tiền là đủ”, ông nói.
Habufa Funiture được thành lập năm 1968. Tương tự IKEA, Habufa Funiture đặt nguồn hàng gia công ở các nước rồi đảm nhận khâu thương mại. Trịnh Tỷ chia sẻ, những đơn hàng của Habufa Funiture đòi hỏi rất cao từ chất lượng, kỹ thuật gia công đến xuất xứ nguyên liệu. “Điểm đáng quý khi làm việc với người Hà Lan là họ cực kỳ cởi mở trong việc chia sẻ thông tin. Họ sẵn sàng tư vấn kiến thức để hợp tác đạt kết quả tốt nhất chứ không giấu nghề”, ông Tỷ nói. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến ông quyết định chuyển giao toàn bộ sự nghiệp của mình ở Hà Lan cho người thân, về Việt Nam kiến tạo những giá trị mới.
Bên cạnh kỹ thuật, những đơn hàng đầu tiên từ châu Âu cũng mở ra một định hướng rất cần thiết là sử dụng gỗ hợp pháp. Ông Trịnh Tỷ kể, ngày đó, từ yêu cầu của thị trường thế giới, ông cùng các doanh nghiệp trong ngành mới bắt đầu tìm tòi thử nghiệm các nguyên liệu trong nước, từ sầu đâu, muồng, thao lao... đến cuối cùng mới tìm được cây tràm bông vàng và keo. Nguồn gỗ rừng trồng này đảm bảo việc doanh nghiệp không gây tổn hại môi trường nên được thị trường thế giới ủng hộ.
Nhờ các hợp đồng với Habufa, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được cách làm việc với các đối tác châu Âu, tự tin bước ra thị trường thế giới. Những cái tên đầu tiên này chính là chất xúc tác cho việc hình thành một thị trường cung cấp đồ gỗ cho thế giới tại Việt Nam như hiện nay. “Đó là điều khiến tôi tự hào nhất khi rời bỏ an nhàn nơi xứ sở của hoa Tulip về với quê hương”, Trịnh Tỷ nói.
Năm 2007, suy thoái kinh tế dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng ở thị trường châu Âu. Công việc vì vậy cũng nhàn hơn nhưng ông lại quyết định rời Habufa, cho mình thời gian để có những dự tính mới. Kết hợp với một người em mở xưởng sản xuất, thử nghiệm những điều mình nghĩ, mình tin, Trịnh Tỷ cũng không ngờ, mình vẫn nhận được cái kết đắng. Ông chia sẻ: “Từ thương mại đến sản xuất là một khoảng cách rất lớn”.
Sau 2 năm nghiên cứu thị trường, tính toán lại toàn bộ, Trịnh Tỷ quyết định thử sức lần nữa. Ông gom vốn liếng còn lại, gầy dựng thương hiệu Mr Ty Furniture. Tiếp đó, cùng với những người bạn thân, cho ra đời Insidesaigon, vẫn quyết tâm trung thành với sản xuất đồ gỗ nhưng với mô hình hoàn toàn khác. “Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn cách làm từ A đến Z cho một sản phẩm trong khi các nước, mô hình chuyên môn hóa hiệu quả hơn hẳn”, Trịnh Tỷ tiết lộ.
Học hỏi cách làm trên, ông không đầu tư toàn bộ dây chuyền như thông thường mà liên kết với nhiều doanh nghiệp trong ngành, chia nhỏ để mỗi doanh nghiệp có thể phụ trách từng công đoạn. Mr Ty Funiture và Insidesaigon sẽ phát triển mẫu mới, thực hiện kiểm soát khâu thành phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Việc sản xuất, xưởng chỉ làm một phần, còn lại giao cho các xưởng sản xuất vệ tinh.
Sản xuất kết hợp đòi hỏi doanh nghiệp phải quản lý được chất lượng đồng đều các cấu thành của một sản phẩm. Đó là một thách thức nhưng nếu chọn được đối tác tốt, hợp ý thì sẽ cùng phát triển rất nhanh. Ông chủ Insidesaigon chia sẻ: “Các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Heineken, Philips... đều chọn cách làm này. Điều quan trọng nhất trong hợp tác là phải sòng phẳng với nhau, rõ ràng và tuân thủ các cam kết ngay từ đầu”.
Gần 10 năm áp dụng phương thức sản xuất mới, Mr Ty Furniture và Insidesaigon giờ “làm chủ cuộc chơi” ở thị trường châu Âu với khả năng xuất khẩu lên đến 30 container/tháng. Người đứng đầu của 2 thương hiệu này đã chính thức cắm rễ với việc xây dựng gia đình ở Việt Nam. “Không đâu bằng nhà mình, quê mình”, Trịnh Tỷ nói với nụ cười thật tươi. Đến tận bây giờ, ông vẫn nghĩ, quyết định trở về ngày đó là lựa chọn tốt đúng đắn của mình.